Nguyên tắc xây dựng, quản lý Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 như thế nào?
Nội dung chính
Nguyên tắc xây dựng, quản lý thực hiện nhiệm vụ của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030
Căn cứ Điều 4 Quy chế xây dựng, tuyển chọn và tổ chức quản lý, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (ban hành kèm theo Quyết định 12/QĐ-BCĐTKNL năm 2022) có quy định về nguyên tắc xây dựng, quản lý thực hiện nhiệm vụ của Chương trình này như sau:
- Bảo đảm tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện định kỳ, đột xuất và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định hiện hành.
- Huy động mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình.
- Công khai, minh bạch, không chồng chéo, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành trong xây dựng, quản lý thực hiện, đánh giá nghiêm thu nhiệm vụ thuộc Chương trình.
- Đảm bảo việc hoàn thành mục tiêu Chương trình theo đúng kế hoạch.
Cơ quan quản lý Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030
Căn cứ Điều 5 Quy chế xây dựng, tuyển chọn và tổ chức quản lý, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (ban hành kèm theo Quyết định 12/QĐ-BCĐTKNL năm 2022) có quy định về cơ quan quản lý Chương trình này như sau:
- Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Chương trình) là cơ quan thống nhất quản lý, điều hành những công việc quan trọng, liên ngành của Chương trình nhằm đạt được mục tiêu đề ra về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được quy định tại Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ có tên trong Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 (sau đây gọi là cơ quan trung ương), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là địa phương) là cơ quan quản lý thực hiện và chịu trách nhiệm đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý nhà nước. Đối với nhiệm vụ sử dụng vốn ngân sách trung ương, cơ quan trung ương chủ trì việc tuyển chọn nhiệm vụ, phê duyệt danh mục dự kiến thực hiện hằng năm và gửi danh mục về Bộ Công Thương để tổng hợp.
- Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp và đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
- Bộ Công Thương, thông qua Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình (sau đây gọi tắt là Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng) chủ trì, phối hợp với các cơ quan trung ương thực hiện việc xác định, thống nhất danh mục các nhiệm vụ thực hiện hằng năm của Chương trình trên cơ sở danh mục nhiệm vụ đề xuất thực hiện hằng năm thuộc Chương trình của các cơ quan trung ương.