Người vợ có được quyền bán nhà khi chồng đang chấp hành án phạt tù không?
Nội dung chính
Người vợ có được quyền bán nhà khi chồng đang chấp hành án phạt tù không?
Việc người vợ có quyền bán nhà khi chồng đang chấp hành án phạt tù cần căn cứ vào quy định của pháp luật như sau:
(1) Trường hợp nhà là tài sản riêng của người vợ:
Căn cứ theo Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quy định tài sản riêng của vợ, chồng như sau:
Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Do đó, nếu ngôi nhà là tài sản riêng của người vợ, người vợ có toàn quyền định đoạt, bao gồm cả quyền bán mà không cần sự đồng ý của chồng.
(2) Trường hợp nhà là tài sản chung của vợ chồng:
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được quy định như sau:
Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Do đó, tài sản chung của vợ chồng là tài sản do vợ chồng tạo lập, thu nhập chung, hoặc được tặng cho chung trong thời kỳ hôn nhân.
Bên cạnh đó, tại Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia điình 2014 quy định việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
- Bất động sản;
- Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
- Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Do đó, nếu ngôi nhà thuộc tài sản chung, việc bán nhà cần có sự đồng ý của chồng thông qua văn bản chấp thuận hoặc giấy ủy quyền hợp pháp.
Người vợ có được quyền bán nhà khi chồng đang chấp hành án phạt tù không? (Hình ảnh từ Internet)
Chồng đang ở tù thì thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền như thế nào?
Về công chứng hợp đồng khi một người đang chấp hành án phạt tù được áp dụng theo khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014:
Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, người vợ có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Cụ thể, người vợ và đại diện của tổ chức hành nghề công chứng sẽ đến trại giam nơi chồng đang thi hành án phạt tù để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Sau khi hợp đồng ủy quyền được công chứng, người vợ sẽ có quyền thay mặt chồng thực hiện các thủ tục bán nhà theo quy định của pháp luật.
Mức phí công chứng hợp đồng ủy quyền là bao nhiêu?
Mức phí công chứng hợp đồng ủy quyền được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC mức phí đối với việc công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch:
TT | Loại việc | Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 | Công chứng hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp | 40 nghìn |
2 | Công chứng hợp đồng bảo lãnh | 100 nghìn |
3 | Công chứng hợp đồng ủy quyền | 50 nghìn |
4 | Công chứng giấy ủy quyền | 20 nghìn |
5 | Công chứng việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch (Trường hợp sửa đổi, bổ sung tăng giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch thì áp dụng mức thu tương ứng với phần tăng tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 4 Thông tư này) | 40 nghìn |
6 | Công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch | 25 nghìn |
7 | Công chứng di chúc | 50 nghìn |
8 | Công chứng văn bản từ chối nhận di sản | 20 nghìn |
9 | Các công việc công chứng hợp đồng, giao dịch khác | 40 nghìn |
Theo đó, mức phí công chứng hợp đồng ủy quyền là 50.000 đồng.