Nhà đất đang thế chấp có bị kê biên để thi hành án không? Nhà đất đang thế chấp sau khi bị cưỡng chế kê biên được xử lý thế nào?
Nội dung chính
Kê biên tài sản là gì?
Kê biên tài sản là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, theo đó Tòa án thực hiện để ngăn cản những hành vi trái pháp luật đối với tài sản trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự.
Theo quy định của Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, kê biên là một trong những biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với bị can, bị cáo mà theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 có thể bị phạt tiền hoặc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.
Nhà đất đang thế chấp thì có bị kê biên để thi hành án không?
Đối với việc kê biên và xử lý tài sản thế chấp, khoản 1 Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:
Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp
1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án…
Theo quy định pháp luật, nhà đất đang thế chấp hoàn toàn có thể bị kê biên để thi hành án trong trường hợp người bị thi hành án không có tài sản khác để thanh toán hoặc giá trị tài sản khác không đủ đáp ứng khoản nợ. Điều kiện để tiến hành kê biên là giá trị của tài sản thế chấp phải lớn hơn tổng số tiền nợ và các chi phí phát sinh trong quá trình thi hành án.
Nhà đất đang thế chấp thì có bị kê biên để thi hành án không? (Hình ảnh từ internet)
Nhà đất đang thế chấp sau khi bị cưỡng chế kê biên được xử lý thế nào?
Thứ nhất, cơ quan thi hành án dân sự sau khi kê biên tài sản phải tiến hành việc xác định giá trị của tài sản kê biên. Theo quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự 2008 về định giá tài sản kê biên:
Định giá tài sản kê biên
1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
a) Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;
b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;
c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này…
Theo đó, việc xác định giá trị tài sản kê biên có thể được tiến hành theo sự thỏa thuận của các đương sự thông qua tổ chức thẩm định giá hoặc có thể do chấp hành viên tự xác định theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản kê biên sau khi định giá tài sản. Cụ thể, căn cứ vào Điều 100 và Điều 104 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 được tiến hành như sau:
Trường hợp 1: Trường hợp đương sự thỏa thuận: hai bên thỏa thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận trong thời hạn không quá 05 ngày.
Trường hợp 2: Trường hợp bán đấu giá tài sản: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bán đấu giá về việc tài sản đưa ra bán đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được về mức giảm giá thì Chấp hành viên quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Cuối cùng, sau khi đưa ra bán đấu giá nhưng tài sản kê biên không thể bán được và người thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng trả lại tài sản kê biên cho người phải thi hành án.