Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Lấn chiếm đất nông nghiệp thì bị xử lý như thế nào?

Thế nào là hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp? Lấn chiếm đất nông nghiệp bị phạt thế nào? Lấn chiếm đất nông nghiệp có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Nội dung chính

    Thế nào là hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp?

    Hiện nay các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định về hành vi lấn chiếm đất cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 như sau:

    Giải thích từ ngữ:
    1. Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
    2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
    b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
    c) Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
    d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
    ...

    Như vậy, có thể hiểu hành vi lấn đất là hành vi dịch chuyển, thay đổi mốc hoặc ranh giới thửa đất đã được quy định nhằm chiếm dụng, mở rộng diện tích sử dụng đất.

    Còn hành vi chiếm đất là hành vi sử dụng đất mà không có sự cho phép từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể tại các trường hợp sau:

    -Tự ý sử dụng đất mà không có sự cho phép từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

    - Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của từ chủ sở hữu là tổ chức/cá nhân mà không được các tổ chức, cá nhân ấy cho phép;

    - Đất hết thời hạn giao, cho thuê từ Nhà nước, không được gia hạn và đã được công bố thu hồi nhưng vẫn cố ý sử dụng và không tuân thủ (trừ trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và sử dụng diện tích nông nghiệp);

    - Sử dụng đất chưa hoàn thành các thủ tục giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.

    Qua đó hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp xét theo quy định hiện hành cũng là hành vi lấn chiếm đất được xử lý theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

    Lấn chiếm đất nông nghiệp thì bị xử lý như thế nào? (Hình từ internet)

    Lấn chiếm đất nông nghiệp bị xử phạt hành chính thế nào? 

    Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt cho hành vi lấn chiếm đất như sau:

    Lấn, chiếm đất:
    1. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
    2. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
    3. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
    ...
    5. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
    6. Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.
    7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
    b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
    c) Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất;
    d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.

    Như vậy, theo quy định, hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Mức phạt sẽ được xác định dựa trên loại đất, diện tích và khu vực đất bị lấn chiếm theo quy định, ngoài ra người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể theo quy định nên trên.

    Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức phạt hành vi lấn chiếm đất đai nêu trên mức phạt đối với cá nhân. Đối với hành vi vi phạm của tổ chức sẽ có mức phạt bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Lấn chiếm đất nông nghiệp có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

    Căn cứ theo Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hành vi này như sau:

    Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai:
    1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Phạm tội 02 lần trở lên;
    c) Tái phạm nguy hiểm.
    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Như vậy, hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu sau khi đã xử phạt hành chính mà vẫn tái phạm. Cụ thể mức phạt ở mức nhẹ là phạt cải tạo không giam giữ, nặng là phạt tù 7 năm. Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    15