Giá nước sinh hoạt khi sinh viên thuê nhà trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

Giá nước sinh hoạt khi sinh viên thuê nhà trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu? Nhà nước có quy định nào riêng về tiền điện cho sinh viên thuê nhà trọ không?

Nội dung chính

    Giá nước sinh hoạt khi sinh viên thuê nhà trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

    Hiện nay khung giá nước sạch tối đa và tối thiểu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại từng khu vực khác nhau theo quy định tại Điều 3 Thông tư 44/2021/TT-BTC.

    Hàng năm, đơn vị cấp nước sẽ tự kiểm tra và đánh giá phương án giá nước sạch hiện tại và dự kiến giá nước sạch cho năm tiếp theo.

    Nếu có sự thay đổi về chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch dẫn đến việc tăng hoặc giảm giá nước, đơn vị cấp nước sẽ lập hồ sơ điều chỉnh phương án giá và gửi Sở Tài chính để thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh.

    Trong trường hợp giá thành 1m3 nước sạch năm sau tăng nhưng vẫn nằm trong khả năng tài chính của đơn vị cấp nước, đơn vị sẽ gửi công văn báo cáo Sở Tài chính và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giữ nguyên giá nước sạch.

    Quy định đơn giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tại Quyết định 25/2019/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh. Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt chưa có thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường như sau:

    + Từ 0 đến 4m3/người/tháng: 6.700 đồng/m3 (riêng hộ nghèo và cận nghèo là 6.300 đồng/m3)

    + Từ 4m3 đến 6m3/người/tháng: 12.900 đồng/m3

    + Trên 6m3/người/tháng: 14.400 đồng/m3.

    Lưu ý: đơn giá nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

    Giá nước sinh hoạt khi sinh viên thuê nhà trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

    Giá nước sinh hoạt khi sinh viên thuê nhà trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

    Nhà nước có quy định nào riêng về tiền điện cho sinh viên thuê nhà trọ không?

    Sinh viên thuê nhà trọ một mình cần lưu ý về các quy định pháp luật liên quan đến giá tiền điện để bảo quyền lợi cá nhân. Dưới đây là căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 25/2018/TT-BCT về các quy định giá tiền điện cho sinh viên thuê nhà trọ (không phải hộ gia đình) như sau:

    - Nếu hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và bên thuê có đăng ký tạm trú, chủ nhà hoặc đại diện bên thuê sẽ ký hợp đồng mua bán điện, với cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà.

    - Nếu hợp đồng thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thể kê khai đầy đủ số người sử dụng điện, giá điện sẽ được tính theo bậc 3 (từ 101 - 200 kWh) cho toàn bộ lượng điện sử dụng.

    - Nếu chủ nhà kê khai đúng số người sử dụng điện, bên bán điện sẽ cấp định mức theo số người trong sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú của cơ quan Công an. Cứ 4 người sẽ tính là 1 hộ sử dụng điện, cụ thể:

    + 1 người = 1/4 định mức

    + 2 người = 1/2 định mức

    + 3 người = 3/4 định mức

    + 4 người = 1 định mức.

    - Khi số người thuê thay đổi, chủ nhà phải thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức. Bên bán điện có quyền yêu cầu chủ nhà xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người và tính toán hóa đơn tiền điện.

    Sinh viên thuê nhà trọ và chủ nhà trọ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 về các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi sinh viên thuê nhà như sau:

    Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
    3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Bên cho thuê nhà ở không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
    b) Bên cho thuê nhà ở tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;
    c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
    Khi thuê nhà, sinh viên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong những trường hợp được nêu trên.

    Chủ nhà trọ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trọ trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 bao gồm:

    Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
    2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Bên cho thuê nhà ở thuộc tài sản công, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cho thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở;
    b) Bên thuê không trả đủ tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng từ 03 tháng trở lên mà không có lý do đã được thỏa thuận trong hợp đồng;
    c) Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng;
    d) Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;
    đ) Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;
    e) Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;

    g) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 170 của Luật này.

    ...

    Theo đó, khi cho sinh viên thuê nhà trọ, chủ nhà trọ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trong các trường hợp được quy định trên.

    Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
    140
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ