Giao dịch mua xe ô tô từ ăn trộm có bị vô hiệu không?

Giao dịch mua xe ô tô từ ăn trộm có bị vô hiệu không? Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như thế nào? Tôi có mua một chiếc xe ô tô tải cũ giá 15 triệu đồng, người bán cho tôi kêu mất giấy tờ nên tôi không làm được thủ tục sang tên và cũng vì chở hàng quanh nhà nên nghĩ thủ tục sang tên không cần thiết. Trong quá trình tham gia giao thông, tôi bị công an bắt lại vì không có giấy tờ xe. Sau khi công an điều tra ra thì phát hiện chiếc xe tôi mua là tài sản ăn trộm của người này. Vậy trong trường hợp này giao dịch tôi với người này có vô hiệu không và tôi có phải trả lại xe cho người bị mất không? Xin cảm ơn!

Nội dung chính

    Mua xe ô tô từ ăn trộm có bị vô hiệu không?

    Căn cứ Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép như sau:

    Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

    Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

    Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

    Khoản 2 Điều 431 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đối tượng của hợp đồng mua bán như sau:

    2. Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.

    Theo đó, do người bán cho bạn đã lừa dối bạn rằng đó là xe của họ, chiếc xe này do ăn trộm mà có, không thuộc sở hữu của người này nên giao dịch này sẽ vô hiệu do bị lừa dối.

    Giao dịch mua xe ô tô từ ăn trộm có bị vô hiệu không?(Hình ảnh Internet)

    Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

    Căn cứ Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

    1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

    2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

    Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

    3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

    4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

    10