Hành vi tự ý chuyển đất rừng sang đất ở bị phạt bao nhiêu tiền?
Nội dung chính
Chuyển đất rừng sang đất ở có phải xin phép?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Điều 4. Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp
[...]
3. Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau:
a) Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng;
b) Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ;
c) Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.
Theo đó, đất rừng thuộc nhóm đất nông nghiệp, là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024:
Điều 121. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
[...]
Theo đó, đất rừng thuộc nhóm đất nông nghiệp, khi người sử dụng đất chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (gồm có đất ở) phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tóm lại, chuyển đất rừng sang đất ở bắt buộc phải xin phép.
Hành vi tự ý chuyển đất rừng sang đất ở bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Hành vi tự ý chuyển đất rừng sang đất ở bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2024/NĐ-CP:
Dưới đây là bảng mức xử phạt đối với hành vi tự ý chuyển đất rừng sang đất ở:
(1) Chuyển sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp
Diện tích chuyển trái phép (ha) | Mức phạt (triệu đồng) |
---|---|
Dưới 0,5 | Từ 02 - 03 |
Từ 0,5 đến dưới 01 | Từ 03 - 05 |
Từ 01 đến dưới 02 | Từ 05 - 10 |
Từ 02 trở lên | Từ 10 - 30 |
(2) Chuyển sang đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) tại xã
Diện tích chuyển trái phép (ha) | Mức phạt (triệu đồng) |
---|---|
Dưới 0,05 | Từ 03 - 05 |
Từ 0,05 đến dưới 0,1 | Từ 05 - 10 |
Từ 0,1 đến dưới 0,5 | Từ 10 - 20 |
Từ 0,5 đến dưới 01 | Từ 20 - 50 |
Từ 01 đến dưới 02 | Từ 50 - 100 |
Từ 02 trở lên | Từ 100 - 150 |
(3) Chuyển sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã
Diện tích chuyển trái phép (ha) | Mức phạt (triệu đồng) |
---|---|
Dưới 0,02 | Từ 10 - 20 |
Từ 0,02 đến dưới 0,05 | Từ 20 - 50 |
Từ 0,05 đến dưới 0,1 | Từ 50 - 100 |
Từ 0,1 đến dưới 0,5 | Từ 100 - 150 |
Từ 0,5 trở lên | Từ 150 - 200 |
> Lưu ý:
- Trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại phường hoặc thị trấn, mức xử phạt gấp đôi so với các mức nêu trên.
- Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)
Trên đây là nội dung về Hành vi tự ý chuyển đất rừng sang đất ở bị phạt bao nhiêu tiền?
Ai có trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 241 Luật Đất đai 2024:
Trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai được quy định như sau:
(1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển, nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật đất đai khác của người sử dụng đất.
(2) Người đứng đầu cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền.
(3) Công chức làm công tác địa chính cấp xã; công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp khi thi hành công vụ có trách nhiệm phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.