Quy định về các loại thửa đất trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ 10/1/2025

Nguyên tắc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ 10/1/2025 quy định thế nào? Quy định về các loại thửa đất trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ 10/1/2025

Nội dung chính

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm những thành phần nào?

    Thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2024 được thiết kế theo mô hình dữ liệu gồm: dữ liệu không gian đất đai, dữ liệu thuộc tính đất đai, dữ liệu đất đai phi cấu trúc và siêu dữ liệu đất đai. 

    Vào ngày 26/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 25/2024/TT-BTNMT, quy định chi tiết về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, có hiệu lực từ ngày 10/01/2025. Theo Điều 3 Thông tư 25/2024/TT-BTNMT thì cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được tổ chức xây dựng, quản lý theo phân cấp từ trung ương đến địa phương như sau:

    (1) Cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương tổ chức xây dựng, quản lý trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm:

    (i) Cơ sở dữ liệu địa chính;

    (ii) Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;

    (iii) Cơ sở dữ liệu giá đất;

    (iv) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

    (v) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai.

    (2) Cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương tổ chức xây dựng, quản lý gồm:

    (i) Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với cấp vùng kinh tế - xã hội và cả nước;

    (ii) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với cấp quốc gia;

    (iii) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai đối với cấp vùng kinh tế - xã hội và cả nước;

    (iv) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai: dữ liệu về hồ sơ đất đai tại trung ương; dữ liệu địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất; dữ liệu về thông tin kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính; dữ liệu tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; dữ liệu về Giấy chứng nhận bị thu hồi, hủy; dữ liệu tổng hợp về giá đất;

    (v) Cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tích hợp lên trung ương.

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được tổ chức theo mô hình phân cấp từ trung ương đến địa phương, bao gồm các thành phần như dữ liệu không gian, thuộc tính, phi cấu trúc và siêu dữ liệu đất đai. 

    Tại cấp địa phương, cơ sở dữ liệu bao gồm các lĩnh vực như địa chính, quy hoạch, giá đất, và thống kê đất đai. Cấp trung ương quản lý các cơ sở dữ liệu liên quan đến điều tra, đánh giá, quy hoạch và giá đất ở cấp quốc gia, cùng với các dữ liệu khác như hồ sơ đất đai và thông tin kết quả đo đạc.

    Quy định về các loại thửa đất trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ 10/1/2025

    Quy định về các loại thửa đất trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ 10/1/2025 (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ 10/1/2025 quy định thế nào?

    Vào ngày 26/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 25/2024/TT-BTNMT, quy định chi tiết về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, có hiệu lực từ ngày 10/01/2025. Thông tư này đưa ra 07 nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, được quy định tại Điều 4 Thông tư 25/2024/TT-BTNMT như sau:

    (1) Cơ sở dữ liệu đất đai sau khi xây dựng phải đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    (2) Các cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được xây dựng đồng thời và được liên kết, tích hợp với nhau, trong đó cơ sở dữ liệu địa chính được ưu tiên xây dựng để làm cơ sở xây dựng và định vị không gian các cơ sở dữ liệu thành phần khác của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    (3) Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải thống nhất với thông tin, dữ liệu, tài liệu hồ sơ được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    (4) Trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phải đảm bảo các quy định về an toàn và bảo mật dữ liệu.

    (5) Việc đồng bộ, tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai do trung ương quản lý phải được thực hiện thường xuyên sau khi cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương đưa vào quản lý, vận hành.

    (6) Quy mô tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện trên cơ sở thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhưng chưa đầy đủ dữ liệu của tất cả các đơn vị hành chính cấp xã thì xây dựng bổ sung để đảm bảo khép kín đơn vị hành chính cấp huyện.

    Thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm theo quyết định phê duyệt phải nộp (bản số) về Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai để theo dõi, tổng hợp.

    (7) Đối với khu vực đất sản xuất nông nghiệp đã có kế hoạch hoặc đang thực hiện dồn điền đổi thửa thì cơ sở dữ liệu địa chính được xây dựng trong quá trình thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.

    Như vậy, 7 nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Các nguyên tắc này bao gồm yêu cầu về tính thống nhất, liên kết các cơ sở dữ liệu thành phần, bảo mật thông tin và đảm bảo đồng bộ dữ liệu giữa các địa phương và trung ương. 

    Quy định về các loại thửa đất trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ 10/1/2025

    Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 25/2024/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ 10/1/2025 thực hiện phân loại các thửa đất trên cơ sở hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai như sau:

    - Thửa đất loại A: là thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận chưa có tài sản gắn liền với đất;

    - Thửa đất loại B: là thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận có tài sản gắn liền với đất;

    - Thửa đất loại C: là thửa đất được cấp chung một Giấy chứng nhận;

    - Thửa đất loại D: căn hộ, văn phòng, cơ sở dịch vụ - thương mại trong nhà chung cư, nhà hỗn hợp, công trình xây dựng, công trình ngầm, hạng mục của công trình xây dựng đã được cấp Giấy chứng nhận;

    - Thửa đất loại E: thửa đất đã đăng ký đất đai nhưng chưa hoặc không được cấp Giấy chứng nhận;

    - Thửa đất loại G: thửa đất đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận nhưng không thu thập được tài liệu theo yêu cầu để xây dựng cơ sở dữ liệu;

    - Thửa đất loại H: thửa đất chưa đăng ký đất đai.

    Như vậy, từ ngày 10/01/2025, các thửa đất trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được phân loại thành 7 nhóm (A, B, C, D, E, G, H) dựa trên tình trạng đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và tài sản gắn liền với đất. Quy định này giúp quản lý đất đai hiệu quả hơn, đảm bảo thông tin đồng bộ và minh bạch trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

    35