Mức phí công chứng hợp đồng thuê nhà ở là bao nhiêu?

Mức phí công chứng hợp đồng thuê nhà ở là bao nhiêu? Hợp đồng thuê nhà ở có bắt buộc phải công chứng không?

Nội dung chính

    Mức phí công chứng hợp đồng thuê nhà ở là bao nhiêu?

    Hiện nay, mức phí công chứng được quy định tại Thông tư 257/2016/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn; điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lê phí cấp thẻ công chứng viên.

    Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức phí công chứng hợp đồng thuê nhà ở được xác định như sau:

    (1) Đối với các hợp đồng thuê nhà ở có giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (tổng số tiền thuê) dưới 50 triệu đồng: 40 nghìn (đồng/trường hợp);

    (2) Đối với các hợp đồng thuê nhà ở có giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (tổng số tiền thuê) từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng: 80 nghìn (đồng/trường hợp);

    (3) Đối với các hợp đồng thuê nhà ở có giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (tổng số tiền thuê) từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng: 0,08% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (đồng/trường hợp);

    (4) Đối với các hợp đồng thuê nhà ở có giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (tổng số tiền thuê) từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng: 800 nghìn đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng (đồng/trường hợp);

    (5) Đối với các hợp đồng thuê nhà ở có giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (tổng số tiền thuê) từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng: 02 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng (đồng/trường hợp);

    (6) Đối với các hợp đồng thuê nhà ở có giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (tổng số tiền thuê) từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng: 03 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng (đồng/trường hợp);

    (7) Đối với các hợp đồng thuê nhà ở có giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (tổng số tiền thuê) từ trên 10 tỷ đồng: 05 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng (mức thu tối đa là 8 triệu đồng/trường hợp).

    Mức phí công chứng hợp đồng thuê nhà ở là bao nhiêu?Mức phí công chứng hợp đồng thuê nhà ở là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

    Hợp đồng thuê nhà ở có bắt buộc phải công chứng không?

    Khoản 1, 2 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
    ...
    2. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
    ...

    Căn cứ quy định trên, hợp đồng thuê nhà ở không bắt buộc phải công chứng.

    Hợp đồng thuê nhà ở không công chứng có bị vô hiệu không?

    Khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Hợp đồng vô hiệu
    1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
    ...

    Dẫn chiếu đến Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
    Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
    1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
    2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

    Tuy nhiên, pháp luật không bắt buộc hợp đồng thuê nhà ở phải được công chứng. Vì vậy, nếu các bên không công chứng hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng này vẫn không bị vô hiệu.

    9