Thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng mà giờ ngân hàng đổi tên thì xử lý như thế nào?
Nội dung chính
Thế chấp quyền sử dụng đất là gì?
Tại khoản 1 Điều 317 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
Pháp luật hiện hành không có định nghĩa như thế nào là thế chấp quyền sử dụng đất, tuy nhiên, dựa vào quy định nêu trên, có thể hiểu thế chấp quyền sử dụng đất là việc một bên có quyền sử dụng đất (gọi là bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (bên nhận thế chấp); bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp mà không phải chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên nhận thế chấp.
Thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng mà giờ ngân hàng đổi tên thì xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
(1) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
(2) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
(4) Trong thời hạn sử dụng đất;
(5) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với trường hợp thực hiện quyền thế chấp sử dụng đất của cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai 2024 thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 48 Luật Đất đai 2024, cụ thể:
- Cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai 2024 không được thế chấp quyền sử dụng đất, trừ trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng chính sách.
Thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng mà giờ ngân hàng đổi tên thì xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, bên nhận thế chấp (ngân hàng) thay đổi tên thuộc một trong những trường hợp phải đăng ký thay đổi nội dung thế chấp quyền sử đất đã đăng ký (sau đây gọi là đăng ký thay đổi).
Hồ sơ đăng ký thay đổi đối với quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 32 Nghị định 99/2022/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ sau:
(1) Phiếu yêu cầu theo Mẫu số 02a tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 99/2022/NĐ-CP (01 bản chính);
(2) Văn bản chứng minh có căn cứ đăng ký thay đổi nội dung thế chấp quyền sử đất (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
(3) Giấy chứng nhận (bản gốc) trong trường hợp tài sản bảo đảm có Giấy chứng nhận.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng mà giờ ngân hàng đổi tên thì thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp quyền sử đất đã đăng ký. Hồ sơ đăng ký bao gồm các giấy tờ nêu trên.