Phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa có phải đăng ký, đăng kiểm không?

Anh Nguyễn Văn H vừa mới mua một chiếc thuyền trọng tải 10 tấn, lắp máy 6 sức ngựa, theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, phương tiện của anh H khi hoạt động trên đường thủy nội địa có phải đăng ký, đăng kiểm không? Nếu không đăng ký mà vẫn tham gia giao thông đường thủy nội địa thì bị xử lý như thế nào?

Nội dung chính

    Điều 1 Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của  Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa quy định phương tiện thủy nội địa của tổ chức, cá nhân đưa vào hoạt động trên đường thủy nội địa phải được đăng ký trừ phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người hoặc bè.

    Điều 1 Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22 tháng 09 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và việc tổ chức thực hiện đăng kiểm cho các phương tiện thủy nội địa. Không áp dụng đăng kiểm đối với phương tiện thủy nội địa làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá; phương tiện thủy nội địa không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện thủy nội địa có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa và có sức chở dưới 5 người; bè.

    Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện như sau: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hoặc phương tiện không bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, như sau:

    a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 01 tấn đến dưới 05 tấn hoặc có sức chở từ 05 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 05 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 05 người;

    b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 05 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở trên 12 người đến 50 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 05 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 05 người đến 12 người;

    c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 100 tấn hoặc có sức chở trên 50 người đến 100 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa đến 100 sức ngựa hoặc có sức chở trên 12 người đến 50 người;

    d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 100 tấn đến 500 tấn hoặc có sức chở trên 100 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 100 sức ngựa đến 400 sức ngựa hoặc có sức chở trên 50 người đến 100 người;

    đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 500 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 400 sức ngựa hoặc có sức chở trên 100 người.

    Ngoài ra, điểm a khoản 9 Điều 11 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP còn quy định hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của phương tiện từ 01 tháng đến 02 tháng đối với hành vi không thực hiện đăng ký, đăng kiểm nêu trên.

    Như vậy, phương  tiện của anh H khi  hoạt động  trên đường  thủy  nội địa phải  thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định. Nếu  không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn tham gia giao thông đường thủy nội địa thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

    1