Hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất 2025 sẽ bị xử phạt như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Mai Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất 2025 sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất 2025 sẽ bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 được sửa đổi bởi điểm e khoản 5 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 quy định: 

    Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
    ...
    5. Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:
    a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham dự phiên đấu giá;
    b) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
    ...

    Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và khoản 5 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có cụm từ bị thay thế bởi điểm h khoản 1 Điều 2 và được sửa đổi bởi điểm c khoản 22 Điều 1 Nghị định 117/2024/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất cụ thể là:

    Điều 23. Hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản
    ..
    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
    ...
    5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc hủy bỏ kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nếu người thực hiện hành vi vi phạm là người trúng đấu giá; khoản 2 Điều này dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này;
    b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét việc hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công khi có hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và g khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3 trong trường hợp dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá và khoản 4 Điều này;
    c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, g và h khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này.

    Như vậy, hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên.

    Lưu ý: Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)

    Bên cạnh đó, người có hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất còn có thể bị đối mặt với trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

    Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
    1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
    a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
    b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
    c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
    c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;
    d) Phạm tội 02 lần trở lên;
    đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất, tùy theo mức độ thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho người khác, sẽ đối mặt với trách nhiệm hình sự như: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    - Người có hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    + Có tổ chức;

    + Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

    + Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

    - Người có hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất 2025 sẽ bị xử phạt như thế nào?

    Hành vi thông đồng dìm giá đất trong đấu giá đất 2025 sẽ bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)

    Những trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất không thành theo Luật Đất đai 2024?

    Căn cứ theo khoản 6 Điều 125 Luật Đất đai 2024 quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất như sau:

    Theo đó, 3 trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất không thành bao gồm:

    (1) Các trường hợp đấu giá không thành theo quy định của Luật Đấu giá tài sản;

    (2) Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có 01 người đăng ký tham gia đấu giá;

    (3) Có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có 01 người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có 01 người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có 01 người trả giá hợp lệ.

    Điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất gồm những điều kiện nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 125 Luật Đất đai 2024 quy định điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất cụ thể như sau:

    - Đất đã được thu hồi và hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc không phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong khu vực dự án có hạ tầng giao thông đã được kết nối;

    - Có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt vào mục đích sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất, trừ trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 của Luật Đất đai 2024;

    - Có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

    - Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    saved-content
    unsaved-content
    156