Đất dành cho đường sắt được sử dụng vào mục đích gì? Không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt khi nào?

Đất dành cho đường sắt được sử dụng vào mục đích gì? Không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt khi nào?

Nội dung chính

    Đất dành cho đường sắt được sử dụng vào mục đích gì?

    Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 12 Luật Đường sắt 2017 quy định đất dành cho đường sắt như sau:

    Đất dành cho đường sắt
    ...
    2. Việc sử dụng đất dành cho đường sắt được quy định như sau:
    a) Đất dành cho đường sắt được dùng để xây dựng công trình đường sắt và bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
    b) Trường hợp đất dành cho đường sắt phải sử dụng kết hợp để xây dựng công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội không thể bố trí ngoài phạm vi đất này thì không được làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt và khi thực hiện phải được cấp phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
    c) Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.

    Như vậy, đất dành cho đường sắt sẽ được dùng để xây dựng công trình đường sắt và bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Đất dành cho đường sắt được sử dụng vào mục đích gì? Không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt khi nào?Đất dành cho đường sắt được sử dụng vào mục đích gì? Không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt khi nào? (Hình từ Internet)

    Không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt khi nào?

    Căn cứ khoản 4 Điều 27 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định hoạt động, sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt:

    Hoạt động, sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt
    ...
    4. Không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt trong các trường hợp sau:
    a) Xây dựng các công trình kiến trúc, trồng cây che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt;
    b) Xây dựng các công trình không liên quan đến công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị trong vùng không được xây dựng công trình khác quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 của Nghị định này.

    Như vậy, không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt trong các trường hợp sau:

    - Xây dựng các công trình kiến trúc, trồng cây che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt;

    - Xây dựng các công trình không liên quan đến công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị trong vùng không được xây dựng công trình khác là vùng đất bao quanh hầm, có mặt cắt hình chữ nhật, được xác định như sau:

    + Đối với hầm tròn, phía trên và phía dưới cách đỉnh hầm hoặc đáy hầm bằng một lần đường kính ngoài vỏ hầm; hai bên cách mép ngoài của vỏ hầm bằng một lần bán kính ngoài vỏ hầm;

    + Đối với hầm chữ nhật, phía trên và phía dưới cách đỉnh hầm hoặc đáy hầm một khoảng bằng 06 mét; hai bên cách mép ngoài hầm một khoảng bằng 03 mét;

    + Đối với hầm có dạng mặt cắt khác, quy về hầm tròn hoặc hầm chữ nhật tùy thuộc vào mặt cắt hầm gần giống với hình nào hơn.

    Đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt được sử dụng trong các trường hợp nào?

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 27 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau:

    - Tập kết tạm vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ thi công công trình đường sắt nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tầm nhìn cho người tham gia giao thông, an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ;

    - Xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội trong vùng kiểm soát xây dựng công trình khác của công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị theo quy định:

    Vùng kiểm soát xây dựng công trình khác là vùng đất phía trên, bên ngoài vùng không được xây dựng công trình khác, nằm trong phạm vi hình thang có đáy bé (ở phía dưới) là đoạn thẳng nằm ngang chia đôi vùng không được xây dựng công trình khác và đáy lớn là mặt đất tự nhiên (ở phía trên) với kích thước của đáy lớn được xác định như sau:

    + Trong khu gian là 30 mét, tính từ tim hầm trở ra mỗi bên;

    + Tại khu vực nhà ga ngầm là 40 mét, tính từ tim hầm trở ra mỗi bên.

    16