Quy định về bảo trì hệ thống giám sát giao thông đường bộ được nêu rõ như thế nào?
Nội dung chính
Theo như quy định thì việc bảo trì hệ thống giám sát giao thông đường bộ được thực hiện như thế nào?
Bảo trì hệ thống giám sát giao thông là thực hiện các công việc bảo dưỡng và sửa chữa nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống giám sát đang khai thác.
Bảo trì hệ thống giám sát giao thông đường bộ được quy định tại Điều 8 Thông tư 17/2014/TT-BCA quy định về vận hành, quản lý, bảo trì, bảo vệ hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, cụ thể như sau:
- Bảo dưỡng hệ thống giám sát giao thông
Công an các đơn vị, địa phương được giao quản lý hệ thống giám sát giao thông có trách nhiệm tổ chức bảo dưỡng hệ thống giám sát giao thông do mình quản lý, cụ thể:
+ Các thiết bị đầu cuối (máy đo tốc độ có ghi hình, camera giám sát, camera chụp ảnh phương tiện vi phạm, các thiết bị điều khiển, các thiết bị điện, điện tử và cơ khí khác) phải được bảo dưỡng thường xuyên;
+ Các thiết bị xử lý tại trung tâm, phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; hệ thống truyền dữ liệu phải được bảo dưỡng theo định kỳ 03 tháng 01 lần;
+ Các thiết bị phụ trợ khác (cột, giá long môn, thiết bị chống sét, thiết bị bảo vệ, thiết bị cảnh báo…) phải được bảo dưỡng theo định kỳ 06 tháng 01 lần;
+ Khi tiến hành bảo dưỡng phải tuân theo đúng quy trình kỹ thuật đối với từng loại thiết bị, phải có sổ nhật ký ghi nhận tình trạng trước và sau khi bảo dưỡng.
- Sửa chữa hệ thống giám sát giao thông
Thiết bị của hệ thống giám sát giao thông bị hư hỏng phải được sửa chữa kịp thời. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương được giao quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông có thẩm quyền quyết định việc sửa chữa các thiết bị của hệ thống giám sát giao thông.
+ Thiết bị của hệ thống giám sát giao thông đang sử dụng mà bị hư hỏng phải được xử lý để bảo đảm cho hệ thống giám sát giao thông hoạt động an toàn, liên tục;
+ Trường hợp thiết bị của hệ thống giám sát giao thông bị hư hỏng nặng, cần phải sửa chữa lớn, đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông phải kiểm tra, đánh giá tình trạng hư hỏng của từng chi tiết, thiết bị, xác định khối lượng vật tư, chi tiết, thiết bị cần thay thế, sửa chữa báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh (đối với Công an địa phương), Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (đối với đơn vị thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt) quyết định việc sửa chữa, thay thế. Trường hợp thiết bị của hệ thống giám sát giao thông bị hư hỏng nặng mà không thể khôi phục được thì phải thay thế bằng thiết bị mới; các thiết bị thay thế mới này phải bảo đảm đúng chủng loại, chất lượng theo thiết kế của hệ thống giám sát giao thông hoặc phải có tính năng, thông số kỹ thuật tương đương hoặc cao hơn nhưng phải bảo đảm sự tương thích, đồng bộ với các thiết bị khác được kết nối trong hệ thống giám sát giao thông.
- Việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống giám sát giao thông phải được thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và do các đơn vị trong ngành Công an thực hiện; trường hợp các đơn vị trong ngành Công an không bảo dưỡng, sửa chữa được thì đơn vị quản lý hệ thống giám sát giao thông có thể lựa chọn đơn vị ngoài ngành Công an thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa. Việc bảo dưỡng, sửa chữa phải được giám sát chặt chẽ, bảo đảm bí mật thông tin về hệ thống giám sát giao thông.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc bảo trì hệ thống giám sát giao thông đường bộ.