Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Hợp đồng cho thuê nhà có cần phải công chứng, chứng thực không? Hợp đồng cho thuê nhà có hiệu lực khi nào?

Hợp đồng cho thuê nhà có cần phải công chứng, chứng thực không? Hợp đồng cho thuê nhà có hiệu lực khi nào? Khi cho thuê nhà ai là người có trách nhiệm bảo trì nhà ở?

Nội dung chính

    Hợp đồng cho thuê nhà có cần phải công chứng, chứng thực không? Hợp đồng cho thuê nhà có hiệu lực khi nào?

    Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 về công chứng, chứng thực hợp đồng như sau:

    Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
    ...
    2. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

    Căn cứ quy định trên, hợp đồng cho thuê nhà không cần phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng cũng như tránh phát sinh tranh chấp về sau các bên có thể thực hiện việc công chứng, chứng thực cho hợp đồng. Hợp đồng cho thuê nhà có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên hoặc tại thời điểm ký kết nếu các bên không có thỏa thuận.

    Khi cho thuê nhà ai là người có trách nhiệm bảo trì nhà ở?

    Căn cứ quy định khoản 4 Điều 132 Luật Nhà ở 2023 quy định về bảo trì, cải tạo nhà ở đang cho thuê như sau:

    Bảo trì, cải tạo nhà ở đang cho thuê
    ...
    4. Bên thuê nhà ở có quyền yêu cầu bên cho thuê nhà ở bảo trì nhà ở, trừ trường hợp nhà ở bị hư hỏng do bên thuê gây ra; trường hợp bên cho thuê không bảo trì nhà ở thì bên thuê được quyền bảo trì nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên cho thuê biết trước ít nhất 15 ngày. Văn bản thông báo phải ghi rõ mức độ bảo trì và kinh phí thực hiện. Bên cho thuê nhà ở phải thanh toán kinh phí bảo trì cho bên thuê nhà ở hoặc trừ dần vào tiền thuê nhà ở.

    Căn cứ quy định trên, bên cho thuê nhà có trách nhiệm bảo trì nhà ở theo yêu cầu của bên thuê trong thời hạn cho thuê nhà. Trường hợp bên cho thuê không thực hiện viêc bảo trì thì bên thuê có quyền thực hiện việc bảo trì khi sau khi đã thông báo trước ít nhất 15 ngày cho bên cho thuê và bên cho thuê có trách nhiệm thanh toán kinh phí bảo trì. Lưu ý, văn bản thông báo phải nêu rõ mức độ bảo trì và kinh phí thực hiện.

    Hợp đồng cho thuê nhà bị vô hiệu trong những trường hợp nào?

    Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng vô hiệu và quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng cho thuê nhà có thể bị vô hiệu nếu vi phạm một trong các trường hợp như:

    - Hợp đồng cho thuê nhà có nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

    - Hợp đồng cho thuê nhà vô hiệu do giả tạo;

    - Hợp đồng cho thuê nhà vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thực, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;

    - Hợp đồng cho thuê nhà vô hiệu do bị nhầm lẫn;

    - Hợp đồng cho thuê nhà vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

    - Hợp đồng cho thuê nhà vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;

    - Hợp đồng cho thuê nhà vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

    Hợp đồng cho thuê nhà có cần phải công chứng, chứng thực không? Hợp đồng cho thuê nhà có hiệu lực khi nào?

    Hợp đồng cho thuê nhà có cần phải công chứng, chứng thực không? Hợp đồng cho thuê nhà có hiệu lực khi nào? (Hình từ Internet)

    Hậu quả pháp lý khi hợp đồng cho thuê nhà vô hiệu là gì?

    Căn cứ Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

    Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
    1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
    2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
    Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
    3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
    4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
    5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

    Như vậy, khi hợp đồng cho thuê nhà vô hiệu, bên cho thuê và bên thuê phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.


    6