Khi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của căn hộ chung cư sẽ bị xử phạt như thế nào?
Nội dung chính
Nhà chung cư có thuộc đối tượng được bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc hay không?
Căn cứ tại Điều 23 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về đối tượng bảo hiểm cháy nổ như sau:
Đối tượng bảo hiểm
1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:
a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
2. Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Theo quy định trên, đối tượng của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:
- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
- Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
Do đó, nhà chung cư thuộc đối tượng được bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Khi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của căn hộ chung cư sẽ bị xử phạt như thế nào?(HÌnh ảnh Internet)
Không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của căn hộ chung cư sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại Điều 49 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi không mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo:
Vi phạm quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng nguyên tắc, mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật;
b) Không cấp hoặc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không trích nộp phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mà không mua sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Mức phạt trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Hệ thống báo cháy và chữa cháy chung cư phải đảm bảo các yêu cầu nào?
Căn cứ tại Mục 12 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6160:1996 quy định hệ thống báo cháy và chữa cháy chung cư phải đảm bảo các yêu cầu như sau:
+ Phát hiện cháy nhanh
+ Chuyển tín hiệu rõ ràng
+ Đảm bảo độ tin cậy.
- Trường hợp hệ thống báo cháy liên kết với hệ thống chữa cháy thì ngoài chức năng báo cháy còn phải điều khiển hệ thống chữa cháy hoạt động ngay để dập tắt đám cháy kịp thời.
- Yêu cầu kĩ thuật về thiết kế và lắp đặt hệ thống báo cháy phải tuân theo TCVN 5738:1993.
-Nhà cao tầng phải được thiết kế hệ thống chữa cháy bên trong và cấp nước chữa cháy bên ngoài.
- Hệ thống chữa cháy bên trong có thể thiết kế điều khiển tự động và điều khiển bằng tay phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm cháy và tính chất sử dụng. Các đầu phun được lắp ở hành lang, phòng đệm, buồng thang ở các tầng hoặc tối thiểu phải có ở các phòng như:phòng công cộng, phòng có diện tích lớn, các phòng có nguy hiểm cháy.
- Chất dùng để chữa cháy phải phù hợp với loại đám cháy xảy ra trong nhà cao tầng đó. Loại đám cháy được xác định theo điều 2.l, 2.2 cửa TCVN 5760:1993.
- Khi thiết kế hệ thống chữa cháy bên trong phải tuân theo TCVN 5760:1993.
- Trường hợp hệ thống chữa cháy bên trong là hệ thống chữa cháy vách tường phải bảo đảm số họng nước chữa cháy được phun đồng thời là 2, lưu lượng nước tính cho mỗi họng là 2,5 lít/giây.
- Yêu cầu kĩ thuật của hệ thống cấp nước chữa cháy bên trong và ngoài nhà được áp dụng theo TCVN 2622:1995.
Số tiền đóng bảo hiểm cháy nổ tối thiểu là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định số tiền tối thiểu đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc như sau:
Số tiền bảo hiểm tối thiểu
1. Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
2. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:
a) Đối với các tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
b) Đối với các tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.
Theo đó, số tiền tối thiểu đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được quy định như sau:
- Số tiền bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản sau tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm:
+ Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
+ Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
- Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:
+ Đối với các tài sản Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
+ Đối với các tài sản các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm): Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.