Ngoài mục đích chính, đất xây dựng chợ có được sử dụng kết hợp với mục đích nào khác hay không?

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Hoàng Nam
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Ngoài mục đích chính, đất xây dựng chợ có được sử dụng kết hợp với mục đích nào khác hay không?

Nội dung chính

    Ngoài mục đích chính, đất xây dựng chợ có được sử dụng kết hợp với mục đích nào khác hay không?

    Theo khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024

    Phân loại đất
    ...
    3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    ...
    e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng.

    Có thể thấy, đất xây dựng chợ được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp và thuộc loại đất sử dụng vào mục đích công cộng. Cụ thể, đất xây dựng chợ bao gồm các loại chợ dân sinh, chợ đầu mối và được sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động chợ theo quy định pháp luật về quản lý và phát triển chợ.

    Bên cạnh đó, căn cứ tại khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    1. Các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích:
    a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu;
    b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;
    đ) Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của Luật này;
    e) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    g) Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.

    Theo đó, đất sử dụng vào mục đích công cộng được phép kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ. Điều này có nghĩa, đất xây dựng chợ có thể sử dụng để triển khai các hoạt động thương mại, dịch vụ song song với mục đích chính.

    Ngoài mục đích chính, đất xây dựng chợ có được sử dụng kết hợp với mục đích nào khác hay không?

    Ngoài mục đích chính, đất xây dựng chợ có được sử dụng kết hợp với mục đích nào khác hay không? (Hình từ Internet)

    Trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích được diễn ra như thế nào?

    Căn cứ vào khoản 4 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    ...
    4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    a) Hồ sơ gồm: văn bản đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; phương án sử dụng đất kết hợp; giấy chứng nhận đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai;
    b) Cá nhân có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp. Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
    c) Tổ chức có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh.
    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp. Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    Trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích được thực hiện theo các bước sau:

    (1) Chuẩn bị hồ sơ:

    Hồ sơ bao gồm:

    - Văn bản đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích (theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP).

    - Phương án sử dụng đất kết hợp.

    - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024.

    (2) Nộp hồ sơ:

    - Đối với cá nhân: Nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan quản lý đất đai cấp huyện.

    - Đối với tổ chức: Nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh.

    (3) Thẩm định hồ sơ:

    - Cơ quan quản lý đất đai cấp huyện (đối với cá nhân) hoặc cấp tỉnh (đối với tổ chức) chủ trì việc thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp.

    - Phối hợp với các phòng, ban (đối với cấp huyện) hoặc sở, ngành liên quan (đối với cấp tỉnh) để thẩm định phương án.

    (4) Phê duyệt:

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cá nhân) hoặc cấp tỉnh (đối với tổ chức) xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

    - Nếu không chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    (5) Kết quả:

    Người nộp hồ sơ nhận quyết định chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp hoặc văn bản từ chối (kèm lý do) từ cơ quan có thẩm quyền.

    Việc gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích thực hiện như thế nào?

    Căn cứ vào khoản 4 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:

    Việc gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích thực hiện như sau:

    - Trước khi hết thời hạn 30 ngày, người sử dụng đất gửi văn bản đề nghị gia hạn đến cơ quan có thẩm quyền.

    - Trong vòng 7 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định gia hạn.

    - Việc gia hạn căn cứ theo các quy định tại khoản 2 Điều 218 Luật Đất đai 2024.

    23
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ