Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu vàng trang sức
1. Mã HS của vàng trang sức?
2. Các loại thuế phải nộp?
3. Thủ tục hải quan cần những giấy tờ gì?
Sau một thời gian do mẫu mã không còn phù hợp với thị trường, công ty muốn tái xuất đi thì:
4. Thủ tục tái xuất như thế nào?
5. Vàng trang sức tái xuất có phải giám định chất lượng không?
6. Nếu có thì giám định ở đâu?
7. Khi tái xuất công ty có được hoàn thuế không?
Nội dung chính
1. Về mã HS của vàng trang sức:
- Căn cứ vào Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng; kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Căn cứ vào Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa năm 2007 của Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới (HS 2007).
Mặt hàng vàng trang sức có thể tham khảo áp mã thuộc nhóm 7113, 7114 hoặc 7115.
*Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan.
Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi làm thủ tục và kết quả của Trung tâm phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
2. Về thuế phải nộp:
- Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đề nghị tham khảo Biểu thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính.
- Thuế suất thuế GTGT đề nghị tham khảo Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/06/2014 của Bộ Tài chính.
3. Về thủ tục nhập khẩu:
- Căn cứ Điều 13 Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ quy định:
“Điều 13: Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ:
1.Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
- Hồ sơ, thủ tục nhập khẩu vàng trang sức thực hiện theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
4. Về tái xuất và hoàn thuế:
- Thủ tục tái xuất vàng trang sức thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
- Về thủ tục hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất thực hiện theo Khoản 8 Điều 114 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính
“Điều 114. Các trường hợp hoàn thuế
...8. Hàng hoá nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan (để sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc xuất khẩu ra nước ngoài; trừ trường hợp xuất vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại – công nghiệp và các khu vực kinh tế khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính) được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với số lượng hàng thực tế tái xuất và không phải nộp thuế xuất khẩu.
a) Điều kiện để được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu:
a.1) Hàng hoá chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng tại Việt Nam;
a.2) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng thì phải có giấy thông báo kết quả giám định hàng hoá của cơ quan, tổ chức có chức năng, thẩm quyền giám định hàng hoá xuất nhập khẩu hoặc văn bản chấp nhận nhận lại hàng hóa của chủ hàng nước ngoài. Đối với số hàng hóa do phía nước ngoài gửi thay thế số lượng hàng hoá đã xuất trả nước ngoài thì người nộp thuế phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định;
a.3) Hàng hoá xuất khẩu vào khu phi thuế quan (trừ trường hợp xuất vào khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại công nghiệp và các khu vực kinh tế khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính) được sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc đã xuất khẩu tiếp ra nước ngoài.
...c) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu phải tái xuất còn trong thời hạn nộp thuế nhập khẩu thì không phải nộp thuế nhập khẩu tương ứng với số hàng hoá thực tái xuất.”