Dự toán gói thầu xây dựng là gì và cách xác định như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Hoàng Nam
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Dự toán gói thầu xây dựng là gì và cách xác định như thế nào? Giá gói thầu xây dựng được xác định ra sao?

Nội dung chính

Dự toán gói thầu xây dựng là gì? Mục đích của việc lập dự toán gói thầu xây dựng?

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 10/2021/NĐ-CP:

Quy định chung về dự toán gói thầu xây dựng
1. Dự toán gói thầu xây dựng (sau đây gọi là dự toán gói thầu) là toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu được xác định cho từng gói thầu, phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.
2. Dự toán gói thầu được xác định cho các gói thầu sau:
a) Gói thầu thi công xây dựng;
b) Gói thầu mua sắm thiết bị;
c) Gói thầu lắp đặt thiết bị;
d) Gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng;
đ) Gói thầu hỗn hợp.

Theo quy định trên, dự toán gói thầu xây dựng (sau đây gọi là dự toán gói thầu) là toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu được xác định cho từng gói thầu, phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Dự toán gói thầu được lập để xác định chi phí thực hiện các gói thầu cụ thể, bao gồm:

- Thi công xây dựng;

- Mua sắm thiết bị;

- Lắp đặt thiết bị;

- Tư vấn đầu tư xây dựng;

- Gói thầu hỗn hợp.

Dự toán gói thầu xây dựng là gì và cách xác định như thế nào?

Dự toán gói thầu xây dựng là gì và cách xác định như thế nào? (Hình từ Internet)

Cách xác định dự toán gói thầu? Giá gói thầu xây dựng được xác định ra sao?

Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 10/2021/NĐ-CP:

Xác định dự toán gói thầu
1. Dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi của từng gói thầu phù hợp với thiết kế, phạm vi, tính chất, đặc điểm, điều kiện cụ thể của gói thầu.
2. Đối với dự án thực hiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) để triển khai hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (EPC), dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi gói thầu xác định trên cơ sở thiết kế FEED.
3. Đối với dự án, công trình được người quyết định đầu tư cho phép triển khai thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo từng gói thầu xây dựng, từng giai đoạn kế hoạch thực hiện dự án thì dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi gói thầu và thiết kế xây dựng tương ứng. Các khoản mục chi phí trong dự toán gói thầu được xác định như các khoản mục chi phí trong dự toán xây dựng công trình quy định tại Điều 12 Nghị định này, phù hợp với phạm vi, tính chất, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng gói thầu.
4. Đối với dự án đã được phê duyệt dự toán xây dựng công trình, chủ đầu tư tự xác định dự toán gói thầu trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi của gói thầu trong dự toán xây dựng công trình được duyệt nếu cần thiết.
5. Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu được xác định phù hợp với hình thức hợp đồng sử dụng cho gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Dự toán gói thầu được xác định dựa trên các khoản chi phí thuộc phạm vi của từng gói thầu, phù hợp với thiết kế, đặc điểm và điều kiện cụ thể. Các trường hợp chính:

- Gói thầu thông thường: Dựa trên các khoản chi phí phù hợp với thiết kế, phạm vi và tính chất gói thầu.

- Dự án có thiết kế FEED (kỹ thuật tổng thể): Xác định dự toán dựa trên chi phí thuộc phạm vi gói thầu theo thiết kế FEED, áp dụng cho hợp đồng EPC (thiết kế - mua sắm - thi công).

- Dự án thực hiện theo từng giai đoạn: Nếu thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán dựa trên các khoản mục chi phí phù hợp với từng giai đoạn hoặc gói thầu xây dựng.

- Dự án đã phê duyệt dự toán công trình: Chủ đầu tư xác định dự toán gói thầu từ các khoản chi phí trong dự toán xây dựng công trình được duyệt, nếu cần.

- Chi phí dự phòng: Được tính toán phù hợp với loại hợp đồng đã ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

(2) Giá gói thầu xây dựng được xác định ra sao?

Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 10/2021/NĐ-CP:

- Giá gói thầu xây dựng là giá trị của gói thầu xây dựng được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu xây dựng gồm toàn bộ chi phí cần thiết được tính đúng, tính đủ để thực hiện gói thầu xây dựng, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

- Giá gói thầu được cập nhật trước ngày mở thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu nếu cần thiết.

Việc thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu được diễn ra như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 10/2021/NĐ-CP:

(1) Thẩm tra và thẩm định dự toán:

Việc thẩm tra, thẩm định dự toán gói thầu (theo khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định 10/2021/NĐ-CP) được thực hiện như thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình quy định tại Điều 13 Nghị định 10/2021/NĐ-CP.

(2) Phê duyệt dự toán gói thầu:

- Chủ đầu tư phê duyệt dự toán (theo khoản 2, 3, 4 Điều 17 Nghị định 10/2021/NĐ-CP) để thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

(3) Thẩm định, phê duyệt gói thầu tư vấn:

- Chủ đầu tư tự thực hiện thẩm định và phê duyệt các gói thầu tư vấn (theo điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 10/2021/NĐ-CP).

- Đối với tư vấn nước ngoài, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt được thực hiện theo khoản 4 Điều 32 Nghị định 10/2021/NĐ-CP.

(4) Điều chỉnh dự toán gói thầu:

- Tùy vào đặc điểm và tính chất gói thầu, việc điều chỉnh chi phí trong dự toán được thực hiện tương tự quy định về điều chỉnh dự toán xây dựng công trình tại Điều 15 Nghị định 10/2021/NĐ-CP.

saved-content
unsaved-content
140