17:49 - 03/01/2025

Không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em người điều khiển xe ô tô bị phạt tiền bao nhiêu?

Không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em người điều khiển xe ô tô bị phạt tiền bao nhiêu? Nghị định 168 áp dụng cho đối tượng nào? Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 168?

Nội dung chính

    Không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em người điều khiển xe ô tô bị phạt tiền bao nhiêu?

    Căn cứ điểm m khoản 3 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định liên quan đến mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô khi không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em như sau:

    Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
    ...
    3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    ...
    k) Không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường;
    l) Chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn) khi xe đang chạy;
    m) Chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định;
    n) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần;
    ...

    Như vậy, trường hợp không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

    Không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em người điều khiển xe ô tô bị phạt tiền bao nhiêu?Không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em người điều khiển xe ô tô
    bị phạt tiền bao nhiêu? (Hình từ internet)

    Nghị định 168 áp dụng cho đối tượng nào? 

    Căn cứ Điều 2 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng như sau:

    Đối tượng áp dụng
    1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
    2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
    a) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
    b) Đơn vị sự nghiệp công lập;
    c) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp;
    d) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);
    đ) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
    e) Cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe, cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, cơ sở thử nghiệm, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng;
    g) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
    h) Cơ quan, tổ chức nước ngoài được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
    3. Hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
    4. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
    5. Người có thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

    Như vậy, theo quy định trên, Nghị định 168/2024/NĐ-CP áp dụng cho đối tượng như trên.

    Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 168 được quy định như thế nào?

    Căn cứ điều 1 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định cụ thể là:

    (1) Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về:

    - Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm: hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

    - Mức trừ điểm giấy phép lái xe đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.

    (2) Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà không quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.
    71