Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư nào để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư nào để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ? Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có gồm dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở?

Nội dung chính

    Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư nào để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ?

    Căn cứ Điều 18 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    Điều 18. Dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư
    Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư mà Luật Đầu tư, luật khác liên quan không cấm chuyển nhượng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
    Chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư và quyền tài sản khác hoặc tài sản khác thuộc dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
    Trường hợp dự án đầu tư dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án khác mà theo quy định của pháp luật liên quan phải có Giấy chứng nhận, Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc căn cứ pháp lý khác thì việc mô tả trong hợp đồng bảo đảm phải thể hiện được căn cứ pháp lý này.

    Như vậy, chủ đầu tư có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư, bao gồm cả tài sản và quyền tài sản thuộc dự án, để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, miễn là dự án đó không bị cấm chuyển nhượng theo Luật Đầu tư và luật khác liên quan.

    Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư nào để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ?

    Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư nào để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ? (Hình từ Internet)

    Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có gồm dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở?

    Căn cứ khoản 1 Điều 81 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Điều 81. Loại hình dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
    1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bao gồm các dự án quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều 30 của Luật này.
    [...]

    Dẫn chiếu đến điểm đ khoản 1 Điều 30 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Điều 30. Hình thức phát triển nhà ở
    1. Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
    a) Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở độc lập hoặc 01 cụm công trình nhà ở;
    b) Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp hoặc 01 cụm công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp;
    c) Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đồng bộ việc xây dựng nhà ở với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác phục vụ nhu cầu ở;
    [...]
    đ) Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở;
    [...]

    Theo đó, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở là một loại hình của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

    Quy định chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội như thế nào? 

    Căn cứ khoản 1 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Điều 85. Ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê
    1. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn đầu tư công thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn tài chính công đoàn thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi quy định tại các điểm a, b, e, g và h khoản 2 Điều này.
    [...]

    Như vậy, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua sẽ nhận được những chính sách ưu đãi bao gồm:

    (1) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn đầu tư công theo điểm a, b khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023

    - Chủ đầu tư nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

    - Chủ đầu tư nhà ở xã hội được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

    (2) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn tài chính công đoàn theo điểm a, b, e, g và h khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023

    - Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

    - Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;

    - Được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án;

    - Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn phù hợp với thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan;

    - Ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

    saved-content
    unsaved-content
    4