Học sinh trung học nghỉ học nhiều buổi có phép được lên lớp không?

Học sinh trung học nghỉ học nhiều buổi có phép được lên lớp không?

Nội dung chính

    Học sinh trung học nghỉ học nhiều buổi có phép được lên lớp không?

    Căn cứ Điều 15 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT quy định lên lớp hoặc không được lên lớp như sau:

    1. Học sinh có đủ các điều kiện dưới đây thì được lên lớp:

    a) Hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên;

    b) Nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).

    2. Học sinh thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì không được lên lớp:

    a) Nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại);

    b) Học lực cả năm loại Kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu;

    c) Sau khi đã được kiểm tra lại một số môn học, môn đánh giá bằng điểm có điểm trung bình dưới 5,0 hay môn đánh giá bằng nhận xét bị xếp loại CĐ, để xếp loại lại học lực cả năm nhưng vẫn không đạt loại trung bình.

    d) Hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nên vẫn bị xếp loại yếu về hạnh kiểm.

    3. Xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật

    Hiệu trưởng căn cứ kết quả học tập các môn học, hoạt động giáo dục của học sinh khuyết tật để xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung hoặc căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân đối với học sinh khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung để xét lên lớp.

    Như vậy, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông nghỉ học quá 45 buổi trong một năm học (kể cả có phép hay không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại) thì sẽ không được lên lớp. Đối với trường hợp nghỉ học quá 45 buổi kể cả có phép thì vẫn không được lên lớp theo quy định. Trường hợp trên của anh/chị không nói rõ là anh/chị đã nghỉ bao nghiêu buổi học nên chúng tôi không thể xác định anh/chị có thuộc đối tượng không được lên lớp hay không. 

    Học sinh trung học có hạnh kiểm trung bình cả năm học có phải rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè không?

    Theo Điều 17 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè như sau:

    Học sinh xếp loại học lực cả năm từ trung bình trở lên nhưng hạnh kiểm cả năm học xếp loại yếu thì phải rèn luyện thêm hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, hình thức rèn luyện do hiệu trưởng quy định. Nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè được thông báo đến gia đình, chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi học sinh cư trú. Cuối kỳ nghỉ hè, nếu được Uỷ ban nhân dân cấp xã công nhận đã hoàn thành nhiệm vụ thì giáo viên chủ nhiệm đề nghị hiệu trưởng cho xếp loại lại về hạnh kiểm; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp.

    Như vậy, chỉ có học sinh xếp loại học lực cả năm từ trung bình trở lên nhưng hạnh kiểm cả năm học xếp loại yếu mới phải rèn luyện thêm hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè. Trường hợp học sinh xếp loại học lực cả năm từ trung bình trở lên và có hạnh kiểm trung bình thì không cần phải rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè.

    Học sinh trung học muốn đạt học sinh giỏi cần phải có điều kiện gì?

    Tại Điều 13 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học như sau:

    1. Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

    a) Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên;

    b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5;

    c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.

    2. Loại khá, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

    a) Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên;

    b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0;

    c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.

    3. Loại trung bình, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

    a) Điểm trung bình các môn học từ 5,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 5,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 5,0 trở lên;

    b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 3,5;

    c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.

    4. Loại yếu: Điểm trung bình các môn học từ 3,5 trở lên, không có môn học nào điểm trung bình dưới 2,0.

    5. Loại kém: Các trường hợp còn lại.

    6. Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức của từng loại quy định tại các Khoản 1, 2 điều này nhưng do kết quả của duy nhất một môn học nào đó thấp hơn mức quy định cho loại đó nên học lực bị xếp thấp xuống thì được điều chỉnh như sau:

    a) Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại G nhưng do kết quả của duy nhất một môn học nào đó mà phải xuống loại Tb thì được điều chỉnh xếp loại K.

    b) Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại G nhưng do kết quả của duy nhất một môn học nào đó mà phải xuống loại Y thì được điều chỉnh xếp loại Tb.

    c) Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại K nhưng do kết quả của duy nhất một môn học nào đó mà phải xuống loại Y thì được điều chỉnh xếp loại Tb.

    d) Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại K nhưng do kết quả của duy nhất một môn học nào đó mà phải xuống loại Kém thì được điều chỉnh xếp loại Y.

    Như vậy, cần phải có các điều kiện trên thì học sinh mới đạt học sinh giỏi.

     

    102