Khởi công đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng tháng 12/2025? Đầu tư đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng bao nhiêu?
Nội dung chính
Khởi công đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng tháng 12/2025?
Ngày 19 tháng 02 năm 2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết 187/2025/QH15 thì tiến độ thực hiện dự án đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòngn như sau:
Lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.
Và theo dự kiến, dự án đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng sẽ được khởi công vào tháng 12/2025.
Cũng theo Điều 2 Nghị quyết 187/2025/QH15, dự án đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng là dự án đầu tư công, với phạm vi và quy mô sau đây:
Phạm vi: điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; đi qua địa phận 09 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Quy mô: đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.
Mục tiêu của dự án này là để xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.
Đầu tư đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng bao nhiêu?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 187/2025/QH15 quy định:
Điều 2
...
5. Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn:
a) Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng (hai trăm linh ba nghìn, hai trăm ba mươi mốt tỷ đồng);
b) Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
...
Như vậy, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng là 203.231 tỷ đồng (hai trăm linh ba nghìn, hai trăm ba mươi mốt tỷ đồng).
Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Khởi công đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng tháng 12/2025? Đầu tư đường sắt Lào Cai Hà Nội Hải Phòng bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt gồm những gì?
Căn cứ vào Điều 6 Luật Đường sắt 2017 quy định về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt như sau:
(1) Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt là các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
(2) Tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau:
- Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;
- Căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế, Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đầu tư mua sắm phương tiện giao thông đường sắt, máy móc, thiết bị phục vụ duy tu bảo dưỡng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt;
- Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.
(3) Tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
(4) Tổ chức, cá nhân kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được dành riêng dải tần số vô tuyến điện phục vụ công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và hệ thống cung cấp điện sức kéo phục vụ chạy tàu.