Đối tượng nào được thuê nhà ở xã hội? Hợp đồng cho thuê nhà ở xã hội phải có nội dung nào?
Nội dung chính
Đối tượng nào được thuê nhà ở xã hội?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
1. Hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật này; đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định việc hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 của Luật này.
[...]
Theo đó, các đối tượng được thuê nhà ở xã hội bao gồm:
- Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
- Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
- Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
- Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
- Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Luật Nhà ở 2023, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật Nhà ở 2023.
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện của địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định thêm đối tượng được thuê nhà ở xã hội gồm:
- Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.
- Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đối tượng nào được thuê nhà ở xã hội? Hợp đồng cho thuê nhà ở xã hội phải có nội dung nào? (Hình từ Internet)
Hợp đồng cho thuê nhà ở xã hội phải có nội dung nào?
Căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội
[...]
3. Việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Việc cho thuê nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 88 của Luật này;
b) Việc cho thuê nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này;
[...]
Theo quy định này, hợp đồng cho thuê nhà ở xã hội do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung dưới đây:
- Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên.
- Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.
- Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.
- Thời hạn và phương thức thanh toán tiền.
- Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho thuê nhà ở.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Cam kết của các bên.
- Thỏa thuận khác.
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng.
- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Người thuê có được cho người khác thuê lại nhà ở xã hội không?
Căn cứ theo khoản 8 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội
[...]
8. Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được sử dụng nhà ở phục vụ vào mục đích ở cho bản thân và thành viên trong gia đình trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.
9. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê được bán nhà ở này theo cơ chế thị trường sau 10 năm kể từ ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng cho đối tượng có nhu cầu nếu dự án phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy định của pháp luật về đất đai. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế. Đối với nhà ở xã hội thuộc tài sản công thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 125 của Luật này.
[...]
Như vậy, người thuê nhà ở xã hội không được phép cho người khác thuê lại nhà ở xã hội mà chỉ được sử dụng nhà ở phục vụ vào mục đích ở cho bản thân và thành viên trong gia đình trong thời gian thuê.
Nếu người thuê nhà ở xã hội không còn nhu cầu thuê nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.