Lộ trình sáp nhập các tỉnh thành Việt Nam tính đến 2025 qua các thời kỳ
Nội dung chính
Lộ trình sáp nhập các tỉnh thành Việt Nam tính đến 2025 qua các thời kỳ
Việt Nam hiện có 63 tỉnh, thành phố duy trì từ năm 2008 đến nay, trong đó: 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế.
Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn sáp nhập và chia tách các tỉnh, thành phố nhằm tối ưu hóa quản lý hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lộ trình sáp nhập các tỉnh thành Việt Nam tính đến 2025 qua các thời kỳ như sau:
- Sau khi thống nhất đất nước, vào tháng 4/1975 Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh: trong đó ở miền Bắc có 28 tỉnh, thành phố và đặc khu, miền Nam có 44 tỉnh, thành phố.
- Đầu năm 1976: việc sáp nhập tiếp tục diễn ra trên diện rộng, từ Bắc Trung Bộ đến Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Quốc hội khóa V đã quyết nghị nhiều đợt sáp nhập tỉnh, đưa cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh vào năm 1976, duy trì con số này đến năm 1978.
- Năm 1978: Quốc hội khóa V phê chuẩn việc mở rộng địa giới Hà Nội bằng cách sáp nhập thêm 5 huyện và thông qua Nghị quyết chia tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
- Năm 1979: Quốc hội khóa V đã thông qua Nghị quyết thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo
- Năm 1989,Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tỉnh Bình Trị Thiên tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; tỉnh Nghĩa Bình tách ra thành tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định; tỉnh Phú Khánh tách thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
- Năm 1991, Quốc hội khóa VIII đã thông qua nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành Lào Cai và Yên Bái; chia tỉnh Hà Tuyên thành Hà Giang và Tuyên Quang; chia tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành Gia Lai và Kon Tum; chia tỉnh Hà Sơn Bình thành Hà Tây và Hòa Bình; thành lập tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ ba huyện của tỉnh Đồng Nai và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; chuyển một số huyện ngoại thành Hà Nội về các tỉnh Vĩnh Phú và Hà Tây.
Tháng 12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã quyết nghị chia tỉnh Thuận Hải thành Ninh Thuận và Bình Thuận; chia tỉnh Hậu Giang thành Cần Thơ và Sóc Trăng; chia tỉnh Cửu Long thành Trà Vinh và Vĩnh Long; chia tỉnh Hà Nam Ninh thành Nam Hà và Ninh Bình.
- Năm 1997, số đơn vị hành chính cấp tỉnh được nâng lên thành 61 tỉnh: tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; tỉnh Hà Bắc chia tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên; tỉnh Vĩnh Phú tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (trực thuộc Trung ương); tỉnh Sông Bé tách thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước.
- Năm 2004: Theo Nghị quyết 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc Hội ban hành: tỉnh Đắk Lắk được tách thành hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk; Cần Thơ tách ra thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.
- Giữa năm 2008, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết 15/2008/QH12 sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) vào Thủ đô Hà Nội.
- Năm 2008 đến nay, Việt Nam vẫn duy trì 63 tỉnh, thành phố.
Lộ trình sáp nhập các tỉnh thành Việt Nam tính đến 2025 qua các thời kỳ (hình từ internet)
Tiêu chuẩn về quy mô dân số cấp tỉnh hiện nay theo Nghị quyết 1211?
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 quy định về tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính tỉnh như sau:
Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính tỉnh
1. Quy mô dân số:
a) Tỉnh từ 500.000 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 500.000 người thì cứ thêm 30.000 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm;
b) Tỉnh miền núi, vùng cao áp dụng mức 75% quy định tại điểm a khoản này.
2. Diện tích tự nhiên từ 1.000 km2 trở xuống được tính 10 điểm; trên 1.000 km2 thì cứ thêm 200 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.
3. Số đơn vị hành chính trực thuộc:
a) Có từ 10 đơn vị hành chính cấp huyện trở xuống được tính 2 điểm; trên 10 đơn vị hành chính cấp huyện thì cứ thêm 01 đơn vị hành chính được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 6 điểm;
b) Có tỷ lệ số thành phố thuộc tỉnh và thị xã trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 20% trở xuống được tính 1 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm.
4. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 10% trở xuống được tính 8 điểm; trên 10% thì cứ thêm 1% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 10 điểm.
Trường hợp không có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương, nếu có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% trở xuống được tính 3 điểm; trên 50% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 8 điểm;
...
Như vậy, quy định về quy mô dân số cấp tỉnh hiện nay như sau:
- Tỉnh từ 500.000 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 500.000 người thì cứ thêm 30.000 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm;
- Tỉnh miền núi, vùng cao áp dụng mức 75% quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13.