Trở ngại khách quan trong thực hiện yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định mới?
Nội dung chính
Trở ngại khách quan trong thực hiện yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định mới?
Ngày 15/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 152/2024/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính Phủ.
Trong đó, khoản 1 Điều 1 Nghị định 152/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về trở ngại khách quan tại điểm b khoản 4 Điều 3 của Nghị định 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP như sau:
Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo hoặc phải thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; đương sự bị tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc các trở ngại khách quan khác theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự 2015.
Như vậy, Nghị định 152/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm một trường hợp của trở ngại khách quan là trở ngại khách quan khác theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự 2015.
Trở ngại khách quan trong thực hiện yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định mới? (Hình từ Internet)
Quy định về sự chứng kiến của Chấp hành viên trong thỏa thuận thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung như thế nào?
Khoản 2 Điều 1 Nghị định 152/2024/NĐ-CP quy định:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính Phủ như sau:
…
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 như sau:
“4. Khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Đối với các trường hợp thỏa thuận giao quyền sử dụng đất, giao nhà, tài sản gắn liền với đất; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên; giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động thì Chấp hành viên chứng kiến ngoài trụ sở cơ quan nếu đương sự yêu cầu.
Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào văn bản thỏa thuận.”.
…
Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm nội dung về địa điểm chứng kiến của Chấp hành viên. Cụ thể: việc chứng kiến được thực hiện tại trụ sở cơ quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như: Thỏa thuận giao quyền sử dụng đất, giao nhà, tài sản gắn liền với đất; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên; giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động thì Chấp hành viên có thể chứng kiến ngoài cơ sở khi đơn sự có yêu cầu.
Ngoài ra, Nghị định 152/2024/NĐ-CP còn đưa ra quy định về việc từ chối chứng kiến của Chấp hành viên khi phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án. Tuy nhiên, việc từ chối phải nêu rõ lý do vào văn bản thỏa thuận.
Nghị định 152/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.