Nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nào?

Nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nào? Tranh chấp đất đai có có buộc phải hòa giải tại Uỷ ban nhân dân cấp xã trước khi giải quyết không?

Nội dung chính

    Nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nào?

    (1) Thẩm quyền của Tòa án theo loại vụ việc:

    Khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

    Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
    ...
    9. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
    ...

    Căn cứ quy định trên, tranh chấp đất đai là tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

    (2) Thẩm quyền giải quyết theo cấp Tòa án:

    Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

    Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
    1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
    a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
    b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
    c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.
    2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
    a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;
    b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;
    c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;
    d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.
    3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
    4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

    Đồng thời khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:

    Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
    1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
    a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
    b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
    c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.
    ...

    Căn cứ 02 quy định trên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là Tòa án nhân dân cấp huyện . Tuy nhiên, nếu đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Trường hợp này, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

    (3) Thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ:

    Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

    Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
    1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
    a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
    b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
    c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
    ...

    Căn cứ quy định này, chỉ có Tòa án nơi có đất đai mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

    Từ những quy định và lập luận trên, tùy từng trường hợp, người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại:

    - Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp;

    - Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất tranh chấp.

    Nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nào?

    Nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nào? (Hình từ Internet)

    Tranh chấp đất đai có có buộc phải hòa giải tại Uỷ ban nhân dân cấp xã trước khi giải quyết không?

    Khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
    ...
    2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp...
    ...

    Căn cứ quy định trên, tranh chấp đất đai bắt buộc phải được hòa giải tại Uỷ ban nhân dân cấp xã trước khi được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

    Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án có phải là thủ tục hành chính về đất đai?

    Khoản 1 Điều 23 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Các thủ tục hành chính về đất đai
    1. Các thủ tục hành chính về đất đai bao gồm:
    a) Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất;
    b) Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất;
    c) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thủ tục đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp;
    d) Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất;
    đ) Thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất;
    e) Thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất;
    g) Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính;
    h) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
    i) Thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai;
    k) Thủ tục hành chính khác về đất đai.
    ...

    Căn cứ quy định trên, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính mới được xem là thủ tục hành chính về đất đai. Nói các khác, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án không được xem là thủ tục hành chính đất đai. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

    8