Có tiếp tục cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc khi đang giải quyết khiếu nại về thu hồi đất rừng để làm đường cao tốc không?

Khi nào thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc với đất rừng thu hồi để làm đường cao tốc? Thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc khi thu hồi đất rừng như thế nào? Trường hợp khiếu nại về thu hồi đất rừng thì có tiếp tục cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc không?

Nội dung chính

    Khi nào thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc với đất rừng thu hồi để làm đường cao tốc?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất rừng hay đất trồng rừng là loại đất lâm nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp. Được sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

    Theo khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì thu hồi đất được định nghĩa là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý.

    Tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5729:2012 thì đường cao tốc được định nghĩa là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

    Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2024 thì khi đất rừng nằm trong phạm vi đất dự án xây dựng đường cao tốc thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất để thực hiện dự án.

    Đồng thời theo khoản 2 Điều 88 Luật Đất đai 2024 thì việc kiểm đếm bắt buộc sẽ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố sau:

    + Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định kiểm đếm bắt buộc sau khi được vận động, thuyết phục.

    + Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và đã được thông báo trên hệ thống truyền thanh của cấp xã.

    + Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đã có hiệu lực thi hành.

    + Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc có hiệu lực thi hành.

    Như vậy, khi người sử dụng đất rừng nằm trong phạm vi đất dự án xây dựng đường cao tốc thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất và việc kiểm đếm là một trong những công việc bắt buộc của thủ tục thu hồi đất, nếu người sử dụng đất rừng không chấp hành việc kiểm đếm bắt buộc sau khi được vận động và có thông báo, quyết định về việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đã có hiệu lực thì người sử dụng đất rừng sẽ bị cưỡng chế thực hiện việc kiểm đếm.

    Có tiếp tục cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc khi đang giải quyết khiếu nại về thu hồi đất rừng để làm đường cao tốc không?(Hình từ Internet)

    Thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc khi thu hồi đất rừng như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 36 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì việc thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc được thực hiện như sau:

    - Thành lập Ban cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc: Trước khi thực hiện kiểm đếm bắt buộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc bao gồm:

    + Trưởng ban: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

    + Thành viên: Đại diện các cơ quan cấp huyện có chức năng thanh tra, tư pháp, quản lý đất đai, xây dựng; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

    + Thành viên: Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi

    + Các thành viên khác.

    - Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Ban cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc thực hiện vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế và việc vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế phải được lập thành văn bản. Thực hiện theo hai trường hợp:

    + Nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì lập biên bản ghi nhận sự chấp hành và tiến hành kiểm đếm.

    + Nếu người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức lực lượng, phương tiện cần thiết để mở cửa, cổng vào khu đất, thửa đất cần kiểm đếm mà không cần sự cho phép của người sử dụng đất. Việc kiểm đếm phải được lập thành văn bản.

    - Ban cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc có quyền yêu cầu người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế nếu gây cản trở đến việc kiểm đếm; trường hợp không thực hiện thì Ban cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc được thực hiện các biện pháp để di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế.

    - Ban cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia giám sát việc cưỡng chế.

    - Việc cưỡng chế và thực hiện kiểm đếm không được gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản; nếu phát sinh thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, việc thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với đất rừng khi người sử dụng đất không chấp hành việc kiểm đếm bắt buộc sẽ do Ban cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc tiến hành trong thời hạn 5 ngày, đồng thời khi thực hiện kiểm đếm bắt buộc thì không cần sự cho phép của người sử dụng đất. Ngoài ra, việc thực hiện kiểm đếm bắt buộc phải được lập thành văn bản.

    Trường hợp có khiếu nại về thu hồi đất rừng thì có tiếp tục cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc không?

     Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 thì khiếu nại là việc công dân đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 

    Theo đó, tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì khi nhận thấy quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người sử dụng đất rừng có thể tiến hành khiếu nại để cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định đó.

    Tuy nhiên, nếu chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc vẫn sẽ được thực hiện. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra.

    Như vậy, căn cứ theo khoản 2 Điều 40 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, khi nhận thấy quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người sử dụng đất rừng có thể tiến hành khiếu nại để cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định đó nhưng phải có quyết định giải quyết khiếu nại kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì mới dừng việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và bồi thường thiệt hại do quyết định cưỡng chế bắt buộc gây ra.

    23