Quản lý dự án đầu tư xây dựng có thuộc lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không?

Chuyên viên pháp lý: Lê Trần Hương Trà
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Quản lý dự án đầu tư xây dựng có thuộc lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không? Quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng như thế nào?

Nội dung chính

Quản lý dự án đầu tư xây dựng có thuộc lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không?

Căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 74 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định về lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề và phạm vi hoạt động như sau:

Điều 74. Lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề và phạm vi hoạt động
1. Cá nhân phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này khi đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập các lĩnh vực sau:
a) Khảo sát xây dựng gồm: Khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình;
b) Thiết kế quy hoạch xây dựng;
c) Thiết kế xây dựng gồm: Thiết kế kiến trúc công trình (thực hiện theo quy định của Luật Kiến trúc); thiết kế xây dựng công trình; thiết kế cơ – điện công trình;
d) Giám sát thi công xây dựng gồm: Giám sát công tác xây dựng công trình; giám sát công tác lắp đặt thiết bị công trình;
đ) Định giá xây dựng;
e) Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
2. Phạm vi hoạt động của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VII Nghị định này.

Như vậy, theo quy định nêu trên, công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng là một trong những lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

Lưu ý: Để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong lĩnh vực giám sát thi công xây dựng, cá nhân phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định 175/2024/NĐ-CP khi đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập.

Quản lý dự án đầu tư xây dựng có thuộc lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không?

Quản lý dự án đầu tư xây dựng có thuộc lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không? (Hình từ Internet)

Quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng như thế nào?

Căn cứ vào Điều 24 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:

(1) Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, cụ thể như sau:

- Người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (sau đây gọi là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn hoặc khi giao Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực làm chủ đầu tư;

- Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo điểm a khoản này, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.

(2) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án được quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.

(3) Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định tại văn bản thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; trường hợp không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định Nghị định 175/2024/NĐ-CP.

(4) Đối với dự án PPP, hình thức quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án và thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

(5) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về điều kiện năng lực của giám đốc quản lý dự án, cá nhân được giao phụ trách lĩnh vực chuyên môn và mối quan hệ công tác phù hợp yêu cầu đặc thù quản lý ngành đối với dự án đầu tư xây dựng phục vụ quốc phòng, an ninh.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có quyền đề xuất giải pháp tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng không?

Căn cứ tại điểm a khoản Điều 69 Luật Xây dựng 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:

Điều 69. Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có các quyền sau:
a) Thực hiện quyền quản lý dự án theo ủy quyền của chủ đầu tư;
b) Đề xuất phương án, giải pháp tổ chức quản lý dự án, kiến nghị với chủ đầu tư giải quyết vấn đề vượt quá thẩm quyền;
c) Thuê tổ chức tư vấn tham gia quản lý dự án trong trường hợp cần thiết sau khi được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận.
2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có các nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư về quản lý dự án trong phạm vi được ủy quyền;
b) Tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường trong xây dựng;
c) Báo cáo công việc với chủ đầu tư trong quá trình quản lý dự án;
d) Chịu trách nhiệm về vi phạm pháp luật trong quản lý thực hiện dự án;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có quyền đề xuất giải pháp tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng.

saved-content
unsaved-content
39