Quy định về tác phong của người lao động làm việc tại trạm thu phí và hình thức thu tiền sử dụng đường bộ?
Nội dung chính
Thời gian làm việc, trang phục và phù hiệu ở trạm thu phí đường bộ được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định như sau:
Thời gian làm việc, trang phục, phù hiệu
1. Trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ trừ những trường hợp tạm dừng thu, dừng thu theo quy định tại Điều 22, Điều 23 Thông tư này.
2. Người lao động làm việc tại trạm thu phí phải mặc đồng phục trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mẫu đồng phục của người lao động tại trạm thu phí do đơn vị vận hành thu quyết định nhưng phải đảm bảo có phù hiệu, biểu trưng của đơn vị vận hành thu, biển tên, chức danh được bố trí ở vị trí dễ nhận biết.
Theo đó, trạm thu phí phải duy trì hoạt động liên tục 24/24 giờ trong tất cả các ngày trong năm, đảm bảo không gián đoạn trừ các trường hợp được quy định cụ thể.
Người lao động tại trạm thu phí phải tuân thủ quy định về đồng phục, đảm bảo nhận diện rõ ràng với phù hiệu, biểu trưng, biển tên và chức danh, góp phần duy trì tính chuyên nghiệp và minh bạch trong hoạt động thu phí.
Quy định về tác phong của người lao động làm việc tại trạm thu phí và hình thức thu tiền sử dụng đường bộ? (Ảnh từ Internet)
Quy định về hình thức thu tiền sử dụng đường bộ như thế nào?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định như sau:
Hình thức thu tiền sử dụng đường bộ
Thu tiền sử dụng đường bộ được thực hiện theo hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng.
1. Hình thức điện tử không dừng là hình thức thu tiền sử dụng đường bộ tự động, phương tiện tham gia giao thông đường bộ không phải dừng lại để trả tiền sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí.
2. Hình thức một dừng là hình thức thu tiền sử dụng đường bộ mà khi qua trạm thu phí, phương tiện giao thông đường bộ thực hiện một lần dừng khi qua cửa kiểm soát làn thu phí để trả tiền sử dụng đường bộ.
Như vậy, thu tiền sử dụng đường bộ hiện được áp dụng dưới hai hình thức:
(1) Điện tử không dừng, giúp phương tiện không phải dừng lại khi qua trạm thu phí.
(2) Một dừng, yêu cầu phương tiện dừng một lần tại cửa kiểm soát làn thu phí để thanh toán.
Kết nối dữ liệu thu tiền sử dụng đường bộ được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định như sau:
Kết nối dữ liệu thu tiền sử dụng đường bộ
1. Dữ liệu thu tiền sử dụng đường bộ được kết nối theo quy định của các tiêu chuẩn hiện hành về thu phí, theo quy định của pháp luật về thanh toán điện tử giao thông đường bộ và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ phải đảm bảo kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu trên nguyên tắc sẵn sàng, khả thi, thuận tiện, tránh trùng lặp, lãng phí theo quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Chi phí kết nối dữ liệu thu phí giữa các Back-End do các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thoả thuận.
3. Dữ liệu thu tiền sử dụng đường bộ phải được kết nối về hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
4. Kết nối dữ liệu thu tiền sử dụng đường bộ phải đảm bảo tốc độ truyền dẫn, tính dự phòng; đáp ứng yêu cầu an ninh và bảo mật thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về an ninh mạng, pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Như vậy, việc kết nối dữ liệu thu tiền sử dụng đường bộ phải tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo tính sẵn sàng, đồng bộ, và hiệu quả.
Đồng thời tuân theo quy định pháp luật về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Dữ liệu cần được kết nối an toàn, bảo mật, đáp ứng các yêu cầu về tốc độ và tính dự phòng.
Thông tư 34/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.