Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ được quy định như thế nào?
Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ được quy định tại Điều 9 Thông tư 200/2015/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định bằng văn bản về vai trò, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền, cơ chế báo cáo, phản hồi của Người đại diện (nếu có) hoặc đơn vị/cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp (gọi tắt là đơn vị/cá nhân quản lý); cơ chế phối hợp giữa đơn vị được cử là đầu mối tổng hợp kết quả giám sát với Người đại diện.
- Định kỳ hàng năm, Người đại diện hoặc đơn vị/cá nhân quản lý lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Thông tin chung về doanh nghiệp: Vốn Điều lệ; Vốn thực góp đến thời điểm báo cáo (trong đó, vốn góp của nhà nước, tỷ lệ nắm giữ); Người đại diện/Người quản lý.
+ Việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động.
+ Tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp:
Kết quả hoạt động kinh doanh: doanh thu, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA).
+ Việc thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước, thu hồi vốn nhà nước, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ doanh nghiệp.
+ Cổ tức/lợi nhuận được chia của năm báo cáo (Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông: số tiền, tỷ lệ cổ tức được chia).
+ Cổ tức/lợi nhuận thực nhận trong năm báo cáo.
- Căn cứ báo cáo giám sát tài chính của Người đại diện hoặc đơn vị/cá nhân quản lý, cơ quan đại diện chủ sở hữu lập Báo cáo kết quả giám sát tài chính (trong đó tổng hợp kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước) theo các nội dung sau:
+ Đánh giá tình hình tài chính tại doanh nghiệp có vốn góp.
+ Đánh giá về quản lý, hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp có vốn góp.
+ Kết luận của cơ quan đại diện chủ sở hữu: Có tiếp tục đầu tư hay thoái vốn.
- Hội đồng thành viên SCIC chịu trách nhiệm lập Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ mà SCIC đã tiếp nhận từ Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đến thời điểm báo cáo.
- Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động kém hiệu quả và có khả năng mất an toàn về tài chính, mất vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo Người đại diện hoặc đơn vị/cá nhân quản lý thực hiện các quyền của cổ đông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014.