Rút tiền tiết kiệm của chị gái đang ở tù như thế nào?
Nội dung chính
Rút tiền tiết kiệm của chị gái đang ở tù như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN thì:
"4. Tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục chi trả đối với các trường hợp chi trả sau đây phù hợp với quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng:
a) Chi trả tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế;
b) Chi trả tiền gửi tiết kiệm theo ủy quyền của người gửi tiền."
Do đó, nếu chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm muốn ủy quyền cho người khác thực hiện các công việc liên quan đến tiền gửi, tài khoản tiết kiệm của mình thì cần liên hệ với ngân hàng nhận tiền gửi tiết kiệm để được hướng dẫn thủ tục ủy quyền cụ thể. Thông thường, một số ngân hàng yêu cầu Giấy ủy quyền phải được lập tại ngân hàng; trường hợp giấy ủy quyền không được lập tại ngân hàng thì phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương theo quy định.
Theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng 2014 thì:
"1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng."
Việc lập hợp đồng ủy quyền thì bạn cần yêu cầu công chứng viên đến trại tạm giam nơi chị bạn bị giam giữ để phối hợp với trại tạm giam thực hiện.
Người được ủy quyền khi đến rút tiền tiết kiệm theo ủy quyền phải có các giấy tờ: Sổ tiền gửi tiết kiệm đứng tên chủ sở hữu là người ủy quyền; chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được uỷ quyền và Giấy uỷ quyền có xác nhận,…
Trên đây là nội dung hỗ trợ của chúng tôi.
Trân trọng!