Khi xác nhận mình bị lấn chiếm đất thì chủ sở hữu phải xử lý như thế nào?

Chuyên viên pháp lý Trương Thị Ngọc Duyên
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Hành vi lấn chiếm đất là những trường hợp nào?Khi xác nhận mình bị lấn chiếm đất thì chủ sở hữu phải xử lý như thế nào

Nội dung chính

    Những trường hợp nào bị coi là lấn chiếm đất?

    Căn cứ Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì không định nghĩa “Hành vi lấn chiếm đất” là gì và cũng không liệt kê các trường hợp được xem là lấn chiếm đất.

    Tuy nhiên trước đây tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP(đã hết hiệu lực) được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP có thể hiểu như sau:

    - Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

    - Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp:

    + Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.

    + Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.

    + Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp.

    + Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

    Khi xác nhận mình bị lấn chiếm đất thì chủ sở hữu phải xử lý như thế nào?

    Khi xác nhận mình bị lấn chiếm đất thì chủ sở hữu phải xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)

    Khi xác nhận mình bị lấn chiếm đất thì chủ sở hữu phải xử lý như thế nào?

    Theo đó, khi chủ sở hữu xác định mình bị lấn chiếm đất thì có thể thực hiện những bước sau đây:

    (1) Xác định phạm vi lấn chiếm:

    Đầu tiên, nên kiểm tra lại ranh giới đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình. Nếu có bản đồ địa chính thì có thể sử dụng để xác định chính xác phần đất bị lấn chiếm.

    Hoặc đo đạc thực địa: Nếu không rõ ranh giới của mình, có thể yêu cầu cơ quan đo đạc địa chính tại địa phương thực hiện đo đạc lại phần đất của cả hai bên để xác định rõ mức độ lấn chiếm.

    (2) Tự thương lượng:

    Trước hết, nên tự thương lượng, hòa giải với bên có hành vi lấn chiếm để giải quyết vấn đề một cách thân thiện. Đây là bước đầu tiên được khuyến khích theo quy định tại khoản 1 Điều 235 Luật Đất đai 2024.

    (3) Hòa giải tại UBND cấp xã:

    Nếu thương lượng không thành công, bước tiếp theo có thể thực hiện là gửi hồ sơ yêu cầu hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. Đây là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện, theo quy định của pháp luật về đất đai (Căn cứ khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024).

    Chủ tịch UBND xã sẽ thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.

    Nếu hòa giải thành công, các bên thực hiện theo kết quả hòa giải, nếu có thay đổi về diện tích đất thì trong 30 ngày phải gửi văn bản kết quả hòa giải đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký đất đai để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định của pháp luật.

    Trường hợp hòa giải không thành thì bên bị lấn chiếm làm đơn khởi kiện

    (4) Khởi kiện:

    Căn cứ Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định:

    - Khi tranh chấp xảy ra, nếu các bên có Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc các giấy tờ liên quan chứng minh QSDĐ thì do Tòa Án giải quyết.

    - Nếu không có Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc các giấy tờ liên quan chứng minh QSDĐ thì các bên lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp dưới đây:

    + Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai 2024;

    + Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

    Theo đó, trường hợp giải quyết tại Ủy ban nhân dân, thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp huyện. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định.

    Trường hợp nào lấn chiếm đất đai phải chịu trách nhiệm hình sự?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, người nào lấn chiếm, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai trong trường hợp:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất; hoặc

    - Đã bị kết án về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

    Theo đó, khung hình phạt áp dụng với tội này như sau:

    - Khung 01: Phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.

    - Khung 02: Phạt tiền 500 triệu - 02 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

    + Có tổ chức;

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Tái phạm nguy hiểm.

     

    110
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ