Theo quy định thì giáo viên lớp 3 tại trường dân tộc bán trú phải dạy bao nhiêu tiết mỗi tuần?

Giáo viên lớp 3 trường dân tộc bán trú phải dạy bao nhiêu tiết trong tuần? Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn như thế nào?

Nội dung chính

    Theo quy định thì giáo viên lớp 3 tại trường dân tộc bán trú phải dạy bao nhiêu tiết mỗi tuần?

    Tại Điều 6 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định về định mức tiết dạy như sau:

    Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:

    1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;

    2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông;

    Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;

    Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

    2a. Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết.

    3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành.

    Như vậy, nếu bạn là giáo viên lớp 3 dạy tại trường dân tộc bán trú thì bạn phải dạy 21 tiết/tuần.

    Theo quy định thì giáo viên lớp 3 tại trường dân tộc bán trú phải dạy bao nhiêu tiết mỗi tuần? (Hình ảnh từ Internet)

    Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn như thế nào?

    Tại Điều 8 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn như sau:

    1. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.

    2. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần.

    2a. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại Thông tư này

    3. Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần.

    4. Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2 - 3 tiết/tuần tùy khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định.

    5. Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.

    5a. Tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần”.

    5b. Giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần;

    Giáo viên kiêm phó trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 1 tiết/tuần.

    Theo đó, chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn được thực hiện như trên.

    Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên được quy định như thế nào?

    Tại Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3, 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau:

    1. Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

    a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

    b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

    c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

    d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

    2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

    a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

    b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

    c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

    d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

    2a. Thời gian làm việc của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó:

    a) 28 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch năm học;

    b) 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học;

    c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

    d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học

    3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

    a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)

    b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

    Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

    Trên đây là quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên.

    7