Cách tính giá thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng được quy định như thế nào?

Cách tính giá thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng được quy định như thế nào? Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được diễn ra theo các nguyên tắc nào?

Nội dung chính

    Cách tính giá thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng được quy định như thế nào?

    Giá thuê nhà ở xã hội do Nhà nước xây dựng bằng vốn công hoặc từ quỹ công đoàn sẽ được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 100/2024/NĐ-CP như sau:

    - Cách tính giá thuê: Giá thuê nhà ở xã hội được xác định dựa trên tổng chi phí đầu tư, theo quy định tại Điều 86 Luật Nhà ở 2023, gồm:

    + Giá thuê nhà ở xã hội bao gồm đầy đủ kinh phí bảo trì và chi phí thu hồi vốn đầu tư trong tối thiểu 20 năm kể từ ngày ký hợp đồng.

    + Giá thuê mua nhà ở xã hội bao gồm chi phí thu hồi vốn trong tối thiểu 5 năm từ ngày ký hợp đồng, không tính kinh phí bảo trì mà người thuê mua phải nộp.

    + Giá thuê và thuê mua không bao gồm các khoản ưu đãi theo quy định. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá này, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội từ nguồn tài chính công đoàn.

    Ngoài ra, cách tính giá thuê sẽ không bao gồm các ưu đãi quy định tại Điều 85 Luật Nhà ở 2023.

    - Công thức tính giá thuê:

    Gt= (Vd+Bt) / (12 x St) x K x (1 + GTGT)

    Trong đó:

    Gt: Giá thuê 1m² nhà ở trong 1 tháng (đồng/m²/tháng).

    Vd: Tổng chi phí đầu tư xây dựng (không tính thuế giá trị gia tăng) cho dự án nhà ở xã hội. Chi phí này sẽ được phân bổ hàng năm theo diện tích sử dụng nhà cho thuê.

    Bt: Chi phí bảo trì hàng năm cho diện tích nhà ở cho thuê, theo quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình.

    St: Diện tích sử dụng nhà ở cho thuê.

    K: Hệ số điều chỉnh giá thuê theo tầng, đảm bảo cân bằng theo diện tích nhà các tầng.

    GTGT: Thuế giá trị gia tăng theo quy định pháp luật.

    12: Số tháng trong một năm.

    - Thời gian thu hồi vốn: Người quyết định đầu tư sẽ xác định số năm thu hồi vốn, nhưng tối thiểu là 20 năm.

    - Xác định giá thuê: Giá thuê có thể được xác định cho toàn bộ dự án hoặc cho từng giai đoạn đầu tư, phù hợp với chủ trương của dự án.

    Cách tính giá thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng được quy định như thế nào?

    Cách tính giá thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Khi nào sẽ được miễn giảm tiền thuê nhà ở xã hội?

    Theo quy định tại Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì sẽ được miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội khi nhà ở xã hội đó thuộc tài sản công. Và việc miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định 100/2024/NĐ-CP như sau:

    Việc miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội thuộc tài sản công
    1. Việc miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội thuộc tài sản công thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
    a) Người được miễn, giảm tiền thuê nhà ở phải là người có tên trong Hợp đồng thuê nhà ở (bao gồm người đại diện đứng tên trong Hợp đồng và các thành viên khác có tên trong Hợp đồng thuê nhà);
    b) Việc miễn, giảm tiền thuê nhà ở chỉ xét một lần cho người thuê;
    c) Trường hợp một người thuộc đối tượng được hưởng nhiều chế độ miễn, giảm tiền thuê nhà ở thì chỉ được hưởng mức cao nhất;
    d) Trường hợp trong một hộ gia đình có từ hai người trở lên đang thuê nhà ở thuộc diện được giảm tiền thuê thì được miễn tiền thuê nhà ở.
    2. Đối tượng được miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội thuộc tài sản công bao gồm:
    a) Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
    b) Hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định về chuẩn nghèo, cận nghèo theo quy định của pháp luật;
    c) Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
    3. Mức miễn, giảm tiền thuê nhà ở
    a) Đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này được giảm tiền thuê nhà theo tỷ lệ quy định tại các văn bản hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
    b) Đối tượng quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này được giảm 60% tiền thuê nhà ở phải nộp; riêng đối với hộ gia đình nghèo, cận nghèo thì mức giảm này được tính cho cả hộ gia đình (không tính cho từng thành viên trong hộ gia đình).

    Theo đó, miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội chỉ áp dụng cho những người có tên trong hợp đồng thuê. Việc miễn, giảm chỉ được xét một lần cho mỗi người, và nếu một người đủ điều kiện hưởng nhiều chế độ, họ chỉ nhận mức hỗ trợ cao nhất. Nếu trong hộ gia đình có hai người trở lên thuê nhà được giảm, cả hộ sẽ được miễn tiền thuê.

    Các đối tượng được miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội bao gồm: người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo quy định; hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo chuẩn của pháp luật; và đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng.

    Mức miễn, giảm tiền thuê nhà: Người có công với cách mạng sẽ được giảm theo tỷ lệ quy định. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo sẽ được giảm 60% tiền thuê, và mức giảm này áp dụng cho toàn hộ chứ không tính riêng từng thành viên.

    Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được diễn ra theo các nguyên tắc nào?

    Căn cứ theo Điều 79 Luật Nhà ở 2023 quy định về các nguyên tắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:

    Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
    1. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
    a) Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở;
    b) Có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;
    c) Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    d) Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
    đ) Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên trước đối với: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội, nữ giới;
    e) Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.
    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn.
    3. Quy định tại Mục 2 Chương này không áp dụng cho việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, việc phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, trừ trường hợp các mục 3, 4 và 5 Chương này có quy định dẫn chiếu áp dụng quy định tại Mục 2 Chương này.

    Như vậy, chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Nhà nước phát triển nhà ở; kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và đối tượng được hỗ trợ; đảm bảo công khai, minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ; đúng đối tượng và đủ điều kiện theo quy định; nếu một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chỉ nhận mức cao nhất; hộ gia đình có nhiều đối tượng chỉ được áp dụng một chính sách.

    Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

    Các quy định này không áp dụng cho phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang, hoặc cá nhân tự xây dựng, trừ các trường hợp cụ thể được dẫn chiếu.

    25