Lấn chiếm đất trồng lúa 0,3 héc ta thì bị phạt bao nhiêu tiền?

Lấn chiếm đất trồng lúa 0,3 héc ta thì bị phạt bao nhiêu tiền? Diện tích đất vi phạm khi có hành vi lấn chiếm đất được xác định như thế nào?

Nội dung chính

    Hành vi lấn đất, chiếm đất là hành vi gì?

    Theo quy định tại khoản 9, khoản 31 Điều 3 Luật Đất đai 2024 về giải thích khái niệm lấn đất, chiếm đất như sau:

    - Chiếm đất là việc sử dụng mảnh đất mà Nhà nước đang quản lý mà không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc sử dụng đất của người có quyền sử dụng đất hợp pháp mà không được sự đồng ý của người đó.

    - Lấn đất là khi người sử dụng đất tự ý di chuyển mốc hoặc ranh giới của thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng, nhưng không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không được sự đồng ý của người có quyền sử dụng đất hợp pháp trong khu vực đó.

    Lấn chiếm đất trồng lúa 0,3 héc ta thì bị phạt bao nhiêu tiền? Lấn chiếm đất trồng lúa 0,3 héc ta thì bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    Lấn chiếm đất trồng lúa 0,3 héc ta thì bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa như sau:

    Lấn đất hoặc chiếm đất
    3. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta trở lên.

    Như vậy, đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa với diện tích đất vi phạm 0,3 héc ta sẽ bị phạt hành chính trong khung phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.

    Diện tích đất vi phạm khi có hành vi lấn chiếm đất được xác định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về việc xác định diện tích đất vi phạm khi có hành vi lấn chiếm đất như sau:

    Xác định diện tích đất vi phạm và tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm
    1. Diện tích đất vi phạm trong các trường hợp quy định tại Nghị định này được xác định như sau:
    a) Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất mà đã có bản đồ địa chính thì xác định theo bản đồ địa chính; trường hợp diện tích vi phạm không có bản đồ địa chính nhưng có bản đồ khác đã, đang sử dụng trong quản lý đất đai tại địa phương thì sử dụng bản đồ đó để xác định.
    b) Trường hợp diện tích đất vi phạm ở những nơi chưa có bản đồ quy định tại điểm a khoản này hoặc vi phạm một phần diện tích thửa đất thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm xác định phạm vi, ranh giới, mốc giới để xác định diện tích đất vi phạm và ghi vào biên bản vi phạm hành chính.
    Trường hợp diện tích đất vi phạm không thể đo đạc bằng phương pháp thủ công thì được thuê đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm.
    Trường hợp người có hành vi vi phạm không đồng ý với kết quả đo đạc do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính xác định thì được quyền thuê đơn vị có chức năng đo đạc xác định lại diện tích đất vi phạm.
    Chi phí thuê đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm quy định tại điểm này do người vi phạm chi trả.

    Theo đó, diện tích đất vi phạm được xác định dựa trên bản đồ địa chính hoặc các bản đồ quản lý đất đai khác nếu có.

    Trong trường hợp chưa có bản đồ hoặc chỉ vi phạm một phần thửa đất, người có thẩm quyền phải lập biên bản và xác định ranh giới để ghi rõ diện tích vi phạm. Nếu cần thiết, có thể thuê đơn vị tư vấn đo đạc, và chi phí sẽ do người vi phạm chịu trách nhiệm.

    29