Tự ý chặt cây của người khác lấn sang đất của mình có được không?
Nội dung chính
Tự ý chặt cây của người khác lấn sang đất của mình có được không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015:
Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo quy định nêu trên, chủ sử dụng đất có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, người có quyền sử dụng đất không được tự ý chặt bỏ cây của người khác, kể cả trong trường hợp cây trồng đó lấn sang phần đất hợp pháp của mình. Việc tự ý chặt cây có thể bị xem là hành vi hủy hoại tài sản của người khác và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại.
Trong trường hợp này, người sử dụng đất có thể thực hiện các bước sau:
(1) Thương lượng với người trồng cây, yêu cầu tự di dời.
(2) Nếu không đạt được thỏa thuận, có thể yêu cầu UBND cấp xã hòa giải.
(3) Trường hợp hòa giải không thành, có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để yêu cầu xử lý theo đúng pháp luật.
Tóm lại, người sử dụng đất không được tự ý chặt cây của người khác dù cây đó trồng sai phạm; cần giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải hoặc pháp luật.
Trên đây là nội dung Tự ý chặt cây của người khác lấn sang đất của mình có được không?
Tự ý chặt cây của người khác lấn sang đất của mình có được không? (Hình từ Internet)
Hành vi tự ý chặt cây của người khác lấn sang đất của mình bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
đ) Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
[...]
Theo quy định trên, cá nhân có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Bên cạnh hình phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm và bị buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của tài sản đã bị xâm hại.
Trong trường hợp tổ chức vi phạm với hành vi tương tự, mức phạt sẽ gấp đôi theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất là ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai 2024:
Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất bao gồm:
- Người đại diện theo pháp luật của tổ chức trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; người đứng đầu của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao đối với việc sử dụng đất của tổ chức mình.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang và công trình công cộng khác của xã, phường, thị trấn; đất tôn giáo, đất tín ngưỡng chưa giao quản lý, sử dụng.
- Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra.
- Người đại diện tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đối với việc sử dụng đất của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
- Cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với việc sử dụng đất của mình.
- Người có chung quyền sử dụng đất hoặc người đại diện cho nhóm người có chung quyền sử dụng đất đối với việc sử dụng đất đó.