Lấn đất ruộng xử lý như thế nào? Mức phạt đối với hành vi lấn đất ruộng
Nội dung chính
Lấn đất ruộng xử lý như thế nào? Mức phạt đối với hành vi lấn đất ruộng
Hiện nay, Luật Đất đai 2024 vẫn chưa có quy định về đất ruộng. Tuy nhiên, có thể hiểu đất ruộng là tên gọi quen thuộc của người dân khi gọi để chỉ đất được Nhà nước giao cho người dân sử dụng vào mục đích để trồng lúa hoặc trồng cây nông nghiệp hàng năm.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về đất nông nghiệp như sau:
Phân loại đất
1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác.
...
Có thể hiểu đất ruộng thuộc nhóm đất nông nghiệp, có thể là đất trồng lúa hoặc đất trồng cây hằng năm.
Căn cứ khoản 3 và khoản 8 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP như sau:
Lấn đất hoặc chiếm đất
...2. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp (không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất) không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta đến dưới 02 héc ta;
g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 02 héc ta trở lên.3. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta trở lên....
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (bao gồm cả việc khôi phục lại ranh giới và mốc giới thửa đất), trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 139 Luật Đất đai và điểm b khoản này;
b) Buộc người được giao đất, cho thuê đất phải làm thủ tục để được bàn giao đất trên thực địa theo quy định đối với trường hợp theo quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Dựa vào cơ sở pháp lý trên có thể thấy, khi lấn đất ruộng còn phải xem xét đến việc đất bị lấn thuộc đất nông nghiệp (không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất) hay đất nông nghiệp là đất trồng lúa, cụ thể:
(1) Lấn đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa: Có thể bị phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 2 héc ta trở lên.
(2) Lấn đất nông nghiệp là đất trồng lúa: Có thể bị phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 1 héc ta trở lên.
Bên cạnh đó, người có hành vi lấn đất ruộng còn phải thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân có hành vi lấn đất nông nghiệp. Còn đối với tổ chức thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
Lấn đất ruộng xử lý như thế nào? Mức phạt đối với hành vi lấn đất ruộng
(Hình từ internet)
Lấn chiếm đất là gì?
Căn cứ khoản 31 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Theo khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định chiếm đất là việc sử dụng đất do Nhà nước đã quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép.
Đất ruộng có được cấp sổ đỏ hay không?
Theo phân tích trên, đất ruộng thuộc nhóm đất nông nghiệp và là đất trồng cây hằng năm thuộc nhóm đất nông nghiệp nên quy định về việc cấp sổ đỏ cho đất ruộng cũng là quy định về cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp cụ thể như sau:
Theo đó nếu người sử dụng đất ruộng đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất;
Hoặc người sử dụng đất ruộng đáp ứng các điều kiện tại Điều 138 Luật Đất đai 2024 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.
Bên cạnh đó, đất ruộng không được thuộc các trường hợp đất nông nghiệp không được cấp sổ đỏ (theo điểm a, khoản 1, Điều 151 Luật Đất đai 2024 và Điều 179 Luật Đất đai 2024).
Như vậy, nếu đất ruộng đáp ứng được các điều kiện trên thì sẽ được cấp sổ đỏ theo quy định pháp luật.