Hợp đồng thuê phòng trọ có phải là hợp đồng kinh doanh bất động sản không?
Nội dung chính
Hợp đồng thuê phòng trọ có phải là hợp đồng kinh doanh bất động sản không?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về khái niệm thuê phòng trọ. Tuy nhiên, phòng trọ là việc các phòng được cho thuê với mục đích ở giá rẻ. Như vậy, thuê phòng trọ cũng là một dạng thuê nhà ở, và hợp đồng thuê phòng trọ trong phạm vi bài viết này là hợp đồng thuê nhà ở.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản như sau:
Hợp đồng trong kinh doanh bất động sản
1. Các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản bao gồm:
a) Hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở;
b) Hợp đồng thuê nhà ở;
c) Hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích du lịch, lưu trú;
d) Hợp đồng thuê công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích du lịch, lưu trú;
đ) Hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, văn phòng, thương mại, dịch vụ, công nghiệp và công trình xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp;
e) Hợp đồng thuê công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, văn phòng, thương mại, dịch vụ, công nghiệp và công trình xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp;
g) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản;
h) Hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản;
i) Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản;
k) Hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án bất động sản;
l) Hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.
...
Theo đó, hợp đồng thuê phòng trọ là một loại hợp đồng kinh doanh bất động sản.
Hợp đồng thuê phòng trọ có phải là hợp đồng kinh doanh bất động sản không? (Hình từ Internet)
Để phòng trọ được đưa vào kinh doanh thì cần đáp ứng các điều kiện gì?
Để phòng trọ được đưa vào kinh doanh thì cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 bao gồm:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu: Cần có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về đất đai. Ngoại trừ nhà ở, công trình xây dựng thuộc các dự án bất động sản cụ thể theo quy định.
- Không có tranh chấp: Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng mà đang trong quá trình giải quyết. Nếu có tranh chấp, phải được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.
- Không bị kê biên: Tài sản không bị kê biên để thi hành án.
- Không thuộc trường hợp bị cấm giao dịch: Nhà ở, công trình xây dựng không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm giao dịch.
- Không bị đình chỉ giao dịch: Nhà ở, công trình xây dựng không đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giao dịch theo quy định của pháp luật.
- Thông tin công khai: Đã được công khai thông tin theo quy định tại Điều 6 của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 như sau:
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, ghi nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, trừ trường hợp tiếp theo.
+ Đối với nhà ở, công trình xây dựng trong dự án bất động sản của chủ đầu tư, chỉ cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng gắn liền với nhà ở, công trình đó.
+ Các hạn chế về quyền sở hữu và quyền sử dụng bất động sản (nếu có), bao gồm việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, diện tích sàn trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất hoặc dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.
Người thuê phòng trọ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 về các trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng như sau:
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
…
3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bên cho thuê nhà ở không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
b) Bên cho thuê nhà ở tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
Như vậy, người thuê phòng trọ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp quy định trên.