Ra nước ngoài sinh sống nhà ở giao lại cho con gái ở nay con rể chiếm giữ thì có đòi lại được không?
Nội dung chính
Ra nước ngoài sinh sống nhà ở giao lại cho con gái ở nay con rể chiếm giữ thì có đòi lại được không?
Ông có thể đòi lại nhà.
Nhà đất do ông tạo lập, có giấy tờ xác nhận sở hữu. Khi ông bà đi ra nước ngoài thì con gái ông là người ở chung nhà vẫn tiếp tục ở nhà này. Vào năm 1989 con gái ông đã thực hiện kê khai đăng ký nhà đất theo chủ trương của nhà nước. Ông bà đi ra nước ngoài sinh sống nhưng nhà đất của ông nhà nước không thực hiện việc quản lý trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991. Việc con gái ông (nay là con rể và các cháu ngoại của ông bà) trực tiếp quản lý, sử dụng nhà ở này chỉ với tư cách là người ở nhờ, vì những người này không chứng minh được việc họ ở tại nhà ở đó là theo quan hệ mua bán, thuê, đổi, tặng cho, thừa kế nhà ở, uỷ quyền quản lý nhà ở.
Quan điểm của nhà nước trong việc giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thể hiện trong Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà ở; quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch; lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và khuyến khích, tôn trọng sự thoả thuận của các bên tham gia giao dịch dân sự; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong nội bộ nhân dân; tránh lãng phí của cải, vật chất phát sinh do việc đòi lại nhà gây ra. Trên tinh thần đó, ông nên nhờ chính quyền địa phương, các đoàn thể nhân dân trao đổi, thuyết phục để con rể trả lại nhà. Trong trường hợp không thể hòa giải được thì ông cần làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh để được giải quyết.