Huân chương Sao vàng là gì? Tiêu chuẩn để nhận Huân chương Sao vàng là gì?
Nội dung chính
Huân chương Sao vàng là gì? Tiêu chuẩn để nhận Huân chương Sao vàng là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 thì Huân chương Sao vàng là huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng thời, căn cứ khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 34 Luật Thi đua, khen thưởng 2022, Huân chương Sao vàng, tiêu chuẩn để nhận Huân chương Sao vàng như sau:
(1) Cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc;
- Có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với đất nước thuộc một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc lĩnh vực khác.
Đồng thời, căn cứ Điều 8 Nghị định 98/2023/NĐ-CP, Huân chương Sao vàng để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 Luật Thi đua, khen thưởng 2022, có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không phạm khuyết điểm lớn và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Tham gia cách mạng từ năm 1935 về trước, hoạt động liên tục, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Bí thư Trung ương Cục, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Khu ủy, Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Bộ trưởng và các chức vụ tương đương hoặc được phong quân hàm Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, hoạt động liên tục, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc được phong quân hàm Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Có quá trình tham gia liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc được phong quân hàm Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
- Có quá trình công tác liên tục trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ hoặc thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội, 02 nhiệm kỳ từ 08 đến 10 năm.
(2) Bộ, ban, ngành, tỉnh, cơ quan của Quốc hội đạt các tiêu chuẩn sau đây:
- Có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc;
- Có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với đất nước thuộc một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc lĩnh vực khác.
(3) Quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, hệ lực lượng trong Công an nhân dân, tổng cục và tương đương thuộc Bộ, ban, ngành đạt các tiêu chuẩn sau đây:
- Đã được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và sau đó có liên tục từ 25 năm trở lên đến thời điểm đề nghị lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng rộng và có nhân tố mới tiêu biểu cho cả nước học tập;
- Có bề dày truyền thống, có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
Huân chương Sao vàng là gì? Tiêu chuẩn để nhận Huân chương Sao vàng là gì? (Hình từ Internet)
Việc khen thưởng được thực hiện theo những nguyên tắc nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng 2022, việc khen thưởng được thực hiện theo những nguyên tắc như sau:
(1) Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;
(2) Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;
(3) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;
(4) Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.