Diện tích đất ruộng đo đạc lại bị thiếu so với Sổ đỏ làm sao lấy lại được?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Thị Ngọc Huyền
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Đất ruộng được hiểu như thế nào? Diện tích đất ruộng đo đạc bị thiếu so với Sổ đỏ làm sao lấy lại được?

Nội dung chính

    Đất ruộng được hiểu như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Đất đai 2024, đất đai được phân thành ba nhóm dựa theo mục đích sử dụng, gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật hiện hành, không có khái niệm chính thức nào về đất ruộng.

    Trên thực tế, đất ruộng là thuật ngữ phổ biến mà người dân thường dùng để chỉ loại đất được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích trồng lúa hoặc canh tác cây nông nghiệp hàng năm. Do đó, đất ruộng thuộc nhóm đất nông nghiệp, chịu sự quản lý và điều chỉnh theo các quy định về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    Diện tích đất ruộng đo đạc lại bị thiếu so với Sổ đỏ làm sao lấy lại được?

    Diện tích đất ruộng đo đạc lại bị thiếu so với Sổ đỏ làm sao lấy lại được? (Hình từ Internet)

    Diện tích đất ruộng đo đạc lại bị thiếu so với Sổ đỏ làm sao lấy lại được?

    Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 135 Luật Đất đai 2024, trường hợp có sự chênh lệch diện tích đất (bao gồm cả đất ruộng) giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên Sổ đỏ đã cấp mà ranh giới thửa đất ruộng đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất ruộng tại thời điểm có Sổ đỏ đã cấp, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp đổi Sổ diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế.

    Căn cứ theo quy định nêu trên thì khi đo đạc lại mà diện tích đất ruộng bị thiếu so với Sổ đỏ thì sẽ xảy ra 2 trường hợp như sau:

    Trường hợp 1: Diện tích đo đạc lại bị thiếu so với Sổ đỏ mà ranh giới thửa đất ruộng đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất ruộng tại thời điểm có Sổ đỏ đã cấp không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề

    Đối với trường hợp này thì căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, người sử dụng đất thực hiện thủ tục cấp đổi Sổ đỏ.

    Trường hợp 2: Diện tích đo đạc lại bị thiếu so với Sổ đỏ mà ranh giới thửa đất ruộng đang sử dụng có thay đổi đổi so với ranh giới thửa đất ruộng tại thời điểm có Sổ đỏ đã cấp (nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi có thể do hành vi lấn chiếm đất của người sử dụng đất liền kề)

    Trong trường hợp này, người sử dụng đất có thể thực hiện các bước sau:

    (1) Tự hòa giải, thương lượng với người sử dụng đất liền kề để thống nhất ranh giới thực tế.

    (2) Nếu không thể hòa giải, thương lượng, người sử dụng đất có thể gửi đơn yêu cầu UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp tổ chức hòa giải theo quy định khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024.

    (3) Nếu hòa giải không thành, người sử dụng đất có thể khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về ranh giới đất.

    Như vậy, khi diện tích đất ruộng đo đạc lại bị thiếu so với diện tích ghi trong Sổ đỏ đã cấp, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người sử dụng đất sử dụng cách thức khác nhau để lấy lại diện tích đất bị mất. Cụ thể,

    Nếu ranh giới thửa đất không thay đổi và không có tranh chấp, người sử dụng đất thực hiện thủ tục cấp đổi Sổ đỏ để điều chỉnh diện tích theo số liệu đo đạc thực tế.

    Trường hợp ranh giới thửa đất bị thay đổi do lấn chiếm, người sử dụng đất có thể thương lượng, hòa giải với người sử dụng đất liền kề. Nếu không đạt được thỏa thuận, có thể nộp đơn yêu cầu UBND cấp xã hòa giải, nếu hòa giải không thành có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

    Hướng dẫn viết đơn khởi kiện tranh chấp ranh giới đất khi diện tích đất ruộng bị thiếu so với Sổ đỏ do bị lấn chiếm

    Khi diện tích đất ruộng bị thiếu so với Sổ đỏ do bị lấn chiếm, người khởi kiện sử dụng đơn khởi kiện tranh chấp ranh giới giới đất theo Mẫu số 23-DS (Tải về) tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.

    Cách ghi Đơn khởi kiện như sau:

    (1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).

    (2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ của Toà án đó.

    (3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên;

    - Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó;

    - Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.

    (4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).

    (5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).

    (6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).

    (11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.

    (14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …).

    (15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).

    (16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó;

    - Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ;

    - Trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

    - Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

    - Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

    20
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ