Luật Đất đai 2024

Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Số hiệu 10/2021/NĐ-CP
Cơ quan ban hành Chính phủ
Ngày ban hành 09/02/2021
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị
Loại văn bản Nghị định
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là dự án PPP), gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng; định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng; quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế; thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được ký kết; quy định tại Nghị định này và pháp luật về quản lý sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP.

2. Các tổ chức, cá nhân tham khảo các quy định tại Nghị định này để quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với các dự án ngoài quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng

1. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 132 Luật Xây dựngkhoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, phù hợp với từng nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hình thức đầu tư, phương thức thực hiện, kế hoạch thực hiện của dự án và quy định của pháp luật liên quan.

2. Quy định rõ và thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, phù hợp với trình tự thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng.

3. Nhà nước ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quy định các công cụ cần thiết để chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan áp dụng, tham khảo trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gồm: định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng; giá vật liệu xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đơn giá nhân công xây dựng; thông tin, dữ liệu về chi phí đầu tư xây dựng các dự án, công trình xây dựng; các phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đo bóc khối lượng, kiểm soát chi phí, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng.

4. Các dự án, công trình xây dựng đặc thù áp dụng các quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các cơ chế đặc thù theo quy định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

5. Các dự án, công trình xây dựng phục vụ quốc phòng, an ninh, thẩm quyền, trình tự thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng, thẩm quyền, trình tự thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng trong thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

6. Dự án, công trình xây dựng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan phù hợp với đặc thù về tính chất và điều kiện thực hiện công trình thuộc Chương trình.

7. Các dự án, công trình đầu tư xây dựng tại nước ngoài thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo các nguyên tắc quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Chương II

SƠ BỘ TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 4. Xác định, thẩm định, phê duyệt sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng

1. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng là ước tính chi phí đầu tư xây dựng của dự án trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng. Nội dung sơ bộ tổng mức đầu tư, gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng.

2. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện, có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án.

3. Việc thẩm định, phê duyệt sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng thực hiện đồng thời với việc thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Điều 5. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng

1. Tổng mức đầu tư xây dựng là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định phù hợp với thiết kế cơ sở và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

2. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng, gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng và được quy định cụ thể như sau:

a) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm: chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định; các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; chi phí tái định cư; chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí sử dụng đất, thuê đất tính trong thời gian xây dựng (nếu có); chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng phục vụ giải phóng mặt bằng (nếu có) và các chi phí có liên quan khác;

b) Chi phí xây dựng gồm: chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình của dự án; công trình, hạng mục công trình xây dựng tạm, phụ trợ phục vụ thi công; chi phí phá dỡ các công trình xây dựng không thuộc phạm vi của công tác phá dỡ giải phóng mặt bằng đã được xác định trong chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

c) Chi phí thiết bị gồm: chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ; chi phí quản lý mua sắm thiết bị (nếu có); chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ (nếu có); chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có); chi phí gia công, chế tạo thiết bị cần gia công, chế tạo (nếu có); chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí chạy thử thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật (nếu có); chi phí vận chuyển; bảo hiểm; thuế và các loại phí; chi phí liên quan khác;

d) Chi phí quản lý dự án là chi phí cần thiết để tổ chức quản lý việc thực hiện và thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng, được quy định chi tiết tại Điều 30 Nghị định này;

đ) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là chi phí cần thiết để thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng, được quy định chi tiết tại Điều 31 Nghị định này;

e) Chi phí khác gồm các chi phí cần thiết để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, gồm: chi phí rà phá bom mìn, vật nổ; chi phí di chuyển máy, thiết bị thi công đặc chủng đến và ra khỏi công trường; chi phí đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công; chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công xây dựng; chi phí kho bãi chứa vật liệu; chi phí xây dựng nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, khí nén, hệ thống cấp nước tại hiện trường, lắp đặt, tháo dỡ một số loại máy; chi phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; đăng kiểm chất lượng quốc tế, quan trắc biến dạng công trình; kiểm toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng và khi nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc hội đồng do Thủ tướng Chính phủ thành lập; nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng, sử dụng vật liệu mới liên quan đến dự án; vốn lưu động ban đầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích kinh doanh, lãi vay trong thời gian xây dựng; chi phí cho quá trình chạy thử không tải và có tải dây chuyền công nghệ, sản xuất theo quy trình trước khi bàn giao (trừ giá trị sản phẩm thu hồi được); chi phí thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; các khoản thuế tài nguyên, phí và lệ phí theo quy định và các chi phí cần thiết khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ Điều này;

g) Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.

3. Dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng gồm dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 11 Nghị định này, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có) và các chi phí liên quan tính chung cho dự án. Dự toán xây dựng công trình được xác định theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Điều 6. Xác định tổng mức đầu tư xây dựng

1. Tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo các phương pháp sau:

a) Phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu cần thiết khác của dự án;

b) Phương pháp xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng;

c) Phương pháp xác định từ dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự đã thực hiện;

d) Kết hợp các phương pháp quy định tại điểm a, b, c khoản này.

2. Phương pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là phương pháp cơ bản để xác định tổng mức đầu tư xây dựng đối với dự án, công trình có thiết kế cơ sở đủ điều kiện để xác định khối lượng các công tác, nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình và giá xây dựng công trình tương ứng.

3. Xác định tổng mức đầu tư xây dựng theo phương pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này như sau:

a) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được xác định trên cơ sở phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án và các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan;

b) Chi phí xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng công việc, công tác xây dựng; nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình và giá xây dựng công trình tương ứng và một số chi phí có liên quan khác;

c) Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị hoặc hệ thống thiết bị theo phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị được lựa chọn, giá mua thiết bị phù hợp giá thị trường và các chi phí khác có liên quan;

d) Chi phí quản lý dự án được xác định theo quy định tại Điều 30 Nghị định này;

đ) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại Điều 31 Nghị định này;

e) Chi phí khác được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) hoặc bằng phương pháp lập dự toán. Chi phí rà phá bom mìn, vật nổ được xác định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

g) Chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các khoản mục chi phí quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản này. Riêng tỷ lệ phần trăm đối với chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở độ dài thời gian thực hiện dự án, kế hoạch thực hiện dự án và chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.

4. Xác định tổng mức đầu tư xây dựng theo phương pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này như sau:

Tổng mức đầu tư xây dựng xác định trên cơ sở khối lượng, diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở và suất vốn đầu tư xây dựng tương ứng được công bố phù hợp với loại và cấp công trình, có sự đánh giá, quy đổi, tính toán về thời điểm lập tổng mức đầu tư xây dựng, địa điểm thực hiện dự án, bổ sung các chi phí cần thiết khác của dự án chưa được tính trong suất vốn đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện cụ thể của dự án, công trình.

5. Xác định tổng mức đầu tư xây dựng theo phương pháp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này như sau:

Tổng mức đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng, diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở và dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự đã thực hiện có cùng loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ. Các dữ liệu về chi phí sử dụng cần thực hiện quy đổi, tính toán về thời điểm lập tổng mức đầu tư xây dựng, địa điểm thực hiện dự án, bổ sung các chi phí cần thiết khác phù hợp với điều kiện cụ thể của dự án, công trình.

6. Căn cứ mức độ chi tiết thiết kế cơ sở của dự án, suất vốn đầu tư xây dựng được công bố, dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự đã thực hiện, kết hợp hai hoặc cả ba phương pháp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này để xác định tổng mức đầu tư xây dựng.

Điều 7. Thẩm tra, thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng

1. Thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng là một nội dung của thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Nội dung chi tiết thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại điểm g khoản 2 Điều 58 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng như sau:

a) Sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng; các căn cứ pháp lý để xác định tổng mức đầu tư xây dựng;

b) Sự phù hợp của tổng mức đầu tư xây dựng với sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt; phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng;

c) Sự phù hợp của nội dung tổng mức đầu tư xây dựng quy định tại Điều 5 Nghị định này với các nội dung và yêu cầu của dự án;

d) Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về áp dụng, tham khảo hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, các công cụ cần thiết khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố và việc vận dụng, tham khảo dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự để xác định tổng mức đầu tư xây dựng.

3. Nội dung chi tiết thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng của cơ quan hoặc tổ chức, cá nhân được người quyết định đầu tư giao chủ trì thẩm định quy định tại điểm a khoản 3 Điều 56 và điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 và 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng như sau:

a) Sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng; kiểm tra kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư xây dựng của tổ chức tư vấn (nếu có);

b) Kết quả hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng theo các kiến nghị của cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại khoản 2 Điều này (nếu có) và các ý kiến giải trình;

c) Sự phù hợp, đầy đủ của việc xác định khối lượng hoặc quy mô, công suất, năng lực phục vụ tính toán trong tổng mức đầu tư xây dựng so với thiết kế cơ sở của dự án;

d) Xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định, phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường và kế hoạch thực hiện dự án;

đ) Phân tích nguyên nhân tăng, giảm và đánh giá việc bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án theo giá trị tổng mức đầu tư xây dựng xác định sau thẩm định.

4. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công không thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 của Luật Xây dựng được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, người quyết định đầu tư thẩm định các nội dung quy định tại khoản 2, 3 Điều này.

5. Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, người quyết định đầu tư thẩm định các nội dung quy định tại khoản 3, 4 Điều 13 Nghị định này.

6. Việc thẩm tra phục vụ thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định về thẩm tra phục vụ thẩm định dự án tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

7. Chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định được trích từ phí, chi phí thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng.

8. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm định, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng.

Điều 8. Phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng

1. Phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng là một nội dung của quyết định đầu tư xây dựng. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 60 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

2. Tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt là chi phí tối đa để thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Điều 9. Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng

1. Tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt được điều chỉnh theo quy định tại khoản 5 Điều 134 Luật Xây dựngđiểm đ khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

2. Tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh gồm phần tổng mức đầu tư không điều chỉnh và phần tổng mức đầu tư điều chỉnh. Các nội dung liên quan đến phần tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh phải được thẩm định theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Điều 10. Thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị dự án

1. Chi phí chuẩn bị dự án gồm chi phí để thực hiện các công việc: khảo sát xây dựng; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.

2. Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án hoặc chủ đầu tư (trong trường hợp đã xác định được chủ đầu tư) tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị dự án quy định tại khoản 1 Điều này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3, 4 Điều này.

3. Đối với dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị dự án quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

4. Đối với dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện công việc nêu tại khoản 1 Điều này thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Nghị định này.

5. Dự toán chi phí chuẩn bị dự án quy định tại khoản 1 Điều này sau khi được phê duyệt được cập nhật vào tổng mức đầu tư xây dựng.

Chương III

DỰ TOÁN XÂY DỰNG

Mục 1. DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 11. Nội dung dự toán xây dựng công trình

1. Dự toán xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính để xây dựng công trình được xác định theo thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

2. Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng. Các khoản mục chi phí trên được quy định chi tiết tại các điểm b, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều 5 Nghị định này, trừ các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác tính chung cho cả dự án.

3. Đối với dự án có nhiều công trình, chủ đầu tư xác định tổng dự toán để quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong trường hợp cần thiết. Tổng dự toán gồm các dự toán xây dựng công trình và chi phí tư vấn, chi phí khác, chi phí dự phòng tính chung cho cả dự án.

Điều 12. Xác định dự toán xây dựng công trình

 Dự toán xây dựng công trình được xác định theo khối lượng tính toán từ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, các chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu công việc phải thực hiện, kế hoạch thực hiện của công trình, điều kiện thi công, biện pháp thi công của công trình và định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng, các quy định khác có liên quan được áp dụng phù hợp với điều kiện thực hiện cụ thể của công trình. Các khoản mục chi phí trong dự toán xây dựng công trình được xác định theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều này.

2. Chi phí xây dựng gồm: chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng, được xác định như sau:

a) Chi phí trực tiếp (gồm: chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy và thiết bị thi công) được xác định theo khối lượng và đơn giá xây dựng chi tiết hoặc theo khối lượng và giá xây dựng tổng hợp của nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình.

Trường hợp chi phí trực tiếp được xác định theo khối lượng và đơn giá xây dựng chi tiết: khối lượng được xác định theo công việc, công tác xây dựng; đơn giá xây dựng chi tiết được xác định như quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này.

Trường hợp chi phí trực tiếp xác định theo khối lượng và giá xây dựng tổng hợp của nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình: khối lượng được xác định phù hợp với nhóm loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình; giá công tác, nhóm loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình xác định như quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định này.

b) Chi phí gián tiếp gồm chi phí chung, chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công và chi phí cho một số công việc không xác định được khối lượng từ thiết kế. Chi phí gián tiếp được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) theo quy định;

c) Thu nhập chịu thuế tính trước được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%);

d) Thuế giá trị gia tăng theo quy định.

3. Chi phí thiết bị được xác định như sau:

a) Chi phí mua sắm thiết bị được xác định theo khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị từ thiết kế (công nghệ, xây dựng), danh mục thiết bị trong dự án được duyệt và giá mua thiết bị tương ứng;

b) Chi phí gia công, chế tạo thiết bị (nếu có) được xác định bằng cách lập dự toán trên cơ sở khối lượng, số lượng thiết bị cần gia công, chế tạo và đơn giá gia công, chế tạo tương ứng; theo hợp đồng gia công, chế tạo, báo giá của đơn vị sản xuất, cung ứng hoặc trên cơ sở giá gia công, chế tạo thiết bị tương tự của công trình đã thực hiện;

c) Các chi phí còn lại thuộc chi phí thiết bị như quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định này xác định bằng phương pháp lập dự toán hoặc trên cơ sở định mức chi phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

4. Chi phí quản lý dự án được xác định theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

5. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại Điều 31 Nghị định này.

6. Chi phí khác được xác định trên cơ sở định mức chi phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc bằng phương pháp lập dự toán.

7. Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá, được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các chi phí quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều này. Riêng tỷ lệ phần trăm (%) đối với chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở thời gian xây dựng công trình theo kế hoạch thực hiện dự án, chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng và có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.

Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình

1. Việc thẩm định dự toán xây dựng công trình được thực hiện đồng thời với việc thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Thẩm quyền thẩm định dự toán xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

3. Nội dung thẩm định dự toán xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 83a Luật Xây dựng được bổ sung tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, gồm:

a) Sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định dự toán xây dựng công trình; các căn cứ pháp lý để xác định dự toán xây dựng công trình;

b) Sự phù hợp của dự toán xây dựng công trình với tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt; phương pháp xác định dự toán xây dựng công trình;

c) Sự phù hợp của nội dung dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 11 Nghị định này với các nội dung và yêu cầu của dự án;

d) Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về việc áp dụng, tham khảo hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và các công cụ cần thiết khác theo quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố; về việc vận dụng, tham khảo dữ liệu về chi phí của công trình tương tự và các công cụ cần thiết khác để xác định dự toán xây dựng công trình;

đ) Danh mục định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh (nếu có) và phương pháp xác định; xác định danh mục các định mức cần tổ chức khảo sát trong quá trình thi công xây dựng.

4. Nội dung thẩm định dự toán xây dựng công trình của chủ đầu tư quy định tại điểm c khoản 1 Điều 83 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, gồm:

a) Sự đầy đủ của hồ sơ dự toán xây dựng công trình thẩm định; kiểm tra kết quả thẩm tra dự toán xây dựng công trình của tổ chức tư vấn (nếu có);

b) Kết quả hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình thẩm định dự toán xây dựng công trình (nếu có) theo kiến nghị của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với các trường hợp dự toán xây dựng công trình được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này (nếu có) và các ý kiến giải trình;

c) Sự phù hợp, đầy đủ của việc xác định khối lượng công tác xây dựng, chủng loại và số lượng thiết bị tính toán trong dự toán xây dựng công trình so với thiết kế;

d) Xác định giá trị dự toán xây dựng công trình đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định; phù hợp với giá trị tổng mức đầu tư xây dựng; phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, công nghệ xây dựng, điều kiện thi công, biện pháp thi công xây dựng định hướng, tiến độ thi công công trình và mặt bằng giá thị trường;

đ) Phân tích, đánh giá mức độ, nguyên nhân tăng, giảm của các khoản mục chi phí so với giá trị dự toán xây dựng công trình đề nghị thẩm định;

e) Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công không thuộc đối tượng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, chủ đầu tư thẩm định các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này và các điểm a, b, c, d, đ khoản này.

5. Nội dung thẩm định dự toán xây dựng công trình đối với công trình xây dựng thuộc dự án PPP:

a) Đối với các công trình xây dựng thuộc dự án PPP thành phần sử dụng vốn đầu tư công: cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này; chủ đầu tư thẩm định các nội dung quy định tại khoản 4 Điều này và các nội dung quy định tại hợp đồng dự án PPP;

b) Đối với các công trình xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công thuộc dự án PPP: chủ đầu tư thẩm định theo nội dung quy định tại các khoản 3, 4 Điều này và các nội dung quy định tại hợp đồng dự án PPP.

6. Chủ đầu tư thẩm định dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và các chi phí tính chung cho cả dự án. Trường hợp dự toán các chi phí này đã được phê duyệt trong tổng mức đầu tư xây dựng, chủ đầu tư xem xét quyết định việc chuẩn xác lại nếu cần thiết. Trường hợp thuê tư vấn nước ngoài thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Nghị định này.

7. Việc thẩm tra phục vụ thẩm định dự toán xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

8. Chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định được trích từ phí, chi phí thẩm định dự toán xây dựng.

9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 14. Phê duyệt dự toán xây dựng công trình

1. Thẩm quyền phê duyệt dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 82 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24, 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

2. Chủ đầu tư phê duyệt dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và các chi phí tính chung cho cả dự án.

3. Quyết định phê duyệt dự toán xây dựng công trình và dự toán chi phí quy định tại khoản 2 Điều này được gửi cho người quyết định đầu tư.

Điều 15. Điều chỉnh dự toán xây dựng công trình

1. Dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt được điều chỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 135 Luật Xây dựng.

2. Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh gồm phần dự toán xây dựng công trình không điều chỉnh và phần dự toán xây dựng công trình điều chỉnh. Các nội dung liên quan đến phần dự toán xây dựng công trình điều chỉnh phải được thẩm định theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

3. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh thực hiện theo quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

4. Trường hợp dự toán xây dựng công trình điều chỉnh vượt dự toán đã phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt, chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh, báo cáo người quyết định đầu tư chấp thuận trước khi phê duyệt.

5. Việc điều chỉnh dự toán không vượt dự toán đã phê duyệt nhưng làm thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng thì chủ đầu tư tự tổ chức điều chỉnh, phê duyệt, báo cáo người quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về kết quả điều chỉnh.

Mục 2. DỰ TOÁN GÓI THẦU XÂY DỰNG

Điều 16. Quy định chung về dự toán gói thầu xây dựng

1. Dự toán gói thầu xây dựng (sau đây gọi là dự toán gói thầu) là toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu được xác định cho từng gói thầu, phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.

2. Dự toán gói thầu được xác định cho các gói thầu sau:

a) Gói thầu thi công xây dựng;

b) Gói thầu mua sắm thiết bị;

c) Gói thầu lắp đặt thiết bị;

d) Gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng;

đ) Gói thầu hỗn hợp.

Điều 17. Xác định dự toán gói thầu

1. Dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi của từng gói thầu phù hợp với thiết kế, phạm vi, tính chất, đặc điểm, điều kiện cụ thể của gói thầu.

2. Đối với dự án thực hiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) để triển khai hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (EPC), dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi gói thầu xác định trên cơ sở thiết kế FEED.

3. Đối với dự án, công trình được người quyết định đầu tư cho phép triển khai thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo từng gói thầu xây dựng, từng giai đoạn kế hoạch thực hiện dự án thì dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi gói thầu và thiết kế xây dựng tương ứng. Các khoản mục chi phí trong dự toán gói thầu được xác định như các khoản mục chi phí trong dự toán xây dựng công trình quy định tại Điều 12 Nghị định này, phù hợp với phạm vi, tính chất, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng gói thầu.

4. Đối với dự án đã được phê duyệt dự toán xây dựng công trình, chủ đầu tư tự xác định dự toán gói thầu trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi của gói thầu trong dự toán xây dựng công trình được duyệt nếu cần thiết.

5. Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu được xác định phù hợp với hình thức hợp đồng sử dụng cho gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Điều 18. Thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu

1. Việc thẩm tra, thẩm định dự toán gói thầu quy định tại khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định này thực hiện như đối với dự toán xây dựng công trình quy định tại Điều 13 Nghị định này.

2. Chủ đầu tư phê duyệt dự toán gói thầu quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 17 Nghị định này để thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Chủ đầu tư tự thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định này. Trường hợp thuê tư vấn nước ngoài thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu tư vấn nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Nghị định này.

4. Tùy theo đặc điểm, tính chất của gói thầu, việc điều chỉnh các khoản mục chi phí trong dự toán gói thầu quy định tại khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định này được thực hiện như quy định đối với điều chỉnh dự toán xây dựng công trình tại Điều 15 Nghị định này.

Điều 19. Giá gói thầu xây dựng

1. Giá gói thầu xây dựng là giá trị của gói thầu xây dựng được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu xây dựng gồm toàn bộ chi phí cần thiết được tính đúng, tính đủ để thực hiện gói thầu xây dựng, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

2. Giá gói thầu được cập nhật trước ngày mở thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu nếu cần thiết.

Chương IV

ĐỊNH MỨC XÂY DỰNG, GIÁ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VÀ CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

Mục 1. ĐỊNH MỨC XÂY DỰNG

Điều 20. Hệ thống định mức xây dựng

1. Hệ thống định mức xây dựng gồm định mức kinh tế-kỹ thuật và định mức chi phí. Định mức kinh tế - kỹ thuật gồm định mức cơ sở và định mức dự toán.

2. Định mức cơ sở gồm định mức sử dụng vật liệu, định mức năng suất lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và được sử dụng để xác định hoặc điều chỉnh định mức dự toán.

3. Định mức dự toán

a) Định mức dự toán là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công cụ thể để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình;

b) Định mức dự toán được áp dụng, tham khảo để lập dự toán xây dựng, là căn cứ để xác định giá xây dựng công trình, làm cơ sở để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

4. Định mức chi phí gồm: định mức tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) và định mức tính bằng giá trị. Định mức chi phí là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình, dự toán chi phí của một số loại công việc, chi phí trong đầu tư xây dựng như chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và một số nội dung chi phí khác.

5. Định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương là định mức cho các công tác chưa được quy định trong hệ thống định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành và chỉ xuất hiện trong các công trình xây dựng thuộc chuyên ngành quản lý hoặc tại địa phương.

6. Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung trong phạm vi cả nước. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương.

7. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch và tổ chức xây dựng định mức dự toán quy định tại khoản 5 Điều này, gửi Bộ Xây dựng cho ý kiến về phương pháp, căn cứ xây dựng định mức, sự phù hợp của kết quả tính toán các thành phần hao phí trước khi ban hành.

8. Việc áp dụng, tham khảo hệ thống định mức xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 136 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 51 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

9. Hệ thống định mức xây dựng quy định tại Điều này được quản lý theo hệ thống mã hiệu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Điều 21. Xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán để áp dụng cho công trình

1. Việc xác định định mức dự toán mới cho công trình được thực hiện đối với các công tác xây dựng chưa được quy định hoặc đã được quy định nhưng sử dụng công nghệ thi công mới, biện pháp thi công, điều kiện thi công chưa quy định trong hệ thống định mức xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Việc điều chỉnh định mức dự toán được thực hiện đối với công tác xây dựng đã quy định trong hệ thống định mức xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng chưa phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công của công trình.

3. Việc xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

4. Trong quá trình lập dự toán xây dựng, việc xác định và quản lý các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh quy định tại khoản 1, 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Tổ chức, cá nhân lập dự toán xây dựng có trách nhiệm lập danh mục các định mức dự toán mới, định mức dự toán cần điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu đặc thù của công trình và tổ chức xác định các hao phí định mức phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công dự kiến để phục vụ việc lập đơn giá, xác định dự toán xây dựng;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định các nội dung liên quan theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 13 Nghị định này;

c) Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng các định mức dự toán điều chỉnh, định mức dự toán mới cho công trình làm cơ sở xác định giá xây dựng công trình.

5. Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư tổ chức khảo sát để xác định các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh quy định tại khoản 4 Điều này như sau:

a) Tổ chức chuẩn xác lại các nội dung của định mức (gồm quy định áp dụng, thành phần công việc, thành phần hao phí, đơn vị tính, trị số định mức) trên cơ sở khảo sát, thu thập số liệu từ quá trình thi công thực tế;

b) Kết quả xác định định mức được gửi về cơ quan chuyên môn về xây dựng phục vụ rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng quy định tại Điều 20 Nghị định này để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quy định tại Điều 28 Nghị định này.

6. Trường hợp chủ đầu tư có yêu cầu, Bộ Xây dựng hướng dẫn và có ý kiến đối với các định mức dự toán mới, cơ quan ban hành định mức hướng dẫn và có ý kiến đối với định mức dự toán điều chỉnh quy định tại khoản 4, 5 Điều này.

7. Chủ đầu tư được thuê tổ chức tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để xác định, thẩm tra các định mức quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 22. Rà soát, cập nhật hệ thống định mức xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành

1. Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát và hướng dẫn việc áp dụng, tham khảo các định mức xây dựng đã ban hành, công bố theo thẩm quyền trước ngày Nghị định này có hiệu lực theo nguyên tắc:

a) Hoàn thành việc rà soát, hủy bỏ các định mức không còn phù hợp, ban hành các định mức không phải điều chỉnh trước ngày 30 tháng 6 năm 2021;

b) Tổ chức khảo sát, xác định các định mức cần điều chỉnh, bổ sung và ban hành trước ngày 31 tháng 12 năm 2021;

c) Trong thời gian tổ chức rà soát, khảo sát, điều chỉnh định mức, Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn việc áp dụng, tham khảo các định mức do mình công bố, ban hành theo thẩm quyền và các công cụ cần thiết khác để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Hệ thống định mức xây dựng do Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phải được rà soát, cập nhật định kỳ 03 năm một lần kể từ ngày định mức được ban hành hoặc sớm hơn khi cần thiết.

3. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về việc tổ chức, đôn đốc rà soát, cập nhật toàn bộ hệ thống định mức xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện công tác rà soát, cập nhật định mức xây dựng.

4. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc rà soát, cập nhật, ban hành định mức dự toán quy định tại khoản 6 Điều 20 như sau:

a) Xác định danh mục, lập kế hoạch rà soát định mức hàng năm và gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi phối hợp, kiểm tra trong quá trình thực hiện;

b) Giao cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc tổ chức rà soát, thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực hoạt động, hành nghề theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để thực hiện rà soát, xác định các định mức mới, định mức điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định;

c) Quyết định việc ban hành các định mức sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng như quy định tại khoản 7 Điều 20 Nghị định này và gửi về Bộ Xây dựng để tổng hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

5. Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp tổng hợp kết quả xây dựng định mức được quy định tại khoản 4, 5 Điều 21 Nghị định này và các định mức quy định tại khoản 6 Điều này gửi về Bộ Xây dựng (đối với các định mức dự toán mới) và cơ quan ban hành định mức (đối với các định mức dự toán điều chỉnh) phục vụ việc rà soát, xem xét, quyết định cập nhật hệ thống định mức.

6. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự tổ chức xác định các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh và gửi kết quả về cơ quan chuyên môn về xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Điều 23. Kinh phí rà soát, cập nhật và xây dựng, điều chỉnh định mức xây dựng

1. Kinh phí rà soát, cập nhật định mức xây dựng do Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện gồm: kinh phí lập kế hoạch, tổ chức rà soát; khảo sát, xác định, thẩm định; cập nhật định mức mới, định mức điều chỉnh. Kinh phí này được bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm.

2. Kinh phí cho việc xây dựng định mức mới, điều chỉnh định mức quy định tại khoản 4, 5 Điều 21 Nghị định này được tính vào chi phí đầu tư xây dựng của dự án.

Mục 2. GIÁ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VÀ CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

Điều 24. Giá xây dựng công trình

1. Giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp, làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng.

a) Đơn giá xây dựng chi tiết được xác định cho các công tác xây dựng;

b) Giá xây dựng tổng hợp được xác định theo nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình.

2. Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình được xác định trên cơ sở định mức xây dựng, giá vật tư, vật liệu, cấu kiện xây dựng, giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công và các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình tại thời điểm xác định và các quy định khác có liên quan hoặc theo đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.

3. Giá xây dựng tổng hợp của công trình được xác định trên cơ sở tổng hợp từ các đơn giá xây dựng chi tiết cho một đơn vị tính của nhóm công tác, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình, theo giá được công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.

Điều 25. Suất vốn đầu tư xây dựng

1. Suất vốn đầu tư xây dựng là mức chi phí cần thiết cho một đơn vị tính theo diện tích, thể tích, chiều dài hoặc công suất hoặc năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế, là căn cứ để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng.

2. Suất vốn đầu tư xây dựng gồm: chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; một số khoản mục chi phí khác và thuế giá trị gia tăng cho các chi phí nêu trên. Suất vốn đầu tư xây dựng chưa gồm chi phí dự phòng và chi phí thực hiện một số loại công việc theo yêu cầu riêng của dự án, công trình.

Điều 26. Quản lý giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng

1. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng và công bố giá xây dựng tổng hợp, suất vốn đầu tư xây dựng theo định kỳ.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố đơn giá xây dựng công trình của địa phương; phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố các thông tin về giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm a, b khoản này như sau:

a) Giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình: công bố theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết;

b) Đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công xây dựng: công bố theo định kỳ hàng năm hoặc sớm hơn khi cần thiết.

3. Chủ đầu tư sử dụng hệ thống giá xây dựng công trình quy định tại khoản 1, 2 Điều này làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng hoặc tổ chức xác định giá xây dựng công trình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công và kế hoạch thực hiện cụ thể của công trình.

4. Chủ đầu tư được thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động, hành nghề theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện các công việc hoặc phần công việc liên quan tới việc xác định, thẩm tra giá xây dựng công trình được quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Kinh phí cho việc thu thập số liệu, xác định và công bố giá xây dựng công trình, các thông tin về giá và suất vốn đầu tư xây dựng quy định tại khoản 1, 2 Điều này được bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm.

Điều 27. Chỉ số giá xây dựng

1. Chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian, làm cơ sở xác định, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, giá hợp đồng xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Chỉ số giá xây dựng gồm chỉ số giá xây dựng theo loại công trình, theo ca cấu chi phí (gồm chỉ số giá phần xây dựng, chỉ số giá phần thiết bị, chỉ số giá phần chi phí khác), yếu tố chi phí (gồm chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình, chỉ số giá nhân công xây dựng, chỉ số giá máy và thiết bị thi công xây dựng) và chỉ số giá của một số vật liệu chủ yếu.

3. Việc xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng được thực hiện như sau:

a) Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; xác định và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia theo năm;

b) Sở Xây dựng tổ chức xác định chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn (gồm đủ các chỉ số giá quy định tại khoản 2 Điều này) làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hoặc phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố theo định kỳ hàng quý, hàng năm hoặc sớm hơn khi cần thiết; đồng thời gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.

4. Trường hợp sử dụng chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, đối với các công trình chưa có trong danh mục chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thì chủ đầu tư tổ chức xác định chỉ số giá theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn, gửi Bộ Xây dựng (đối với công trình xây dựng theo tuyến trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh) cho ý kiến về sự phù hợp của phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng, tính đúng đắn, hợp lý của việc xác định chỉ số giá.

5. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực hoạt động, hành nghề theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để tính toán chỉ số giá xây dựng tại khoản 4 Điều này.

6. Kinh phí cho việc thu thập số liệu, xác định và công bố chỉ số giá xây dựng quy định tại khoản 3 Điều này được bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm.

Mục 3. CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ ĐỊNH MỨC XÂY DỰNG, GIÁ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VÀ CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

Điều 28. Hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng

1. Hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng (gọi tắt là hệ thống cơ sở dữ liệu) là một bộ phận của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo Luật Xây dựng, gồm:

a) Các thông tin, dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công bố;

b) Cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng thu thập được thông qua các cuộc điều tra, khảo sát hoặc do các tổ chức, cá nhân cung cấp theo cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và chế độ báo cáo thống kê định kỳ theo quy định của pháp luật;

c) Cơ sở dữ liệu về giá các dịch vụ xây dựng, sản phẩm xây dựng, vật liệu và thiết bị xây dựng và các thông tin khác có liên quan do các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng cung cấp hoặc thông qua điều tra, khảo sát.

2. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu trên phạm vi cả nước, là đầu mối kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương; cung cấp thông tin, dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

3. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng trong lĩnh vực ngành, địa phương.

4. Nguyên tắc xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu:

a) Hệ thống cơ sở dữ liệu phải bảo đảm kết nối đồng bộ và phù hợp với các quy định của pháp luật; phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

b) Các thông tin, dữ liệu trước khi cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu phải được kiểm tra, rà soát, đánh giá và phân loại phù hợp;

c) Việc thu thập, bổ sung các thông tin, dữ liệu phải bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ; có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập thông tin, dữ liệu; tận dụng tối đa nguồn thông tin, dữ liệu sẵn có;

d) Thông tin, dữ liệu đã được kiểm tra, xử lý và cập nhật theo quy định trong hệ thống cơ sở dữ liệu có giá trị pháp lý như hồ sơ, văn bản dạng giấy;

đ) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm pháp lý đối với các thông tin, dữ liệu do mình cung cấp, cập nhật cho hệ thống cơ sở dữ liệu.

Điều 29. Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu

1. Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành và kiểm soát toàn diện hệ thống cơ sở dữ liệu trên phạm vi cả nước:

a) Xây dựng Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu; cấp và quản lý tài khoản đăng nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu; kiểm soát nội dung được cập nhật, điều chỉnh, đăng tải trong hệ thống cơ sở dữ liệu;

b) Hướng dẫn nội dung, phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu (gồm thu thập, tổng hợp, xử lý, cập nhật, lưu trữ thông tin, dữ liệu);

c) Hướng dẫn việc khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu;

d) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống mã hiệu, hệ thống phần mềm ứng dụng để quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu.

2. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm tổng hợp, cung cấp các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành; giá xây dựng công trình, giá vật liệu xây dựng, giá nhân công, giá máy và thiết bị thi công của chuyên ngành gửi Bộ Xây dựng để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, cung cấp các định mức dự toán đối với các công tác xây dựng đặc thù của địa phương; giá xây dựng công trình, giá vật liệu xây dựng, giá nhân công, giá máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn gửi Bộ Xây dựng để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu.

4. Người quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công có trách nhiệm chỉ đạo chủ đầu tư gửi Bộ Xây dựng các thông tin, dữ liệu liên quan đến chi phí đầu tư xây dựng các dự án thuộc phạm vi quản lý để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu.

5. Kinh phí cho việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và thu thập, tổng hợp, xử lý, cập nhật thông tin được bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.

Chương V

CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 30. Chi phí quản lý dự án

1. Chi phí quản lý dự án được sử dụng để tổ chức quản lý việc thực hiện và thực hiện các công việc sau:

a) Tổ chức quản lý việc thực hiện các công việc: giám sát công tác khảo sát xây dựng; tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình hoặc lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư; lập, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; lập, thẩm tra thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng; lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ, chi phí xây dựng, hợp đồng xây dựng; quản lý hệ thống thông tin công trình; thu thập và cung cấp thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường của công trình; xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán cho công trình; xác định giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng công trình; kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình; kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, toàn bộ công trình và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo yêu cầu; kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc và giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình sau khi hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng; thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; giám sát, đánh giá đầu tư; nghiệm thu, bàn giao công trình; khởi công, khánh thành (nếu có), tuyên truyền quảng cáo và tổ chức quản lý việc thực hiện các công việc cần thiết khác để phục vụ cho công tác quản lý dự án;

b) Thực hiện các công việc: giám sát, đánh giá đầu tư; thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và thẩm định dự toán xây dựng; xác định dự toán gói thầu xây dựng (trong trường hợp đã có dự toán xây dựng công trình được phê duyệt) và thực hiện các công việc cần thiết khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

2. Nội dung chi phí quản lý dự án gồm tiền lương của cán bộ quản lý dự án; tiền công trả cho người lao động theo hợp đồng; các khoản phụ cấp lương; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; kinh phí công đoàn, trích nộp khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân được hưởng lương từ dự án); ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án; thanh toán các dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng phẩm; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; tổ chức hội nghị có liên quan đến dự án; công tác phí; thuê mướn, sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ quản lý dự án; chi phí khác và chi phí dự phòng.

3. Chi phí quản lý dự án là chi phí tối đa để quản lý dự án phù hợp với thời gian, phạm vi công việc đã được phê duyệt của dự án, được xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) hoặc bằng cách lập dự toán phù hợp với hình thức tổ chức quản lý dự án, thời gian thực hiện dự án, quy mô và đặc điểm công việc quản lý dự án. Chi phí quản lý dự án được quản lý trên cơ sở dự toán được xác định hàng năm phù hợp với nhiệm vụ, công việc quản lý dự án thực hiện và các chế độ chính sách có liên quan. Chi phí quản lý dự án chỉ được điều chỉnh khi thay đổi về phạm vi công việc quản lý dự án, tiến độ thực hiện dự án, điều chỉnh dự án.

4. Trường hợp thuê tư vấn quản lý dự án thì chi phí tư vấn quản lý dự án được xác định bằng cách lập dự toán trên cơ sở nội dung, khối lượng công việc quản lý dự án được chủ đầu tư và tổ chức tư vấn thỏa thuận trong hợp đồng tư vấn quản lý dự án.

5. Trường hợp tổng thầu thực hiện hình thức hợp đồng EPC thực hiện một số công việc quản lý dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì tổng thầu được hưởng một phần chi phí quản lý dự án phù hợp với phạm vi, khối lượng công việc quản lý dự án do chủ đầu tư giao và được thỏa thuận trong hợp đồng tổng thầu.

6. Tổng chi phí quản lý dự án phần công việc do chủ đầu tư thực hiện và chi phí quản lý dự án do tư vấn quản lý dự án, tổng thầu thực hiện theo quy định tại khoản 4, 5 Điều này không vượt quá chi phí quản lý dự án đã được xác định, phê duyệt theo quy định.

Điều 31. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

1. Các công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm:

a) Lập nhiệm vụ, lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, lập nhiệm vụ thiết kế; thực hiện khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có), Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (nếu có), Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;

b) Thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có), Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; thẩm tra thiết kế công nghệ của dự án (nếu có); thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thi tuyển phương án kiến trúc; thiết kế xây dựng công trình; thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, dự toán xây dựng;

c) Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; giám sát thi công xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị;

d) Lập, thẩm tra định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng công trình; thẩm tra an toàn giao thông; áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM);

đ) Tư vấn quản lý dự án (trong trường hợp thuê tư vấn); thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư (nếu có); kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, toàn bộ công trình (nếu có); giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình (trong trường hợp thuê tư vấn);

e) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc và giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

g) Thực hiện việc quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình sau khi hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng (nếu có);

h) Các công việc tư vấn khác có liên quan.

2. Nội dung chi phí công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm chi phí nhân công tư vấn (tiền lương, các khoản phụ cấp lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, trích nộp khác theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thực hiện công việc tư vấn tại dự án); chi phí ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hệ thống thông tin công trình; chi phí thanh toán các dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng phẩm, thông tin, liên lạc; chi phí thuê mướn, sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ tư vấn cho dự án (nếu có); chi phí quản lý của tổ chức tư vấn; chi phí khác; thu nhập chịu thuế tính trước; thuế giá trị gia tăng và chi phí dự phòng. Riêng chi phí khảo sát xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng gồm các khoản mục chi phí quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này và các chi phí khác có liên quan (nếu có).

3. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng ban hành hoặc bằng cách lập dự toán trên cơ sở phạm vi công việc tư vấn, khối lượng công việc phải thực hiện, kế hoạch thực hiện của gói thầu và các quy định về chế độ, chính sách do nhà nước ban hành.

4. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã phê duyệt là chi phí tối đa để thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng và chỉ được điều chỉnh khi thay đổi về phạm vi công việc, điều kiện và tiến độ thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được quản lý thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng.

5. Trường hợp chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thì được bổ sung chi phí thực hiện các công việc này vào chi phí quản lý dự án.

6. Chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện một số loại công việc tư vấn thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 32. Chi phí thuê tư vấn nước ngoài

1. Người quyết định đầu tư quyết định việc thuê tư vấn nước ngoài theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

2. Chi phí thuê tư vấn nước ngoài được xác định phù hợp với loại công việc tư vấn trên cơ sở số lượng chuyên gia, trình độ chuyên gia tư vấn, thời gian làm việc của chuyên gia, mức tiền lương của chuyên gia của quốc gia và khu vực dự kiến thuê và các chi phí cần thiết khác để hoàn thành công việc tư vấn.

3. Chi phí thuê tư vấn nước ngoài xác định theo dự toán hoặc cơ sở dữ liệu chi phí thuê tư vấn nước ngoài của các công trình, dự án tương tự tại Việt Nam. Dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài là toàn bộ chi phí cần thiết dự kiến để hoàn thành dịch vụ tư vấn xây dựng được thuê, gồm: chi phí chuyên gia, chi phí quản lý, các khoản chi phí khác có liên quan, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí dự phòng và các khoản thuế phải nộp theo quy định của pháp luật.

4. Dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định trình người quyết định đầu tư phê duyệt. Trường hợp dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, giao cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt.

5. Phương pháp xác định chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Chương VI

THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG VÀ THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 33. Thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng

Việc thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng thực hiện theo các quy định tại Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

Điều 34. Thanh toán vốn đầu tư xây dựng

1. Việc thanh toán, thời hạn thanh toán vốn đầu tư xây dựng:

a) Dự án sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm về giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ đề nghị thanh toán theo quy định; cơ quan thanh toán vốn đầu tư không chịu trách nhiệm về tính chính xác của giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư. Trong quá trình thanh toán, trường hợp phát hiện những sai sót trong hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan thanh toán vốn đầu tư thông báo bằng văn bản để chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

3. Nghiêm cấm cơ quan thanh toán vốn đầu tư và chủ đầu tư tự đặt ra các quy định trái pháp luật trong việc thanh toán vốn đầu tư xây dựng.

Điều 35. Quyết toán vốn đầu tư xây dựng

1. Dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn khi cấp có thẩm quyền có văn bản dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện dự án.

2. Vốn đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa công trình, của dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được phê duyệt; hợp đồng xây dựng đã ký kết theo quy định của pháp luật kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được phê duyệt. Riêng dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

4. Nhà thầu có trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng làm cơ sở quyết toán vốn đầu tư.

5. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt; lập Hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng và quy đổi vốn đầu tư xây dựng để trình người quyết định đầu tư phê duyệt chậm nhất là 09 tháng kể từ ngày công trình được ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Đối với hạng mục công trình độc lập hoặc công trình thuộc dự án có nhiều công trình được hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng, trường hợp cần thiết phải quyết toán ngay thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

6. Cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán có trách nhiệm thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán chậm nhất là 09 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quyết toán theo quy định.

7. Chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết công nợ, tất toán tài khoản dự án tại cơ quan thanh toán vốn đầu tư trong vòng 06 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Trường hợp dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán chưa được bố trí đủ vốn, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo Người quyết định đầu tư và các cơ quan liên quan bố trí vốn để giải quyết công nợ, tất toán tài khoản dự án theo quy định.

8. Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, sau khi kết thúc niên độ ngân sách, chủ đầu tư thực hiện việc quyết toán, sử dụng vốn đầu tư theo niên độ theo quy định của Bộ Tài chính.

9. Chủ đầu tư chậm thực hiện quyết toán theo quy định tại khoản 5 Điều này bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

10. Thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư:

a) Đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, giao cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công và các dự án thành phần sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;

b) Đối với các dự án còn lại, người quyết định đầu tư là người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoặc ủy quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành;

c) Đối với dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Chương VII

QUYỀN, NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ, CHỦ ĐẦU TƯ, NHÀ THẦU XÂY DỰNG TRONG QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 36. Quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư

1. Thực hiện quy định về quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư tại Điều 72 Luật Xây dựngkhoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và thẩm quyền quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

2. Quyết định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, loại hợp đồng, hình thức hợp đồng.

Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư

1. Thực hiện quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư tại Điều 68 Luật Xây dựng và thẩm quyền quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

2. Chấp thuận các đề xuất về thay đổi vật tư, vật liệu xây dựng, biện pháp thi công, yêu cầu kỹ thuật theo đề xuất của tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường theo các thỏa thuận của hợp đồng xây dựng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng và mục tiêu của dự án.

3. Quản lý chặt chẽ, sử dụng nguồn vốn bố trí cho dự án đúng mục đích; kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định, đảm bảo tiến độ, hiệu quả của dự án.

4. Thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng nếu có đủ điều kiện năng lực theo quy định.

5. Cung cấp thông tin dữ liệu của dự án theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp hoặc tổ chức thu thập thông tin quản lý chi phí theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

6. Tạm ứng, thanh toán và quyết toán hợp đồng theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết với nhà thầu.

7. Mua bảo hiểm công trình đối với các công trình có quy định phải mua bảo hiểm hoặc ủy quyền cho nhà thầu mua bảo hiểm thông qua hợp đồng xây dựng.

8. Thực hiện nộp phạt khi bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng từ nguồn chi phí quản lý dự án.

Điều 38. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn thực hiện công việc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

1. Nhà thầu tư vấn có các quyền và nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng tư vấn thực hiện công việc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các pháp luật khác có liên quan.

2. Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ tư vấn được giao.

3. Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ công việc tư vấn do mình thực hiện; cung cấp thông tin dữ liệu quản lý chi phí của dự án khi cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư yêu cầu.

4. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm tư vấn của mình theo quy định của pháp luật.

5. Từ chối thực hiện yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư.

6. Bồi thường thiệt hại do không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và vi phạm hợp đồng làm thiệt hại cho chủ đầu tư.

Điều 39. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng

1. Nhà thầu thi công xây dựng có các quyền và nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng thi công xây dựng và các pháp luật khác có liên quan.

2. Quyết định định mức dự toán, giá xây dựng công trình và các chi phí khác có liên quan khi xác định giá dự thầu để tham gia đấu thầu.

3. Được đề xuất, thỏa thuận với chủ đầu tư về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình đối với các công việc phát sinh theo quy định trong hợp đồng xây dựng, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng.

4. Phối hợp với chủ đầu tư trong việc tổ chức khảo sát để xác định các định mức điều chỉnh, định mức mới trong quá trình thi công xây dựng (nếu có) theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định này.

5. Cung cấp thông tin dữ liệu của dự án theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp hoặc tổ chức thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến chi phí đầu tư xây dựng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

6. Bồi thường thiệt hại do không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và vi phạm hợp đồng làm thiệt hại cho chủ đầu tư.

Chương VIII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 40. Bộ Xây dựng

1. Chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng.

2. Hướng dẫn về nội dung, phương pháp xác định và quản lý, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình, gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đo bóc khối lượng công trình, quy đổi vốn đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.

3. Ban hành định mức xây dựng; công bố suất vốn đầu tư xây dựng, giá xây dựng tổng hợp, chỉ số giá xây dựng quốc gia, định mức các hao phí và các dữ liệu cơ bản để tính giá ca máy. Tổ chức rà soát thường xuyên và tổng hợp kết quả rà soát điều chỉnh, bổ sung các định mức và ban hành theo quy định.

4. Chủ trì tổ chức xây dựng, hướng dẫn và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng.

5. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Điều 41. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của quốc gia.

2. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư, kiểm tra, thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Bộ Tài chính

1. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.

2. Thanh tra, kiểm tra việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, dự án hoàn thành.

Điều 43. Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành

a) Căn cứ phương pháp lập định mức xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tổ chức xây dựng và ban hành các định mức xây dựng cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành;

b) Định kỳ rà soát hệ thống định mức xây dựng do mình ban hành và gửi những định mức xây dựng mới, định mức điều chỉnh về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý theo quy định.

2. Bộ Quốc phòng quy định về phương pháp xác định dự toán chi phí rà phá bom mìn, vật nổ sau khi lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn;

b) Căn cứ phương pháp lập định mức xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tổ chức xây dựng và ban hành định mức cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương;

c) Định kỳ rà soát hệ thống định mức xây dựng do mình ban hành và gửi những định mức xây dựng mới, định mức điều chỉnh về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý theo quy định;

d) Công bố đơn giá xây dựng công trình của địa phương; công bố hoặc phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố chỉ số giá xây dựng; phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công;

đ) Bố trí ngân sách hàng năm cho việc xây dựng, ban hành, công bố các thông tin, dữ liệu được quy định tại điểm b khoản này.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 44. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng đã trình thẩm định trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, việc thẩm định được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp theo thực hiện theo quy định của Nghị định này.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng đã có thông báo kết quả thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng nhưng chưa phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành không phải thẩm định lại; các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp theo thực hiện theo quy định của Nghị định này

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện công việc nào thuộc giai đoạn thực hiện dự án (đối với trường hợp cần lựa chọn nhà thầu là chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu), các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp theo thực hiện theo quy định của Nghị định này.

4. Đối với các dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đã hoặc đang thực hiện một hoặc một số các công việc thuộc giai đoạn thực hiện dự án, việc chuyển tiếp về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với các công việc chưa thực hiện như sau:

a) Nội dung thẩm định, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Nghị định này và Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

b) Việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (ngoài các nội dung nêu tại điểm a khoản này) tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đang áp dụng cho dự án;

c) Việc chuyển tiếp áp dụng, tham khảo định mức xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Hệ thống định mức xây dựng dã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, công bố tiếp tục được áp dụng, tham khảo để xác định chi phí đầu tư xây dựng theo các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng áp dụng cho dự án cho đến khi hệ thống định mức quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 22 Nghị định này được các cơ quan có thẩm quyền ban hành và có hiệu lực.

6. Hệ thống giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng do cơ quan có thẩm quyền công bố trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục tham khảo, sử dụng để xác định chi phí đầu tư xây dựng cho đến khi hệ thống giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng được công bố theo quy định tại Điều 26, Điều 27 của Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cập nhật, hướng dẫn sử dụng đơn giá xây dựng công trình khi hệ thống định mức quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 22 Nghị định này được các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

7. Các phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng được ban hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng để xác định chi phí đầu tư xây dựng đối với các dự án đang thực hiện các công việc chuẩn bị dự án và các dự án quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này cho đến khi các phương pháp nêu tại khoản 2 Điều 40 Nghị định này có hiệu lực thi hành.

8. Việc cập nhật chi phí đầu tư xây dựng theo hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng, các phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng sau khi cơ quan có thẩm quyền ban hành, công bố và có hiệu lực theo quy định tại Nghị định này được thực hiện như sau:

a) Tổng mức đầu tư xây dựng đã thẩm định hoặc phê duyệt thì không phải thẩm định hoặc phê duyệt lại. Chủ đầu tư tổ chức xác định dự toán xây dựng theo hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng, các phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng được ban hành, công bố theo quy định;

b) Dự toán xây dựng đã thẩm định hoặc phê duyệt thì không phải thẩm định hoặc phê duyệt lại;

c) Các gói thầu chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng, các phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng được ban hành, công bố và có hiệu lực: chủ đầu tư tự thực hiện việc cập nhật dự toán gói thầu để xác định lại giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, làm cơ sở lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

d) Các gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng chưa đóng thầu thì chủ đầu tư xem xét, quyết định việc cập nhật dự toán gói thầu để xác định lại giá gói thầu làm cơ sở lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp Luật về đấu thầu. Trường hợp đã đóng thầu, thực hiện theo nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; không phải cập nhật lại giá gói thầu;

đ) Trường hợp cần thiết, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư quyết định việc cập nhật, thẩm định, phê duyệt lại tổng mức đầu tư xây dựng tại điểm a khoản này; dự toán xây dựng tại điểm b khoản này theo thẩm quyền;

e) Trường hợp cập nhật, xác định lại tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng quy định tại điểm c, d, đ khoản này làm vượt tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng đã phê duyệt, thì việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh, dự toán xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định.

Điều 45. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 46. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

886
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Tải văn bản gốc Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

GOVERNMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 10/2021/ND-CP

Hanoi, February 9, 2021

 

DECREE

MANAGEMENT OF CONSTRUCTION INVESTMENT COST

Pursuant to Law on Governmental Organization dated June 19, 2015; Law on amendments to Law on Government Organization and Law on Local Governmental Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to Law on Construction dated June 18, 2014; Law on amendments to Law on Construction dated June 17, 2020;

Pursuant to Law on Investment dated June 17, 2020;

Pursuant to Law on Public Investment dated June 13, 2019;

Pursuant to Law on Investment in Public-Private Partnerships dated June 18, 2020;

Pursuant to Law on Bidding dated November 26, 2013;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The Government promulgates Decree on management of construction investment cost.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Decree prescribes management of construction investment cost for projects utilizing public investment funding, non-public investment state capital, investment projects in public-private partnerships (hereinafter referred to as “PPP projects”), including: preliminary total investment, total investment, construction estimates, construction contract package values, construction norms, construction prices, project management and construction consultancy cost; payment for and finalization of construction contracts; reimbursement and statement of construction costs; rights, obligations and responsibilities of investment deciders, investors, building contractors, advisory contracts for advisory contractors for management of construction investment cost.

2. Management of construction investment cost for projects utilizing official development assistance (ODA), concessional loans of foreign donors complying with international agreements; agreements on ODA loans, concessional loans entered into effect; this Decree and regulations on management and use of ODA loans and concessional loans of foreign donors.

Article 2. Regulated entities

1. This Decree applies to agencies, organizations and individuals involved in management of construction investment cost for projects utilizing public investment funding, non-public investment state capital and PPP projects.

2. Other organizations and individuals shall refer to this Decree for management of construction investment cost for projects other than those under Clause 1 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Management of construction investment cost must comply with Article 132 of Law on Construction and Clause 50 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction, and conform to each type of funding source, investment form, implementation method, project execution plans and relevant law provisions.

2. Specify and exercise rights and responsibilities of regulatory agencies, individuals deciding to invest, and agencies specialized in agencies; rights and obligations of investors, organizations and individuals related to management of construction investment cost satisfactory to construction investment procedures under Clause 1 Article 50 of Law on Construction.

3. The Government shall regulate, provide guidelines and inspect implementation of regulations and law on management of construction investment cost; regulate affairs necessary to enable investors and relevant entities to adopt and refer to during management of construction investment cost, including: construction norms, construction prices, construction investment rates, output price indices; construction material costs, construction machinery and equipment cost per shift, construction personnel unit price; information and data on construction costs of projects and constructions; methods of determining, managing construction investment cost, construction quantity takeoff, and controlling construction cost, norms, prices, investment rate and output price indices.

4. Specific projects and constructions shall comply with Decree on elaborating to management of construction investment and specific mechanisms prescribed by Government, decisions of Prime Minister to determine and manage construction investment cost.

5. For projects and constructions serving national defense and security, entitlement, procedures for appraising total investment cost in construction investment feasibility reports, construction investment economic-technical reports, and entitlement, procedures for approving and appraising construction estimates in construction design implemented after fundamental design shall conform to regulations of Minister of National Defense and Minister of Public Security.

6. Projects and constructions under national target programs shall adopt principles and methods of determining construction investment costs under this Decree and relevant law provisions satisfactory to characteristics and conditions of construction under national target programs.

7. Management of construction investment cost of overseas projects and constructions shall conform to principles under Decree elaborating to management of construction investment cost.

Chapter II

PRELIMINARY TOTAL INVESTMENT, TOTAL CONSTRUCTION INVESTMENT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Preliminary total investment refers to estimated investment capital of projects in construction investment pre-feasibility reports. Preliminary total investment includes: compensation, assistance and relocation costs (if any); construction cost; equipment cost; project management cost; construction investment and consultancy cost; other costs; backup costs.

2. Preliminary total investment is estimated on the basis of scale, capacity or capability according to preliminary design of projects and construction investment rates or data on costs of similar projects in terms of construction type, grade, scale, capacity or capability, characteristics of implemented projects with analysis and assessment to adjust shift in market price depending on building site and including other necessary costs of projects.

3. Appraisal and approval of total construction investment shall be performed simultaneously with appraisal and approval of construction investment pre-feasibility reports according to regulations and law on public investment, investment form of public-private partnership, management and use of state capital in manufacturing and business in enterprises and other relevant law provisions.

Article 5. Total construction investment

1. Total construction investment refers to total construction investment of projects identified and satisfactory to fundamental design and other details under construction investment feasibility reports.

2. Total investment includes: compensation, assistance and relocation costs (if any); construction cost; equipment cost; project management cost; construction investment and consultancy cost; other costs; backup costs and is prescribed as follows:

a) Compensation, assistance and relocation costs include: compensation costs for land, houses, constructions on land, assets attached to land, assets on water and other compensation costs as per the law; assistance costs when the government performs land appropriation; relocation costs; costs for organizing compensation, assistance and relocation; land use and rental costs during construction period (if any); costs for repositioning and repaying technical infrastructure invested for construction serving land clearance (if any) and other relevant costs;

b) Construction costs include: construction costs for constructions and work items of projects; temporary and/or auxiliary constructions and work items serving construction progress; deconstruction cost for constructions beyond deconstruction scope serving land clearance affairs identified under compensation, assistance and relocation costs;

c) Equipment costs include: cost for purchasing construction and technology equipment; administrative cost for equipment purchase (if any); cost for purchasing copyrights of software serving construction and technology equipment (if any); training and technology transfer costs (if any); costs for processing, manufacturing equipment to be processed (if any); cost for installing, experimenting, calibrating; cost for conducting test operation of equipment based on technical requirements (if any); transportation costs; insurance; tax and fees; other relevant costs;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) Construction investment consultancy costs refer to costs necessary to perform construction investment consultancy affairs from project preparation, project execution to conclusion of construction, bringing project constructions into operation and settlement of construction investment capital and are elaborated under Article 31 of this Decree;

e) Other costs include costs necessary to execute construction investment projects, include: costs for clearing and disarming mines, explosive ordnances; costs for moving specific construction machinery and devices to and from construction sites; costs for guaranteeing traffic safety during construction period; costs for returning technical infrastructure damaged by construction period to its original state; costs for material storage; costs for constructing sheltering structures for machine, machine foundation, electrical and compressed air supply systems, on-site water supply systems, installing and/or dismantling machines; construction insurance costs during construction period; costs for registering international standards and monitoring construction deformation processes; costs for accounting, inspection and approval of investment capital settlement; costs for examining acceptance inspection during construction period and at completion of constructions and work items performed by agencies specialized in construction or councils established by Prime Minister; conducting scientific and technology research, applying and utilizing new materials related to projects; initial working capital for construction investment for business purposes, loan interests during construction period; costs for conducting unloaded and loaded test operation for technology and manufacturing lines before transfer (other than salvageable product value); costs for appraising construction investment feasibility reports, construction investment economic-technical reports; resource taxes, fees and charges as per the law and other necessary costs to execute construction investment projects not specified under Points a, c, d, and dd of this Article;

g) Backup costs include costs for additional work load and inflation that occurs during project execution.

3. In case projects only require preparation of construction investment economic-technical reports, total construction investment shall include construction estimates according to Article 11 of this Decree, compensation, assistance, relocation costs (if any) and relevant costs of projects. Construction estimates are identified under Article 12 of this Decree.

Article 6. Determination of total construction investment

1. Total construction investment is determined by using following methods:

a) Determination according to construction load based on fundamental design and other requirements of projects;

b) Determination according to construction investment rate;

c) Determination according to costs of similar projects, constructions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Method specified under Point a Clause 1 of this Article shall serve as the basic method for determining total construction investment for projects, constructions with fundamental design eligible for determining quantity of work, groups and type of work, structural components, construction components and respective construction costs.

3. Determine total construction investment under Point a Clause 1 of this Article as follows:

a) Compensation, assistance and relocation costs are determined on the basis of compensation, assistance and relocation solutions of projects and relevant government policies;

b) Construction costs are determined on the basis of work load and construction affairs; groups and type of construction affairs, structural components, construction components, respective construction costs and other relevant costs;

c) Equipment costs are determined on the basis of quantity, amount, type of equipment or equipment systems according to technology, technical solutions, selected equipment, equipment price conforming to market price and other relevant costs;

d) Project management costs are determined under Article 30 of this Decree;

dd) Construction investment consultancy costs are determined under Article 31 of this Decree;

e) Other costs are determined by percentage or preparation of estimates. Costs for clearing and disarming mines and explosive ordnances according to regulations of Minister of National Defense;

g) Backup costs for additional work are determined by percentage of costs under Points a, b, c, d, dd, and e of this Clause. Percentage for backup costs for inflation is determined based on temporal length of projects, project execution plans and output price indices suitable for construction type taking into account domestic and international price fluctuation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Total construction investment is determined on the basis of quantity, area, capacity or capability according to publicized fundamental design and respective construction investment rate conforming to construction type and grade with assessment, conversion and calculations in terms of date on which total construction investment is produced, project location, addition of other necessary costs not included in construction investment rates depending on specific conditions of projects, constructions.

5. Determine total construction investment under Point c Clause 1 of this Article as follows:

Total construction investment is determined on the basis of quantity, area, capacity or capability according to fundamental design and data on costs of executed projects, constructions with similar type, grade, scale or operational capability. Cost-related data must be converted, calculated in terms of date on which total construction investment is produced, project location and added with other necessary costs conforming to specific conditions of projects and construction.

6. Based on level of detail of fundamental design of projects, publicized construction investment rates, data on costs of similar projects and constructions, utilize 2 or 3 methods under Points a, b, and c Clause 1 of this Article to determine total construction investment.

Article 7. Appraisal of total construction investment

1. Appraisal of total construction investment is a detail within construction investment feasibility reports, construction investment economic-technical reports. Entitlement for appraisal of total construction investment is implemented according to Law on Construction and Decree on elaborating to management of construction investment projects.

2. Details for appraisal of total construction investment performed by agencies specialized in construction under Point g Clause 2 Article 58 of Law on Construction and amendments thereto under Clause 15 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction are follows:

a) Adequacy and legitimacy of application for appraisal of total construction investment; legal basis for determining total construction investment;

b) Conformance of total construction investment to approved total preliminary investment; methods of determining total construction investment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Compliance with regulations and law on application, reference of construction norms systems, construction prices, other necessary tools issued by regulatory authorities, and application, reference of cost-related data of similar projects, constructions to determine total construction investment.

3. Details for appraisal of total construction investment performed by agencies, organizations or individuals authorized by investment deciders under Point a Clause 3 Article 56 and Point d Clause 1 Article 57 of Law on Construction and amendments thereto under Clauses 13 and 14 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction are as follows:

a) Adequacy and legitimacy of application for appraisal of total construction investment; examination of inspection results of total construction investment of consulting organizations (if any);

d) Results of finalization and revision of application for appraisal of total construction investment based on recommendations of agencies specialized in construction under Clause 2 of this Article (if any) and explanations;

c) Conformance and adequacy of determination of quantity or scale, capacity or capability serving calculation in total construction investment compared with fundamental design of projects;

d) Determine total construction investment to guarantee adequacy, legitimacy and conformance with design, construction conditions, market price and project execution plans;

dd) Analyze reasons of increase, decrease and assess investment effectiveness assurance of projects based on total construction investment which is determined post-appraisal.

4. For projects utilizing non-public investment state capital not specified under Points c Clause 1 Article 58 of Law on Construction and amendments thereto under Clause 14 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction, investment deciders shall appraise details under Clauses 2 and 3 of this Article.

5. For projects that require only construction investment economic-technical reports, investment deciders shall appraise details under Clauses 3 and 4 Article 13 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

7. Costs for organizations and individuals participating in appraisal extracted from fees, charges for appraising construction investment feasibility reports.

8. Ministry of Construction shall regulate fees for appraising and examining construction investment feasibility reports, construction investment economic-technical reports. Ministry of Finance shall prescribe fees for appraising construction investment projects.

Article 8. Approval of total construction investment

1. Approval of total construction investment is specified under decisions on construction investment. Entitlement for deciding on construction investment shall conform to Article 60 of Law on Construction and amendments thereto under Clause 17 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction.

2. Approved total constructions investment refers to the maximum cost for executing construction investment projects.

Article 9. Revision of total construction investment

1. Approved total construction investment shall be revised according to Clause 5 Article 134 of Law on Construction and Point dd Clause 18 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction.

2. Total construction investment for revision includes revised total investment and unrevised total investment. Details related to total construction investment for revision must be appraised according to Article 7 of this Decree. Entitlement for appraisal and approval of revised total construction investment shall conform to regulations on entitlement for appraisal and approval of revised projects under Decree on elaborating to regulations on management of construction investment projects.

Article 10. Appraisal and approval of costs for project preparation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Agencies and organizations assigned to prepare projects or investors (if investors have been identified) shall organize preparation and appraisal of project preparation estimates under Clause 1 of this Article, except for cases under Clauses 3 and 4 of this Article.

3. For national important projects utilizing public investment capital, preparation, appraisal and approval of project preparation estimates under Clause 1 of this Article shall conform to regulations and law on public investment.

4. For estimates of costs for hiring foreign consultants for affairs under Clause 1 of this Article, entitlement for appraisal and approval of estimates shall conform to Clause 4 Article 32 of this Decree.

5. Project preparation estimates under Clause 1 of this Article shall be included in total construction investment after being approved.

Chapter III

CONSTRUCTION ESTIMATES

Section 1. CONSTRUCTION ESTIMATES

Article 11. Details of construction estimates

1. Construction estimates refer to all expected costs necessary and identified according to construction design implemented after fundamental design or technical drawing design in case projects only require construction investment economic-technical reports.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. For projects with multiple constructions, investors shall determine total estimates to manage construction investment when necessary. Total estimates include construction estimates, consultancy costs, other costs, and backup costs for the whole projects.

Article 12. Determination of construction estimates

Construction estimates are determined based on quantity calculated from construction design implemented after fundamental design or technical drawing design in case projects only require construction investment economic-technical reports, technical guidelines, affair requirements, plans for implementation, construction conditions, construction solutions, construction norms, construction prices, output price indices and other relevant law provision adopted depending on specific construction conditions. Costs within construction estimates are determined according to Clauses 2, 3, 4, 5, 6, and 7 of this Article.

2. Construction costs include: direct costs, indirect costs, pre-assessed taxable income and value-added tax (VAT) and are determined as follows:

a) Direct costs (including: material costs, personnel costs, construction machinery and equipment costs) are determined according to specific construction quantity and unit price, and combined construction prices, type of construction operations, structural or component units of constructions.

In case direct costs are determined according to specific construction quantity and unit price: quantity determined according to construction affairs and operation; specific construction unit price is determined according to Clause 2 Article 24 of this Decree.

In case direct costs are determined according to construction quantity and combined prices of construction type, affairs, constructions components or structures: quantity is determined depending on construction type, structural or component units; prices of construction type, affairs, construction components or structures are determined under Clause 3 Article 24 of this Decree.

b) Indirect costs include general costs, costs for temporary structures for residence and construction coordination, and costs for affairs with unidentifiable work quantity. Indirect costs are determined by percentage as per the law;

c) Pre-assessed taxable income is determined by percentage;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Equipment costs are determined as follows:

a) Equipment purchase costs are determined according to quantity, type of equipment based on (technology, construction) design, approved list of equipment in projects and respective purchase prices;

b) Costs for processing and manufacturing equipment (if any) are determined by preparing estimates on the basis of quantity of equipment to be processed, manufactured and respective unit prices for processing, manufacturing; on the basis of processing, manufacturing contracts, price notice of manufacturers, processors or prices for processing, manufacturing similar equipment;

c) Remaining costs for equipment according to Point c Clause 2 Article 5 of this Decree are determined by preparing estimates or on the basis of cost norms prescribed by regulatory authorities.

4. Project management costs are determined under Article 30 of this Decree.

5. Construction investment consultancy costs are determined under Article 31 of this Decree.

6. Other costs are determined on the basis of price prescribed by regulatory authorities or estimate preparation.

7. Backup costs include backup costs for work quantity, additional work and backup costs for inflation and are determined by percentage of total costs under Clauses 2, 3, 4, 5, and 6 of this Article. Percentage for backup costs for inflation is determined based on temporal length constructions under project execution plans and output price indices suitable for construction type taking into account domestic and international price fluctuation.

Article 13. Examination and appraisal of construction estimates

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Entitlement for appraisal of construction estimates is implemented according to Law on Construction and Decree on elaborating to management of construction investment projects.

3. Details for appraisal of construction estimates performed by agencies specialized in construction under Point d Clause 2 Article 83a of Law on Construction and amendments thereto under Clause 26 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction are follows:

a) Adequacy and legitimacy of application for appraisal of construction estimates; legal basis for determining construction estimates;

b) Conformity of construction estimates with approved total construction investment; methods of determining construction estimates;

c) Conformity of construction estimate details under Article 11 of this Decree with project contents and requirements;

d) Compliance with regulations and law on application, reference of construction norms systems, construction prices, other necessary tools issued by regulatory authorities; application, reference of cost-related data of similar projects, constructions to determine construction estimates;

dd) List of new estimate indicators, revised estimate indicators (if any) and methods of determining; list of indicators to be surveyed during construction process.

4. Details for appraisal of construction estimates performed by investors under Point c Clause 1 Article 83 of Law on Construction and amendments thereto under Clause 25 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction are follows:

a) Adequacy of dossiers on construction estimates for appraisal; inspecting examination results of construction estimates of consulting organizations (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Conformity and adequacy of determining construction work load, type and quantity of equipment in construction estimates compared with design;

d) Determine construction estimates while guaranteeing adequacy as per the law, conformity with total construction investment, construction technical and technology requirements, construction conditions, construction solution, construction progress and market price;

dd) Analyze and assess level, cause of increase, decrease of costs compared with construction estimates applied for appraisal;

e) For projects utilizing non-public investment state capital and not requiring appraisal of agencies specialized in construction, investors shall appraise details under Clause 3 of this Article and Points a, b, c, d, and dd of this Clause.

5. Details for appraisal of construction estimates for constructions under PPP projects.

a) For constructions under PPP projects utilizing public investment: agencies specialized in construction shall appraise details under Clause 3 of this Article; investors shall appraise shall appraise details under Clause 4 of this Article and details under PPP project contracts;

b) For constructions not utilizing public investment capital under PPP projects: investors shall appraise details under Clauses 3 and 4 of this Article and details under PPP project contracts.

6. Investors shall appraise estimates for preparation affairs to prepare construction design after fundamental design and general costs for the whole projects. In case estimates of these costs have been approved in total construction investment, investors shall consider recalibration when necessary. In case foreign consultants are hired, entitlement for appraisal and approval of estimates for costs of hiring foreign consultants shall conform to Clause 4 Article 32 of this Decree.

7. Examination serving appraisal of construction estimates shall conform to Decree on elaborating to management of construction investment projects.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

9. Ministry of Construction shall prescribe costs for appraisal of construction estimates. Ministry of Finance shall prescribe fees for appraising construction estimates.

Article 14. Approval of construction estimates

1. Entitlement for approval of construction estimates shall conform to Article 82 of Law on Construction and amendments thereto under Clauses 24 and 25 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction.

2. Investors shall approve estimates for preparation affairs to prepare construction design after fundamental design and general costs for the whole projects.

3. Decisions on approval of construction estimates and cost estimates under Clause 2 of this Article shall be sent to investors.

Article 15. Revision of construction estimates

1. Approved construction estimates shall be revised according to Clause4 Article 135 of Law on Construction.

2. Construction estimates for revision includes unrevised construction estimates and revised construction estimates. Details related to revised construction estimates must be appraised according to Article 13 of this Decree.

3. Entitlement for appraisal and approval of revised construction estimates shall conform to regulations on entitlement for appraisal and approval of revised construction design implemented after fundamental design under Decree on elaborating to regulations on management of construction investment projects.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. In case revised estimates do not exceed approved estimates but alter structure of costs in total construction investment, investors shall organize revision, approval, report to investment deciders and are responsible for revision results.

Section 2. CONSTRUCTION CONTRACT PACKAGE ESTIMATES

Article 16. General regulations on construction contract package estimates

1. Construction contract package estimates (hereinafter referred to as “contract estimates”) are all costs necessary for executing contract package, determined for each contract package and satisfactory to contractor selection plans prior to organizing contractor selection.

2. Contract estimates are determined for following contract packages:

a) Construction contract package;

b) Equipment procurement contract package;

c) Equipment installation contract package;

d) Construction investment consultancy contract package;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 17. Determination of contract estimates

1. Contract estimates are determined on the basis of costs of each contract package and satisfactory to design, scope, nature, characteristic and specific conditions of contract package.

2. For front end engineering design (FEED) projects for implementation of engineering, procurement and construction (EPC) contracts, contract estimates are determined on the basis of costs within contract package determined on the basis of FEED design.

3. For projects and constructions permitted by investment deciders to implement construction design after fundamental design according to each construction contract package and each project execution phase, contract estimates are determined on the basis of costs within scope of respective contract package and construction design. Costs within contract estimates are determined similar to costs under construction estimates under Article 12 of this Decree satisfactory to scope, nature, characteristics and specific conditions of each contract package.

4. For projects with approved construction estimates, investors shall determine contract estimates on the basis of costs within scope of contract package under approved construction estimates if necessary.

5. Backup costs in contract estimates conform to form of contracts in contract package specified under contractor selection plans.

Article 18. Examination, appraisal and approval of contract estimates

1. Examination and appraisal of contract estimates under Clauses 2 and 3 Article 17 of this Decree shall be implemented similar to construction estimates specified under Article 13 of this Decree.

2. Investors shall approve contract estimates under Clauses 2, 3, and 4 Article 17 of this Decree to replace contract package prices under contractor selection plans according to bidding laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Depending on characteristics of contract package, revision of costs under contract estimates specified under Clauses 2 and 3 Article 17 of this Decree shall be implemented similar to revision of construction estimates under Article 15 of this Decree.

Article 19. Construction contract package price

1. Construction contract package price refers to price of construction contract package approved under contractor selection plans serving as the basis for selecting contractors. Contract package price includes all adequate costs necessary to execute construction contracts, including backup costs, fees, charges, and taxes.

2. Contract package price shall be updated on bid opening day according to bidding law if necessary.

Chapter IV

CONSTRUCTION NORMS, CONSTRUCTION PRICES AND OUTPUT PRICE INDICES

Section 1. CONSTRUCTION NORMS

Article 20. Construction norm system

1. Construction norm system includes economic-technical norms and cost norms. Economic-technical norms include basic norms and estimate norms.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Estimate norms

a) Estimate norms are norms on necessary depreciation of materials, human resources, construction machinery and equipment conforming to technical requirements, construction conditions and specific construction measures for completion of a unit of construction quantity;

b) Estimate norms are adopted, consulted in order to prepare construction estimates and serve as the basis for determining construction prices, preparing and managing construction investment.

4. Cost norms include: norms expressed in percentage and norms expressed in numeric values. Cost norms serve as the basis for determining construction prices, cost estimates of affairs, costs in construction investment namely indirect costs, pre-assessed taxable income, project management costs, construction investment consultancy costs and other costs.

5. Estimate norms for specific construction operations of sectors, local administrative divisions are norms for affairs not specified under construction norm system regulated by Ministry of Construction and only occur in constructions under management of sectors or local governments.

6. Ministry of Construction shall organize construction, issue construction norms for general use on a nationwide scale. Ministries having jurisdiction over specialized construction works shall organize construction operations, issue estimate norms for specific construction operations of sectors, People’s Committees of provinces shall organize construction operations, issue estimate norms for specific construction operations of local administrative divisions.

7. Ministries having jurisdiction over specialized construction works, People’s Committees of provinces shall prepare plans, organize development of estimate norms under Clause 5 of this Article, send to Ministry of Construction and request for feedback on methods and basis for developing norms, conformity of calculation results of depreciation components prior to issuance.

8. Adoption and reference of construction norm systems shall conform to Clause 3 Article 136 of Law on Construction and amendments thereto under Clause 51 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction.

9. Construction norm system under this Article shall be managed by code system according to Minister of Construction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Determination of new estimate norms for structures shall be implemented for construction operations not specified elsewhere or construction operations that utilize new construction technology, construction solutions, or construction conditions that are not specified under construction norm systems issued by competent authorities.

2. Revision of estimate norms is implemented for construction operations specified under construction norm system issued by competent authorities but not conforming to technical design, requirements, construction conditions and/or construction solutions.

3. Determination of new estimate norms and revision of estimate norms shall conform to regulations of Minister of Construction.

4. During preparation of construction estimates, determination and management of new estimate norms and revised estimate norms under Clauses 1 and 2 of this Article shall be implemented as follows:

a) Organizations and individuals preparing construction estimates are responsible for preparing lists of new estimate norms and estimate norms that require revision to meet specific structure requirements and organizing determination of norm depreciation conforming to technical design, requirements, construction conditions, expected construction solutions to serve preparation of unit price and determination of construction estimates;

b) Agencies specialized in construction shall appraise relevant details under Point d Clause 3 Article 13 of this Decree;

c) Investors shall consider and decide on use of revise estimate norms and/or new estimate norms for structures as the basis for determining construction prices.

5. During construction process, investors shall organize surveys to determine new estimate norms and revised estimate norms under Clause 4 of this Article as follows:

a) Organize recalibration of contents of norms (including applicable regulations, affair components, depreciation components, unit of measurement, norm values) on the basis of surveys and data collection in practical construction situations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

6. In case investors request, Ministry of Construction shall provide guidelines and remarks for new estimate norms whereas agencies which issue norms shall provide guidelines and remarks for revised estimate norms under Clauses 4 and 5 of this Article.

7. Investors may hire capable cost management and consultancy organizations according to Decree elaborating to regulations on management of construction investment projects to determine and appraise norms under Clause 5 of this Article.

Article 22. Review and update of construction norm system issued by competent regulatory agencies

1. Ministry of Construction, ministries having jurisdiction over specialized construction works and People’s Committees of provinces shall organize review and provide guidelines on application and reference of construction norm systems issued and publicized before effective date hereof following principles below:

a) Complete review, annul inappropriate norms and issue norms that do not require revision before June 30, 2021;

b) Organize review, determine norms that require revision and issue before December 31, 2021;

c) During the period of reviewing and revising norms, Ministry of Construction, ministries having jurisdiction over specialized construction works and People’s Committees of provinces are responsible for guiding application and reference of norms that they have issued within competence and other necessary affairs to prepare and manage construction investment.

2. Construction norm systems issued by Ministry of Construction, ministries having jurisdiction over specialized construction works and People’s Committees of provinces must be reviewed and updated every 3 years from the date on which the norms are issued or earlier if necessary.

3. Ministry of Construction is responsible for organizing, expediting review and update of construction norm systems and issuing regulations, guidelines on implementing review and update of construction norms.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Determine annual lists, plans for reviewing norms and send to Ministry of Construction for monitor and examination during implementation;

b) Assign agencies specialized in construction affiliated to organizations that review, hire organizations and individuals capable for operating according to Decree on elaborating to regulations on management of construction investment projects to review, determine new norms and revised norms and request competent authorities to issue as per the law;

c) Decide on issuance of norms after consulting Ministry of Construction according to Clause 7 Article 20 of this Decree and send to Ministry of Construction for consolidation and update onto database.

5. Agencies specialized in construction within their competence shall consolidate development results of norms under Clauses 4 and 5 Article 21 of this Decree and norms under Clause 6 of this Article and send to Ministry of Construction (in case of new estimate norms) and agencies that issue norms (in case of revised estimate norms) to serve review, consideration and decision on update norm systems.

6. Encourage organizations and individuals to organize determination of new estimate norms and revised estimate norms by themselves, and send results to agencies specialized in construction to serve state management affairs.

Article 23. Expenditure on review, update, development and revision of construction norms

1. Expenditure on review, update of construction norms implemented by Ministry of Construction, ministries having jurisdiction over specialized construction works and People’s Committees of provinces: expenditure on plan preparation, review organization; review, determination, appraisal; update of new norms and revised norms. Such expenditure shall be allocated from annual budget.

2. Expenditure on developing new norms and revising norms under Clauses 4 and 5 Article 21 of this Decree shall be included in construction investment of projects.

Section 2. CONSTRUCTION PRICES AND OUTPUT PRICE INDICES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Construction prices include specific construction unit price and mixed construction prices and serve as the basis for determining total construction investment and construction estimates.

a) Specific construction unit price is determined for construction operations;

b) Mixed construction prices are determined by group, type of construction operations, structural or component units of constructions.

2. Specific construction unit price of constructions is determined on the basis of construction norms, prices of construction materials, components, personnel, construction machinery and equipment and other necessary cost factors satisfactory to price market of construction sector at a definite point in time and other relevant law provisions, on the basis of construction unit price issued by People’s Committees of provinces or on the basis of market price or similar prices of implemented constructions.

3. Mixed construction price is determined on the basis of combining specific construction unit price of a unit of measurement of operation, structural or component unit according to prices issued by competent authorities, identified on the basis of market price or similar prices in implemented constructions.

Article 25. Construction investment rates

1. Construction investment rates are costs necessary for a unit of measurement by area, volume, length, capacity or capability of structures by design and serve as the basis for determining preliminary total investment and total construction investment.

2. Construction investment rates include: construction costs; equipment costs; project management costs; construction investment consultancy costs; other costs and VAT for said costs. Construction investment rates do not include backup costs and costs for several affairs depending on separate requirements of projects and structures.

Article 26. Management of construction prices and construction investment rates

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. People’s Committees of provinces shall publicize construction unit price of local administrative divisions; decentralize and authorize Departments of Construction to publicize construction price information in provinces according to Points a and b of this Clause as follows:

a) Prices of construction materials and equipment: publicize on a quarterly basis or earlier if necessary;

b) Unit price of construction personnel, construction machinery and equipment per shift, construction machinery and equipment rental: publicize on an annual basis or earlier if necessary.

3. Investors shall employ construction price systems under Clauses 1 and 2 of this Article as the basis for determining total construction investment, construction estimates and managing construction investment or organizing determination of construction prices satisfactory to technical requirements, construction conditions, constructions solutions and specific plans of constructions.

4. Investors may hire organizations and/or individuals that provide advice on management of construction investment capable of operating according to Decree elaborating to regulations on management of construction investment to perform tasks or parts of tasks related to determination and appraisal of construction prices under Clause 3 of this Article.

5. Expenditure on collecting figures, determining and publicizing construction prices and information on prices and construction investment rates under Clauses 1 and 2 of this Article shall be allocated from annual budget.

Article 27. Output price indices

1. Output price indices are indicators reflecting volatility in construction prices, serving as the basis for determining and revising preliminary total investment, total construction investment, construction estimates, construction contract package value, construction contract value, conversion of construction investment and management of construction investment.

2. Output price indices include construction prices by construction type and cost compositions (including price index of construction works, price index of equipment, and price index of other costs), cost factors (including price index of building materials, price index of labor, price index of building equipment) and price index of some major materials.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Ministry of Construction shall provide guidelines on determining output price indices; determine and publicize national output price indices on a yearly basis;

b) Departments of Construction shall organize determining output price indices in provinces using methods provided by Ministry of Construction (including all price indices under Clause 2 of this Article) as the basis for enabling People’s Committees of provinces to publicize or decentralize, assign Departments of Construction to publicize on a quarterly basis, annual basis or earlier if necessary and send to Ministry of Construction.

4. In case output price indices are utilized to revise construction contract value, for constructions that are not specified under list of output price indices publicized by Ministry of Construction or People’s Committees of provinces, investors shall organize determining output price indices using methods provided by Ministry of Construction and send to Ministry of Construction (for constructions implemented in at least 2 provincial administrative divisions) or People’s Committees of provinces (for constructions implemented in provincial administrative division) for remarks about conformity of method of determining output price indices, adequacy and legitimacy of determination of output price indices.

5. Investors may hire organizations and/or individuals that provide advice on cost management capable of operating according to Decree elaborating to regulations on management of construction investment to calculate output price indices under Clause 4 of this Article.

6. Expenditure on collecting data, determining and publicizing output price indices under Clause 3 of this Article shall be allocated from annual budget.

Section 3. DATABASE ON CONSTRUCTION NORMS, CONSTRUCTION PRICES AND OUTPUT PRICE INDICES

Article 28. Database on construction norms, construction prices and output price indices

1. Database on construction norms, construction prices and output price indices (hereinafter referred to as “database”) is a part of information system and national database on construction operation according to Law on Construction, including:

a) Information and data on construction norms, construction prices, construction investment rates, output price indices issued or publicized by competent authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Database on prices of construction services, construction products, construction materials and equipment, and other relevant information provided by organizations, individuals operating in construction sector or via investigation, survey.

2. Ministry of Construction is responsible for developing, managing and operating database on a nationwide scale which serves as contact point for databases of specialized and local ministries having jurisdiction over specialized construction works; providing information and data in database for state management affair purposes and at request of organizations, individuals to prepare and manage construction investment as per the law.

3. Ministries having jurisdiction over specialized construction works and People’s Committees of provinces are responsible for developing, managing and operating database to serve state management affairs regarding construction investment in sector and local governments.

4. Principles of developing and managing database:

a) Database must be synced and compliant with regulations and law; serve state management affairs and meet socio-economic development demands;

b) Information and data prior to being updated on database must be examined, reviewed, assessed and classified accordingly;

c) Collection and addition of data, information must prevent repetition of tasks; include close cooperation in collecting information, data; maximize currently available information, data;

d) Information, data that has been examined, processed and updated as per the law on database shall hold similar legitimacy to physical documents;

dd) Agencies, organizations and individuals shall be legally responsible for information and data that they provided for database.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Ministry of Construction is responsible for developing, managing, operating and controlling database on a nationwide scale:

a) Develop Regulations on managing, extracting and utilizing database; issue and manage database login accounts; control contents that are updated, revised and uploaded on database;

b) Provide guidelines on contents and methods of developing database (including collecting, consolidating, processing, updating, storing information and data);

c) Provide guidelines of extracting and utilizing database;

d) Developing and finalizing system of codes, software applications for management of database.

2. Ministries having jurisdiction over specialized construction works are responsible for consolidating and providing estimate norms on specialized construction operations; construction prices, construction material prices, human resource prices, specialized construction machinery and equipment and sending to Ministry of Construction for update onto database.

3. People’s Committees of provinces are responsible for consolidating and providing estimate norms on specialized constructions of local administrative divisions; local construction prices, construction material prices, human resource prices, specialized construction machinery and equipment and sending to Ministry of Construction for update onto database.

4. Investment deciders who investment projects that utilize public investment, non-public state capital are responsible for requesting investors to send information, data related to construction investment of projects under their management to Ministry of Construction to update on database.

5. Expenditure on developing, managing, operating database and collecting, consolidating, processing, updating information shall be allocated from annual budget and other legally mobilized funding sources.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

PROJECT MANAGEMENT COSTS AND CONSTRUCTION INVESTMENT CONSULTANCY COSTS

Article 30. Project management costs

1. Project management costs shall be used for organizing implementation and performing following tasks:

a) Organize implementation of: supervising construction survey; selecting construction designs or construction design measures; compensating, assisting and relocating within responsibilities of investors; preparing and appraising construction feasibility reports or construction economic-technical reports; preparing and appraising construction design implemented after fundamental design and construction estimates; selecting contractors in construction operations; controlling quality, quantity, progress, construction prices and construction contracts; managing construction information system; collecting and providing information serving management of construction investment at request of competent authorities; ensuring occupational safety and hygiene of structures; determining new estimate norms, revising estimate norms; determining construction prices, output price indices; examining quality of materials, components, construction products, equipment installed in structures; accrediting structure components, work items, structures and conducting experiments specialized in construction sector at request; controlling construction investment; preparing preliminary environmental impact assessment reports, environmental impact assessment reports, surveying and monitoring environment during construction progress according to regulations and law on environmental protection; converting construction investment once structures are completed, inspected for acceptance and transferred into use; inspecting for acceptance, paying, setting contracts; paying and settling construction investment; supervising and assessing investment; inspecting for acceptance and transferring structures; initiating construction, inaugurating (if any), advertising and organizing management of implementation of other necessary tasks serving project management;

b) Perform following tasks: supervising, assessing investment; appraising construction designs implemented after fundamental design and appraising construction estimates; determining construction contract package estimates (in case construction estimates have been approved) and perform other necessary tasks within responsibilities of investors.

2. Project management costs include salaries of project managers; wages for workers under contracts; allowances; bonuses; collective benefits; contributions (social insurance; medical insurance; unemployment insurance; union fees; other contributions as per the law for individuals eligible for receiving payments from projects); science and technology application, training and improvement of project managers; payment of public services; office supplies; information, communication and publicity; organization of conferences related to projects; working fees; hiring, repair, procurement of assets serving project management; other costs and backup costs.

3. Project management costs are maximum costs for managing projects depending on approved length, scope of work of projects and determined on the basis of percentage or by preparing estimates conforming to project management methods, project length, project management scale and characteristics. Project management costs shall be managed on the basis of estimates determined on an annual basis conforming to project management tasks, affairs and relevant policies. Project management costs shall only be revised when changes to project management scope, project execution progress, or project revision occur.

4. In case project management consultants are hired, project management consultancy costs shall be determined by preparing estimates on the basis of project management contents, workload agreed upon by investors and consulting organizations under contracts for project management consultancy.

5. In case general contractors conclude EPC contracts for project management affairs under responsibilities of investors, general contractors shall partially benefit from project management costs conforming to project management affairs, workload assigned by investors and agreed upon under EPC contracts.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 31. Construction investment consultancy costs

1. Construction investment consultancy affairs include:

a) Developing missions, construction survey solutions, design missions; executing construction surveys, supervising construction surveys; producing construction investment pre-feasibility reports (if any), investment guideline proposal (if any), construction investment feasibility reports or construction investment economic-technical reports;

b) Appraising construction investment pre-feasibility reports (if any), construction investment feasibility reports or construction investment economic-technical reports; appraising technology design of projects (if any); appraising compensation, assistance, relocation solutions; proposing architecture solutions; designing construction; appraising construction designs, construction estimates;

c) Producing, appraising EOI request, prequalification document, bidding documents, soliciting documents assessing said documents to select active construction contractors; appraising contractor selection results in construction sector; supervising construction process and equipment installation;

d) Developing, appraising construction norms, construction prices, output price indices; appraising traffic safety; applying BIM model;

dd) Providing project management consultancy (in case consultants are hired); conducting experiments in construction sector; controlling quality of materials, structural components, construction products, equipment installed in structures at request of investors (if any); controlling quality of construction components, work items, structures (if any)l supervising, assessing construction investment projects (in case consultants are hired);

e) Producing preliminary environmental impact assessment reports, environmental impact assessment reports, monitoring and supervising environment during construction process according to regulations and law on environmental protection;

g) Converting construction investment after structures are completed, inspected for acceptance and transferred into use (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Construction investment consultancy costs include: costs for consultants (salaries, bonuses, allowances, collective interest, social insurance, medical insurance, union fees, other payments as per the law for individuals performing consulting activities in projects); costs for science technology application, management of construction information system; costs for public services, office supplies, information, communication; costs for hiring, repairing, procuring assets serving project consulting affairs (if any); management costs of consulting organizations; other costs; pre-assessed taxable income; VAT and backup costs. Costs for construction survey and experiments specialized in construction shall include costs under Clause 2 Article 12 of this Decree and other relevant costs (if any).

3. Construction investment consultancy costs shall be determined by percentage issued by Ministry of Construction or by preparing estimates on the basis of scope of consulting affairs, workload to be implemented, execution plans of contract package and regulations on policies of the government.

4. Approved construction investment consultancy costs are maximum costs for consultancy affairs for construction investment and only revised when changes to affairs, conditions, or consulting progress occur. Construction investment consultancy costs shall be managed via contracts for construction investment consultancy.

5. In case investors, boards for management of construction investment projects capable as per the law executing consultancy affairs, may add costs for said affairs to project management costs.

6. Costs for hiring foreign consultants for consultancy affairs shall conform to Article 32 of this Decree.

Article 32. Costs for hiring foreign consultants

1. Investment deciders shall decide on hiring foreign consultants according to regulations and law on bidding.

2. Costs for hiring foreign consultants shall be determined depending on type of consultancy affairs on the basis of number of experts, level of experts, working hours of experts, salaries of experts by countries and other necessary costs for completion of consultancy affairs.

3. Costs for hiring foreign consultants are determined according to estimates or database on costs for hiring foreign consultants of similar projects and structures in Vietnam; Cost estimates for hiring foreign consultants are all costs necessary for completion of construction consulting services, including: costs on experts, management costs, other relevant costs, pre-assessed taxable income, backup costs and payable taxes as per the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Methods of determining costs for hiring foreign consultants shall conform to regulations of Minister of Construction.

Chapter VI

PAYMENT, SETTLEMENT OF CONSTRUCTION CONTRACTS AND PAYMENT, SETTLEMENT OF CONSTRUCTION INVESTMENT

Article 33. Payment, settlement of construction contracts

Payment and settlement of construction contracts shall conform to Decree on elaborating to construction contracts.

Article 34. Payment of construction investment

1. Payment of construction investment and deadline therefor:

a) Projects utilizing public investment shall conform to regulations and law on public investment;

b) Projects utilizing non-public investment state capital and PPP projects shall conform to relevant regulations and law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Agencies paying construction investment and investors are prohibited from developing regulations contradictory to regulations and law on payment of construction investment.

Article 35. Settlement of construction investment

1. Construction investment projects must be settled in terms of construction investment after being transferred into use or permanently suspended at written request of competent authorities.

2. Investment capital for settlement must be within total approved or revised investment as per the law.

3. Investment capital for settlement refers to the entire legitimate cost required in construction process to bring project structures into use. Legitimate costs are all costs within the scope of approved projects, designs, estimates; construction contracts signed as per the law, including approved amendments thereto. PPP projects shall conform to regulations and law on investment in form of public-private partnerships.

4. Contractors are responsible for preparing documents on settlement of contracts signed with investors as per the law on construction contracts which serve as the basis for settling investment capital.

5. Investors are responsible for settling construction investment within total approved investment of projects; prepare documents on settlement of construction investment and conversion of construction investment and request investment deciders to approve within 9 months from the date on which acceptance records of structures are signed and structures are transferred into use. For independent work items or structures within projects with multiple structures to be transferred into use, in case immediate settlement is required, investors shall report to investment deciders.

6. Agencies appraising and approving settlement are responsible for appraising and approving settlement within 9 months from the date on which adequate settlement documents are received.

7. Investors are responsible for dealing with public debts and finalizing project accounts at agencies paying investment capital within 6 months from the date on which decisions on approval of settlement of capital of completed investment project are issued. In case completed projects with approved settlement have not been assigned with adequate capital, investors shall report to investment deciders and relevant agencies to deal with public debts and finalize project accounts as per the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

9. Investors that fail to perform settlement in a timely manner according to Clause 5 of this Article shall be met with penalties according to regulations and law on imposing penalties against administrative violations in construction investment.

10. Entitlement to approval of settlement of construction investment:

a) For national important projects and other important projects in which investment is decided by the Prime Minister: superior authorities of investors shall approve cost statements of component projects funded by public investment capital and component projects funded by non-public investment state budget;

b) For remaining projects, individuals capable of approving settlement of construction investment or authorizing approval of settlement of construction investment of completed projects shall decide on investment;

c) PPP projects shall conform to regulations and law on investment in form of public-private partnerships.

Chapter VII

RIGHTS, OBLIGATIONS AND RESPONSIBILITIES OF INVESTMENT DECIDERS, INVESTORS AND CONSTRUCTION CONTRACTORS IN MANAGEMENT OF CONSTRUCTION INVESTMENT

Article 36. Rights and responsibilities of investment deciders

1. Complying with regulations on rights and responsibilities of investment deciders under Article 72 of Law on Construction and Clause 22 Article 1 of Law on amendments to Law on Construction and entitlement under this Decree and relevant law provisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 37. Rights and obligations of investors

1. Complying with regulations and law on rights and obligations of investors under Article 68 of Law on Construction and entitlement under this Decree and other relevant law provisions.

2. Accepting recommendations in terms of changing materials, construction materials, construction solutions, technical requirements at request of design consultants or construction contractors while satisfying technical, aesthetic, quality, progress, safety, environmental protection requirements according to signed construction contracts satisfactory to regulations and law on construction contracts and project objectives.

3. Closely managing and using funding sources of projects for the right purposes; preventing construction investment from exceeding total construction investment, and guaranteeing project progress and effectiveness.

4. Performing construction investment consultancy affairs if capable as per the law.

5. Providing data of projects at request of regulatory agencies; cooperating or organizing collection of cost management information data at request of regulatory agencies.

6. Advancing, paying and settling contracts according to contracts signed with contractors.

7. Purchasing structure insurance for structures prescribed by law or authorizing contractors to purchase insurance via construction contracts.

8. Paying fine from project management funding sources if imposed with penalties for administrative violations in construction investment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Consulting contractors shall have rights and obligations prescribed under consulting contracts for management construction investment under Decree on elaborating to management of construction investment projects and other relevant law provisions.

2. Requesting investors to provide information and data related to assigned consultancy tasks.

3. Being responsible for contents, quality, progress of consultancy affairs under their charge; providing project cost management information, data at request of regulatory agencies and investors.

4. Having their consultancy protected by intellectual property rights as per the law.

5. Refusing requests of investors contradicting regulations and law

6. Paying damages for failure to comply with regulations and law on management of construction investment and contract infringement which damages investors.

Article 39. Rights and obligations of construction contractors

1. Construction contractors shall have rights and obligations prescribed under construction contracts and other relevant law provisions.

2. Deciding estimate norms, construction prices and other relevant costs when determining bidding prices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Cooperating with investors in organizing surveys to determine revised norms and new norms during construction period (if any) according to Point a Clause 5 Article 21 of this Decree.

5. Providing data of projects at request of regulatory agencies; cooperating or organizing collection data related to construction investment at request of regulatory agencies.

6. Paying damages for failure to comply with regulations and law on management of construction investment and contract infringement which damages investors.

Chapter VIII

STATE MANAGEMENT FOR CONSTRUCTION INVESTMENT COST

Article 40. Ministry of Construction

1. Being responsible for unifying state management regarding construction investment cost.

2. Providing guidelines on contents, methods of determining, managing and controlling construction investment cost, including: preliminary construction investment, total construction investment cost, construction estimates, construction norms and construction prices, construction investment rates, output price indices, construction personnel unit price, construction machinery and equipment cost per shift, construction quantity takeoff, conversion of construction investment, construction investment consultancy costs.

3. Issuing construction norms; publicizing construction investment rates, mixed construction prices, national construction price indices, norms on depreciations and basic data to determine machinery cost per shift. Organizing review on a regular basis, consolidating norm review, revision results and issuing as per the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Inspecting compliance with regulations and law on management of construction investment.

Article 41. Ministry of Planning and Investment

1. Taking charge and cooperating with relevant entities in appraising origin and ability to allocate capital for construction investment utilizing public investment capital; consolidating and presenting mid-term and annual public investment plans to Government, Prime Minister.

2. Organizing supervision and assessment of investment, examining and inspecting projects utilizing public investment capital as per the law.

Article 42. Ministry of Finance

1. Regulating management and use of revenues generated from project consultancy and management affairs of investors and boards for management of projects utilizing public investment capital.

2. Inspecting payment and settlement of construction investment cost and completed projects.

Article 43. Ministries having jurisdiction over specialized construction works and People’s Committees of provinces

1. Ministries having jurisdiction over specialized construction works

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Periodically review construction norm system that they have issued and send new constructions norms, revised construction norms to Ministry of Construction.

2. Ministry of National Defence shall regulate methods of determining cost norms on clearing and disarming mines, explosive ordnances after consulting Ministry of Construction.

3. People’s Committees of provinces

a) Provide guidelines on preparing and managing construction investment; examine implementation of regulations on management of construction management cost in local administrative divisions;

b) Based on methods of determining construction norms prescribed by Ministry of Construction, organize development and issue construction norms for specific construction operations of local administrative divisions;

c) Periodically review construction norm system that they have issued and send new constructions norms, revised construction norms to Ministry of Construction;

d) Publicize construction unit price of local administrative divisions; publicize or decentralize, authorize Departments of Construction to publicize output price indices; decentralize, authorize Departments of Construction to publicize construction materials, construction equipment, construction personnel unit price, construction machinery and equipment cost per shift, construction machinery and equipment rental;

dd) Allocate annual budget for developing, issuing, publicizing information and data under Point b of this Clause.

Chapter IX

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 44. Transition clauses

1. For construction investment presented for appraisal before January 1, 2021 according to Law on Construction 2014 without receiving appraisal results of total construction investment before effective date hereof, appraisal affairs shall continue according to Law on Construction 2014 and guiding documents; subsequent management of construction investment cost shall conform to this Decree.

2. Construction investment projects with appraisal results of total construction investment that have not been approved before the effective date of this Decree shall not require another instance of appraisal; subsequent management of construction investment shall conform to this Decree

3. For construction investment projects approved before the effective date of this Decree where none of the tasks in execution phase have been implemented (for cases in which contractors who have not issued bidding documents, requesting documents are required), subsequent management of construction investment shall conform to this Decree.

4. For construction investment projects approved before the effective date hereof where one or several tasks in execution phase are being or have been implemented, subsequent management of construction investment for tasks that have not been implemented is as follows:

a) Details for appraisal and entitlement for appraisal and approval of construction investment shall conform to this Decree and Decree on elaborating to management on construction investment;

b) Determination and management of construction investment (other than those under Point a of this Clause) shall conform to regulation and law on management of construction investment applicable to the projects;

c) Transition of application and reference of construction norms shall conform to Clause 5 of this Article.

5. Construction norms issued by competent agencies shall continue to be applied to determine construction investment according to regulations and law on management of construction investment applicable to projects until norm systems under Points a and b Clause 1 Article 22 of this Decree are issued by competent agencies and come into effect.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

7. Methods of determining construction investment issued before the effective date hereof shall continue to be applied to projects whose tasks in preparation phase are being implemented and projects under Clauses 1, 2, and 3 of this Article until methods under Clause 2 Article 40 of this Decree come into effect.

8. Update of construction investment according to construction norms, construction prices, methods of determining construction prices issued by competent agencies and coming into effect according to this Decree shall be implemented as follows:

a) Total construction investment that has been approved or appraised does not require other instances of appraisal or approval. Investors shall determine construction estimates according to construction norms, construction prices, methods of determining construction investment issued, publicized as per the law;

a) Construction estimates that have been approved or appraised do not require other instances of appraisal or approval.

c) Contract packages that have not issued bidding documents, requesting documents before the date on which construction norms, construction prices, methods of determining construction investment are issued and coming into effect: investors shall update contract package estimates to determine contract package values under approved plans for selecting contracts to serve as the basis for selecting contractors as per bidding laws;

d) For contract packages that have issued bidding documents, requesting documents but have not closed the bidding, investors shall consider and decide on update of contract package estimates to determine contract package values to serve as the basis for selecting contractors as per bidding laws. In case bid is closed: Comply with bidding documents, written request, bid envelop, written suggestion; do not update price of contract packages;

dd) If necessary, investment deciders, investors shall decide on another instance of update, appraisal, approval of total construction investment under Point a of this Clause; construction estimates under Point b of this Clause within their competence;

e) In case another instance of update, determination of total construction investment, construction estimates, contract package value under Points c, d, and dd exceeds approved total construction investment and/or construction estimates, appraisal and approval of revised total construction investment, revised construction estimates shall be implemented as per the law.

Article 45. Organization for implementation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Ministry of Construction shall take charge and cooperate with relevant ministries in being responsible for providing guidelines for implementation of this Decree.

Article 46. Entry into force

This Decree comes into effect from the date of signing and replaces Decree No. 68/2019/ND-CP dated August 14, 2019 of the Government on management of construction investment cost.

 

 

PP. GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Số hiệu: 10/2021/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Lĩnh vực, ngành: Xây dựng - Đô thị
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 09/02/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 10 Nghị định 35/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/06/2023
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 như sau:

“a) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm: chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định; các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; chi phí tái định cư; chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí sử dụng đất, thuê đất tính trong thời gian xây dựng và các khoản chi phí khác liên quan đến việc sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất, tài nguyên nước, tài nguyên biển theo quy định của pháp luật (nếu có); chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng phục vụ giải phóng mặt bằng (nếu có) và các chi phí có liên quan khác;”.

Xem nội dung VB
Điều 5. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng
...
2. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng, gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng và được quy định cụ thể như sau:

a) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm: chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định; các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; chi phí tái định cư; chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí sử dụng đất, thuê đất tính trong thời gian xây dựng (nếu có); chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng phục vụ giải phóng mặt bằng (nếu có) và các chi phí có liên quan khác;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 10 Nghị định 35/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/06/2023
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 10 Nghị định 35/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/06/2023
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 42 như sau:

“1. Hướng dẫn việc quyết toán vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.”.

Xem nội dung VB
Điều 42. Bộ Tài chính

1. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 70/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/11/2024
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng: Chủ đầu tư, BQLDA do chủ đầu tư thành lập, BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực được thành lập theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý dự án.

3. Chủ đầu tư, BQLDA quản lý dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ: Thực hiện quản lý dự án theo điều ước quốc tế, thỏa thuận với nhà tài trợ về ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết và pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, Thông tư hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Trường hợp không có quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận với nhà tài trợ, pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, Thông tư hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

4. Chủ đầu tư, BQLDA thuộc đơn vị sự nghiệp công lập (sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư): Thực hiện trình tự, nội dung lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định tại Thông tư này. Cơ chế tài chính (định mức chi của các khoản chi, chi phí tiết kiệm và định mức khác chi cho các chi phí khác có liên quan đến quản lý dự án) và thẩm quyền thẩm định, thẩm tra, phê duyệt dự toán, quyết toán thực hiện theo quy định của đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

Điều 2. Nguồn thu và phân chia nguồn thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và BQLDA đối với dự án được giao quản lý

1. Nguồn thu:

a) Thu từ chi phí của dự án được giao quản lý, bao gồm: Nguồn trích chi phí quản lý dự án và nguồn thu khác từ dự án được giao quản lý.

b) Thu hợp pháp khác của chủ đầu tư, BQLDA theo quy định, bao gồm: Thu từ hoạt động tư vấn cho các dự án khác và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

c) Ngân sách nhà nước cấp (nếu có).

2. Phân chia nguồn thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và BQLDA đối với dự án được giao quản lý: Căn cứ vào nội dung, khối lượng công việc, trách nhiệm giữa chủ đầu tư và BQLDA, Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư quyết định bằng văn bản tỷ lệ phân chia khoản thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và BQLDA (nếu có) và chịu trách nhiệm về nội dung này.

Điều 3. Tài khoản giao dịch

1. Đối với nguồn thu từ chi phí của dự án được giao quản lý, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và pháp luật có liên quan: Chủ đầu tư, BQLDA mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện giao dịch để quản lý.

2. Đối với nguồn thu không thuộc dự án được giao quản lý, các Quỹ được trích lập theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: Chủ đầu tư, Ban QLDA được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để quản lý.

Điều 4. Phân loại Ban quản lý dự án

1. BQLDA nhóm I, gồm: Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án, BQLDA do chủ đầu tư thành lập theo đúng quy định của pháp luật (trừ BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực là đơn vị sự nghiệp công lập).

2. BQLDA nhóm II, gồm: BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. LẬP DỰ TOÁN THU, CHI HÀNG NĂM CỦA CHỦ ĐẦU TƯ, BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

Điều 5. Dự toán thu, chi hằng năm của chủ đầu tư, BQLDA

1. Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án, chủ đầu tư quyết định việc lập và phê duyệt 01 dự toán chung cho cả chủ đầu tư và BQLDA sử dụng hoặc lập và duyệt 02 dự toán riêng cho chủ đầu tư và BQLDA để thuận tiện quản lý, sử dụng. Trường hợp lập dự toán chung cho cả chủ đầu tư và BQLDA sử dụng, cần xác định rõ các nội dung chi của chủ đầu tư và các nội dung chi của BQLDA.

2. Hằng năm, chủ đầu tư, BQLDA căn cứ thời gian thực hiện dự án, hình thức tổ chức quản lý dự án, quy mô và đặc điểm công việc quản lý dự án, các chế độ chính sách có liên quan để xác định chi phí quản lý dự án của từng dự án cho phù hợp với khối lượng nhiệm vụ, công việc quản lý dự án trong năm và chịu trách nhiệm về nội dung này. Các khoản thu từ chi phí của dự án dược giao quản lý theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hạch toán vào vốn của dự án đó.

Chủ đầu tư, BQLDA có trách nhiệm đảm bảo đủ chi phí quản lý dự án để tổ chức, thực hiện quản lý dự án cho đến khi dự án được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo quy định.

3. Dự toán thu, chi hằng năm được lập theo quy định tại Mẫu số 03/DT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Lập dự toán thu

Dự toán thu bao gồm các khoản thu theo quy định tại Điều 2 Thông tư này; trong đó nguồn chi phí trích của từng dự án được giao quản lý được thực hiện như sau:

Chủ đầu tư xác định nguồn chi phí trích của từng dự án được giao quản lý và dự kiến số thu để triển khai quản lý dự án cho các năm triển khai thực hiện dự án để ghi vào Mẫu số 01(i)/DT-QLDA - Bảng nguồn chi phí quản lý dự án; (i) sẽ chạy từ 1 đến n đối với trường hợp chủ đầu tư được giao quản lý nhiều dự án, cụ thể như sau:

GQLDA (CĐT) = GQLDA + GTV + GK - GT

GQLDA(CĐT): Chi phí quản lý dự án phần do chủ đầu tư, BQLDA được sử dụng theo từng dự án trong suốt quá trình quản lý dự án.

GQLDA: Chi phí quản lý dự án của dự án được xác định theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

GTV: Chi phí tư vấn của dự án do chủ đầu tư, BQLDA tự thực hiện được xác định theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

GK: Chi phí khác do chủ đầu tư, BQLDA được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

GT: Chi phí mà chủ đầu tư, BQLDA cần phải thuê để thực hiện trong quá trình quản lý dự án.

Điều 7. Cơ sở lập dự toán thu, chi

1. Quyết định thành lập BQLDA theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt dự toán.

3. Dự toán chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư (đối với các khoản thu và chi phí quản lý dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư).

4. Nguồn thu quy định tại Điều 2, Điều 6 Thông tư này. Trường hợp đến thời điểm lập dự toán chưa xác định được cụ thể, chủ đầu tư, BQLDA căn cứ vào tình hình thực tế để dự kiến nguồn thu và chịu trách nhiệm về nội dung này.

5. Các quy định về trích chi phí hiện hành.

6. Bảng tính lương năm của từng người lao động tham gia quản lý dự án theo Mẫu số 02/DT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Các quy định về quản lý tài chính hiện hành đối với chủ đầu tư, BQLDA.

8. Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị được xây dựng, ban hành theo đúng quy định của pháp luật.

9. Các căn cứ khác của dự án (nếu có).

Mục 2. BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN NHÓM I

Điều 8. Nội dung dự toán chi của BQLDA nhóm I

1. Nội dung chi theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Đối với chủ đầu tư, BQLDA quản lý dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc cơ quan hành chính nhà nước: Cơ chế tài chính thực hiện theo quy định của đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

3. Đối với chủ đầu tư, BQLDA quản lý dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc doanh nghiệp: Cơ chế tài chính thực hiện theo quy định của doanh nghiệp được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

Điều 9. Thẩm định, phê duyệt dự toán hằng năm của BQLDA nhóm I

1. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt

a) Đối với chủ đầu tư, BQLDA thuộc cơ quan hành chính nhà nước: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán.

b) Đối với chủ đầu tư, BQLDA thuộc doanh nghiệp: Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán theo quy định của doanh nghiệp được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt dự toán:

a) Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt dự toán, quyết định thành lập BQLDA (trường hợp có thành lập BQLDA).

b) Bảng tính nguồn thu từ hoạt động quản lý dự án theo Mẫu số 01(i)/DT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Bảng tính lương năm theo Mẫu số 02/DT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Dự toán thu, chi quản lý dự án năm theo Mẫu số 03/DT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nội dung thẩm định dự toán:

a) Thẩm định nội dung công việc, phương pháp tính toán, sự phù hợp trong việc phân bổ nguồn chi phí cho các năm trong Bảng tính nguồn thu từ hoạt động quản lý dự án theo Mẫu số 01(i)/DT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này đối với nhiệm vụ được giao năm kế hoạch.

b) Thẩm định sự phù hợp thu và nội dung chi trong dự toán theo Mẫu số 03/DT-QLDA với các tiêu chuẩn, định mức và chế độ tài chính hiện hành của nhà nước.

4. Thời hạn thẩm định và phê duyệt dự toán:

a) Thời hạn thẩm định, phê duyệt dự toán: Tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thẩm định, phê duyệt dự toán theo quy định tại khoản 2 Điều này.

b) Thời gian phê duyệt dự toán: Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm trước năm kế hoạch, dự toán năm kế hoạch phải được phê duyệt theo Mẫu số 01/QĐ-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Điều chỉnh dự toán năm:

a) Trong quá trình sử dụng, BQLDA nhóm I được chủ động điều chỉnh và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh số tiền giữa các nội dung chi trong phạm vi dự toán năm đã được duyệt. Trường hợp thu không đạt dự toán thì BQLDA nhóm I phải điều chỉnh dự toán chi cho phù hợp, đảm bảo dự toán chi không được vượt dự toán thu. Trường hợp dự toán thu hoặc dự toán chi hoặc cả dự toán thu và dự toán chi vượt dự toán thì phải thẩm định và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung.

b) BQLDA nhóm I chịu trách nhiệm rà soát, lập dự toán thu, chi điều chỉnh (nếu có) gửi chủ đầu tư để thẩm định, đảm bảo dự toán điều chỉnh (nếu có) phải được chủ đầu tư phê duyệt chậm nhất đến ngày 25 tháng 01 năm sau năm kế hoạch.

c) Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt, nội dung thẩm định, thời gian thẩm định: Thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này.

6. Dự toán sau khi được duyệt hoặc điều chỉnh, BQLDA nhóm I phải gửi đến người quyết định phê duyệt dự án đầu tư để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; cơ quan kiểm soát, thanh toán để thực hiện kiểm soát, thanh toán; các đơn vị có liên quan để thực hiện.

Điều 10. Quyết toán thu, chi hằng năm của BQLDA nhóm 1

1. Khi kết thúc năm kế hoạch, BQLDA nhóm I lấy ý kiến xác nhận của cơ quan kiểm soát, thanh toán để chậm nhất là ngày 28 tháng 02 năm sau BQLDA nhóm I lập báo cáo quyết toán thu, chi theo Mẫu số 01/QT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán thu, chi hằng năm:

a) Đối với chủ đầu tư, BQLDA thuộc cơ quan hành chính nhà nước: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư tổ chức thẩm tra và phê duyệt quyết toán.

Trước khi phê duyệt quyết toán thu, chi năm, chủ đầu tư dự thảo quyết định phê duyệt quyết toán kèm theo nội dung thẩm tra quyết toán của chủ đầu tư (kèm hồ sơ báo cáo quyết toán do BQLDA nhóm I lập) gửi lấy ý kiến của đơn vị có chức năng quản lý tài chính trực thuộc cấp quyết định phê duyệt dự án đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với dự án do cấp xã quản lý) để có ý kiến.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, đơn vị được gửi lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản trả lời chủ đầu tư về sự phù hợp giữa số liệu đề nghị quyết toán trong Báo cáo quyết toán thu, chi năm kế hoạch theo Mẫu số 01/QT-QLDA với dự toán được duyệt và quy định của nhà nước để chủ đầu tư thực hiện phê duyệt quyết toán thu, chi.

b) Đối với chủ đầu tư, BQLDA thuộc doanh nghiệp: Thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định của doanh nghiệp được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

3. Phân bổ chi phí cho các dự án được giao quản lý hằng năm:

Trường hợp BQLDA nhóm I trực tiếp quản lý từ 02 dự án trở lên, hằng năm BQLDA nhóm I thực hiện phân bổ chi phí cho các dự án được giao quản lý theo nguyên tắc:

a) Chi phí đã xác định để chi cho dự án cụ thể: Phân bổ trực tiếp cho dự án đó.

b) Chi phí không xác định được chi cho dự án cụ thể: Phân bổ theo tỷ lệ chi phí tương ứng với giá trị khối lượng nhiệm vụ, công việc trong năm của dự án do BQLDA nhóm I chịu trách nhiệm xác định.

4. Hồ sơ báo cáo quyết toán năm:

a) Tờ trình phê duyệt quyết toán thu, chi.

b) Bảng tổng hợp quyết toán thu, chi theo Mẫu số 01/QT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Bảng kê các chứng từ chi phát sinh trong năm do BQLDA nhóm I lập.

d) Quyết định phê duyệt dự toán năm, quyết định điều chỉnh dự toán năm (nếu có), Quyết định phê duyệt quyết toán của năm trước (nếu có).

5. Thời gian thẩm tra và phê duyệt báo cáo quyết toán thu, chi: Tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ báo cáo quyết toán năm hợp pháp, hợp lệ.

6. Nội dung thẩm tra:

a) Thẩm tra việc sử dụng các khoản thu trong năm kế hoạch.

b) Thẩm tra, đối chiếu sự phù hợp giữa số liệu đề nghị quyết toán trong Báo cáo quyết toán thu, chi năm kế hoạch theo Mẫu số 01/QT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này với định mức được trích, chế độ do nhà nước ban hành và dự toán được duyệt hoặc được điều chỉnh (nếu có).

c) Thẩm tra về tính hợp pháp, hợp lệ của các nội dung thu, chi theo dự toán được duyệt hoặc điều chỉnh.

d) Thẩm tra sự phù hợp của phân bổ giá trị quyết toán cho các dự án cụ thể thực hiện trong năm kế hoạch.

7. Mẫu biểu phê duyệt quyết toán thu, chi: Theo Mẫu số 01.QĐ/QT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Khoản chênh lệch nguồn thu được quyết toán lớn hơn số đã chi được quyết toán được chuyển sang thực hiện chi ở các năm sau.

9. Quyết toán chi phí của dự án do BQLDA nhóm I quản lý sau khi hoàn thành:

a) Đối với BQLDA nhóm I quản lý 01 dự án: Khi dự án được giao quản lý hoàn thành, BQLDA nhóm I lập báo cáo quyết toán kèm theo Hồ sơ báo cáo quyết toán năm cùng hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành gửi cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán dự án. Cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán dự án xem xét thẩm tra để báo cáo người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư phê duyệt chung trong quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

b) Đối với BQLDA nhóm I quản lý từ 02 dự án trở lên: Khi dự án được giao quản lý hoàn thành, chi phí được quyết toán là tổng hợp các chi phí đã được phân bổ, phê duyệt hàng năm của dự án và chi phí của dự án đã thực hiện (chưa được phê duyệt phân bổ hàng năm cho dự án) do BQLDA nhóm I chịu trách nhiệm xác định.

c) Đối với các chi phí do BQLDA nhóm I tự thực hiện của dự án do BQLDA nhóm I được giao quản lý:

Chi phí được quyết toán tối đa không vượt chi phí được duyệt (hoặc điều chỉnh) trong tổng mức đầu tư (hoặc dự toán) của dự án và được phê duyệt chung trong quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

Riêng quyết toán đối với dự án dừng thực hiện vĩnh viễn có khối lượng thi công dở dang, chi phí quản lý dự án, chi phí giám sát của BQLDA nhóm I được quyết toán trên cơ sở giá trị của chi phí xây dựng, thiết bị (chưa có thuế GTGT) đã được nghiệm thu đúng quy định. Trường hợp chi phí quyết toán lớn hơn chi phí được tính theo giá trị của chi phí xây dựng, thiết bị (chưa có thuế GTGT) đã được nghiệm thu đúng quy định, BQLDA nhóm I báo cáo người quyết định phê duyệt dự án đầu tư xem xét, quyết định.

Mục 3. BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN NHÓM II

Điều 11. Nguồn thu và giao quyền tự chủ tài chính của BQLDA nhóm II

1. Nguồn thu của BQLDA nhóm II: Gồm các nguồn thu quy định tại Điều 2 Thông tư này. Nguồn thu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 là nguồn thu xác định mức tự chủ tài chính của đơn vị.

Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư xây dựng của BQLDA nhóm II cho các chủ đầu tư, BQLDA khác phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với khả năng chuyên môn và tài chính của đơn vị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý các dự án đã được giao và không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của đơn vị.

2. Giao quyền tự chủ tài chính và xác định kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có), quy chế chi tiêu nội bộ và phân phối kết quả tài chính trong năm: Thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 12. Lập và chấp hành dự toán hằng năm của BQLDA nhóm II

1. Lập, phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán: Thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó lưu ý một số nội dung sau:

a) Về nguồn thu và nhiệm vụ chi: Trên cơ sở nguồn thu và nhiệm vụ chi thực hiện tương ứng theo từng dự án, BQLDA nhóm II chịu trách nhiệm xác định nguồn thu được sử dụng trong năm (khoản để sử dụng, đảm bảo dự toán chi trong năm). Nguồn thu chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng (khoản thu chưa thực hiện nhiệm vụ chi trong năm kế hoạch và nguồn thu tương ứng với nhiệm vụ chi chưa hoàn thành trong năm được duyệt trong dự toán năm) để chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

b) Về Mẫu biểu: Thực hiện theo các Mẫu số 01(i)/DT-QLDA, 02/DT-QLDA, 03/DT-QLDA, 02/QĐ-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Về thời hạn phê duyệt: Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm trước năm kế hoạch, dự toán năm kế hoạch phải được phê duyệt; chậm nhất đến ngày 25 tháng 01 năm sau năm kế hoạch, dự toán điều chỉnh (nếu có) năm kế hoạch phải được phê duyệt.

d) Đối với BQLDA có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp: Việc lập, phân bổ, giao dự toán, thời hạn phê duyệt và thực hiện dự toán được thực hiện theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.

2. Dự toán thu, chi sau khi được duyệt hoặc điều chỉnh, BQLDA nhóm II phải gửi đến cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện; cơ quan kiểm soát, thanh toán để thực hiện kiểm soát, thanh toán; các đơn vị có liên quan để thực hiện.

Điều 13. Quyết toán thu, chi hằng năm của BQLDA nhóm II

Kết thúc năm kế hoạch, BQLDA nhóm II lập báo cáo quyết toán thu, chi gửi cơ quan tài chính cùng cấp.

Đối với BQLDA nhóm II thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là cơ quan trung ương): Cơ quan tài chính cùng cấp do Thủ trưởng cơ quan trung ương xác định, giao nhiệm vụ.

Đối với BQLDA nhóm II thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: Cơ quan tài chính cùng cấp là Sở Tài chính cấp tỉnh, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện theo phân cấp quản lý.

1. Hồ sơ báo cáo quyết toán năm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt quyết toán thu, chi.

b) Báo cáo quyết toán thu, chi năm theo Mẫu số 02/QT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Bảng kê các chứng từ chi phát sinh trong năm.

d) Quyết định phê duyệt dự toán năm, quyết định điều chỉnh dự toán năm (nếu có).

2. Phân bổ chi phí cho các dự án được giao quản lý hằng năm

Trường hợp BQLDA nhóm II trực tiếp quản lý từ 02 dự án trở lên, hằng năm BQLDA nhóm II thực hiện phân bổ chi phí cho các dự án được giao quản lý theo nguyên tắc:

a) Chi phí đã xác định để chi cho dự án cụ thể: Phân bổ trực tiếp cho dự án đó.

b) Chi phí không xác định được chi cho dự án cụ thể: Phân bổ theo tỷ lệ chi phí tương ứng với giá trị khối lượng nhiệm vụ, công việc trong năm của dự án do BQLDA nhóm II chịu trách nhiệm xác định.

3. Thẩm tra, phê duyệt quyết toán hằng năm:

a) Cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức thẩm tra và phê duyệt quyết toán thu, chi.

b) Nội dung thẩm tra:

Thẩm tra việc phân bổ chi phí quản lý dự án, các khoản chi phí tư vấn và các khoản chi phí khác theo các năm và năm kế hoạch.

Đối chiếu số liệu trong Báo cáo quyết toán thu, chi năm theo Mẫu số 02/QT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này với dự toán thu, chi năm được duyệt hoặc được điều chỉnh (nếu có).

Thẩm tra về tính hợp pháp, hợp lệ các nội dung thu, chi theo theo dự toán được duyệt hoặc điều chỉnh.

4. Thời hạn thẩm tra và phê duyệt quyết toán: Tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ báo cáo quyết toán năm hợp pháp, hợp lệ, cơ quan tài chính cùng cấp thẩm tra và Quyết định phê duyệt quyết toán thu, chi theo Mẫu số 02.QĐ/QT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Quyết toán chi phí của dự án do BQLDA nhóm II quản lý sau khi hoàn thành:

a) Đối với BQLDA nhóm II quản lý 01 dự án: Khi dự án được giao quản lý hoàn thành, BQLDA nhóm II lập báo cáo quyết toán chi phí kèm theo Hồ sơ báo cáo quyết toán năm cùng hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành gửi cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán dự án. Cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán dự án thẩm tra để báo cáo người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư phê duyệt chung trong quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

b) Đối với BQLDA nhóm II quản lý từ 02 dự án trở lên: Khi dự án được giao quản lý hoàn thành, chi phí được quyết toán của dự án là tổng hợp các chi phí đã được phân bổ hằng năm được phê duyệt của dự án và chi phí của dự án đã thực hiện (chưa được phê duyệt phân bổ hằng năm cho dự án) do BQLDA nhóm II chịu trách nhiệm xác định.

c) Đối với các chi phí do BQLDA nhóm II tự thực hiện của dự án được giao quản lý:

Chi phí được quyết toán tối đa không vượt chi phí được duyệt (hoặc điều chỉnh) trong tổng mức đầu tư (hoặc dự toán) của dự án và được phê duyệt chung trong quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

Riêng quyết toán đối với dự án dừng thực hiện vĩnh viễn có khối lượng thi công dở dang, chi phí quản lý dự án, chi phí giám sát của BQLDA nhóm II được quyết toán trên cơ sở giá trị của chi phí xây dựng, thiết bị (chưa có thuế GTGT) đã được nghiệm thu đúng quy định. Trường hợp chi phí quyết toán lớn hơn chi phí được tính theo giá trị của chi phí xây dựng, thiết bị (chưa có thuế GTGT) đã được nghiệm thu đúng quy định, BQLDA nhóm II báo cáo người quyết định phê duyệt dự án đầu tư xem xét, quyết định.

Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan

1. Trách nhiệm của thủ trưởng chủ đầu tư, BQLDA nhóm I:

a) Chủ đầu tư: Chỉ đạo chủ đầu tư, BQLDA lập dự toán, quyết toán thu, chi để trình thẩm tra, phê duyệt, tổ chức thẩm định, thẩm tra và phê duyệt dự toán, quyết toán thu, chi đúng thời gian, nội dung quy định tại Thông tư này.

b) BQLDA nhóm I: Chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của BQLDA, xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định.

c) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp, hợp lệ của chứng từ thu, chi; cung cấp kịp thời các tài liệu khác có liên quan để phục vụ công tác thẩm tra quyết toán thu, chi quản lý dự án khi được cơ quan thẩm tra quyết toán đề nghị bằng văn bản.

2. Trách nhiệm của Giám đốc BQLDA nhóm II:

a) Chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của BQLDA.

b) Thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt (hoặc điều chỉnh) dự toán và lập Hồ sơ quyết toán thu, chi gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm tra, phê duyệt đúng thời gian và nội dung quy định tại Thông tư này.

c) Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên và pháp luật về các quyết định của mình trong việc thực hiện quyền tự chủ về tài chính của đơn vị.

d) Xây dựng phương án thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ, cơ chế tự chủ tài chính theo đúng quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

đ) Tổ chức thực hiện công tác hạch toán kế toán, thống kê, quản lý tài sản theo đúng quy định của pháp luật, phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu, chi của đơn vị trong sổ kế toán. Thực hiện các quy định về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động của đơn vị theo quy định hiện hành.

e) Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính theo quy định hiện hành.

g) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp, hợp lệ của chứng từ thu, chi; cung cấp kịp thời các tài liệu khác có liên quan để phục vụ công tác thẩm tra quyết toán thu, chi quản lý dự án khi được cơ quan thẩm tra quyết toán đề nghị bằng văn bản.

3. Trách nhiệm của cơ quan kiểm soát, thanh toán

a) Kiểm soát, thanh toán việc sử dụng các khoản thu, chi của các chủ đầu tư, BQLDA theo dự toán được duyệt đảm bảo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

b) Đối chiếu, xác nhận chi phí đã thực hiện thuộc trách nhiệm kiểm soát, thanh toán tại báo cáo quyết toán thu, chi của các chủ đầu tư, BQLDA theo Mẫu số 01/QT-QLDA, Mẫu số 02/QT-QLDA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương

a) Quyết định phê duyệt phương án tự chủ về tài chính đối với các BQLDA nhóm II theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn.

b) Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý; có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

5. Trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp:

a) Kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư, BQLDA tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng các khoản thu, chi theo quy định. Trường hợp phát hiện có sai sót, vi phạm trong quản lý, sử dụng các khoản thu, chi cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

b) Có ý kiến tham gia bằng văn bản với chủ đầu tư về quyết toán của BQLDA nhóm I và thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán thu, chi của BQLDA nhóm II theo đúng quy định; trường hợp cần thiết được kiểm tra hồ sơ, chứng từ thu, chi của chủ đầu tư, BQLDA.

Điều 15. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2024.

Trường hợp chủ đầu tư, BQLDA thực hiện dự toán thu, chi năm 2024 theo theo quy định tại Thông tư số 108/2021/TT-BTC, việc quyết toán thu, chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 108/2021/TT-BTC.

Trường hợp chủ đầu tư, BQLDA lập hoặc điều chỉnh dự toán thu, chi năm 2024 thì việc lập, thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh dự toán thu, chi, quyết toán thu, chi thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

2. Bãi bỏ Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

4. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
...
DANH MỤC MẪU BIỂU

Mẫu số: 01(i) /DT-QLDA BẢNG TÍNH CHI PHÍ TƯ VẤN, QUẢN LÝ DỰ ÁN
...
Mẫu số: 02/DT-QLDA BẢNG TÍNH LƯƠNG NĂM …….
...
Mẫu số: 03/DT-QLDA DỰ TOÁN THU, CHI
...
Mẫu số: 01/QĐ-QLDA QUYẾT ĐỊNH V/v Phê duyệt dự toán thu, chi năm...
...
Mẫu số 02/QĐ-QLDA QUYẾT ĐỊNH V/v Phê duyệt dự toán thu, chi năm...
...
Mẫu số: 01/QT-QLDA BÁO CÁO Quyết toán thu, chi năm ...
...
Mẫu số: 01.QĐ/QT-QLDA QUYẾT ĐỊNH V/v Phê duyệt quyết toán thu, chi năm ...
...
Mẫu số: 02/QT-QLDA BÁO CÁO Quyết toán thu, chi năm ……….
...
Mẫu số: 02.QĐ/QT-QLDA QUYẾT ĐỊNH V/v Phê duyệt quyết toán thu, chi năm...

Xem nội dung VB
Điều 42. Bộ Tài chính

1. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 108/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 24/01/2022 (VB hết hiệu lực: 15/11/2024)
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Thông tư này quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án đầu tư công của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA).

b) Việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của các dự án đầu tư không phải là đầu tư công của các chủ đầu tư, BQLDA không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Đối tượng áp dụng: Chủ đầu tư, BQLDA do chủ đầu tư thành lập, BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực sử dụng vốn đầu tư công được thành lập theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.

3. Chủ đầu tư, BQLDA quản lý dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ: Thực hiện quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án theo điều ước quốc tế, thỏa thuận với nhà tài trợ về ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết và pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi. Trường hợp không có quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận với nhà tài trợ, pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 2. Các khoản thu

1. Thu từ chi phí quản lý dự án của dự án được giao quản lý.

2. Thu từ thực hiện hoạt động tư vấn của dự án được giao quản lý.

3. Thu từ thực hiện hoạt động tư vấn, quản lý dự án cho dự án khác ngoài dự án được giao quản lý (theo hợp đồng).

4. Thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 3. Sử dụng các khoản thu

1. Chủ đầu tư, BQLDA do chủ đầu tư thành lập (trừ BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực): Thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư phê duyệt riêng dự toán thu, chi chi phí quản lý dự án để thực hiện.

Căn cứ vào nội dung, khối lượng công việc, trách nhiệm giữa chủ đầu tư và BQLDA, chủ đầu tư quyết định tỷ lệ phân chia khoản thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và BQLDA (nếu có). Tỷ lệ phân chia khoản thu quản lý dự án phải được ghi trong quyết định thành lập BQLDA hoặc văn bản giao nhiệm vụ cho BQLDA của chủ đầu tư.

2. BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực: Sử dụng các khoản thu tại Điều 2 Thông tư này theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn.

3. Đối với các khoản thu không tính vào chi phí đầu tư của dự án được giao nhiệm vụ quản lý: Chủ đầu tư, BQLDA phải thực hiện đăng ký, kê khai, nộp đầy đủ các loại thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế, phí, lệ phí.

4. Hằng năm, chủ đầu tư, BQLDA căn cứ thời gian thực hiện dự án, hình thức tổ chức quản lý dự án, quy mô và đặc điểm công việc quản lý dự án, các chế độ chính sách có liên quan để xác định chi phí quản lý dự án của từng dự án cho phù hợp với khối lượng nhiệm vụ, công việc quản lý dự án trong năm và chịu trách nhiệm về nội dung này. Chủ đầu tư, BQLDA có trách nhiệm đảm bảo đủ chi phí quản lý dự án để tổ chức, thực hiện quản lý dự án cho đến khi dự án được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo quy định.

5. Phân bổ chi phí quản lý dự án hằng năm:

Trường hợp chủ đầu tư, BQLDA trực tiếp quản lý từ 02 dự án trở lên, hằng năm chủ đầu tư, BQLDA thực hiện phân bổ chi phí cho các dự án được giao quản lý, gửi cơ quan quản lý cấp trên theo nguyên tắc:

a) Chi phí đã xác định để chi cho dự án cụ thể: Phân bổ trực tiếp cho dự án đó.

b) Chi phí không xác định được chi cho dự án cụ thể: Phân bổ theo tỷ lệ chi phí tương ứng với giá trị khối lượng nhiệm vụ, công việc quản lý dự án trong năm của dự án.

6. Quyết toán:

a) Đối với chủ đầu tư, BQLDA quản lý 01 dự án: Khi dự án được giao quản lý hoàn thành, chủ đầu tư, BQLDA lập báo cáo quyết toán chi phí quản lý dự án kèm theo chứng từ chi tiêu cùng hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành gửi cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán. Cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán xem xét các chứng từ chi tiêu đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập để báo cáo người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư phê duyệt chung trong quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành.

b) Đối với chủ đầu tư, BQLDA trực tiếp quản lý từ 02 dự án trở lên: Khi từng dự án được giao quản lý hoàn thành, chi phí quản lý dự án được quyết toán là tổng hợp các giá trị quyết toán chi quản lý dự án phân bổ hằng năm đã được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt (nếu có) của từng dự án.

c) Các chi phí (chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và chi phí khác do chủ đầu tư, BQLDA tự thực hiện) của dự án do chủ đầu tư, BQLDA được giao quản lý: Được quyết toán tối đa không vượt giá trị được duyệt (hoặc điều chỉnh) trong tổng mức đầu tư (hoặc dự toán) của dự án.

Điều 4. Tài khoản giao dịch

1. Đối với các khoản thu, chi từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của dự án đầu tư công được giao quản lý, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và pháp luật có liên quan: Chủ đầu tư, BQLDA mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện giao dịch để quản lý.

2. Đối với nguồn thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án cho dự án khác và các nguồn thu khác không thuộc dự án được giao quản lý, các Quỹ được trích lập theo quy định: Ban QLDA được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để quản lý các khoản thu, chi này.

3. Trường hợp chủ đầu tư, BQLDA có nguồn thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án cho dự án khác và các nguồn thu khác không thuộc dự án được giao quản lý cần thay đổi tài khoản giao dịch, chủ đầu tư, BQLDA căn cứ quy định tại Thông tư này để thực hiện.

Điều 5. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan

1. Chủ đầu tư, Giám đốc BQLDA: Chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng.

2. Kho bạc Nhà nước: Kiểm soát, thanh toán việc sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công của các chủ đầu tư, BQLDA theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

3. Bộ, cơ quan trung ương, địa phương: Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công cửa các chủ đầu tư, BQLDA thuộc phạm vi quản lý.

Điều 6. Xử lý chuyển tiếp

1. Các chủ đầu tư do người quyết định đầu tư giao, BQLDA đầu tư xây dựng một dự án do chủ đầu tư quyết định thành lập, BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực tiếp tục thực hiện theo dự toán thu, chi quản lý dự án năm 2021 đã được phê duyệt đến hết niên độ ngân sách 2021 và quyết toán thu, chi quản lý dự án năm 2021 theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2. Xử lý số dư kinh phí:

a) Đối với chủ đầu tư do người quyết định đầu tư giao, BQLDA đầu tư xây dựng một dự án do chủ đầu tư quyết định thành lập (trừ trường hợp người quyết định đầu tư giao BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư):

Đối với kinh phí của nhiệm vụ chi đã được phê duyệt trong dự toán năm 2021 nhưng chưa thực hiện trong năm, hoặc đang thực hiện dở dang mà phải chuyển sang thực hiện năm 2022, đơn vị phải xác định và chịu trách nhiệm về số kinh phí tương ứng với nhiệm vụ chi chưa thực hiện hoặc thực hiện dở dang để chuyển năm 2022 để tiếp tục thực hiện và được ghi cụ thể trong dự toán thu, chi năm 2022.

*Nội dung này được sửa đổi bởi Công văn 12066/BTC-ĐT năm 2022 có hiệu lực kể từ ngày 17/11/2022
“Đối với số kinh phí tiết kiệm được đến hết ngày 31/01/2022 chưa sử dụng hết: Nộp trả ngân sách nhà nước và hạch toán điều chỉnh giảm số vốn đã giải ngân của từng dự án tương ứng”.*

b) Đối với BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực:

Đối với kinh phí chi hoạt động thường xuyên đã được phê duyệt trong dự toán năm 2021 nhưng chưa thực hiện trong năm, hoặc đang thực hiện dở dang mà phải chuyển sang thực hiện năm 2022, đơn vị phải xác định và chịu trách nhiệm về số kinh phí tương ứng với nhiệm vụ chi chưa thực hiện hoặc thực hiện dở dang để chuyển năm 2022 để tiếp tục thực hiện và được ghi cụ thể trong dự toán thu, chi năm 2022.

Đối với kinh phí chi cho hoạt động không thường xuyên: Khi điều chỉnh các nhóm mục chi, nhiệm vụ chi, kinh phí cuối năm chưa sử dụng hoặc chưa sử dụng hết, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành

Đối với số dư các quỹ: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 01 năm 2022 và bãi bỏ các Thông tư sau:

a) Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

b) Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Xem nội dung VB
Điều 42. Bộ Tài chính

1. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 10 Nghị định 35/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/06/2023
Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 70/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/11/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 108/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 24/01/2022 (VB hết hiệu lực: 15/11/2024)
Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình sau:

1. Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng tại Phụ lục I;

*Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục I “Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2021/TT-BXD.*
...
PHỤ LỤC I PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

(Kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

I. XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

1. Trình tự xác định suất vốn đầu tư

Suất vốn đầu tư xây dựng được xác định theo các bước như sau:

Bước 1: Lập danh mục loại công trình xây dựng, xác định đơn vị tính suất vốn đầu tư;

Bước 2: Thu thập số liệu, dữ liệu có liên quan;

Bước 3: Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư;

Bước 4: Tổng hợp kết quả tính toán, biên soạn suất vốn đầu tư.

2. Nội dung các bước công việc

2.1. Lập danh mục loại công trình xây dựng, xác định đơn vị tính

- Lập danh mục loại công trình xây dựng để xác định suất vốn đầu tư dựa trên cơ sở: danh mục loại công trình cần xác định suất vốn đầu tư; phân loại, phân cấp công trình; tính năng sử dụng, quy mô, hình thức đầu tư; đặc điểm kết cấu, công nghệ và yêu cầu kỹ thuật của công trình; quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng; địa điểm xây dựng công trình.

- Đơn vị tính suất vốn đầu tư: lựa chọn trên cơ sở tính chất công trình, mục đích sử dụng suất vốn đầu tư trong lập và quản lý chi phí theo quy định hiện hành.

Tuỳ theo loại công trình, đơn vị tính suất vốn đầu tư có thể là diện tích/thể tích/chiều dài/công suất/năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế.

2.2. Thu thập số liệu, dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu để tính toán suất vốn đầu tư

a) Nội dung số liệu, dữ liệu công trình cần thu thập bao gồm:

- Thông tin chung về công trình xây dựng (tên, loại, cấp công trình, địa điểm xây dựng, quy mô công trình, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng áp dụng, thời gian xây dựng...);

- Thông tin về nguồn vốn, hình thức đầu tư, các chỉ tiêu kinh tế - tài chính, tỷ giá ngoại tệ...;

- Các khoản mục chi phí đầu tư xây dựng công trình trong tổng mức đầu tư; dự toán xây dựng công trình hoặc quyết toán của dự án/công trình (nếu có); số liệu quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình (nếu có);

- Các cơ chế chính sách, căn cứ xác định chi phí của công trình.

b) Thông tin dữ liệu được thu thập, tính toán từ thực tế các công trình xây dựng mới thuộc loại công trình cần xác định suất vốn đầu tư có mức độ trang bị kỹ thuật, áp dụng công nghệ thi công trung bình tiên tiến.

Khi xác định suất vốn đầu tư cho một nhóm, loại công trình xây dựng, thì thông tin cần thu thập tối thiểu phải từ 3 công trình xây dựng trở lên. Trường hợp không đủ số lượng công trình tối thiểu thì sử dụng tài liệu tổng kết, số liệu thống kê liên quan đến chi phí đầu tư xây dựng công trình hoặc kết hợp thông tin dữ liệu đã thu thập từ thực tế và khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có các công trình, dự án để xác định suất vốn đầu tư.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu để tính toán suất vốn đầu tư:

- Trên cơ sở đánh giá, phân tích thông tin số liệu về các công trình, dự án đã thực hiện, xác định nội dung các hạng mục xây dựng/công tác xây dựng/công việc chủ yếu; các công nghệ áp dụng; yêu cầu kỹ thuật chủ yếu cho công trình, dự án;

- Lựa chọn các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật đối với mỗi loại công trình để xác định suất vốn đầu tư:

+ Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của công trình;

+ Quy chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng dự kiến sử dụng phù hợp với yêu cầu đối với loại công trình;

+ Lựa chọn biện pháp thi công chủ đạo có tính chất phổ biến được sử dụng hiện nay;

+ Điều kiện thi công phổ biến đối với công trình;

+ Giá cả các yếu tố đầu vào;

+ Hồ sơ thiết kế được sử dụng để xác định khối lượng xây dựng chủ yếu;

+ Định mức, đơn giá và chế độ chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được áp dụng tại thời điểm cần xác định;

+ Các nội dung chi phí được xác định trong suất vốn đầu tư.

Trường hợp sử dụng số liệu, dữ liệu được khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có. Các yêu cầu thông tin dữ liệu từ công trình hiện có bao gồm:

- Các thành phần nội dung chi phí, các hạng mục chủ yếu của công trình, dự án;

- Các thông tin về giá cả đầu vào, cơ chế chính sách trong xác định suất vốn đầu tư;

- Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, đặc điểm kỹ thuật của công trình, dự án.

*Điểm c mục 2.2 Mục 2 Phần I PHỤ LỤC I được sửa đổi bởi Khoản 1 Phụ lục I ban hành kèm theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu để tính toán suất vốn đầu tư:

- Trên cơ sở đánh giá, phân tích thông tin số liệu về các công trình, dự án đã thực hiện, xác định nội dung các hạng mục xây dựng/công tác xây dựng/công việc chủ yếu; các công nghệ áp dụng; yêu cầu kỹ thuật chủ yếu cho công trình, dự án;

- Lựa chọn các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật đối với mỗi loại công trình để xác định suất vốn đầu tư:

+ Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của công trình;

+ Quy chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng dự kiến sử dụng phù hợp với yêu cầu đối với loại công trình;

+ Lựa chọn biện pháp thi công chủ đạo có tính chất phổ biến được sử dụng hiện nay;

+ Điều kiện thi công phổ biến đối với công trình;

+ Giá cả các yếu tố đầu vào;

+ Hồ sơ thiết kế được sử dụng để xác định khối lượng xây dựng chủ yếu;

+ Định mức, đơn giá và chế độ chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được áp dụng tại thời điểm cần xác định;

+ Các nội dung chi phí được xác định trong suất vốn đầu tư.

c1) Trường hợp sử dụng số liệu, dữ liệu được khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có. Các yêu cầu thông tin dữ liệu từ công trình hiện có bao gồm:

- Các thành phần nội dung chi phí, các hạng mục chủ yếu của công trình, dự án;

- Các thông tin về giá cả đầu vào, cơ chế chính sách trong xác định suất vốn đầu tư;

- Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, đặc điểm kỹ thuật của công trình, dự án.

c2) Trường hợp xây dựng dữ liệu trên cơ sở yêu cầu cơ bản của thiết kế và dữ liệu chi phí của công trình, dự án (mô hình chi phí), trình tự, nội dung thực hiện như sau:

- Xây dựng danh mục các hạng mục/công trình cần thiết đối với loại hình dự án: căn cứ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc từ khảo sát thực tế các dự án cùng loại hình đã thực hiện.

- Xác định các yêu cầu cơ bản của thiết kế xây dựng đối với từng hạng mục/công trình của dự án: về sử dụng vật liệu, đáp ứng yêu cầu về công năng, công nghệ áp dụng, giải pháp kết cấu,....

- Xác định chi tiết yêu cầu về công năng sử dụng đối với các hạng mục/công trình chính của dự án: căn cứ theo yêu cầu từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật hoặc tham khảo từ số liệu các dự án đã thực hiện.

- Xác định quy mô của các công trình/hạng mục công trình chính của dự án (tính theo đơn vị diện tích xây dựng đối với các hạng mục/công trình dạng nhà hoặc theo đơn vị chiều dài đối với các hạng mục/công trình dạng tuyến (đường giao thông, tuyến cống thoát nước,...)).*

2.3. Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư:

- Rà soát các nội dung chi phí, cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ các nội dung chi phí cho phù hợp với quy định hiện hành, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình, dự án. Trường hợp còn thiếu các hạng mục thì bổ sung các hạng mục cần thiết theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình. Loại bỏ các yếu tố, khoản mục chi phí có tính chất riêng biệt trong thông tin, số liệu thu thập của công trình quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (trong trường hợp xác định suất vốn đầu tư để công bố).

- Cập nhật giá cả đầu vào cho phù hợp mặt bằng giá tại thời điểm xác định suất vốn đầu tư. Trường hợp không thể chi tiết được chi phí của một số hạng mục, công trình thuộc dự án thì sử dụng chỉ số giá xây dựng, hệ số điều chỉnh vùng (nếu cần thiết) để điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm tính toán, địa điểm tính toán.

- Tổng hợp các chi phí và xác định suất vốn đầu tư theo công thức:

(Xem chi tiết công thức tại văn bản)

Trong đó:

S: Suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình;

V: Tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình đã xử lý, bổ sung, hiệu chỉnh.

N: Quy mô theo diện tích/thể tích/chiều dài/công suất/năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế tương ứng với đơn vị tính suất vốn đầu tư được lựa chọn.

- Suất vốn đầu tư cho loại công trình được tính bình quân từ suất đầu tư của các công trình đã tính toán.

*Mục 2.3 Mục 2 Phần I PHỤ LỤC I được sửa đổi bởi Khoản 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

2.3. Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư:

- Rà soát các nội dung chi phí, cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ các nội dung chi phí cho phù hợp với quy định hiện hành, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình, dự án. Trường hợp còn thiếu các hạng mục thì bổ sung các hạng mục cần thiết theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình. Loại bỏ các yếu tố, khoản mục chi phí có tính chất riêng biệt trong thông tin, số liệu thu thập của công trình quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (trong trường hợp xác định suất vốn đầu tư để công bố).

- Khi sử dụng các dữ liệu chi phí của công trình tương tự thì sử dụng chỉ số giá xây dựng, hệ số điều chỉnh vùng (nếu cần thiết) để điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm tính toán, địa điểm tính toán.

- Chi phí xây dựng các hạng mục phụ trợ trong dự án có thể tham khảo từ các dự án có tính chất tương tự hoặc tính theo tỷ lệ % từ công trình chính.

- Cập nhật giá cả đầu vào cho phù hợp mặt bằng giá tại thời điểm xác định suất vốn đầu tư.

Chi phí xây dựng công trình có thể xác định căn cứ theo quy mô của công trình hoặc khối lượng chủ yếu của các công tác, bộ phận kết cấu công trình với suất chi phí xây dựng, đơn giá xây dựng tổng hợp tương ứng. Trường hợp chưa có suất chi phí xây dựng, đơn giá xây dựng tổng hợp được công bố có thể tính toán từ số liệu tham khảo của các công trình tương tự đã có.

Trong thành phần chi phí xây dựng có thể chưa bao gồm chi phí cho biện pháp thi công. Khi sử dụng suất vốn đầu tư để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư sẽ bổ sung chi phí này theo từng trường hợp cụ thể.

- Tổng hợp các chi phí và xác định suất vốn đầu tư theo công thức:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

S: suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình;

V: tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình đã xử lý, bổ sung, hiệu chỉnh.

N: quy mô theo diện tích/thể tích/chiều dài/công suất/năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế tương ứng với đơn vị tính suất vốn đầu tư được lựa chọn.*

2.4. Tổng hợp kết quả tính toán, biên soạn suất vốn đầu tư bao gồm các nội dung:

- Thuyết minh và hướng dẫn sử dụng;

- Trị số suất vốn đầu tư theo nhóm/loại công trình;

- Các thông tin liên quan khác (nếu có).

II. XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRÊN CƠ SỞ HỆ THỐNG SUẤT VỐN ĐẦU TƯ HIỆN HÀNH

Suất vốn đầu tư xây dựng xác định trên cơ sở hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành theo các bước như sau:

1. Thu thập các thông tin, dữ liệu có liên quan đến việc áp dụng hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành.

2. Căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý chi phí, hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, các yếu tố chi phí khác,... để đánh giá, hoàn thiện và cập nhật các nội dung suất vốn đầu tư, bao gồm:

a) Danh mục suất vốn đầu tư;

b) Thuyết minh và hướng dẫn sử dụng suất vốn đầu tư;

c) Trị số suất vốn đầu tư:

- Trường hợp có đầy đủ cơ sở dữ liệu về suất vốn đầu tư quy định tại điểm c khoản 2.2 Mục I Phụ lục này. Suất vốn đầu tư được cập nhật giá cả đầu vào và chế độ chính sách tại thời điểm tính toán;

- Trường hợp cập nhật giá trị suất vốn đầu tư từ hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành được thực hiện theo công thức sau:

(Xem chi tiết công thức tại văn bản)

Trong đó:

S: Suất vốn đầu tư sau điều chỉnh;

S0t: Suất vốn đầu tư tại năm t đã được công bố;

Ktg: Hệ số điều chỉnh suất vốn đầu tư ở năm t về thời điểm cần xác định suất vốn đầu tư. Hệ số Ktg được xác định dựa trên chỉ số giá xây dựng;

Kkv: Hệ số điều chỉnh khu vực/vùng của suất vốn đầu tư trong trường hợp suất vốn đầu tư cần xác định có sự khác biệt về vùng/khu vực với suất vốn đầu tư đã được công bố. Hệ số này xác định bằng phương pháp chuyên gia hoặc trên cơ sở so sánh mặt bằng giá các khu vực;

n: Số lượng các khoản mục chi phí bổ sung hoặc giảm trừ;

i: Thứ tự các khoản mục chi phí bổ sung, giảm trừ;

STi: Các chi phí bổ sung được phân bổ đối với các khoản mục chi phí cần thiết theo quy định nhưng chưa được tính đến trong suất vốn đầu tư hiện hành hoặc các chi phí giảm trừ được phân bổ đối với các khoản mục chi phí theo quy định không còn phù hợp trong suất vốn đầu tư hiện hành;

*Điểm c Mục 2 Phần II PHỤ LỤC I được sửa đổi bởi Khoản 3 Phụ lục I ban hành kèm theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

c) Trị số suất vốn đầu tư:

- Trường hợp có đầy đủ cơ sở dữ liệu về suất vốn đầu tư quy định tại điểm c khoản 2.2 Mục I Phụ lục này. Suất vốn đầu tư được cập nhật giá cả đầu vào và chế độ chính sách tại thời điểm tính toán;

- Trường hợp cập nhật giá trị suất vốn đầu tư từ hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành được thực hiện theo công thức sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)*

d) Các ghi chú (nếu có);

đ) Tổng hợp kết quả rà soát, cập nhật và biên soạn suất vốn đầu tư.

Xem nội dung VB
Điều 6. Xác định tổng mức đầu tư xây dựng

1. Tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo các phương pháp sau:
...
b) Phương pháp xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng;
Nội dung hướng dẫn Điểm này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình, Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
...
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình

1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục I “Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC I “PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH

1. Sửa đổi, bổ sung điểm c mục 2.2 Mục 2 Phần I như sau:

“c) Xây dựng cơ sở dữ liệu để tính toán suất vốn đầu tư:

- Trên cơ sở đánh giá, phân tích thông tin số liệu về các công trình, dự án đã thực hiện, xác định nội dung các hạng mục xây dựng/công tác xây dựng/công việc chủ yếu; các công nghệ áp dụng; yêu cầu kỹ thuật chủ yếu cho công trình, dự án;

- Lựa chọn các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật đối với mỗi loại công trình để xác định suất vốn đầu tư:

+ Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của công trình;

+ Quy chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng dự kiến sử dụng phù hợp với yêu cầu đối với loại công trình;

+ Lựa chọn biện pháp thi công chủ đạo có tính chất phổ biến được sử dụng hiện nay;

+ Điều kiện thi công phổ biến đối với công trình;

+ Giá cả các yếu tố đầu vào;

+ Hồ sơ thiết kế được sử dụng để xác định khối lượng xây dựng chủ yếu;

+ Định mức, đơn giá và chế độ chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được áp dụng tại thời điểm cần xác định;

+ Các nội dung chi phí được xác định trong suất vốn đầu tư.

c1) Trường hợp sử dụng số liệu, dữ liệu được khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có. Các yêu cầu thông tin dữ liệu từ công trình hiện có bao gồm:

- Các thành phần nội dung chi phí, các hạng mục chủ yếu của công trình, dự án;

- Các thông tin về giá cả đầu vào, cơ chế chính sách trong xác định suất vốn đầu tư;

- Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, đặc điểm kỹ thuật của công trình, dự án.

c2) Trường hợp xây dựng dữ liệu trên cơ sở yêu cầu cơ bản của thiết kế và dữ liệu chi phí của công trình, dự án (mô hình chi phí), trình tự, nội dung thực hiện như sau:

- Xây dựng danh mục các hạng mục/công trình cần thiết đối với loại hình dự án: căn cứ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc từ khảo sát thực tế các dự án cùng loại hình đã thực hiện.

- Xác định các yêu cầu cơ bản của thiết kế xây dựng đối với từng hạng mục/công trình của dự án: về sử dụng vật liệu, đáp ứng yêu cầu về công năng, công nghệ áp dụng, giải pháp kết cấu,....

- Xác định chi tiết yêu cầu về công năng sử dụng đối với các hạng mục/công trình chính của dự án: căn cứ theo yêu cầu từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật hoặc tham khảo từ số liệu các dự án đã thực hiện.

- Xác định quy mô của các công trình/hạng mục công trình chính của dự án (tính theo đơn vị diện tích xây dựng đối với các hạng mục/công trình dạng nhà hoặc theo đơn vị chiều dài đối với các hạng mục/công trình dạng tuyến (đường giao thông, tuyến cống thoát nước,...)).”.

2. Sửa đổi, bổ sung mục 2.3 Mục 2 Phần I như sau:

“2.3. Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư:

- Rà soát các nội dung chi phí, cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ các nội dung chi phí cho phù hợp với quy định hiện hành, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình, dự án. Trường hợp còn thiếu các hạng mục thì bổ sung các hạng mục cần thiết theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình. Loại bỏ các yếu tố, khoản mục chi phí có tính chất riêng biệt trong thông tin, số liệu thu thập của công trình quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (trong trường hợp xác định suất vốn đầu tư để công bố).

- Khi sử dụng các dữ liệu chi phí của công trình tương tự thì sử dụng chỉ số giá xây dựng, hệ số điều chỉnh vùng (nếu cần thiết) để điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm tính toán, địa điểm tính toán.

- Chi phí xây dựng các hạng mục phụ trợ trong dự án có thể tham khảo từ các dự án có tính chất tương tự hoặc tính theo tỷ lệ % từ công trình chính.

- Cập nhật giá cả đầu vào cho phù hợp mặt bằng giá tại thời điểm xác định suất vốn đầu tư.

Chi phí xây dựng công trình có thể xác định căn cứ theo quy mô của công trình hoặc khối lượng chủ yếu của các công tác, bộ phận kết cấu công trình với suất chi phí xây dựng, đơn giá xây dựng tổng hợp tương ứng. Trường hợp chưa có suất chi phí xây dựng, đơn giá xây dựng tổng hợp được công bố có thể tính toán từ số liệu tham khảo của các công trình tương tự đã có.

Trong thành phần chi phí xây dựng có thể chưa bao gồm chi phí cho biện pháp thi công. Khi sử dụng suất vốn đầu tư để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư sẽ bổ sung chi phí này theo từng trường hợp cụ thể.

- Tổng hợp các chi phí và xác định suất vốn đầu tư theo công thức:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

S: suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình;

V: tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình đã xử lý, bổ sung, hiệu chỉnh.

N: quy mô theo diện tích/thể tích/chiều dài/công suất/năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế tương ứng với đơn vị tính suất vốn đầu tư được lựa chọn.”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm c Mục 2 Phần II như sau:

“c) Trị số suất vốn đầu tư:

- Trường hợp có đầy đủ cơ sở dữ liệu về suất vốn đầu tư quy định tại điểm c khoản 2.2 Mục I Phụ lục này. Suất vốn đầu tư được cập nhật giá cả đầu vào và chế độ chính sách tại thời điểm tính toán;

- Trường hợp cập nhật giá trị suất vốn đầu tư từ hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành được thực hiện theo công thức sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

S: suất vốn đầu tư sau điều chỉnh;

S0t: suất vốn đầu tư tại thời điểm t đã được công bố;

Ktg: hệ số điều chỉnh suất vốn đầu tư ở năm t về thời điểm cần xác định suất vốn đầu tư. Hệ số Ktg được xác định như sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Itt: chỉ số giá xây dựng tại thời điểm cần điều chỉnh suất vốn đầu tư;

Iot: chỉ số giá xây dựng tại thời điểm tính toán suất vốn đầu tư đã công bố.

Kkv: hệ số điều chỉnh khu vực/vùng của suất vốn đầu tư trong trường hợp suất vốn đầu tư cần xác định có sự khác biệt về vùng/khu vực với suất vốn đầu tư đã được công bố. Hệ số này xác định bằng phương pháp chuyên gia hoặc trên cơ sở so sánh mặt bằng giá các khu vực;

n: số lượng các khoản mục chi phí bổ sung hoặc giảm trừ;

i: thứ tự các khoản mục chi phí bổ sung hoặc giảm trừ;

STi: các chi phí bổ sung được phân bổ đối với các khoản mục chi phí cần thiết theo quy định nhưng chưa được tính đến trong suất vốn đầu tư hiện hành hoặc các chi phí giảm trừ được phân bổ đối với các khoản mục chi phí theo quy định không còn phù hợp trong suất vốn đầu tư hiện hành; STi được tính trên 1 đơn vị diện tích hoặc công suất năng lực phục vụ phù hợp với đơn vị tính của suất vốn đầu tư S0t; Chi phí này được xác định trên cơ sở dữ liệu của công trình cụ thể hoặc tham khảo chi phí của các công trình tương tự đã thực hiện.”.

Xem nội dung VB
Điều 6. Xác định tổng mức đầu tư xây dựng

1. Tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo các phương pháp sau:
...
b) Phương pháp xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng;
Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Nội dung hướng dẫn Điểm này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình sau:

1. Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng tại Phụ lục I;

*Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục I “Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2021/TT-BXD.*
...
PHỤ LỤC I PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

(Kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

I. XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

1. Trình tự xác định suất vốn đầu tư

Suất vốn đầu tư xây dựng được xác định theo các bước như sau:

Bước 1: Lập danh mục loại công trình xây dựng, xác định đơn vị tính suất vốn đầu tư;

Bước 2: Thu thập số liệu, dữ liệu có liên quan;

Bước 3: Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư;

Bước 4: Tổng hợp kết quả tính toán, biên soạn suất vốn đầu tư.

2. Nội dung các bước công việc

2.1. Lập danh mục loại công trình xây dựng, xác định đơn vị tính

- Lập danh mục loại công trình xây dựng để xác định suất vốn đầu tư dựa trên cơ sở: danh mục loại công trình cần xác định suất vốn đầu tư; phân loại, phân cấp công trình; tính năng sử dụng, quy mô, hình thức đầu tư; đặc điểm kết cấu, công nghệ và yêu cầu kỹ thuật của công trình; quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng; địa điểm xây dựng công trình.

- Đơn vị tính suất vốn đầu tư: lựa chọn trên cơ sở tính chất công trình, mục đích sử dụng suất vốn đầu tư trong lập và quản lý chi phí theo quy định hiện hành.

Tuỳ theo loại công trình, đơn vị tính suất vốn đầu tư có thể là diện tích/thể tích/chiều dài/công suất/năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế.

2.2. Thu thập số liệu, dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu để tính toán suất vốn đầu tư

a) Nội dung số liệu, dữ liệu công trình cần thu thập bao gồm:

- Thông tin chung về công trình xây dựng (tên, loại, cấp công trình, địa điểm xây dựng, quy mô công trình, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng áp dụng, thời gian xây dựng...);

- Thông tin về nguồn vốn, hình thức đầu tư, các chỉ tiêu kinh tế - tài chính, tỷ giá ngoại tệ...;

- Các khoản mục chi phí đầu tư xây dựng công trình trong tổng mức đầu tư; dự toán xây dựng công trình hoặc quyết toán của dự án/công trình (nếu có); số liệu quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình (nếu có);

- Các cơ chế chính sách, căn cứ xác định chi phí của công trình.

b) Thông tin dữ liệu được thu thập, tính toán từ thực tế các công trình xây dựng mới thuộc loại công trình cần xác định suất vốn đầu tư có mức độ trang bị kỹ thuật, áp dụng công nghệ thi công trung bình tiên tiến.

Khi xác định suất vốn đầu tư cho một nhóm, loại công trình xây dựng, thì thông tin cần thu thập tối thiểu phải từ 3 công trình xây dựng trở lên. Trường hợp không đủ số lượng công trình tối thiểu thì sử dụng tài liệu tổng kết, số liệu thống kê liên quan đến chi phí đầu tư xây dựng công trình hoặc kết hợp thông tin dữ liệu đã thu thập từ thực tế và khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có các công trình, dự án để xác định suất vốn đầu tư.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu để tính toán suất vốn đầu tư:

- Trên cơ sở đánh giá, phân tích thông tin số liệu về các công trình, dự án đã thực hiện, xác định nội dung các hạng mục xây dựng/công tác xây dựng/công việc chủ yếu; các công nghệ áp dụng; yêu cầu kỹ thuật chủ yếu cho công trình, dự án;

- Lựa chọn các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật đối với mỗi loại công trình để xác định suất vốn đầu tư:

+ Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của công trình;

+ Quy chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng dự kiến sử dụng phù hợp với yêu cầu đối với loại công trình;

+ Lựa chọn biện pháp thi công chủ đạo có tính chất phổ biến được sử dụng hiện nay;

+ Điều kiện thi công phổ biến đối với công trình;

+ Giá cả các yếu tố đầu vào;

+ Hồ sơ thiết kế được sử dụng để xác định khối lượng xây dựng chủ yếu;

+ Định mức, đơn giá và chế độ chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được áp dụng tại thời điểm cần xác định;

+ Các nội dung chi phí được xác định trong suất vốn đầu tư.

Trường hợp sử dụng số liệu, dữ liệu được khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có. Các yêu cầu thông tin dữ liệu từ công trình hiện có bao gồm:

- Các thành phần nội dung chi phí, các hạng mục chủ yếu của công trình, dự án;

- Các thông tin về giá cả đầu vào, cơ chế chính sách trong xác định suất vốn đầu tư;

- Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, đặc điểm kỹ thuật của công trình, dự án.

*Điểm c mục 2.2 Mục 2 Phần I PHỤ LỤC I được sửa đổi bởi Khoản 1 Phụ lục I ban hành kèm theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu để tính toán suất vốn đầu tư:

- Trên cơ sở đánh giá, phân tích thông tin số liệu về các công trình, dự án đã thực hiện, xác định nội dung các hạng mục xây dựng/công tác xây dựng/công việc chủ yếu; các công nghệ áp dụng; yêu cầu kỹ thuật chủ yếu cho công trình, dự án;

- Lựa chọn các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật đối với mỗi loại công trình để xác định suất vốn đầu tư:

+ Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của công trình;

+ Quy chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng dự kiến sử dụng phù hợp với yêu cầu đối với loại công trình;

+ Lựa chọn biện pháp thi công chủ đạo có tính chất phổ biến được sử dụng hiện nay;

+ Điều kiện thi công phổ biến đối với công trình;

+ Giá cả các yếu tố đầu vào;

+ Hồ sơ thiết kế được sử dụng để xác định khối lượng xây dựng chủ yếu;

+ Định mức, đơn giá và chế độ chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được áp dụng tại thời điểm cần xác định;

+ Các nội dung chi phí được xác định trong suất vốn đầu tư.

c1) Trường hợp sử dụng số liệu, dữ liệu được khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có. Các yêu cầu thông tin dữ liệu từ công trình hiện có bao gồm:

- Các thành phần nội dung chi phí, các hạng mục chủ yếu của công trình, dự án;

- Các thông tin về giá cả đầu vào, cơ chế chính sách trong xác định suất vốn đầu tư;

- Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, đặc điểm kỹ thuật của công trình, dự án.

c2) Trường hợp xây dựng dữ liệu trên cơ sở yêu cầu cơ bản của thiết kế và dữ liệu chi phí của công trình, dự án (mô hình chi phí), trình tự, nội dung thực hiện như sau:

- Xây dựng danh mục các hạng mục/công trình cần thiết đối với loại hình dự án: căn cứ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc từ khảo sát thực tế các dự án cùng loại hình đã thực hiện.

- Xác định các yêu cầu cơ bản của thiết kế xây dựng đối với từng hạng mục/công trình của dự án: về sử dụng vật liệu, đáp ứng yêu cầu về công năng, công nghệ áp dụng, giải pháp kết cấu,....

- Xác định chi tiết yêu cầu về công năng sử dụng đối với các hạng mục/công trình chính của dự án: căn cứ theo yêu cầu từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật hoặc tham khảo từ số liệu các dự án đã thực hiện.

- Xác định quy mô của các công trình/hạng mục công trình chính của dự án (tính theo đơn vị diện tích xây dựng đối với các hạng mục/công trình dạng nhà hoặc theo đơn vị chiều dài đối với các hạng mục/công trình dạng tuyến (đường giao thông, tuyến cống thoát nước,...)).*

2.3. Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư:

- Rà soát các nội dung chi phí, cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ các nội dung chi phí cho phù hợp với quy định hiện hành, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình, dự án. Trường hợp còn thiếu các hạng mục thì bổ sung các hạng mục cần thiết theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình. Loại bỏ các yếu tố, khoản mục chi phí có tính chất riêng biệt trong thông tin, số liệu thu thập của công trình quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (trong trường hợp xác định suất vốn đầu tư để công bố).

- Cập nhật giá cả đầu vào cho phù hợp mặt bằng giá tại thời điểm xác định suất vốn đầu tư. Trường hợp không thể chi tiết được chi phí của một số hạng mục, công trình thuộc dự án thì sử dụng chỉ số giá xây dựng, hệ số điều chỉnh vùng (nếu cần thiết) để điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm tính toán, địa điểm tính toán.

- Tổng hợp các chi phí và xác định suất vốn đầu tư theo công thức:

(Xem chi tiết công thức tại văn bản)

Trong đó:

S: Suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình;

V: Tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình đã xử lý, bổ sung, hiệu chỉnh.

N: Quy mô theo diện tích/thể tích/chiều dài/công suất/năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế tương ứng với đơn vị tính suất vốn đầu tư được lựa chọn.

- Suất vốn đầu tư cho loại công trình được tính bình quân từ suất đầu tư của các công trình đã tính toán.

*Mục 2.3 Mục 2 Phần I PHỤ LỤC I được sửa đổi bởi Khoản 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

2.3. Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư:

- Rà soát các nội dung chi phí, cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ các nội dung chi phí cho phù hợp với quy định hiện hành, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình, dự án. Trường hợp còn thiếu các hạng mục thì bổ sung các hạng mục cần thiết theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình. Loại bỏ các yếu tố, khoản mục chi phí có tính chất riêng biệt trong thông tin, số liệu thu thập của công trình quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (trong trường hợp xác định suất vốn đầu tư để công bố).

- Khi sử dụng các dữ liệu chi phí của công trình tương tự thì sử dụng chỉ số giá xây dựng, hệ số điều chỉnh vùng (nếu cần thiết) để điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm tính toán, địa điểm tính toán.

- Chi phí xây dựng các hạng mục phụ trợ trong dự án có thể tham khảo từ các dự án có tính chất tương tự hoặc tính theo tỷ lệ % từ công trình chính.

- Cập nhật giá cả đầu vào cho phù hợp mặt bằng giá tại thời điểm xác định suất vốn đầu tư.

Chi phí xây dựng công trình có thể xác định căn cứ theo quy mô của công trình hoặc khối lượng chủ yếu của các công tác, bộ phận kết cấu công trình với suất chi phí xây dựng, đơn giá xây dựng tổng hợp tương ứng. Trường hợp chưa có suất chi phí xây dựng, đơn giá xây dựng tổng hợp được công bố có thể tính toán từ số liệu tham khảo của các công trình tương tự đã có.

Trong thành phần chi phí xây dựng có thể chưa bao gồm chi phí cho biện pháp thi công. Khi sử dụng suất vốn đầu tư để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư sẽ bổ sung chi phí này theo từng trường hợp cụ thể.

- Tổng hợp các chi phí và xác định suất vốn đầu tư theo công thức:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

S: suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình;

V: tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình đã xử lý, bổ sung, hiệu chỉnh.

N: quy mô theo diện tích/thể tích/chiều dài/công suất/năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế tương ứng với đơn vị tính suất vốn đầu tư được lựa chọn.*

2.4. Tổng hợp kết quả tính toán, biên soạn suất vốn đầu tư bao gồm các nội dung:

- Thuyết minh và hướng dẫn sử dụng;

- Trị số suất vốn đầu tư theo nhóm/loại công trình;

- Các thông tin liên quan khác (nếu có).

II. XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRÊN CƠ SỞ HỆ THỐNG SUẤT VỐN ĐẦU TƯ HIỆN HÀNH

Suất vốn đầu tư xây dựng xác định trên cơ sở hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành theo các bước như sau:

1. Thu thập các thông tin, dữ liệu có liên quan đến việc áp dụng hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành.

2. Căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý chi phí, hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, các yếu tố chi phí khác,... để đánh giá, hoàn thiện và cập nhật các nội dung suất vốn đầu tư, bao gồm:

a) Danh mục suất vốn đầu tư;

b) Thuyết minh và hướng dẫn sử dụng suất vốn đầu tư;

c) Trị số suất vốn đầu tư:

- Trường hợp có đầy đủ cơ sở dữ liệu về suất vốn đầu tư quy định tại điểm c khoản 2.2 Mục I Phụ lục này. Suất vốn đầu tư được cập nhật giá cả đầu vào và chế độ chính sách tại thời điểm tính toán;

- Trường hợp cập nhật giá trị suất vốn đầu tư từ hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành được thực hiện theo công thức sau:

(Xem chi tiết công thức tại văn bản)

Trong đó:

S: Suất vốn đầu tư sau điều chỉnh;

S0t: Suất vốn đầu tư tại năm t đã được công bố;

Ktg: Hệ số điều chỉnh suất vốn đầu tư ở năm t về thời điểm cần xác định suất vốn đầu tư. Hệ số Ktg được xác định dựa trên chỉ số giá xây dựng;

Kkv: Hệ số điều chỉnh khu vực/vùng của suất vốn đầu tư trong trường hợp suất vốn đầu tư cần xác định có sự khác biệt về vùng/khu vực với suất vốn đầu tư đã được công bố. Hệ số này xác định bằng phương pháp chuyên gia hoặc trên cơ sở so sánh mặt bằng giá các khu vực;

n: Số lượng các khoản mục chi phí bổ sung hoặc giảm trừ;

i: Thứ tự các khoản mục chi phí bổ sung, giảm trừ;

STi: Các chi phí bổ sung được phân bổ đối với các khoản mục chi phí cần thiết theo quy định nhưng chưa được tính đến trong suất vốn đầu tư hiện hành hoặc các chi phí giảm trừ được phân bổ đối với các khoản mục chi phí theo quy định không còn phù hợp trong suất vốn đầu tư hiện hành;

*Điểm c Mục 2 Phần II PHỤ LỤC I được sửa đổi bởi Khoản 3 Phụ lục I ban hành kèm theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

c) Trị số suất vốn đầu tư:

- Trường hợp có đầy đủ cơ sở dữ liệu về suất vốn đầu tư quy định tại điểm c khoản 2.2 Mục I Phụ lục này. Suất vốn đầu tư được cập nhật giá cả đầu vào và chế độ chính sách tại thời điểm tính toán;

- Trường hợp cập nhật giá trị suất vốn đầu tư từ hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành được thực hiện theo công thức sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)*

d) Các ghi chú (nếu có);

đ) Tổng hợp kết quả rà soát, cập nhật và biên soạn suất vốn đầu tư.

Xem nội dung VB
Điều 26. Quản lý giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng

1. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng và công bố giá xây dựng tổng hợp, suất vốn đầu tư xây dựng theo định kỳ.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình, Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
...
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình

1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục I “Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC I “PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH

1. Sửa đổi, bổ sung điểm c mục 2.2 Mục 2 Phần I như sau:

“c) Xây dựng cơ sở dữ liệu để tính toán suất vốn đầu tư:

- Trên cơ sở đánh giá, phân tích thông tin số liệu về các công trình, dự án đã thực hiện, xác định nội dung các hạng mục xây dựng/công tác xây dựng/công việc chủ yếu; các công nghệ áp dụng; yêu cầu kỹ thuật chủ yếu cho công trình, dự án;

- Lựa chọn các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật đối với mỗi loại công trình để xác định suất vốn đầu tư:

+ Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của công trình;

+ Quy chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng dự kiến sử dụng phù hợp với yêu cầu đối với loại công trình;

+ Lựa chọn biện pháp thi công chủ đạo có tính chất phổ biến được sử dụng hiện nay;

+ Điều kiện thi công phổ biến đối với công trình;

+ Giá cả các yếu tố đầu vào;

+ Hồ sơ thiết kế được sử dụng để xác định khối lượng xây dựng chủ yếu;

+ Định mức, đơn giá và chế độ chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được áp dụng tại thời điểm cần xác định;

+ Các nội dung chi phí được xác định trong suất vốn đầu tư.

c1) Trường hợp sử dụng số liệu, dữ liệu được khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có. Các yêu cầu thông tin dữ liệu từ công trình hiện có bao gồm:

- Các thành phần nội dung chi phí, các hạng mục chủ yếu của công trình, dự án;

- Các thông tin về giá cả đầu vào, cơ chế chính sách trong xác định suất vốn đầu tư;

- Quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, đặc điểm kỹ thuật của công trình, dự án.

c2) Trường hợp xây dựng dữ liệu trên cơ sở yêu cầu cơ bản của thiết kế và dữ liệu chi phí của công trình, dự án (mô hình chi phí), trình tự, nội dung thực hiện như sau:

- Xây dựng danh mục các hạng mục/công trình cần thiết đối với loại hình dự án: căn cứ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc từ khảo sát thực tế các dự án cùng loại hình đã thực hiện.

- Xác định các yêu cầu cơ bản của thiết kế xây dựng đối với từng hạng mục/công trình của dự án: về sử dụng vật liệu, đáp ứng yêu cầu về công năng, công nghệ áp dụng, giải pháp kết cấu,....

- Xác định chi tiết yêu cầu về công năng sử dụng đối với các hạng mục/công trình chính của dự án: căn cứ theo yêu cầu từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật hoặc tham khảo từ số liệu các dự án đã thực hiện.

- Xác định quy mô của các công trình/hạng mục công trình chính của dự án (tính theo đơn vị diện tích xây dựng đối với các hạng mục/công trình dạng nhà hoặc theo đơn vị chiều dài đối với các hạng mục/công trình dạng tuyến (đường giao thông, tuyến cống thoát nước,...)).”.

2. Sửa đổi, bổ sung mục 2.3 Mục 2 Phần I như sau:

“2.3. Xử lý số liệu, dữ liệu và xác định suất vốn đầu tư:

- Rà soát các nội dung chi phí, cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ các nội dung chi phí cho phù hợp với quy định hiện hành, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình, dự án. Trường hợp còn thiếu các hạng mục thì bổ sung các hạng mục cần thiết theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình. Loại bỏ các yếu tố, khoản mục chi phí có tính chất riêng biệt trong thông tin, số liệu thu thập của công trình quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (trong trường hợp xác định suất vốn đầu tư để công bố).

- Khi sử dụng các dữ liệu chi phí của công trình tương tự thì sử dụng chỉ số giá xây dựng, hệ số điều chỉnh vùng (nếu cần thiết) để điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm tính toán, địa điểm tính toán.

- Chi phí xây dựng các hạng mục phụ trợ trong dự án có thể tham khảo từ các dự án có tính chất tương tự hoặc tính theo tỷ lệ % từ công trình chính.

- Cập nhật giá cả đầu vào cho phù hợp mặt bằng giá tại thời điểm xác định suất vốn đầu tư.

Chi phí xây dựng công trình có thể xác định căn cứ theo quy mô của công trình hoặc khối lượng chủ yếu của các công tác, bộ phận kết cấu công trình với suất chi phí xây dựng, đơn giá xây dựng tổng hợp tương ứng. Trường hợp chưa có suất chi phí xây dựng, đơn giá xây dựng tổng hợp được công bố có thể tính toán từ số liệu tham khảo của các công trình tương tự đã có.

Trong thành phần chi phí xây dựng có thể chưa bao gồm chi phí cho biện pháp thi công. Khi sử dụng suất vốn đầu tư để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư sẽ bổ sung chi phí này theo từng trường hợp cụ thể.

- Tổng hợp các chi phí và xác định suất vốn đầu tư theo công thức:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

S: suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình;

V: tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình đã xử lý, bổ sung, hiệu chỉnh.

N: quy mô theo diện tích/thể tích/chiều dài/công suất/năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế tương ứng với đơn vị tính suất vốn đầu tư được lựa chọn.”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm c Mục 2 Phần II như sau:

“c) Trị số suất vốn đầu tư:

- Trường hợp có đầy đủ cơ sở dữ liệu về suất vốn đầu tư quy định tại điểm c khoản 2.2 Mục I Phụ lục này. Suất vốn đầu tư được cập nhật giá cả đầu vào và chế độ chính sách tại thời điểm tính toán;

- Trường hợp cập nhật giá trị suất vốn đầu tư từ hệ thống suất vốn đầu tư hiện hành được thực hiện theo công thức sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

S: suất vốn đầu tư sau điều chỉnh;

S0t: suất vốn đầu tư tại thời điểm t đã được công bố;

Ktg: hệ số điều chỉnh suất vốn đầu tư ở năm t về thời điểm cần xác định suất vốn đầu tư. Hệ số Ktg được xác định như sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Itt: chỉ số giá xây dựng tại thời điểm cần điều chỉnh suất vốn đầu tư;

Iot: chỉ số giá xây dựng tại thời điểm tính toán suất vốn đầu tư đã công bố.

Kkv: hệ số điều chỉnh khu vực/vùng của suất vốn đầu tư trong trường hợp suất vốn đầu tư cần xác định có sự khác biệt về vùng/khu vực với suất vốn đầu tư đã được công bố. Hệ số này xác định bằng phương pháp chuyên gia hoặc trên cơ sở so sánh mặt bằng giá các khu vực;

n: số lượng các khoản mục chi phí bổ sung hoặc giảm trừ;

i: thứ tự các khoản mục chi phí bổ sung hoặc giảm trừ;

STi: các chi phí bổ sung được phân bổ đối với các khoản mục chi phí cần thiết theo quy định nhưng chưa được tính đến trong suất vốn đầu tư hiện hành hoặc các chi phí giảm trừ được phân bổ đối với các khoản mục chi phí theo quy định không còn phù hợp trong suất vốn đầu tư hiện hành; STi được tính trên 1 đơn vị diện tích hoặc công suất năng lực phục vụ phù hợp với đơn vị tính của suất vốn đầu tư S0t; Chi phí này được xác định trên cơ sở dữ liệu của công trình cụ thể hoặc tham khảo chi phí của các công trình tương tự đã thực hiện.”.

Xem nội dung VB
Điều 26. Quản lý giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng

1. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng và công bố giá xây dựng tổng hợp, suất vốn đầu tư xây dựng theo định kỳ.
Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình sau:
...
2. Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng tại Phụ lục II;

*Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 13/2021/TT-BXD được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục II “Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.*
...
PHỤ LỤC II PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

I. HƯỚNG DẪN CHUNG XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

1. Trình tự xác định chỉ số giá xây dựng

- Xác định thời điểm tính toán gồm thời điểm gốc và thời điểm so sánh;

- Lựa chọn các yếu tố đầu vào;

- Thu thập, xử lý số liệu, dữ liệu;

- Xác định chỉ số giá xây dựng.

2. Thời điểm xác định chỉ số giá xây dựng

2.1. Thời điểm xác định chỉ số giá xây dựng để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố gồm:

a) Thời điểm gốc được quy định tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

b) Thời điểm so sánh là các tháng, quý và năm công bố chỉ số giá xây dựng so với thời điểm gốc.

2.2. Trường hợp xác định chỉ số giá xây dựng cho công trình cụ thể thì chủ đầu tư phải căn cứ vào tiến độ và các điều kiện thực hiện công việc để lựa chọn thời điểm gốc, thời điểm so sánh cho phù hợp.

3. Lựa chọn các yếu tố chi phí đầu vào

Các yếu tố chi phí đầu vào đại diện là các chi phí về loại vật liệu, nhân công, máy thi công xây dựng chủ yếu cho công trình hoặc loại công trình. Việc lựa chọn loại vật liệu, nhân công, máy thi công xây dựng chủ yếu để xác định chỉ số giá xây dựng được quy định tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

4. Thu thập và xử lý số liệu, dữ liệu

4.1. Yêu cầu về thu thập số liệu, dữ liệu để xác định cơ cấu chi phí

a) Số liệu về chi phí đầu tư xây dựng công trình như tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành (nếu có) đã được phê duyệt bao gồm chi tiết các khoản mục chi phí.

*Mục 4.2 Mục 4 Phần I PHỤ LỤC II được sửa đổi bởi Khoản 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

4.2. Yêu cầu về thông tin giá thị trường của các yếu tố đầu vào

Giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, nhân công xây dựng, máy và thiết bị thi công xây dựng được xác định theo Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Danh mục vật liệu, thiết bị công trình đưa vào tính chỉ số giá xây dựng phải được thống nhất về chủng loại, quy cách, nhãn mác.

Danh mục máy và thiết bị thi công đưa vào tính chỉ số giá xây dựng phải được thống nhất về chủng loại, công suất.*

4.3. Xử lý số liệu tính toán chỉ số giá xây dựng

a) Đối với các số liệu, dữ liệu để xác định cơ cấu chi phí: Việc xử lý số liệu, dữ liệu thu thập được bao gồm các công việc rà soát, kiểm tra, hiệu chỉnh lại số liệu, dữ liệu và cơ cấu dự toán chi phí. Số liệu về cơ cấu dự toán chi phí cần phải được quy đổi theo cơ cấu dự toán quy định tại thời điểm gốc. Các số liệu về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành (nếu có) phải được quy đổi về mặt bằng giá ở thời điểm gốc.

b) Đối với các thông tin về giá cả các yếu tố đầu vào: các số liệu, dữ liệu thu thập về giá cả các yếu tố đầu vào cần phải được kiểm tra, rà soát, hiệu chỉnh, cụ thể: giá các loại vật liệu xây dựng đầu vào được kiểm tra về sự phù hợp của chủng loại, quy cách, nhãn mác; giá các loại nhân công xây dựng đầu vào được kiểm tra về sự phù hợp với loại thợ, cấp bậc thợ thực hiện công việc; giá ca máy của các loại máy và thiết bị thi công đầu vào được kiểm tra sự phù hợp về chủng loại, công suất.

5. Xác định chỉ số giá xây dựng

*Mục 5 Phần I PHỤ LỤC II được sửa đổi bởi Khoản 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

(Xem chi tiết tại văn bản)

II. XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

1. Xác định chỉ số giá xây dựng cho công trình cụ thể

- Chỉ số giá xây dựng cho công trình cụ thể được xác định trên cơ sở cơ cấu chi phí của công trình đó, giá cả (hoặc chỉ số giá) các yếu tố đầu vào phù hợp với điều kiện thực hiện công việc và khu vực xây dựng công trình.

- Xác định chỉ số giá xây dựng công trình nằm trên địa bàn 1 đơn vị hành chính cấp tỉnh trình tự xác định chỉ số giá như khoản 5 Mục I Phụ lục này.

2. Xác định chỉ số giá xây dựng cho địa phương

*Mục 2 Phần II Phụ lục II được sửa đổi bởi Khoản 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

(Xem chi tiết tại văn bản)*

3. Chỉ số giá xây dựng quốc gia

Chỉ số giá xây dựng quốc gia được tính bằng phương pháp bình quân nhân gia quyền giữa chỉ số giá xây dựng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương/ hoặc vùng với quyền số tương ứng.

4. Xác định chỉ số giá xây dựng công trình nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên

(Xem chi tiết tại văn bản)

III. PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN ĐỔI GIÁ TRỊ CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG KHI THAY ĐỔI THỜI ĐIỂM GỐC

*Phần III PHỤ LỤC II được sửa đổi bởi Khoản 4 Phụ lục II ban hành kèm theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

III. PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN ĐỔI GIÁ TRỊ CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG KHI THAY ĐỔI THỜI ĐIỂM GỐC

Chuyển đổi giá trị của chỉ số giá xây dựng theo loại công trình, chỉ số giá phần xây dựng, chỉ số giá theo yếu tố chi phí khi thay đổi thời điểm gốc thực hiện theo công thức sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)*

IV. DANH MỤC LOẠI CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

V. CÁC BIỂU MẪU CÔNG BỐ CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

*Mục 5 Phụ lục II được sửa đổi bởi Khoản 5 Phụ lục II ban hành kèm theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

PHỤ LỤC II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC II “PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH

Bảng 2.1: CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THÁNG/QUÝ….. NĂM....TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH/THÀNH PHỐ...

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Bảng 2.2: CHỈ SỐ GIÁ PHẦN XÂY DỰNG THÁNG/QUÝ…NĂM....TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH/THÀNH PHỐ…

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Bảng 2.3: CHỈ SỐ GIÁ VẬT LIỆU, NHÂN CÔNG, MÁY THI CÔNG THÁNG/QUÝ ….NĂM....TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH/THÀNH PHỐ...

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)*
...
Bảng 2.4: CHỈ SỐ GIÁ VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÁNG/QUÝ….NĂM....TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH/THÀNH PHỐ…

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)*

Xem nội dung VB
Điều 27. Chỉ số giá xây dựng
...
3. Việc xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng được thực hiện như sau:

a) Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; xác định và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia theo năm
Nội dung hướng dẫn Điểm này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình, Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
...
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục II “Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC II “PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH

1. Sửa đổi, bổ sung mục 4.2 Mục 4 Phần I như sau:
...
2. Sửa đổi, bổ sung Mục 5 Phần I như sau:
...
3. Sửa đổi Mục 2 Phần II như sau:
...
4. Sửa đổi Phần III như sau:
...
5. Sửa đổi các Bảng 2.1; Bảng 2.2; Bảng 2.3; Bảng 2.4 Phần V như sau:

Xem nội dung VB
Điều 27. Chỉ số giá xây dựng
...
3. Việc xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng được thực hiện như sau:

a) Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; xác định và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia theo năm
Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Nội dung hướng dẫn Điểm này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Phương pháp xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát, cập nhật hệ thống định mức được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình sau:
...
3. Phương pháp xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát, cập nhật hệ thống định mức tại Phụ lục III;

*Khoản 3 Điều 1 được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

3. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục III “Xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát cập nhật hệ thống định mức” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 13/2021/TT-BXD.*
...
PHỤ LỤC III XÁC ĐỊNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN MỚI, ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN VÀ RÀ SOÁT, CẬP NHẬT HỆ THỐNG ĐỊNH MỨC

I. XÁC ĐỊNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN MỚI CỦA CÔNG TRÌNH
...
II. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN CỦA CÔNG TRÌNH
...
III. RÀ SOÁT, CẬP NHẬT HỆ THỐNG ĐỊNH MỨC XÂY DỰNG
...
*Phần IV PHỤ LỤC III được bổ sung bởi Khoản 1 Phụ lục III ban hành kèm theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

IV. HƯỚNG DẪN KHẢO SÁT, BIỂU MẪU KHẢO SÁT THU THẬP DỮ LIỆU*

Xem nội dung VB
Điều 21. Xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán để áp dụng cho công trình
...
3. Việc xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình, Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
...
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình
...
3. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục III “Xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát cập nhật hệ thống định mức” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC III SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC III “XÁC ĐỊNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN MỚI, ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN VÀ RÀ SOÁT, CẬP NHẬT HỆ THỐNG ĐỊNH MỨC” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH

1. Bổ sung Phần IV như sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 21. Xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán để áp dụng cho công trình
...
3. Việc xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Phương pháp xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát, cập nhật hệ thống định mức được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021.
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 3. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng
1. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và phương pháp hướng dẫn tại mục I Phụ lục I Thông tư này. Trường hợp chưa có dữ liệu suất vốn đầu tư xây dựng được công bố, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở dữ liệu chi phí của các dự án tương tự đã thực hiện, có điều chỉnh, bổ sung những chi phí cần thiết khác và quy đổi chi phí cho phù hợp với địa điểm xây dựng, đặc điểm, tính chất của dự án, thời điểm xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng.

2. Tổng mức đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, phương pháp hướng dẫn tại mục II Phụ lục I Thông tư này và một số quy định cụ thể sau:

a) Cơ sở để xác định tổng mức đầu tư xây dựng gồm: thiết kế cơ sở, quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng, giải pháp công nghệ và kỹ thuật, thiết bị chủ yếu; giải pháp về kiến trúc, kết cấu chính của công trình; giải pháp về xây dựng và vật liệu chủ yếu; điều kiện, kế hoạch thực hiện dự án và các yêu cầu cần thiết khác của dự án.

b) Một số khoản mục chi phí thuộc nội dung chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác của dự án nếu chưa có quy định hoặc chưa đủ cơ sở để xác định thì được dự tính trong tổng mức đầu tư xây dựng.

3. Đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được bổ sung các khoản mục chi phí cần thiết khác cho phù hợp với đặc thù, tính chất của dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn này theo các quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được ký kết và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là dự án PPP) được bổ sung các khoản mục chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
...
PHỤ LỤC I PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SƠ BỘ TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Xem nội dung VB
Điều 40. Bộ Xây dựng
...
2. Hướng dẫn về nội dung, phương pháp xác định và quản lý, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình, gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đo bóc khối lượng công trình, quy đổi vốn đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
Quy đổi vốn đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 12. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng

1. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng là quy đổi các khoản mục chi phí đầu tư gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có), chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác được quyết toán về mặt bằng giá tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng phải phản ánh đủ các chi phí đầu tư đã thực hiện của dự án đầu tư xây dựng về thời điểm quy đổi. Báo cáo quy đổi vốn đầu tư xây dựng được lập cùng hồ sơ quyết toán để trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

2. Việc quy đổi vốn đầu tư xây dựng thực hiện đối với dự án, công trình có thời gian thi công xây dựng lớn hơn 02 năm kể từ ngày bắt đầu thi công xây dựng đến ngày nghiệm thu hoàn thành.

3. Phương pháp quy đổi vốn đầu tư xây dựng, mẫu báo cáo kết quả quy đổi vốn đầu tư xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục VII Thông tư này.
...
PHỤ LỤC VII PHƯƠNG PHÁP QUY ĐỔI VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Xem nội dung VB
Điều 40. Bộ Xây dựng
...
2. Hướng dẫn về nội dung, phương pháp xác định và quản lý, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình, gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đo bóc khối lượng công trình, quy đổi vốn đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình sau:

1. Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng tại Phụ lục I;

2. Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng tại Phụ lục II;

3. Phương pháp xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát, cập nhật hệ thống định mức tại Phụ lục III;

4. Phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng tại Phụ lục IV;

5. Phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng tại Phụ lục V;

6. Phương pháp đo bóc khối lượng công trình tại Phụ lục VI.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.

Điều 3. Phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình quy định tại Thông tư này thay thế các phương pháp đã ban hành tại Mục I Phụ lục số 5, Phụ lục số 6, Phụ lục số 7 của Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Thông tư số 11/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng; Thông tư số 14/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chỉ số giá xây dựng; Thông tư số 15/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng và Thông tư số 17/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình.

Điều 4. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến xác định và quản lý chi phí của các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
...
PHỤ LỤC I PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC II PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC III XÁC ĐỊNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN MỚI, ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN VÀ RÀ SOÁT, CẬP NHẬT HỆ THỐNG ĐỊNH MỨC
...
PHỤ LỤC IV PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐƠN GIÁ NHÂN CÔNG XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC V PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ CA MÁY VÀ THIẾT BỊ THI CÔNG XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC VI PHƯƠNG PHÁP ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH


Xem nội dung VB
Điều 40. Bộ Xây dựng
...
2. Hướng dẫn về nội dung, phương pháp xác định và quản lý, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình, gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đo bóc khối lượng công trình, quy đổi vốn đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình, Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
...
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình

1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục I “Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục II “Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục III “Xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát cập nhật hệ thống định mức” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục IV “Phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục V “Phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Phụ lục VI “Phương pháp đo bóc khối lượng công trình” ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BXD tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC I “PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH
...
PHỤ LỤC II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC II “PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH
...
PHỤ LỤC III SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC III “XÁC ĐỊNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN MỚI, ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN VÀ RÀ SOÁT, CẬP NHẬT HỆ THỐNG ĐỊNH MỨC” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH
...
PHỤ LỤC IV SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC IV “PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐƠN GIÁ NHÂN CÔNG XÂY DỰNG” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH
...
PHỤ LỤC V SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC V “PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ CA MÁY VÀ THIẾT BỊ THI CÔNG XÂY DỰNG” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH
...
PHỤ LỤC VI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA PHỤ LỤC VI “PHƯƠNG PHÁP ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH” BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2021/TT-BXD NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH

Xem nội dung VB
Điều 40. Bộ Xây dựng
...
2. Hướng dẫn về nội dung, phương pháp xác định và quản lý, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình, gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đo bóc khối lượng công trình, quy đổi vốn đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021.
Quy đổi vốn đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 13/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Mục này được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 4. Dự toán xây dựng công trình

1. Dự toán xây dựng công trình được xác định theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và phương pháp hướng dẫn tại mục 1 Phụ lục II Thông tư này. Các khoản mục chi phí trong dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng.

2. Chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và phương pháp hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư này. Chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng. Chi phí trực tiếp xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết tại mục I Phụ lục III Thông tư này và một số quy định cụ thể sau:

a) Khối lượng đo bóc, tính toán từ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình;

b) Đơn giá xây dựng chi tiết, giá xây dựng tổng hợp xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục IV Thông tư này.

3. Chi phí thiết bị trong dự toán xây dựng công trình xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết tại mục 1 Phụ lục II Thông tư này và một số quy định cụ thể sau:

a) Chi phí mua sắm thiết bị được xác định theo khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị và giá mua thiết bị tương ứng. Khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị được xác định từ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và danh mục thiết bị trong dự án được duyệt. Giá mua thiết bị được xác định phù hợp với giá thị trường trên cơ sở thông tin về giá thiết bị trong hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc báo giá của nhà cung cấp, nhà sản xuất; hoặc giá thiết bị tương tự về công suất, công nghệ, xuất xứ trong công trình đã thực hiện được quy đổi phù hợp với thời điểm tính toán.

b) Chi phí gia công, chế tạo thiết bị được xác định trên cơ sở khối lượng, số lượng thiết bị cần gia công, chế tạo và đơn giá gia công, chế tạo tương ứng phù hợp với tính chất, chủng loại thiết bị; hoặc thông tin về giá gia công, chế tạo thiết bị trong hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc căn cứ vào báo giá gia công, chế tạo thiết bị của đơn vị sản xuất, cung ứng; hoặc giá gia công, chế tạo thiết bị tương tự của công trình đã thực hiện được quy đổi phù hợp với thời điểm tính toán.

c) Chi phí quản lý mua sắm thiết bị (nếu có); chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ (nếu có); chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có); chi phí vận chuyển; chi phí bảo hiểm; thuế và các loại phí, các chi phí khác có liên quan được xác định bằng dự toán hoặc căn cứ quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

d) Chi phí lắp đặt thiết bị xác định bằng dự toán như đối với dự toán chi phí xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

đ) Chi phí thí nghiệm, hiệu chỉnh, chi phí chạy thử thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật (nếu có) được xác định bằng dự toán phù hợp nội dung công việc thực hiện.

4. Chi phí quản lý dự án trong dự toán xây dựng công trình được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều 12 và Điều 30 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) đã tính toán trong tổng mức đầu tư xây dựng; hoặc bằng dự toán phù hợp với chi phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư được duyệt. Định mức chi phí quản lý dự án quy định tại Thông tư ban hành định mức xây dựng.

5. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trong dự toán xây dựng công trình xác định theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Điều 13 Thông tư này. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trong dự toán xây dựng công trình không bao gồm các chi phí tư vấn tính chung cho cả dự án.

6. Chi phí khác trong dự toán xây dựng công trình quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và một số quy định cụ thể sau:

a) Chi phí khác trong dự toán xây dựng công trình được xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; hoặc xác định bằng dự toán; hoặc ghi theo giá trị hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật; hoặc được dự tính trong dự toán xây dựng công trình phù hợp với tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt trong trường hợp chưa đủ cơ sở để xác định.

b) Các chi phí nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, khí nén, hệ thống cấp nước tại hiện trường; chi phí lắp đặt, tháo dỡ trạm trộn bê tông xi măng, trạm trộn bê tông nhựa, cần trục di chuyển trên ray và các loại thiết bị thi công xây dựng khác có tính chất tương tự, nếu không tính chung cho cả dự án thì được dự tính trong chi phí khác của dự toán xây dựng công trình. Các chi phí này được xác định bằng dự toán phù hợp với thiết kế, biện pháp thi công xây dựng và điều kiện đặc thù của công trình.

c) Chi phí khác trong dự toán xây dựng công trình không bao gồm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng; chi phí rà phá bom mìn, vật nổ; chi phí kiểm toán; thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng, sử dụng vật liệu mới liên quan đến dự án; vốn lưu động ban đầu đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích kinh doanh; chi phí cho quá trình chạy thử không tải và có tải dây chuyền công nghệ, sản xuất theo quy trình trước khi bàn giao; chi phí thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng; các khoản thuế tài nguyên, các khoản phí, lệ phí và một số khoản mục chi phí khác có liên quan tính chung cho cả dự án.

7. Chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng công trình được xác định theo quy định tại khoản 7 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.

b) Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở thời gian, tiến độ dự kiến thực hiện công trình (tính bằng quý, năm) và chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.

8. Tổng hợp tổng dự toán quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được lập theo hướng dẫn tại mục 3 Phụ lục II Thông tư này.

9. Việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và phương pháp hướng dẫn tại mục 4 Phụ lục II Thông tư này.
...
PHỤ LỤC II PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

*Mục 2.1 Mục 1 và mục 2.1.1 Mục 4 Phụ lục II được sửa đổi bởi Khoản 1,2 Phụ lục ban hành kèm theo Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

(Xem chi tiết tại văn bản)*
...
PHỤ LỤC III PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CHI PHÍ XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC IV PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

*Mục 1.2.1.1 Phụ lục IV được sửa đổi bởi Khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

(Xem chi tiết tại văn bản)*

Xem nội dung VB
Chương III DỰ TOÁN XÂY DỰNG

Mục 1. DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Mục này được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Các thành phần chi phí của dự toán gói thầu được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 5. Các thành phần chi phí của dự toán gói thầu

1. Dự toán gói thầu thi công xây dựng gồm một số hoặc toàn bộ các thành phần chi phí sau: chi phí xây dựng, chi phí khác có liên quan và chi phí dự phòng của gói thầu.

2. Dự toán gói thầu mua sắm thiết bị gồm một số hoặc toàn bộ các thành phần chi phí sau: chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ; chi phí gia công, chế tạo thiết bị; chi phí quản lý mua sắm thiết bị; chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị; chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; chi phí vận chuyển; chi phí khác có liên quan và chi phí dự phòng của gói thầu.

3. Dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị gồm một số hoặc toàn bộ các thành phần chi phí sau: chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí chạy thử thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật; chi phí khác có liên quan và chi phí dự phòng của gói thầu.

4. Dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng gồm một số hoặc toàn bộ các thành phần chi phí sau: chi phí thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác có liên quan và chi phí dự phòng của gói thầu.

5. Dự toán gói thầu hỗn hợp (bao gồm cả dự toán gói thầu quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP): tùy theo phạm vi, tính chất, điều kiện cụ thể của gói thầu, dự toán gói thầu hỗn hợp gồm một số hoặc toàn bộ các thành phần chi phí thuộc các gói thầu nêu tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.

Xem nội dung VB
Chương III DỰ TOÁN XÂY DỰNG
...
Mục 2. DỰ TOÁN GÓI THẦU XÂY DỰNG
Các thành phần chi phí của dự toán gói thầu được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 6. Xác định dự toán gói thầu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 17 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP

1. Dự toán gói thầu thi công xây dựng:

a) Chi phí xây dựng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

b) Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu, dự toán gói thầu thi công xây dựng được bổ sung một hoặc một số khoản mục chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu như: Chi phí di chuyển máy, thiết bị thi công đặc chủng đến và ra khỏi công trường; chi phí đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công; chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công xây dựng; chi phí kho bãi chứa vật liệu; chi phí xây dựng nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, khí nén, hệ thống cấp nước tại hiện trường, chi phí lắp đặt, tháo dỡ trạm trộn bê tông xi măng, trạm trộn bê tông nhựa, cần trục di chuyển trên ray, cần trục tháp, một số loại máy, thiết bị thi công xây dựng khác có tính chất tương tự và một số khoản mục chi phí khác có liên quan đến gói thầu.

c) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

2. Dự toán gói thầu mua sắm thiết bị

a) Các thành phần chi phí trong dự toán gói thầu mua sắm thiết bị xác định theo quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

b) Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu, dự toán gói thầu mua sắm thiết bị được bổ sung thêm một hoặc một số chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu.

c) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu mua sắm thiết bị bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

3. Dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị:

a) Chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử thiết bị trong dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị xác định theo quy định tại điểm d, đ khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

b) Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu, dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị được bổ sung thêm một hoặc một số chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu.

c) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

4. Dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng:

a) Chi phí tư vấn trong dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

b) Căn cứ điều kiện cụ thể, dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng được bổ sung thêm một hoặc một số chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu.

c) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

5. Dự toán gói thầu hỗn hợp, dự toán gói thầu quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP: căn cứ nội dung, tính chất của từng gói thầu cụ thể để xác định dự toán gói thầu gồm một số hoặc toàn bộ các nội dung chi phí quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.

6. Dự toán gói thầu quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này được xác định theo hướng dẫn tại mục 2 Phụ lục II Thông tư này.
...
PHỤ LỤC II PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

*Mục 2.1 Mục 1 và mục 2.1.1 Mục 4 Phụ lục II được sửa đổi bởi Khoản 1,2 Phụ lục ban hành kèm theo Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

(Xem chi tiết tại văn bản*

Xem nội dung VB
Điều 17. Xác định dự toán gói thầu
...
2. Đối với dự án thực hiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) để triển khai hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (EPC), dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi gói thầu xác định trên cơ sở thiết kế FEED.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 6. Xác định dự toán gói thầu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 17 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP

1. Dự toán gói thầu thi công xây dựng:

a) Chi phí xây dựng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

b) Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu, dự toán gói thầu thi công xây dựng được bổ sung một hoặc một số khoản mục chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu như: Chi phí di chuyển máy, thiết bị thi công đặc chủng đến và ra khỏi công trường; chi phí đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công; chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công xây dựng; chi phí kho bãi chứa vật liệu; chi phí xây dựng nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, khí nén, hệ thống cấp nước tại hiện trường, chi phí lắp đặt, tháo dỡ trạm trộn bê tông xi măng, trạm trộn bê tông nhựa, cần trục di chuyển trên ray, cần trục tháp, một số loại máy, thiết bị thi công xây dựng khác có tính chất tương tự và một số khoản mục chi phí khác có liên quan đến gói thầu.

c) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

2. Dự toán gói thầu mua sắm thiết bị

a) Các thành phần chi phí trong dự toán gói thầu mua sắm thiết bị xác định theo quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

b) Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu, dự toán gói thầu mua sắm thiết bị được bổ sung thêm một hoặc một số chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu.

c) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu mua sắm thiết bị bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

3. Dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị:

a) Chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử thiết bị trong dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị xác định theo quy định tại điểm d, đ khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

b) Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu, dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị được bổ sung thêm một hoặc một số chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu.

c) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu lắp đặt thiết bị bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

4. Dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng:

a) Chi phí tư vấn trong dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

b) Căn cứ điều kiện cụ thể, dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng được bổ sung thêm một hoặc một số chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu.

c) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.

5. Dự toán gói thầu hỗn hợp, dự toán gói thầu quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP: căn cứ nội dung, tính chất của từng gói thầu cụ thể để xác định dự toán gói thầu gồm một số hoặc toàn bộ các nội dung chi phí quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.

6. Dự toán gói thầu quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này được xác định theo hướng dẫn tại mục 2 Phụ lục II Thông tư này.
...
PHỤ LỤC II PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

*Mục 2.1 Mục 1 và mục 2.1.1 Mục 4 Phụ lục II được sửa đổi bởi Khoản 1,2 Phụ lục ban hành kèm theo Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

(Xem chi tiết tại văn bản*

Xem nội dung VB
Điều 17. Xác định dự toán gói thầu
...
3. Đối với dự án, công trình được người quyết định đầu tư cho phép triển khai thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo từng gói thầu xây dựng, từng giai đoạn kế hoạch thực hiện dự án thì dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi gói thầu và thiết kế xây dựng tương ứng. Các khoản mục chi phí trong dự toán gói thầu được xác định như các khoản mục chi phí trong dự toán xây dựng công trình quy định tại Điều 12 Nghị định này, phù hợp với phạm vi, tính chất, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng gói thầu.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 7. Xác định dự toán gói thầu quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP

1. Căn cứ dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt, chủ đầu tư tự xác định dự toán gói thầu, cụ thể như sau:

a) Xác định phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện của gói thầu;

b) Xác định thành phần, khoản mục chi phí trong dự toán gói thầu theo phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện của gói thầu trên cơ sở dự toán xây dựng công trình được duyệt.

c) Cập nhật khối lượng, đơn giá, giá các yếu tố chi phí phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình, các chế độ chính sách của nhà nước có liên quan tại thời điểm xác định dự toán gói thầu, các chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu cụ thể của gói thầu đối với các thành phần, khoản mục chi phí đã được xác định tại điểm b khoản 1 Điều này.

2. Chi phí khác có liên quan của gói thầu được xác định theo quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3, điểm d khoản 4 Điều 6 Thông tư này phù hợp với điều kiện cụ thể, tính chất của gói thầu và dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt.

3. Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu được xác định như chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng công trình quy định tại mục 1 Phụ lục II Thông tư này và phải đảm bảo tổng chi phí dự phòng của dự toán các gói thầu không vượt chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt.
...
PHỤ LỤC II PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

*Mục 2.1 Mục 1 và mục 2.1.1 Mục 4 Phụ lục II được sửa đổi bởi Khoản 1,2 Phụ lục ban hành kèm theo Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

(Xem chi tiết tại văn bản*

Xem nội dung VB
Điều 17. Xác định dự toán gói thầu
...
4. Đối với dự án đã được phê duyệt dự toán xây dựng công trình, chủ đầu tư tự xác định dự toán gói thầu trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi của gói thầu trong dự toán xây dựng công trình được duyệt nếu cần thiết.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 8. Quản lý, công bố giá xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP

1. Đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP là cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố được xác định trên cơ sở định mức xây dựng do cơ quan có thẩm quyền ban hành và giá các yếu tố chi phí quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này phù hợp với thời điểm xác định đơn giá xây dựng công trình. Giá các yếu tố chi phí gồm: giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công.

2. Giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng do Sở Xây dựng công bố định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này.

3. Quản lý, công bố giá vật liệu xây dựng:

a) Giá vật liệu xây dựng được công bố phải phù hợp với giá thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, khả năng và phạm vi cung ứng vật liệu tại thời điểm công bố. Danh mục vật liệu xây dựng công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục vật liệu xây dựng có trong hệ thống định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành và danh mục vật liệu xây dựng có trên thị trường.

b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá vật liệu xây dựng trên địa bàn; công bố theo mẫu số 01 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý kèm theo tệp dữ liệu điện tử (file Microsoft Excel) để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

c) Trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đối với những loại vật liệu xây dựng có biến động để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Thời điểm công bố giá vật liệu xây dựng theo quý là trước ngày 15 tháng đầu quý sau, theo tháng là trước ngày 10 tháng sau.

4. Quản lý, công bố đơn giá nhân công xây dựng:

a) Đơn giá nhân công xây dựng được công bố trên địa bàn phải phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của địa phương, phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc của nhân công xây dựng; đã bao gồm lương, phụ cấp lương theo đặc điểm tính chất của sản xuất xây dựng và một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định. Chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và một số khoản phải trả khác.

b) Đơn giá ngày công của nhân công xây dựng xác định cho thời gian làm việc quy định (8 giờ/ngày, 26 ngày/tháng) theo nhóm nhân công của công nhân trực tiếp sản xuất xây dựng, phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc thợ nhân công trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

c) Danh mục nhóm, cấp bậc thợ nhân công xây dựng và phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng được quy định chi tiết tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

d) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thực hiện hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo khung đơn giá nhân công xây dựng do Bộ Xây dựng công bố để xác định đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn; công bố theo mẫu số 2 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý kèm theo tệp dữ liệu điện tử (file Microsoft Excel) để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

đ) Thời điểm công bố đơn giá nhân công xây dựng theo năm là trước ngày 15 tháng một năm sau.

5. Quản lý, công bố giá ca máy và thiết bị thi công:

a) Giá ca máy và thiết bị thi công được công bố phải phù hợp với chủng loại, công suất, các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu và đặc điểm, tính chất của từng loại máy, thiết bị. Danh mục máy và thiết bị thi công công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục máy và thiết bị thi công có trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và danh mục máy và thiết bị thi công có trên thị trường.

b) Giá ca máy và thiết bị thi công được xác định cho một ca làm việc quy định (8 giờ) của máy và thiết bị thi công, phù hợp với định mức hao phí và dữ liệu cơ bản để tính giá ca máy do Bộ Xây dựng ban hành, phù hợp với danh mục máy và thiết bị thi công có trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

c) Giá ca máy và thiết bị thi công gồm toàn bộ hoặc một số các khoản mục chi phí như chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, chi phí nhân công điều khiển và chi phí khác của máy. Giá ca máy và thiết bị thi công không bao gồm các chi phí nêu tại điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư này.

d) Định mức hao phí, các dữ liệu cơ bản để xác định giá ca máy và phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

đ) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thực hiện hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo nguyên giá ca máy do Bộ Xây dựng công bố để xác định giá ca máy và thiết bị thi công trên địa bàn; công bố theo mẫu số 3 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý kèm theo tệp dữ liệu điện tử (file Microsoft Excel) để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

e) Thời điểm công bố giá ca máy và thiết bị thi công theo năm là trước ngày 15 tháng một năm sau.

6. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, nhân công xây dựng; doanh nghiệp kinh doanh cung cấp, cho thuê máy và thiết bị thi công xây dựng trên địa bàn; các chủ đầu tư, nhà thầu trúng thầu tại các dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm cung cấp các thông tin về giá các yếu tố chi phí phục vụ Sở Xây dựng công bố giá theo khoản 2 Điều này.

*Điều 8 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

Điều 8. Quản lý, công bố giá xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP

1. Đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP là cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố được xác định trên cơ sở định mức xây dựng do cơ quan có thẩm quyền ban hành và giá các yếu tố chi phí quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này phù hợp với thời điểm xác định đơn giá xây dựng công trình. Giá các yếu tố chi phí gồm: giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công.

2. Giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng do Sở Xây dựng công bố định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này.

3. Quản lý, công bố giá vật liệu xây dựng:

a) Giá vật liệu xây dựng được công bố phải phù hợp với giá thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, khả năng và phạm vi cung ứng vật liệu tại thời điểm công bố. Danh mục vật liệu xây dựng công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục vật liệu xây dựng có trong hệ thống định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành và danh mục vật liệu xây dựng có trên thị trường.

b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá vật liệu xây dựng trên địa bàn; công bố theo mẫu số 01 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

c) Trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đối với những loại vật liệu xây dựng có biến động để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Thời điểm công bố giá vật liệu xây dựng theo quý là trước ngày 15 tháng đầu quý sau, theo tháng là trước ngày 10 tháng sau.

4. Quản lý, công bố đơn giá nhân công xây dựng:

a) Đơn giá nhân công xây dựng được công bố trên địa bàn phải phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của địa phương, phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc của nhân công xây dựng; đã bao gồm lương, phụ cấp lương theo đặc điểm tính chất của sản xuất xây dựng và một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định. Chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và một số khoản phải trả khác.

b) Đơn giá ngày công của nhân công xây dựng xác định cho thời gian làm việc quy định (8 giờ/ngày, 26 ngày/tháng) theo nhóm nhân công của công nhân trực tiếp sản xuất xây dựng, phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc thợ nhân công trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

c) Danh mục nhóm, cấp bậc thợ nhân công xây dựng và phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng được quy định chi tiết tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

d) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thực hiện hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo khung đơn giá nhân công xây dựng do Bộ Xây dựng công bố để xác định đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn; công bố theo mẫu số 2 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

đ) Thời điểm công bố đơn giá nhân công xây dựng theo năm là trước ngày 15 tháng một năm sau.

5. Quản lý, công bố giá ca máy và thiết bị thi công:

a) Giá ca máy và thiết bị thi công được công bố phải phù hợp với chủng loại, công suất, các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu và đặc điểm, tính chất của từng loại máy, thiết bị. Danh mục máy và thiết bị thi công công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục máy và thiết bị thi công có trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và danh mục máy và thiết bị thi công có trên thị trường.

b) Giá ca máy và thiết bị thi công được xác định cho một ca làm việc quy định (8 giờ) của máy và thiết bị thi công, phù hợp với định mức hao phí và dữ liệu cơ bản để tính giá ca máy do Bộ Xây dựng ban hành, phù hợp với danh mục máy và thiết bị thi công có trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

c) Giá ca máy và thiết bị thi công gồm toàn bộ hoặc một số các khoản mục chi phí như chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, chi phí nhân công điều khiển và chi phí khác của máy. Giá ca máy và thiết bị thi công không bao gồm các chi phí nêu tại điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư này.

d) Định mức hao phí, các dữ liệu cơ bản để xác định giá ca máy và phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

đ) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thực hiện hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo nguyên giá ca máy do Bộ Xây dựng công bố để xác định giá ca máy và thiết bị thi công trên địa bàn; công bố theo mẫu số 3 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

e) Thời điểm công bố giá ca máy và thiết bị thi công theo năm là trước ngày 15 tháng một năm sau.

6. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, nhân công xây dựng; doanh nghiệp kinh doanh cung cấp, cho thuê máy và thiết bị thi công xây dựng trên địa bàn; các chủ đầu tư, nhà thầu trúng thầu tại các dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm cung cấp các thông tin về giá các yếu tố chi phí phục vụ Sở Xây dựng công bố giá theo khoản 2 Điều này.*
...
PHỤ LỤC VIII MẪU CÔNG BỐ GIÁ VẬT LIỆU XÂY DỰNG, ĐƠN GIÁ NHÂN CÔNG XÂY DỰNG, GIÁ CA MÁY VÀ THIẾT BỊ THI CÔNG

*Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục VIII được sửa đổi bởi Điểm 4.1 Khoản 4 Phụ lục ban hành kèm theo Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

(Xem chi tiết tại văn bản)*

Xem nội dung VB
Điều 26. Quản lý giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng
...
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố đơn giá xây dựng công trình của địa phương; phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố các thông tin về giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm a, b khoản này như sau:

a) Giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình: công bố theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết;

b) Đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công xây dựng: công bố theo định kỳ hàng năm hoặc sớm hơn khi cần thiết.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 11/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Quản lý, công bố giá xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP

1. Đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP là cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố được xác định trên cơ sở định mức xây dựng do cơ quan có thẩm quyền ban hành và giá các yếu tố chi phí quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này phù hợp với thời điểm xác định đơn giá xây dựng công trình. Giá các yếu tố chi phí gồm: giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công.

2. Giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng do Sở Xây dựng công bố định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này.

3. Quản lý, công bố giá vật liệu xây dựng:

a) Giá vật liệu xây dựng được công bố phải phù hợp với giá thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, khả năng và phạm vi cung ứng vật liệu tại thời điểm công bố. Danh mục vật liệu xây dựng công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục vật liệu xây dựng có trong hệ thống định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành và danh mục vật liệu xây dựng có trên thị trường.

b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá vật liệu xây dựng trên địa bàn; công bố theo mẫu số 01 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

c) Trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đối với những loại vật liệu xây dựng có biến động để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Thời điểm công bố giá vật liệu xây dựng theo quý là trước ngày 15 tháng đầu quý sau, theo tháng là trước ngày 10 tháng sau.

4. Quản lý, công bố đơn giá nhân công xây dựng:

a) Đơn giá nhân công xây dựng được công bố trên địa bàn phải phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của địa phương, phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc của nhân công xây dựng; đã bao gồm lương, phụ cấp lương theo đặc điểm tính chất của sản xuất xây dựng và một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định. Chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và một số khoản phải trả khác.

b) Đơn giá ngày công của nhân công xây dựng xác định cho thời gian làm việc quy định (8 giờ/ngày, 26 ngày/tháng) theo nhóm nhân công của công nhân trực tiếp sản xuất xây dựng, phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc thợ nhân công trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

c) Danh mục nhóm, cấp bậc thợ nhân công xây dựng và phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng được quy định chi tiết tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

d) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thực hiện hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo khung đơn giá nhân công xây dựng do Bộ Xây dựng công bố để xác định đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn; công bố theo mẫu số 2 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

đ) Thời điểm công bố đơn giá nhân công xây dựng theo năm là trước ngày 15 tháng một năm sau.

5. Quản lý, công bố giá ca máy và thiết bị thi công:

a) Giá ca máy và thiết bị thi công được công bố phải phù hợp với chủng loại, công suất, các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu và đặc điểm, tính chất của từng loại máy, thiết bị. Danh mục máy và thiết bị thi công công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục máy và thiết bị thi công có trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và danh mục máy và thiết bị thi công có trên thị trường.

b) Giá ca máy và thiết bị thi công được xác định cho một ca làm việc quy định (8 giờ) của máy và thiết bị thi công, phù hợp với định mức hao phí và dữ liệu cơ bản để tính giá ca máy do Bộ Xây dựng ban hành, phù hợp với danh mục máy và thiết bị thi công có trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

c) Giá ca máy và thiết bị thi công gồm toàn bộ hoặc một số các khoản mục chi phí như chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, chi phí nhân công điều khiển và chi phí khác của máy. Giá ca máy và thiết bị thi công không bao gồm các chi phí nêu tại điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư này.

d) Định mức hao phí, các dữ liệu cơ bản để xác định giá ca máy và phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

đ) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thực hiện hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo nguyên giá ca máy do Bộ Xây dựng công bố để xác định giá ca máy và thiết bị thi công trên địa bàn; công bố theo mẫu số 3 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

e) Thời điểm công bố giá ca máy và thiết bị thi công theo năm là trước ngày 15 tháng một năm sau.

6. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, nhân công xây dựng; doanh nghiệp kinh doanh cung cấp, cho thuê máy và thiết bị thi công xây dựng trên địa bàn; các chủ đầu tư, nhà thầu trúng thầu tại các dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm cung cấp các thông tin về giá các yếu tố chi phí phục vụ Sở Xây dựng công bố giá theo khoản 2 Điều này.
...
PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 11/2021/TT-BXD
...
4. Sửa đổi, bổ sung Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục VIII như sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

*Khoản 1 Điều 1 (sửa đổi Điều 8 Thông tư số 11/2021/TT-BXD) bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 3 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025*

Xem nội dung VB
Điều 26. Quản lý giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng
...
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố đơn giá xây dựng công trình của địa phương; phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố các thông tin về giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm a, b khoản này như sau:

a) Giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình: công bố theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết;

b) Đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công xây dựng: công bố theo định kỳ hàng năm hoặc sớm hơn khi cần thiết.
Nội dung sửa đổi Khoản này tại Thông tư 11/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình, Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Quản lý, công bố giá xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP

1. Đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP là cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố được xác định trên cơ sở định mức xây dựng do cơ quan có thẩm quyền ban hành và giá các yếu tố chi phí quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này phù hợp với thời điểm xác định đơn giá xây dựng công trình. Giá các yếu tố chi phí gồm: giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công.

2. Giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng do Sở Xây dựng công bố định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều này.

3. Quản lý, công bố giá vật liệu xây dựng:

a) Giá vật liệu xây dựng được công bố phải phù hợp với giá thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, khả năng và phạm vi cung ứng vật liệu tại thời điểm công bố. Danh mục vật liệu xây dựng công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục vật liệu xây dựng có trong hệ thống định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành và danh mục vật liệu xây dựng có trên thị trường;

b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá vật liệu xây dựng trên địa bàn; công bố theo mẫu số 01 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP;

c) Trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đối với những loại vật liệu xây dựng có biến động để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Thời điểm công bố giá vật liệu xây dựng theo quý là trước ngày 15 tháng đầu quý sau, theo tháng là trước ngày 10 tháng sau.

4. Quản lý, công bố đơn giá nhân công xây dựng:

a) Đơn giá nhân công xây dựng được công bố trên địa bàn phải phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của địa phương, phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc của nhân công xây dựng; đã bao gồm lương, phụ cấp lương theo đặc điểm tính chất của sản xuất xây dựng và một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định. Chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và một số khoản phải trả khác;

b) Đơn giá ngày công của nhân công xây dựng xác định cho thời gian làm việc quy định (8 giờ/ngày, 26 ngày/tháng) theo nhóm nhân công của công nhân trực tiếp sản xuất xây dựng, phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc thợ nhân công trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

c) Danh mục nhóm, cấp bậc thợ nhân công xây dựng và phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng được quy định chi tiết tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình;

d) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thực hiện hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin để xác định đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn; công bố theo mẫu số 2 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP;

đ) Thời điểm công bố đơn giá nhân công xây dựng theo năm là trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo.

5. Quản lý, công bố giá ca máy và thiết bị thi công:

a) Giá ca máy và thiết bị thi công được công bố phải phù hợp với chủng loại, công suất, các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu và đặc điểm, tính chất của từng loại máy, thiết bị. Danh mục máy và thiết bị thi công công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục máy và thiết bị thi công có trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và danh mục máy và thiết bị thi công có trên thị trường;

b) Giá ca máy và thiết bị thi công được xác định cho một ca làm việc quy định (8 giờ) của máy và thiết bị thi công, phù hợp với định mức hao phí và dữ liệu cơ bản để tính giá ca máy do Bộ Xây dựng ban hành, phù hợp với danh mục máy và thiết bị thi công có trong hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

c) Giá ca máy và thiết bị thi công gồm toàn bộ hoặc một số các khoản mục chi phí như chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, chi phí nhân công điều khiển và chi phí khác của máy. Giá ca máy và thiết bị thi công không bao gồm các chi phí nêu tại điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư này;

d) Định mức hao phí, các dữ liệu cơ bản để xác định giá ca máy và phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình;

đ) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: thực hiện hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo nguyên giá ca máy do Bộ Xây dựng công bố để xác định giá ca máy và thiết bị thi công trên địa bàn; công bố theo mẫu số 3 Phụ lục VIII Thông tư này; gửi kết quả công bố kèm theo tệp dữ liệu điện tử (theo mẫu thống nhất) về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP;

e) Thời điểm công bố giá ca máy và thiết bị thi công theo năm là trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo.

6. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, nhân công xây dựng; doanh nghiệp kinh doanh cung cấp, cho thuê máy và thiết bị thi công xây dựng trên địa bàn; các chủ đầu tư, nhà thầu trúng thầu tại các dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm cung cấp các thông tin về giá các yếu tố chi phí phục vụ Sở Xây dựng công bố giá theo khoản 2 Điều này.”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 Điều 10 như sau:

“a) Thời điểm gốc là năm 2020, thời điểm so sánh là thời điểm công bố chỉ số giá xây dựng so với thời điểm gốc. Từ năm 2026, thời điểm gốc là năm 2025. Thời điểm gốc được điều chỉnh định kỳ 5 năm và xác định là năm thứ 5 của kỳ liền kề trước đó;”.

Xem nội dung VB
Điều 26. Quản lý giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng
...
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố đơn giá xây dựng công trình của địa phương; phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố các thông tin về giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm a, b khoản này như sau:

a) Giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình: công bố theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết;

b) Đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công xây dựng: công bố theo định kỳ hàng năm hoặc sớm hơn khi cần thiết.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 11/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024
Nội dung sửa đổi Khoản này tại Thông tư 11/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 9. Xác định giá xây dựng công trình

1. Giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp. Giá xây dựng công trình được xác định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục IV Thông tư này.

2. Chủ đầu tư sử dụng hệ thống giá xây dựng công trình quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư này làm cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trường hợp tổ chức xác định giá xây dựng công trình theo đơn giá xây dựng chi tiết, hoặc giá xây dựng tổng hợp trên cơ sở định mức xây dựng, thì giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xác định theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này.

3. Giá vật liệu xây dựng:

a) Giá vật liệu xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp vật liệu xây dựng chưa có trong công bố giá hoặc đã có nhưng giá không phù hợp thì giá vật liệu xây dựng để xác định giá xây dựng công trình thực hiện theo hướng dẫn tại mục 1.2.1 Phụ lục IV Thông tư này.

c) Khuyến khích lựa chọn vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng và xác định chi phí đầu tư xây dựng cho công trình, dự án nhưng phải đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng yêu cầu của dự án.

d) Trường hợp dự án có yêu cầu phải sử dụng vật liệu xây dựng đặc thù, không phổ biến trên thị trường, hoặc sử dụng vật liệu nhập khẩu thì phải thuyết minh cụ thể trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh thiết kế xây dựng.

4. Đơn giá nhân công xây dựng

a) Đơn giá nhân công xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp đơn giá nhân công xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố không phù hợp với đặc thù của công tác, công trình, dự án, chủ đầu tư tổ chức khảo sát, xác định đơn giá nhân công theo phương pháp quy định tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình để quyết định áp dụng khi xác định giá xây dựng công trình. Trong quá trình xác định đơn giá nhân công xây dựng, Sở Xây dựng thực hiện hướng dẫn về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng khi chủ đầu tư có yêu cầu.

c) Chủ đầu tư gửi hồ sơ kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng tại điểm b khoản này về Sở Xây dựng để theo dõi, quản lý; hồ sơ kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng gửi về Sở Xây dựng phải thể hiện được căn cứ, phương pháp, kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng, các biểu mẫu (nếu có) theo phương pháp quy định; hàng năm Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng.

5. Giá ca máy và thiết bị thi công:

a) Giá ca máy và thiết bị thi công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp giá ca máy và thiết bị thi công chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc đã có nhưng chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng và điều kiện thi công của công trình, dự án, chủ đầu tư tổ chức khảo sát, xác định giá ca máy và thiết bị thi công theo phương pháp quy định tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình để quyết định áp dụng khi xác định giá xây dựng công trình. Trong quá trình xác định giá ca máy và thiết bị thi công, Sở Xây dựng thực hiện hướng dẫn về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công khi chủ đầu tư có yêu cầu.

c) Chủ đầu tư gửi kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công tại điểm b khoản này về Sở Xây dựng để theo dõi, quản lý; hồ sơ kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công gửi về Sở Xây dựng phải thể hiện được căn cứ, phương pháp, kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công, các biểu mẫu (nếu có) theo phương pháp quy định; hàng năm Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng.

6. Đối với công trình được xây dựng trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, chủ đầu tư tổ chức xác định giá xây dựng công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đảm bảo thuận lợi trong xác định chi phí, tiết kiệm và hiệu quả dự án, phù hợp với khả năng cung ứng các nguồn lực theo kế hoạch thực hiện.

*Điều 9 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

Điều 9. Xác định giá xây dựng công trình

1. Giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp. Giá xây dựng công trình xác định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục IV Thông tư này.

2. Chủ đầu tư sử dụng hệ thống giá xây dựng công trình quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư này làm cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trường hợp tổ chức xác định giá xây dựng công trình theo đơn giá xây dựng chi tiết, hoặc giá xây dựng tổng hợp trên cơ sở định mức xây dựng, thì giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xác định theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này.

3. Giá vật liệu xây dựng:

a) Giá vật liệu xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp vật liệu xây dựng chưa có trong công bố giá hoặc đã có nhưng chủng loại vật liệu không phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, khả năng cung ứng và các điều kiện cụ thể khác theo từng dự án, công trình thì giá vật liệu xây dựng để xác định giá xây dựng công trình được thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá lựa chọn trên cơ sở tham khảo các nguồn thông tin về giá vật liệu xây dựng theo hướng dẫn tại điểm b mục 1.2.1.1 Phụ lục IV Thông tư này. Việc lựa chọn giá vật liệu xây dựng phải khách quan, minh bạch, đảm bảo hiệu quả của dự án.

c) Khuyến khích lựa chọn vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng và xác định chi phí đầu tư xây dựng cho công trình, dự án nhưng phải đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng yêu cầu của dự án.

d) Trường hợp dự án có yêu cầu phải sử dụng vật liệu xây dựng đặc thù, không phổ biến trên thị trường, hoặc sử dụng vật liệu nhập khẩu thì phải thuyết minh cụ thể trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh thiết kế xây dựng.

đ) Các tiêu chí cần đánh giá, xem xét khi lựa chọn giá vật liệu xây dựng để xác định giá xây dựng công trình theo hướng dẫn tại điểm a mục 1.2.1.1 Phụ lục IV Thông tư này.

e) Phương pháp xác định giá vật liệu đến hiện trường công trình thực hiện theo hướng dẫn tại mục 1.2.1.2 Phụ lục IV Thông tư này.

4. Đơn giá nhân công xây dựng

a) Đơn giá nhân công xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp đơn giá nhân công xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố không phù hợp với đặc thù của công tác, công trình, dự án, chủ đầu tư tổ chức khảo sát, xác định đơn giá nhân công xây dựng theo phương pháp quy định tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình để quyết định áp dụng khi xác định giá xây dựng công trình. Trong quá trình xác định đơn giá nhân công xây dựng, Sở xây dựng thực hiện hướng dẫn về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng khi chủ đầu tư có yêu cầu.

c) Chủ đầu tư gửi hồ sơ kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng tại điểm b khoản này về Sở Xây dựng để theo dõi, quản lý; hồ sơ kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng gửi về Sở Xây dựng phải thể hiện được căn cứ, phương pháp, kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng, các biểu mẫu (nếu có) theo phương pháp quy định; hàng năm Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng.

5. Giá ca máy và thiết bị thi công:

a) Giá ca máy và thiết bị thi công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp giá ca máy và thiết bị thi công chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc đã có nhưng chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng và điều kiện thi công của công trình, dự án, chủ đầu tư tổ chức khảo sát, xác định giá ca máy và thiết bị thi công theo phương pháp quy định tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình để quyết định áp dụng khi xác định giá xây dựng công trình. Trong quá trình xác định giá ca máy và thiết bị thi công, Sở Xây dựng thực hiện hướng dẫn về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công khi chủ đầu tư có yêu cầu.

c) Chủ đầu tư gửi hồ sơ kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công tại điểm b khoản này về Sở Xây dựng để theo dõi, quản lý; hồ sơ kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công gửi về Sở Xây dựng phải thể hiện được căn cứ, phương pháp, kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công, các biểu mẫu (nếu có) theo phương pháp quy định; hàng năm Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng.

6. Đối với công trình được xây dựng trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, chủ đầu tư tổ chức xác định giá xây dựng công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đảm bảo thuận lợi trong xác định chi phí, tiết kiệm và hiệu quả dự án, phù hợp với khả năng cung ứng các nguồn lực theo kế hoạch thực hiện.*
...
PHỤ LỤC IV PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

*Mục 1.2.1.1 Phụ lục IV được sửa đổi bởi Khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024

(Xem chi tiết tại văn bản*

Xem nội dung VB
Điều 24. Giá xây dựng công trình

1. Giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp, làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng.

a) Đơn giá xây dựng chi tiết được xác định cho các công tác xây dựng;

b) Giá xây dựng tổng hợp được xác định theo nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình.

2. Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình được xác định trên cơ sở định mức xây dựng, giá vật tư, vật liệu, cấu kiện xây dựng, giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công và các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình tại thời điểm xác định và các quy định khác có liên quan hoặc theo đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.

3. Giá xây dựng tổng hợp của công trình được xác định trên cơ sở tổng hợp từ các đơn giá xây dựng chi tiết cho một đơn vị tính của nhóm công tác, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình, theo giá được công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Thông tư 11/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Xác định giá xây dựng công trình

1. Giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp. Giá xây dựng công trình xác định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục IV Thông tư này.

2. Chủ đầu tư sử dụng hệ thống giá xây dựng công trình quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư này làm cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trường hợp tổ chức xác định giá xây dựng công trình theo đơn giá xây dựng chi tiết, hoặc giá xây dựng tổng hợp trên cơ sở định mức xây dựng, thì giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xác định theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này.

3. Giá vật liệu xây dựng:

a) Giá vật liệu xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp vật liệu xây dựng chưa có trong công bố giá hoặc đã có nhưng chủng loại vật liệu không phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, khả năng cung ứng và các điều kiện cụ thể khác theo từng dự án, công trình thì giá vật liệu xây dựng để xác định giá xây dựng công trình được thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá lựa chọn trên cơ sở tham khảo các nguồn thông tin về giá vật liệu xây dựng theo hướng dẫn tại điểm b mục 1.2.1.1 Phụ lục IV Thông tư này. Việc lựa chọn giá vật liệu xây dựng phải khách quan, minh bạch, đảm bảo hiệu quả của dự án.

c) Khuyến khích lựa chọn vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng và xác định chi phí đầu tư xây dựng cho công trình, dự án nhưng phải đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng yêu cầu của dự án.

d) Trường hợp dự án có yêu cầu phải sử dụng vật liệu xây dựng đặc thù, không phổ biến trên thị trường, hoặc sử dụng vật liệu nhập khẩu thì phải thuyết minh cụ thể trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh thiết kế xây dựng.

đ) Các tiêu chí cần đánh giá, xem xét khi lựa chọn giá vật liệu xây dựng để xác định giá xây dựng công trình theo hướng dẫn tại điểm a mục 1.2.1.1 Phụ lục IV Thông tư này.

e) Phương pháp xác định giá vật liệu đến hiện trường công trình thực hiện theo hướng dẫn tại mục 1.2.1.2 Phụ lục IV Thông tư này.

4. Đơn giá nhân công xây dựng

a) Đơn giá nhân công xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp đơn giá nhân công xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố không phù hợp với đặc thù của công tác, công trình, dự án, chủ đầu tư tổ chức khảo sát, xác định đơn giá nhân công xây dựng theo phương pháp quy định tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình để quyết định áp dụng khi xác định giá xây dựng công trình. Trong quá trình xác định đơn giá nhân công xây dựng, Sở xây dựng thực hiện hướng dẫn về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng khi chủ đầu tư có yêu cầu.

c) Chủ đầu tư gửi hồ sơ kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng tại điểm b khoản này về Sở Xây dựng để theo dõi, quản lý; hồ sơ kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng gửi về Sở Xây dựng phải thể hiện được căn cứ, phương pháp, kết quả xác định đơn giá nhân công xây dựng, các biểu mẫu (nếu có) theo phương pháp quy định; hàng năm Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng.

5. Giá ca máy và thiết bị thi công:

a) Giá ca máy và thiết bị thi công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình.

b) Trường hợp giá ca máy và thiết bị thi công chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc đã có nhưng chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng và điều kiện thi công của công trình, dự án, chủ đầu tư tổ chức khảo sát, xác định giá ca máy và thiết bị thi công theo phương pháp quy định tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình để quyết định áp dụng khi xác định giá xây dựng công trình. Trong quá trình xác định giá ca máy và thiết bị thi công, Sở Xây dựng thực hiện hướng dẫn về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công khi chủ đầu tư có yêu cầu.

c) Chủ đầu tư gửi hồ sơ kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công tại điểm b khoản này về Sở Xây dựng để theo dõi, quản lý; hồ sơ kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công gửi về Sở Xây dựng phải thể hiện được căn cứ, phương pháp, kết quả xác định giá ca máy và thiết bị thi công, các biểu mẫu (nếu có) theo phương pháp quy định; hàng năm Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng.

6. Đối với công trình được xây dựng trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, chủ đầu tư tổ chức xác định giá xây dựng công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đảm bảo thuận lợi trong xác định chi phí, tiết kiệm và hiệu quả dự án, phù hợp với khả năng cung ứng các nguồn lực theo kế hoạch thực hiện.”
...
PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 11/2021/TT-BXD
...
3. Sửa đổi, bổ sung mục 1.2.1.1 Phụ lục IV như sau:

“1.2.1.1. Chi phí vật liệu được xác định theo công thức

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

- Vi: lượng hao phí vật liệu chủ yếu thứ i (i=1÷n) tính cho một đơn vị khối lượng công tác xây dựng trong định mức dự toán;

- Givl: giá của một đơn vị vật liệu thứ i (i=1÷n) được xác định đảm bảo nguyên tắc:

+ Phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng vật liệu, yêu cầu sử dụng vật liệu của công trình, dự án;

+ Phù hợp với nhu cầu, kế hoạch dự kiến sử dụng vật liệu của công trình về tiến độ, khối lượng cung cấp; thời điểm lập, mặt bằng giá thị trường tại nơi xây dựng công trình và được tính đến hiện trường công trình theo hướng dẫn tại mục 1.2.1.2 Phụ lục này.

- Kvl: hệ số tính chi phí vật liệu khác (nếu có) so với tổng chi phí vật liệu chủ yếu xác định trong định mức dự toán.

a) Các tiêu chí cần đánh giá, xem xét khi lựa chọn giá vật liệu xây dựng:

- Yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến vật liệu xây dựng (gồm cả yêu cầu về sử dụng vật liệu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường) nêu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thuyết minh thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật,...

- Yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ vật liệu xây dựng (gồm cả yêu cầu về sử dụng vật liệu nhập khẩu (nếu có)).

- Khả năng cung ứng vật liệu liên quan đến cự ly vận chuyển, tiến độ, khối lượng cung cấp, điều kiện thương mại.

- Các điều kiện cụ thể khác theo từng dự án, công trình.

b) Các nguồn thông tin về giá vật liệu xây dựng:

- Thông tin về giá vật liệu xây dựng trong hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

- Báo giá của nhà sản xuất, nhà cung cấp có đăng ký, được cấp phép kinh doanh theo quy định được sử dụng để xác định giá vật liệu xây dựng cần đầy đủ thông tin về khối lượng, số lượng, quy cách, chủng loại, nhãn mác, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ vật liệu xây dựng, địa điểm cung cấp, điều kiện vận chuyển, điều kiện thanh toán, thuế, phí và các thông tin liên quan khác (nếu có).

- Thông tin về giá của vật liệu xây dựng tương tự về chủng loại, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ trong dự án, công trình đã thực hiện (nếu có) được sử dụng để xác định giá vật liệu xây dựng là thông tin về giá vật liệu xây dựng trong hồ sơ quyết toán; và/hoặc thông tin về giá vật liệu xây dựng trong hợp đồng cung cấp thiết bị đã được ký kết; và/hoặc thông tin về giá vật liệu xây dựng trong dự toán xây dựng được duyệt.

- Thông tin về giá vật liệu xây dựng trong chứng thư thẩm định giá (nếu có) được sử dụng để xác định giá vật liệu xây dựng là giá nêu trong chứng thư thẩm định giá do đơn vị đủ điều kiện năng lực thẩm định giá theo quy định phát hành.

- Thông tin về giá vật liệu xây dựng trên trang thông tin điện tử (website) của các cơ quan, tổ chức có chức năng thu thập, tổng hợp, công bố thông tin theo quy định của pháp luật.

- Các nguồn thông tin hợp pháp khác (nếu có).”

c) Tùy thuộc các điều kiện cụ thể của dự án, công trình liên quan đến yêu cầu về vật liệu xây dựng, chủ đầu tư lựa chọn xác định giá vật liệu xây dựng theo nguyên tắc lựa chọn giá phù hợp nhất đáp ứng các tiêu chí nêu tại điểm a mục này khi trình/thẩm định chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở các nguồn thông tin về giá vật liệu xây dựng nêu tại điểm b mục này, đảm bảo kinh tế, cạnh tranh, tiết kiệm, hiệu quả.”

Xem nội dung VB
Điều 24. Giá xây dựng công trình

1. Giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp, làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng.

a) Đơn giá xây dựng chi tiết được xác định cho các công tác xây dựng;

b) Giá xây dựng tổng hợp được xác định theo nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình.

2. Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình được xác định trên cơ sở định mức xây dựng, giá vật tư, vật liệu, cấu kiện xây dựng, giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công và các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình tại thời điểm xác định và các quy định khác có liên quan hoặc theo đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.

3. Giá xây dựng tổng hợp của công trình được xác định trên cơ sở tổng hợp từ các đơn giá xây dựng chi tiết cho một đơn vị tính của nhóm công tác, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình, theo giá được công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Thông tư 11/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2024
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 10. Chỉ số giá xây dựng

1. Chỉ số giá xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP phải đảm bảo kịp thời, phản ánh khách quan, phù hợp với xu hướng biến động giá của thị trường trong khoảng thời gian được lựa chọn; không tính đến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, lãi vay trong thời gian xây dựng, vốn lưu động ban đầu cho sản xuất kinh doanh. Đơn vị tính chỉ số giá xây dựng là phần trăm (%).

2. Việc lựa chọn danh mục công trình để xác định, công bố chỉ số giá xây dựng cần căn cứ vào yêu cầu quản lý, các quy định về quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đặc điểm loại hình công trình trên địa bàn. Số lượng công trình đại diện để tính toán chỉ số giá xây dựng cho công trình trong danh mục được lựa chọn không ít hơn 03 công trình.

3. Cơ cấu các chi phí sử dụng để xác định chỉ số giá xây dựng được tổng hợp từ số liệu thống kê, phải phù hợp với cơ cấu chi phí theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và được sử dụng cố định cho đến khi có sự thay đổi thời điểm gốc quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

4. Lựa chọn các yếu tố chi phí đầu vào để xác định chỉ số giá xây dựng:

a) Các yếu tố chi phí đầu vào đại diện để xác định chỉ số giá xây dựng là các chi phí về loại vật liệu, nhân công, máy thi công xây dựng chủ yếu cho công trình hoặc loại công trình; và được lựa chọn theo nguyên tắc tổng tỷ trọng chi phí cho các loại vật liệu, nhân công, máy thi công xây dựng chủ yếu này phải chiếm trên 80% trong chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công xây dựng tương ứng của công trình. Danh mục vật liệu để xác định chỉ số giá xây dựng phải được thống nhất về chủng loại, quy cách, nhãn mác. Danh mục nhân công xây dựng để xác định chỉ số giá xây dựng phải được thống nhất về nhóm, cấp bậc thợ. Danh mục máy và thiết bị thi công để xác định chỉ số giá xây dựng phải được thống nhất về chủng loại và công suất.

b) Giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 8 và các quy định tại điểm b khoản 3, điểm b khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 9 Thông tư này.

5. Thời điểm gốc và thời điểm công bố chỉ số giá xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

a) Thời điểm gốc là năm 2020, thời điểm so sánh là thời điểm công bố chỉ số giá xây dựng so với thời điểm gốc. Bộ Xây dựng quy định về thời điểm thay đổi thời điểm gốc để các địa phương điều chỉnh cho phù hợp.

*Điểm a khoản 5 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025

a) Thời điểm gốc là năm 2020, thời điểm so sánh là thời điểm công bố chỉ số giá xây dựng so với thời điểm gốc. Từ năm 2026, thời điểm gốc là năm 2025. Thời điểm gốc được điều chỉnh định kỳ 5 năm và xác định là năm thứ 5 của kỳ liền kề trước đó;*

b) Đối với các chỉ số giá xây dựng công bố theo quý, thời điểm công bố là trước ngày 15 tháng đầu quý sau. Đối với các chỉ số giá xây dựng công bố theo năm, thời điểm công bố là trước ngày 15 tháng một năm sau.

c) Trường hợp cần công bố chỉ số giá xây dựng theo tháng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng trên địa bàn. Thời điểm công bố chỉ số giá xây dựng theo tháng là trước ngày mùng 10 tháng sau.

6. Căn cứ danh mục công trình, phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng quy định tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình, các quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này, Sở Xây dựng tổ chức xác định chỉ số giá xây dựng làm cơ sở để công bố theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

7. Xác định chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh giá hợp đồng quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP như sau:

a) Loại chỉ số giá xây dựng được lựa chọn để tính toán điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại chỉ số giá xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và thỏa thuận trong hợp đồng.

b) Cơ cấu chi phí để xác định chỉ số giá xây dựng được xác định phù hợp với quy định của Thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, Thông tư quy định phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

c) Lựa chọn các yếu tố chi phí đầu vào để xác định chỉ số giá xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều này.

d) Thời điểm gốc, thời điểm so sánh để xác định chỉ số giá xây dựng phải căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng, tiến độ thực hiện của hợp đồng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng.

đ) Danh mục hồ sơ xin ý kiến về chỉ số giá theo hướng dẫn tại Phụ lục IX Thông tư này.
...
PHỤ LỤC IX DANH MỤC HỒ SƠ XIN Ý KIẾN CHỈ SỐ GIÁ XÂY DỰNG

Xem nội dung VB
Điều 27. Chỉ số giá xây dựng

1. Chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian, làm cơ sở xác định, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, giá hợp đồng xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Chỉ số giá xây dựng gồm chỉ số giá xây dựng theo loại công trình, theo ca cấu chi phí (gồm chỉ số giá phần xây dựng, chỉ số giá phần thiết bị, chỉ số giá phần chi phí khác), yếu tố chi phí (gồm chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình, chỉ số giá nhân công xây dựng, chỉ số giá máy và thiết bị thi công xây dựng) và chỉ số giá của một số vật liệu chủ yếu.

3. Việc xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng được thực hiện như sau:

a) Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; xác định và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia theo năm;

b) Sở Xây dựng tổ chức xác định chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn (gồm đủ các chỉ số giá quy định tại khoản 2 Điều này) làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hoặc phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố theo định kỳ hàng quý, hàng năm hoặc sớm hơn khi cần thiết; đồng thời gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.

4. Trường hợp sử dụng chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, đối với các công trình chưa có trong danh mục chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thì chủ đầu tư tổ chức xác định chỉ số giá theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn, gửi Bộ Xây dựng (đối với công trình xây dựng theo tuyến trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh) cho ý kiến về sự phù hợp của phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng, tính đúng đắn, hợp lý của việc xác định chỉ số giá.

5. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực hoạt động, hành nghề theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để tính toán chỉ số giá xây dựng tại khoản 4 Điều này.

6. Kinh phí cho việc thu thập số liệu, xác định và công bố chỉ số giá xây dựng quy định tại khoản 3 Điều này được bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm.
Nội dung sửa đổi Điều này tại Thông tư 11/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình, Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
...
2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 Điều 10 như sau:

“a) Thời điểm gốc là năm 2020, thời điểm so sánh là thời điểm công bố chỉ số giá xây dựng so với thời điểm gốc. Từ năm 2026, thời điểm gốc là năm 2025. Thời điểm gốc được điều chỉnh định kỳ 5 năm và xác định là năm thứ 5 của kỳ liền kề trước đó;”.

Xem nội dung VB
Điều 27. Chỉ số giá xây dựng

1. Chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian, làm cơ sở xác định, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, giá hợp đồng xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Chỉ số giá xây dựng gồm chỉ số giá xây dựng theo loại công trình, theo ca cấu chi phí (gồm chỉ số giá phần xây dựng, chỉ số giá phần thiết bị, chỉ số giá phần chi phí khác), yếu tố chi phí (gồm chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình, chỉ số giá nhân công xây dựng, chỉ số giá máy và thiết bị thi công xây dựng) và chỉ số giá của một số vật liệu chủ yếu.

3. Việc xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng được thực hiện như sau:

a) Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; xác định và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia theo năm;

b) Sở Xây dựng tổ chức xác định chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn (gồm đủ các chỉ số giá quy định tại khoản 2 Điều này) làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hoặc phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố theo định kỳ hàng quý, hàng năm hoặc sớm hơn khi cần thiết; đồng thời gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.

4. Trường hợp sử dụng chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, đối với các công trình chưa có trong danh mục chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thì chủ đầu tư tổ chức xác định chỉ số giá theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn, gửi Bộ Xây dựng (đối với công trình xây dựng theo tuyến trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh) cho ý kiến về sự phù hợp của phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng, tính đúng đắn, hợp lý của việc xác định chỉ số giá.

5. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực hoạt động, hành nghề theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để tính toán chỉ số giá xây dựng tại khoản 4 Điều này.

6. Kinh phí cho việc thu thập số liệu, xác định và công bố chỉ số giá xây dựng quy định tại khoản 3 Điều này được bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Nội dung sửa đổi Điều này tại Thông tư 11/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 08/03/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 11. Suất vốn đầu tư xây dựng

1. Suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP là căn cứ để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng của dự án, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình ở giai đoạn chuẩn bị dự án. Thời điểm công bố suất vốn đầu tư xây dựng là trước ngày 31 tháng một năm sau.

2. Suất vốn đầu tư xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được công bố hàng năm, chưa bao gồm chi phí thực hiện một số công việc theo yêu cầu riêng của dự án, gồm:

a) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

b) Lãi vay trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng đối với các dự án có sử dụng vốn vay;

c) Vốn lưu động ban đầu đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh;

d) Chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án;

đ) Một số chi phí có tính chất riêng biệt theo từng dự án như: đánh giá tác động môi trường và xử lý các tác động của dự án đến môi trường; đăng kiểm chất lượng quốc tế, quan trắc biến dạng công trình; chi phí kiểm định chất lượng công trình; gia cố đặc biệt về nền móng công trình; chi phí thuê tư vấn nước ngoài; chi phí có tính chất riêng khác.

3. Suất vốn đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở dữ liệu thu thập, tính toán từ thực tế; hoặc từ hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có; hoặc kết hợp. Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

Xem nội dung VB
Điều 25. Suất vốn đầu tư xây dựng

1. Suất vốn đầu tư xây dựng là mức chi phí cần thiết cho một đơn vị tính theo diện tích, thể tích, chiều dài hoặc công suất hoặc năng lực phục vụ của công trình theo thiết kế, là căn cứ để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng.

2. Suất vốn đầu tư xây dựng gồm: chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; một số khoản mục chi phí khác và thuế giá trị gia tăng cho các chi phí nêu trên. Suất vốn đầu tư xây dựng chưa gồm chi phí dự phòng và chi phí thực hiện một số loại công việc theo yêu cầu riêng của dự án, công trình.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 12. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng

1. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng là quy đổi các khoản mục chi phí đầu tư gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có), chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác được quyết toán về mặt bằng giá tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng phải phản ánh đủ các chi phí đầu tư đã thực hiện của dự án đầu tư xây dựng về thời điểm quy đổi. Báo cáo quy đổi vốn đầu tư xây dựng được lập cùng hồ sơ quyết toán để trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

2. Việc quy đổi vốn đầu tư xây dựng thực hiện đối với dự án, công trình có thời gian thi công xây dựng lớn hơn 02 năm kể từ ngày bắt đầu thi công xây dựng đến ngày nghiệm thu hoàn thành.

3. Phương pháp quy đổi vốn đầu tư xây dựng, mẫu báo cáo kết quả quy đổi vốn đầu tư xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục VII Thông tư này.
...
PHỤ LỤC VII PHƯƠNG PHÁP QUY ĐỔI VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Xem nội dung VB
Điều 31. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

1. Các công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm:
...
g) Thực hiện việc quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình sau khi hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng (nếu có);
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 12. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng

1. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng là quy đổi các khoản mục chi phí đầu tư gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có), chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác được quyết toán về mặt bằng giá tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng phải phản ánh đủ các chi phí đầu tư đã thực hiện của dự án đầu tư xây dựng về thời điểm quy đổi. Báo cáo quy đổi vốn đầu tư xây dựng được lập cùng hồ sơ quyết toán để trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

2. Việc quy đổi vốn đầu tư xây dựng thực hiện đối với dự án, công trình có thời gian thi công xây dựng lớn hơn 02 năm kể từ ngày bắt đầu thi công xây dựng đến ngày nghiệm thu hoàn thành.

3. Phương pháp quy đổi vốn đầu tư xây dựng, mẫu báo cáo kết quả quy đổi vốn đầu tư xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục VII Thông tư này.
...
PHỤ LỤC VII PHƯƠNG PHÁP QUY ĐỔI VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Xem nội dung VB
Điều 31. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

1. Các công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm:
...
g) Thực hiện việc quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình sau khi hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng (nếu có);
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 13. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
1. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và một số quy định cụ thể sau:

a) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) quy định tại Thông tư ban hành định mức xây dựng.

b) Đối với công việc tư vấn chưa có định mức hoặc đã có định mức nhưng chưa phù hợp thì chi phí tư vấn được xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung công việc cần thực hiện theo hướng dẫn tại mục II Phụ lục VI Thông tư này.

c) Đối với một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thực hiện trước khi xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình thì chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở giá trị đã được phê duyệt; hoặc hợp đồng tư vấn đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật.

d) Chi phí thí nghiệm chuyên ngành xây dựng xác định bằng dự toán như chi phí xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

đ) Chi phí khảo sát xây dựng được xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục V Thông tư này.

2. Chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện một số loại công việc tư vấn đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phương pháp lập dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài theo hướng dẫn tại mục III Phụ lục VI Thông tư này.
...
PHỤ LỤC V PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DỰ TOÁN CHI PHÍ KHẢO SÁT XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC VI PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DỰ TOÁN CHI PHÍ TƯ VẤN

Xem nội dung VB
Điều 31. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

1. Các công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm:

a) Lập nhiệm vụ, lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, lập nhiệm vụ thiết kế; thực hiện khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có), Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (nếu có), Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;

b) Thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có), Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; thẩm tra thiết kế công nghệ của dự án (nếu có); thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thi tuyển phương án kiến trúc; thiết kế xây dựng công trình; thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, dự toán xây dựng;

c) Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; giám sát thi công xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị;

d) Lập, thẩm tra định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng công trình; thẩm tra an toàn giao thông; áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM);

đ) Tư vấn quản lý dự án (trong trường hợp thuê tư vấn); thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư (nếu có); kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, toàn bộ công trình (nếu có); giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình (trong trường hợp thuê tư vấn);

e) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc và giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

g) Thực hiện việc quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình sau khi hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng (nếu có);

h) Các công việc tư vấn khác có liên quan.

2. Nội dung chi phí công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm chi phí nhân công tư vấn (tiền lương, các khoản phụ cấp lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, trích nộp khác theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thực hiện công việc tư vấn tại dự án); chi phí ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hệ thống thông tin công trình; chi phí thanh toán các dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng phẩm, thông tin, liên lạc; chi phí thuê mướn, sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ tư vấn cho dự án (nếu có); chi phí quản lý của tổ chức tư vấn; chi phí khác; thu nhập chịu thuế tính trước; thuế giá trị gia tăng và chi phí dự phòng. Riêng chi phí khảo sát xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng gồm các khoản mục chi phí quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này và các chi phí khác có liên quan (nếu có).

3. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng ban hành hoặc bằng cách lập dự toán trên cơ sở phạm vi công việc tư vấn, khối lượng công việc phải thực hiện, kế hoạch thực hiện của gói thầu và các quy định về chế độ, chính sách do nhà nước ban hành.

4. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã phê duyệt là chi phí tối đa để thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng và chỉ được điều chỉnh khi thay đổi về phạm vi công việc, điều kiện và tiến độ thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được quản lý thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng.

5. Trường hợp chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thì được bổ sung chi phí thực hiện các công việc này vào chi phí quản lý dự án.

6. Chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện một số loại công việc tư vấn thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 13. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
1. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và một số quy định cụ thể sau:

a) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) quy định tại Thông tư ban hành định mức xây dựng.

b) Đối với công việc tư vấn chưa có định mức hoặc đã có định mức nhưng chưa phù hợp thì chi phí tư vấn được xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung công việc cần thực hiện theo hướng dẫn tại mục II Phụ lục VI Thông tư này.

c) Đối với một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thực hiện trước khi xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình thì chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở giá trị đã được phê duyệt; hoặc hợp đồng tư vấn đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật.

d) Chi phí thí nghiệm chuyên ngành xây dựng xác định bằng dự toán như chi phí xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

đ) Chi phí khảo sát xây dựng được xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục V Thông tư này.

2. Chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện một số loại công việc tư vấn đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phương pháp lập dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài theo hướng dẫn tại mục III Phụ lục VI Thông tư này.
...
PHỤ LỤC V PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DỰ TOÁN CHI PHÍ KHẢO SÁT XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC VI PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DỰ TOÁN CHI PHÍ TƯ VẤN

Xem nội dung VB
Điều 31. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

1. Các công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm:

a) Lập nhiệm vụ, lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, lập nhiệm vụ thiết kế; thực hiện khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có), Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (nếu có), Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;

b) Thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có), Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; thẩm tra thiết kế công nghệ của dự án (nếu có); thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thi tuyển phương án kiến trúc; thiết kế xây dựng công trình; thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, dự toán xây dựng;

c) Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; giám sát thi công xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị;

d) Lập, thẩm tra định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng công trình; thẩm tra an toàn giao thông; áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM);

đ) Tư vấn quản lý dự án (trong trường hợp thuê tư vấn); thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư (nếu có); kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, toàn bộ công trình (nếu có); giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình (trong trường hợp thuê tư vấn);

e) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc và giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

g) Thực hiện việc quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình sau khi hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng (nếu có);

h) Các công việc tư vấn khác có liên quan.

2. Nội dung chi phí công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm chi phí nhân công tư vấn (tiền lương, các khoản phụ cấp lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, trích nộp khác theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thực hiện công việc tư vấn tại dự án); chi phí ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hệ thống thông tin công trình; chi phí thanh toán các dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng phẩm, thông tin, liên lạc; chi phí thuê mướn, sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ tư vấn cho dự án (nếu có); chi phí quản lý của tổ chức tư vấn; chi phí khác; thu nhập chịu thuế tính trước; thuế giá trị gia tăng và chi phí dự phòng. Riêng chi phí khảo sát xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng gồm các khoản mục chi phí quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này và các chi phí khác có liên quan (nếu có).

3. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng ban hành hoặc bằng cách lập dự toán trên cơ sở phạm vi công việc tư vấn, khối lượng công việc phải thực hiện, kế hoạch thực hiện của gói thầu và các quy định về chế độ, chính sách do nhà nước ban hành.

4. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã phê duyệt là chi phí tối đa để thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng và chỉ được điều chỉnh khi thay đổi về phạm vi công việc, điều kiện và tiến độ thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được quản lý thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng.

5. Trường hợp chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thì được bổ sung chi phí thực hiện các công việc này vào chi phí quản lý dự án.

6. Chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện một số loại công việc tư vấn thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Chương này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 3. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng
1. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và phương pháp hướng dẫn tại mục I Phụ lục I Thông tư này. Trường hợp chưa có dữ liệu suất vốn đầu tư xây dựng được công bố, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở dữ liệu chi phí của các dự án tương tự đã thực hiện, có điều chỉnh, bổ sung những chi phí cần thiết khác và quy đổi chi phí cho phù hợp với địa điểm xây dựng, đặc điểm, tính chất của dự án, thời điểm xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng.

2. Tổng mức đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, phương pháp hướng dẫn tại mục II Phụ lục I Thông tư này và một số quy định cụ thể sau:

a) Cơ sở để xác định tổng mức đầu tư xây dựng gồm: thiết kế cơ sở, quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng, giải pháp công nghệ và kỹ thuật, thiết bị chủ yếu; giải pháp về kiến trúc, kết cấu chính của công trình; giải pháp về xây dựng và vật liệu chủ yếu; điều kiện, kế hoạch thực hiện dự án và các yêu cầu cần thiết khác của dự án.

b) Một số khoản mục chi phí thuộc nội dung chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác của dự án nếu chưa có quy định hoặc chưa đủ cơ sở để xác định thì được dự tính trong tổng mức đầu tư xây dựng.

3. Đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được bổ sung các khoản mục chi phí cần thiết khác cho phù hợp với đặc thù, tính chất của dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn này theo các quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được ký kết và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là dự án PPP) được bổ sung các khoản mục chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
...
PHỤ LỤC I PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SƠ BỘ TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG


Xem nội dung VB
Chương II SƠ BỘ TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
Chương này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Chương này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
...
Điều 3. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng
1. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và phương pháp hướng dẫn tại mục I Phụ lục I Thông tư này. Trường hợp chưa có dữ liệu suất vốn đầu tư xây dựng được công bố, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở dữ liệu chi phí của các dự án tương tự đã thực hiện, có điều chỉnh, bổ sung những chi phí cần thiết khác và quy đổi chi phí cho phù hợp với địa điểm xây dựng, đặc điểm, tính chất của dự án, thời điểm xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng.

2. Tổng mức đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, phương pháp hướng dẫn tại mục II Phụ lục I Thông tư này và một số quy định cụ thể sau:

a) Cơ sở để xác định tổng mức đầu tư xây dựng gồm: thiết kế cơ sở, quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng, giải pháp công nghệ và kỹ thuật, thiết bị chủ yếu; giải pháp về kiến trúc, kết cấu chính của công trình; giải pháp về xây dựng và vật liệu chủ yếu; điều kiện, kế hoạch thực hiện dự án và các yêu cầu cần thiết khác của dự án.

b) Một số khoản mục chi phí thuộc nội dung chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác của dự án nếu chưa có quy định hoặc chưa đủ cơ sở để xác định thì được dự tính trong tổng mức đầu tư xây dựng.

3. Đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được bổ sung các khoản mục chi phí cần thiết khác cho phù hợp với đặc thù, tính chất của dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn này theo các quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được ký kết và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là dự án PPP) được bổ sung các khoản mục chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
...
PHỤ LỤC I PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SƠ BỘ TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG


Xem nội dung VB
Chương II SƠ BỘ TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TỔNG MỨC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
Chương này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021
Định mức xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 12/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/10/2021
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư ban hành định mức xây dựng.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các định mức xây dựng sau:

1. Định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình tại Phụ lục I;

2. Định mức dự toán xây dựng công trình tại Phụ lục II;

3. Định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật của công trình tại Phụ lục III;

4. Định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ tại Phụ lục IV;

5. Định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng tại Phụ lục V;

6. Định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng tại Phụ lục VI;

7. Định mức sử dụng vật liệu xây dựng tại Phụ lục VII;

8. Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng tại Phụ lục VIII.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021.

Điều 3. Định mức xây dựng quy định tại Thông tư này thay thế định mức xây dựng đã ban hành tại Thông tư số 10/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng; Thông tư số 16/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng và thay thế Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư số 02/2020/TT-BXD ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Thông tư có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Điều 4. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến xác định và quản lý chi phí của các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

File được đính kèm theo văn bản

Xem nội dung VB
Điều 20. Hệ thống định mức xây dựng
...
6. Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung trong phạm vi cả nước. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 09/2024/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 09/2024/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/10/2024
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ);
...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng gồm: Định mức dự toán xây dựng công trình, Định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ, Định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng, Định mức sử dụng vật liệu xây dựng, Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng đã ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chi tiết cụ thể tại các Phụ lục kèm theo Thông tư này.
...
KẾT CẤU ĐỊNH MỨC XÂY DỰNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ
...
PHỤ LỤC I SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH BAN HÀNH TẠI PHỤ LỤC II THÔNG TƯ SỐ 12/2021/TT-BXD NGÀY 31/8/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC II BỔ SUNG ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN LẮP ĐẶT MÁY VÀ THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ BAN HÀNH TẠI PHỤ LỤC IV THÔNG TƯ SỐ 12/2021/TT-BXD NGÀY 31/8/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC III SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN SỬA CHỮA VÀ BẢO DƯỠNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG BAN HÀNH TẠI PHỤ LỤC VI THÔNG TƯ SỐ 12/2021/TT-BXD NGÀY 31/8/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC IV BỔ SUNG ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG BAN HÀNH TẠI PHỤ LỤC VII THÔNG TƯ SỐ 12/2021/TT-BXD NGÀY 31/8/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
...
PHỤ LỤC V SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐỊNH MỨC CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG BAN HÀNH TẠI PHỤ LỤC VIII THÔNG TƯ SỐ 12/2021/TT-BXD NGÀY 31/8/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Xem nội dung VB
Điều 20. Hệ thống định mức xây dựng
...
6. Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung trong phạm vi cả nước. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 12/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Thông tư 08/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/07/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ);
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng gồm: Định mức dự toán xây dựng công trình, Định mức sử dụng vật liệu xây dựng, Định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chi tiết cụ thể tại các Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Quy định chuyển tiếp

Việc chuyển tiếp áp dụng định mức xây dựng sửa đổi, bổ sung ban hành tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 44 của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2025./.
...

PHỤ LỤC I SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH BAN HÀNH TẠI PHỤ LỤC II THÔNG TƯ SỐ 12/2021/TT-BXD NGÀY 31/8/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

CHƯƠNG II CÔNG TÁC THI CÔNG ĐẤT, ĐÁ, CÁT
...
CHƯƠNG III CÔNG TÁC THI CÔNG CỌC
...
CHƯƠNG IV CÔNG TÁC THI CÔNG ĐƯỜNG
...
CHƯƠNG VI THI CÔNG KẾT CẤU BÊ TÔNG
...
CHƯƠNG VII CÔNG TÁC BÊ TÔNG ĐÚC SẴN
...
CHƯƠNG XI CÁC CÔNG TÁC KHÁC
...
PHỤ LỤC II BỔ SUNG ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG BAN HÀNH TẠI PHỤ LỤC VII THÔNG TƯ SỐ 12/2021/TT-BXD NGÀY 31/8/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
PHỤ LỤC III SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐỊNH MỨC CHI PHÍ TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG BAN HÀNH TẠI PHỤ LỤC VIII THÔNG TƯ SỐ 12/2021/TT-BXD NGÀY 31/8/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Xem nội dung VB
Điều 20. Hệ thống định mức xây dựng
...
6. Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung trong phạm vi cả nước. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương.
Định mức xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 12/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/10/2021
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 09/2024/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 09/2024/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/10/2024
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 12/2021/TT-BXD nay được sửa đổi bởi Thông tư 08/2025/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/07/2025
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Người nộp phí
...
Điều 3. Tổ chức thu phí
...
Điều 4. Mức thu phí
...
Điều 5. Kê khai, nộp phí
...
Điều 6. Quản lý và sử dụng phí
...
Điều 7. Tổ chức thực hiện
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG (PHÍ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HOẶC PHÍ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO KINH TẾ - KỸ THUẬT)

Xem nội dung VB
Điều 7. Thẩm tra, thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng
...
8. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm định, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở), phí thẩm định dự toán xây dựng khi thực hiện thẩm định thiết kế, dự toán các công trình xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người nộp phí.

b) Tổ chức thu phí.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Điều 2. Người nộp phí

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Chủ đầu tư nộp phí khi nhận kết quả thẩm định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 35, Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP là tổ chức thu phí.

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

2. Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng:

a) Số phí thẩm định phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số phí thẩm định phải nộp = Chi phí xây dựng x Mức thu phí.

Trong đó:

- Chi phí xây dựng (theo quy định pháp luật về quản lý chi phí xây dựng) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình đề nghị thẩm định.

- Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp công trình có chi phí xây dựng nằm trong khoảng giữa các chi phí xây dựng ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này thì số phí thẩm định được xác định theo công thức sau:

Nt
=
Nb
-
{
Nb - Na
x
(Gt - Gb)
}

Ga - Gb


Trong đó:

- Nt : Mức thu theo chi phí xây dựng cần tính (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Gt : Chi phí xây dựng cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị công trình).

- Ga : Chi phí xây dựng cận trên chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Gb : Chi phí xây dựng cận dưới chi phí cần tính định mức (đơn vị tính: giá trị).

- Na : Mức thu tương ứng với Ga (đơn vị tính: tỷ lệ %).

- Nb : Mức thu tương ứng với Gb (đơn vị tính: tỷ lệ %).

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng:

a) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế xây dựng hoặc dự toán xây dựng đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán không sử dụng nội dung đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư này cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do cơ quan trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do cơ quan địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương). Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 90% trên số tiền phí thẩm định thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí; nộp 10% trên số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí do đơn vị thuộc trung ương quản lý thu thì nộp vào ngân sách trung ương, phí do đơn vị thuộc địa phương quản lý thu thì nộp vào ngân sách địa phương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thu phí thực hiện thu phí khi trả kết quả thẩm định và mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 210/2016/TT-BTC.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

6. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ, PHÍ THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN XÂY DỰNG

1. Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Phí thẩm định dự toán xây dựng

Xem nội dung VB
Điều 13. Thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình
...
9. Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra dự toán xây dựng. Bộ Tài chính quy định phí thẩm định dự toán xây dựng.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/05/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư, nhiệm vụ (dự án hoặc chi phí) chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch (sau đây gọi chung là dự án) sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn theo văn bản cho phép dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện của người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết định đầu tư.

Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công, bao gồm: Dự án sử dụng vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước, dự án của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước; dự án sử dụng vốn vay do Chính phủ bảo lãnh theo Luật Quản lý nợ công; dự án của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; dự án sử dụng vốn nhà nước khác theo quy định pháp luật có liên quan; trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công.

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quyết toán vốn đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể áp dụng quy định tại Thông tư này để lập báo cáo quyết toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều này (trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư) và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 2. Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này áp dụng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán để thực hiện các nội dung, công việc liên quan đến quyết toán vốn đầu tư sau khi dự án hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn.

2. Các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này không phải Báo cáo tình hình quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành trong năm theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

1. Dự án đã nộp đầy đủ hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành về cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì các nội dung, công việc liên quan đến quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của dự án tiếp tục thực hiện theo văn bản quy định của người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

2. Dự án đã được thẩm tra hoặc đã được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo văn bản quy định của người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư thì không phải thẩm tra, phê duyệt lại theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Xem nội dung VB
Điều 35. Quyết toán vốn đầu tư xây dựng

1. Dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn khi cấp có thẩm quyền có văn bản dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện dự án.

2. Vốn đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa công trình, của dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được phê duyệt; hợp đồng xây dựng đã ký kết theo quy định của pháp luật kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được phê duyệt. Riêng dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

4. Nhà thầu có trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng làm cơ sở quyết toán vốn đầu tư.

5. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt; lập Hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng và quy đổi vốn đầu tư xây dựng để trình người quyết định đầu tư phê duyệt chậm nhất là 09 tháng kể từ ngày công trình được ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Đối với hạng mục công trình độc lập hoặc công trình thuộc dự án có nhiều công trình được hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng, trường hợp cần thiết phải quyết toán ngay thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

6. Cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán có trách nhiệm thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán chậm nhất là 09 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quyết toán theo quy định.

7. Chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết công nợ, tất toán tài khoản dự án tại cơ quan thanh toán vốn đầu tư trong vòng 06 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Trường hợp dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán chưa được bố trí đủ vốn, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo Người quyết định đầu tư và các cơ quan liên quan bố trí vốn để giải quyết công nợ, tất toán tài khoản dự án theo quy định.

8. Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, sau khi kết thúc niên độ ngân sách, chủ đầu tư thực hiện việc quyết toán, sử dụng vốn đầu tư theo niên độ theo quy định của Bộ Tài chính.

9. Chủ đầu tư chậm thực hiện quyết toán theo quy định tại khoản 5 Điều này bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

10. Thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư:

a) Đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, giao cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công và các dự án thành phần sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;

b) Đối với các dự án còn lại, người quyết định đầu tư là người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoặc ủy quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành;

c) Đối với dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/05/2025
Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/05/2025
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư, nhiệm vụ (dự án hoặc chi phí) chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch (sau đây gọi chung là dự án) sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn theo văn bản cho phép dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện của người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết định đầu tư.

Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công, bao gồm: Dự án sử dụng vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước, dự án của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước; dự án sử dụng vốn vay do Chính phủ bảo lãnh theo Luật Quản lý nợ công; dự án của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; dự án sử dụng vốn nhà nước khác theo quy định pháp luật có liên quan; trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công.

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quyết toán vốn đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể áp dụng quy định tại Thông tư này để lập báo cáo quyết toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều này (trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư) và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 2. Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này áp dụng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán để thực hiện các nội dung, công việc liên quan đến quyết toán vốn đầu tư sau khi dự án hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn.

2. Các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này không phải Báo cáo tình hình quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành trong năm theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

1. Dự án đã nộp đầy đủ hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành về cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì các nội dung, công việc liên quan đến quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của dự án tiếp tục thực hiện theo văn bản quy định của người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

2. Dự án đã được thẩm tra hoặc đã được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo văn bản quy định của người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư thì không phải thẩm tra, phê duyệt lại theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Xem nội dung VB
Điều 35. Quyết toán vốn đầu tư xây dựng

1. Dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn khi cấp có thẩm quyền có văn bản dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện dự án.

2. Vốn đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa công trình, của dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được phê duyệt; hợp đồng xây dựng đã ký kết theo quy định của pháp luật kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được phê duyệt. Riêng dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

4. Nhà thầu có trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng làm cơ sở quyết toán vốn đầu tư.

5. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt; lập Hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng và quy đổi vốn đầu tư xây dựng để trình người quyết định đầu tư phê duyệt chậm nhất là 09 tháng kể từ ngày công trình được ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Đối với hạng mục công trình độc lập hoặc công trình thuộc dự án có nhiều công trình được hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng, trường hợp cần thiết phải quyết toán ngay thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

6. Cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán có trách nhiệm thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán chậm nhất là 09 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quyết toán theo quy định.

7. Chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết công nợ, tất toán tài khoản dự án tại cơ quan thanh toán vốn đầu tư trong vòng 06 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Trường hợp dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán chưa được bố trí đủ vốn, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo Người quyết định đầu tư và các cơ quan liên quan bố trí vốn để giải quyết công nợ, tất toán tài khoản dự án theo quy định.

8. Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, sau khi kết thúc niên độ ngân sách, chủ đầu tư thực hiện việc quyết toán, sử dụng vốn đầu tư theo niên độ theo quy định của Bộ Tài chính.

9. Chủ đầu tư chậm thực hiện quyết toán theo quy định tại khoản 5 Điều này bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

10. Thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư:

a) Đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, giao cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công và các dự án thành phần sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;

b) Đối với các dự án còn lại, người quyết định đầu tư là người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoặc ủy quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành;

c) Đối với dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công được hướng dẫn bởi Thông tư 27/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/05/2025