Khi nào thì khách sạn, nhà nghỉ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?
Nội dung chính
Những đối tượng nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quy định về đối tượng bảo hiểm cụ thể như sau:
Đối tượng bảo hiểm
1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:
a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
2. Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Theo quy định trên thì đối tượng của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm:
- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
- Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
Trường hợp nào thì khách sạn, nhà nghỉ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc?
Căn cứ vào quy định về đối tượng bảo hiểm cháy nổ thì đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Theo đó, căn cứ Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như sau:
Phụ lục II
1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 10 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà làm việc từ 25.000 m3 trở lên.
2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
...
7. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú từ 10.000 m3 trở lên.
Dựa vào tất cả những quy định trên, chỉ khi nhà nghỉ, khách sạn là đối tượng của bảo hiểm bắt buộc (thuộc cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ) thì mới phải đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Như vậy, nhà nghỉ, khách sạn có phải là đối tượng của bảo hiểm bắt buộc không phụ thuộc vào số lượng tầng hoặc tổng khối tích của nhà nghỉ, khách sạn. Nếu nhà nghỉ, khách sạn cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên thì nhà nghỉ, khách sạn là đối tượng của bảo hiểm bắt buộc nên bắt buộc phải đóng bảo hiểm cháy nổ.
Còn nếu nhà nghỉ, khách sạn cao từ 7 tầng trở xuống hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở xuống thì nhà nghỉ, khách sạn không phải là đối tượng của bảo hiểm bắt buộc nên không bắt buộc phải đóng bảo hiểm cháy nổ, mà việc đóng bảo hiểm cháy nổ sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của chủ sở hữu.
Khi nào thì khách sạn, nhà nghỉ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc? (Hình ảnh từ Internet)
Số tiền bảo hiểm tối thiểu của nhà nghỉ, khách sạn là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 24 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định số tiền bảo hiểm tối thiểu:
Số tiền bảo hiểm tối thiểu
1. Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
2. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:
a) Đối với các tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
b) Đối với các tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.
Như vậy, mức đóng bảo hiểm cháy nổ nhà nghỉ, khách sạn tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của nhà nghỉ, khách sạn tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:
- Đối với nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình: Số tiền bảo hiểm là giá trị tinh thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
- Đối với máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.