Đất tái định cư có phải nộp tiền sử dụng đất không? Công thức tính tiền sử dụng đất là gì?
Nội dung chính
Tái định cư là gì?
Căn cứ theo khoản 39 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở theo quy định nhưng không còn chỗ ở nào khác.
Mục tiêu của tái định cư là đảm bảo chỗ ở ổn định cho người dân bị ảnh hưởng, giúp họ tiếp tục sinh sống và làm việc tại địa điểm mới sau khi đất của họ bị thu hồi cho các dự án công hoặc phát triển.
Đất tái định cư có phải nộp tiền sử dụng đất không? Công thức tính tiền sử dụng đất là gì? (Hình từ Internet)
Đất tái định cư có phải nộp tiền sử dụng đất không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai 2024 như sau:
Giao đất có thu tiền sử dụng đất
1. Cá nhân được giao đất ở.
...
Do đó, cá nhân được giao đất ở, kể cả đất tái định cư, vẫn phải nộp tiền sử dụng đất. Điều này có nghĩa rằng, mặc dù đất tái định cư được Nhà nước cấp để đền bù, người dân vẫn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như các trường hợp khác khi được giao đất ở.
Nhiều người có thể lầm tưởng rằng đất tái định cư được miễn phí, nhưng thực tế, người nhận đất tái định cư phải đóng tiền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Như vậy, dù được Nhà nước giao đất thì không có nghĩa người dân được miễn tiền sử dụng đất.
Công thức tính tiền sử dụng đất khi được giao đất thu tiền sử dụng là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng được tính theo công thức sau:
Tiền sử dụng đất = Diện tích đất tính tiền sử dụng đất x Giá đất tính tiền sử dụng đất
Trong đó:
- Diện tích đất tính tiền sử dụng đất được xác định là phần diện tích thu tiền sử dụng đất được ghi trên quyết định giao đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Giá đất tính tiền sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định 103/2024/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
+ Giá đất tính tiền sử dụng đất là giá đất trong Bảng giá đất áp dụng cho các trường hợp quy định tại các điểm a, h và k khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai.
+ Giá đất tính tiền sử dụng đất là giá đất cụ thể áp dụng cho các trường hợp quy định tại điểm a, điểm đ khoản 1 Điều 160 Luật Đất đai được xác định theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất.
+ Giá đất tính tiền sử dụng đất là giá trúng đấu giá áp dụng trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.
+ Giá đất tính tiền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được xác định theo đơn vị đồng/mét vuông (đồng/m2).
Trường hợp nào được miễn tiền sử dụng đất?
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, người dân được miễn tiền sử dụng đất khi thuộc một trong 05 trường hợp sau:
(1) Khi được Nhà nước giao hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất dành cho:
- Thương binh, bệnh binh không có khả năng lao động hoặc gia đình liệt sĩ không còn người nào là lao động chính.
- Hộ nghèo, dân tộc thiểu số tại những nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
- Những người bị thu hồi đất do đất ở có nguy cơ đe dọa tính mạng con người buộc phải di dời nhưng chưa có chỗ ở mới.
- Hộ gia đình/cá nhân bị thu hồi nhà đất mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở và cũng không có chỗ ở nào khác trong khu vực địa bàn đất bị thu hồi.
- Đất được bố trí để xây dựng cơ sở mai táng cho các đối tượng chính sách xã hội.
(2) Miễn trong hạn mức khi thực hiện cấp Sổ lần đầu do chuyển mục đích sử dụng đất không phải đất ở sang đất ở do tách hộ với trường hợp là dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các vùng đặc biệt khó khăn.
(3) Miễn trong hạn mức giao đất ở với hộ gia đình, người có công với Cách mạng thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất.
(4) Để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang hoặc nhà chung cư thực hiện cải tạo, xây dựng lại theo quy định.
(5) Một số trường hợp khác nhưng phải có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Những trường hợp này nhằm đảm bảo công bằng xã hội, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc thuộc diện ưu tiên theo chính sách xã hội của Nhà nước.