Nội dung và xác định tổng mức đầu tư của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng là gì?
Nội dung chính
Nội dung và xác định tổng mức đầu tư của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng là gì?
Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 85/2025/NĐ-CP quy định nội dung và xác định tổng mức đầu tư của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng cụ thể như sau:
(1) Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là ước tính chi phí đầu tư của dự án được xác định phù hợp với các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C.
- Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được tính toán trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của dự án và suất vốn đầu tư (nếu có) hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, quy mô, tính chất dự án đã hoặc đang thực hiện, có điều chỉnh, bổ sung những chi phí cần thiết khác.
(2) Tổng mức đầu tư dự án là toàn bộ chi phí đầu tư của dự án được xác định cụ thể phù hợp với thiết kế một bước hoặc thiết kế hai bước quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 85/2025/NĐ-CP và các nội dung khác của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
(3) Nội dung các chi phí của tổng mức đầu tư:
- Chi phí chuẩn bị đầu tư;
- Chi phí mua sắm tài sản, nhà cửa, đất đai;
- Chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng, chi tiết máy để thực hiện các dự án;
- Chi phí thiết bị gồm chi phí mua sắm thiết bị và thiết bị công nghệ, chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có), chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí có liên quan khác;
- Chi phí tiền lương, tiền công để thực hiện dự án;
- Chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế và các loại phí, chi phí liên quan khác;
- Chi phí tư vấn gồm chi phí tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chi phí thiết kế, chi phí tư vấn giám sát dự án và các chi phí tư vấn khác liên quan (nếu có);
- Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án;
- Chi phí quản lý và các thành phần chi phí khác.
(4) Cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực quy định tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
(5) Phương pháp xác định một số khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư dự án như sau:
- Chi phí mua sắm tài sản, nhà cửa, đất đai được xác định trên cơ sở diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở và phù hợp với thời gian lập tổng mức đầu tư, địa điểm đầu tư dự án;
- Chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng, chi tiết máy (nếu có) để thực hiện dự án được tính toán trên cơ sở số lượng, chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật và giá cả thị trường;
- Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở số lượng, loại thiết bị hoặc hệ thống thiết bị theo phương án công nghệ, kỹ thuật và thiết bị được lựa chọn, giá cả thị trường và các chi phí khác có liên quan;
- Chi phí tiền lương, tiền công căn cứ vào các tiêu chuẩn định mức, tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định của pháp luật;
- Chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế và các loại phí, chi phí khác có liên quan được tính theo quy định của pháp luật và giá cước vận chuyển;
- Chi phí tư vấn được xác định theo công việc tư vấn của dự án tương tự đã thực hiện hoặc xác định bằng ước tính theo từng khoản chi cho việc tư vấn theo định mức (nếu có) hoặc giá cả thị trường;
- Chi phí dự phòng cho công việc có thể phát sinh thêm và trượt giá trong thời gian triển khai thực hiện dự án được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng mức đầu tư và từng yếu tố chi phí cụ thể quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 85/2025/NĐ-CP;
- Chi phí quản lý và chi phí khác được xác định theo quy định của pháp luật và đặc điểm, tổ chức quản lý của dự án.
Nội dung và xác định tổng mức đầu tư của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng là gì? (Hình từ Internet)
Phân loại kế hoạch đầu tư công được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 49 Luật Đầu tư công 2024 quy định phân loại kế hoạch đầu tư công như sau:
(1) Phân loại kế hoạch đầu tư công theo thời hạn kế hoạch bao gồm:
- Kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập trong thời hạn 05 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm;
- Kế hoạch đầu tư công hằng năm để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và cân đối vốn đầu tư công hằng năm.
(2) Phân loại kế hoạch đầu tư công theo cấp quản lý bao gồm:
- Kế hoạch đầu tư công của quốc gia;
- Kế hoạch đầu tư công của các Bộ, cơ quan trung ương;
- Kế hoạch đầu tư công của các cấp chính quyền địa phương.
(3) Phân loại kế hoạch đầu tư công theo nguồn vốn đầu tư bao gồm:
- Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, bao gồm đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình đầu tư công, phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP;
- Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương, bao gồm đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình đầu tư công, phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP;
- Kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
Đối tượng đầu tư công là gì?
Căn cứ theo Điều 5 Luật Đầu tư công 2024 có quy định về đối tượng đầu tư công như sau:
(1) Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
(2) Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
(3) Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.
(4) Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bồi thường, chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn được cấp có thẩm quyền quyết định, chi trả phần giảm doanh thu các dự án PPP thuộc trách nhiệm của Nhà nước, thanh toán theo hợp đồng dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) bằng tiền.
(5) Đầu tư thực hiện nhiệm vụ quy hoạch.
(6) Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công 2024.
(7) Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cơ chế, chính sách cụ thể và bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện ủy thác vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách ưu đãi theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
(8) Đối tượng đầu tư công khác theo quy định của pháp luật có liên quan.