Điều kiện để cá nhân tham gia tố tụng dân sự là gì?
Nội dung chính
Điều kiện để cá nhân tham gia tố tụng dân sự là gì?
Theo chương VI Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người tham gia tố tụng dân sự 2015 bao gồm:
+ Đương sự;
+ Người tham gia tố tụng khác: bao gồm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người đại diện.
Thứ nhất, xét đối tượng tham gia tố tụng là đương sự.
Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan tổ chức khác do Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và nghĩa vụ của người đó bị xâm phạm.
Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức khác khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
Người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người không bị kiện hoặc không khởi kiện nhưng có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án thì có thể tự mình đề nghị hoặc được người khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận họ là người có quyền và lợi ích liên quan.
Người yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân , gia đình,lao động, thương mại.
Người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự là người tuy không yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc nhưng có quyền và lợi ích của mình gắn với yêu cầu đó.
Từ những phân tích nêu trên, một người tự mình tham gia tố tụng dân sự thì phải đảm bảo điều kiện sau:
- Có năng lực tố tụng dân sự. Căn cứ Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. Những người sau đây có năng lực hành vi tố tụng dân sự:
+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên trừ người mất năng lực hành vi dân sự. Với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức và điều chỉnh hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự được xác định theo quyết định của Tòa án.
+ Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó.
- Thuộc một trong các đối tượng là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người yêu cầu và người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự. Tức là phải được xét là người có quyền lợi bị xâm phạm hoặc bị người khác khởi kiện hoặc có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án dân sự, vụ việc dân sự …hay không để xác định tư cách tham gia tố tụng dân sự.
Thứ hai, người tham gia tố tụng khác.
Người tham gia tố tụng khác bao gồm:
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Cụ thể bao gồm những chủ thể sau:
+ Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
+ Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
+ Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;
+ Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tự mình tham gia tố tụng dân sự thì ngoài đảm bảo điều kiện năng lực hành vi tố tụng dân sự thì còn phải bảo đảm điều kiện với với từng chủ thể nêu trên. Như luật sư thì phải có điều kiện là có giấy phép hành nghề luật sư theo quy định pháp luật về luật sư…Còn với một cá nhân thông thường thì chỉ cần bảo đảm năng lực hành vi dân sự và không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
- Người làm chứng: Căn cứ Điều 77 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Do vậy, một người tham gia với tư cách là người làm chứng thì chỉ cần đảm bảo điều kiện khi biết tình tiết liên quan đến nội dung vụ việc và không rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự.
- Người giám định: Căn cứ Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Người giám định tự mình tham gia tố tụng khi đảm bảo điều kiện năng lực tố tụng dân sự và phải có kinh nghiệm, có kiến thức về lĩnh vực với đối tượng cần giám định.
- Người phiên dịch: Căn cứ Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.
Người phiên dịch phải đảm bảo điều kiện năng lực tố tụng dân sự và là người có khả năng dịch ra từ một ngôn ngữ khác ra Tiếng Việt và ngược lại.
- Người đại diện trong tố tụng dân sự theo Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
(1) Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
(2) Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Người đại diện trong tố tụng dân sự tham gia với tư cách là người đại diện khi người được đại diện là một trong các đối tượng tham tố tụng dân sự và phải đảm bảo điều kiện năng lực hành vi tố tụng dân sự của người đại diện.