4 bước trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai bao gồm những gì?
Nội dung chính
4 bước trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai bao gồm những gì?
Theo Điều 60 Nghị định 101/2024/NĐ-CP để có thể khai thác thông tin đất đai, kiểm tra đất thuộc quy hoạch thế chấp, tranh chấp không thì người yêu cầu cần thực hiện như sau:
Bước 01: Người yêu cầu tải phiếu yêu cầu theo Mẫu số 13/ĐK được ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Tại danh mục và nội dung dữ liệu cần cung cấp trên phiếu yêu cầu thì tích vào ô thông tin cần biết theo nhu cầu, nếu cần tổng hợp thông tin thì tích vào ô “tất cả thông tin trên”.
Bước 02: Nộp đến cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo một trong các phương thức như sau:
- Nộp trên Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
- Nộp trực tiếp hoặc gửi bằng đường công văn, điện tích, dịch vụ bưu chính.
- Nộp qua các phương tiện điện tử khác.
Bước 03: Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện các công việc như sau:
- Tiếp nhận, xử lý và thông báo phí, giá sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức/cá nhân.
- Nếu từ chối cung cấp thông tin đất đai phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do và trả lời trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Lưu ý:
- Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu phải có nội dung rõ ràng, cụ thể.
- Phải có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân.
- Mục đích sử dụng dữ liệu phải phù hợp theo quy định của pháp luật.
Bước 04: Sau khi tổ chức/cá nhân thực hiện nộp phí, cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
Thời gian thực hiện:
- Thông tin, dữ liệu có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai: Ngay trong ngày làm việc. Nếu nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.
- Thông tin, dữ liệu không có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai: Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu hợp lệ phải cung cấp thông tin hoặc gửi thông báo về việc gia hạn thời gian cung cấp thông tin.
Trường hợp cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, tổng hợp, phân tích hoặc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan thì có thể gia hạn nhưng tối đa không được quá 15 ngày làm việc.
4 bước trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào không được cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai?
Căn cứ theo Điều 61 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định những trường hợp không được cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai cụ thể như sau:
(1) Thông tin, dữ liệu đất đai thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định của Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
(2) Những thông tin, dữ liệu đất đai gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội mà pháp luật quy định.
(3) Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được sự đồng ý của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đó, trừ trường hợp phục vụ hoạt động điều tra, thi hành án dân sự, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật và phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
(4) Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu không hợp lệ theo quy định.
(5) Tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhưng không thực hiện nộp phí khai thác, sử dụng tài liệu đất đai hoặc giá sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định.
Thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm những gì?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 25/2024/TT-BTNMT quy định cụ thể như sau:
Điều 3. Thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
Thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật Đất đai được thiết kế theo mô hình dữ liệu gồm: dữ liệu không gian đất đai, dữ liệu thuộc tính đất đai, dữ liệu đất đai phi cấu trúc và siêu dữ liệu đất đai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được tổ chức xây dựng, quản lý theo phân cấp từ trung ương đến địa phương như sau:
1. Cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương tổ chức xây dựng, quản lý trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm:
a) Cơ sở dữ liệu địa chính;
b) Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;
c) Cơ sở dữ liệu giá đất;
d) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
đ) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai.
2. Cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương tổ chức xây dựng, quản lý gồm:
a) Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với cấp vùng kinh tế - xã hội và cả nước;
b) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với cấp quốc gia;
c) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai đối với cấp vùng kinh tế - xã hội và cả nước;
d) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai: dữ liệu về hồ sơ đất đai tại trung ương; dữ liệu địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất; dữ liệu về thông tin kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính; dữ liệu tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; dữ liệu về Giấy chứng nhận bị thu hồi, hủy; dữ liệu tổng hợp về giá đất;
đ) Cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tích hợp lên trung ương.
Như vậy, thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2024 được thiết kế theo mô hình dữ liệu gồm: dữ liệu không gian đất đai, dữ liệu thuộc tính đất đai, dữ liệu đất đai phi cấu trúc và siêu dữ liệu đất đai.