Có thể nhận bảo lãnh cho người khác bằng quyền sử dụng đất của mình không?

Bảo lãnh là gì? Nhận bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất là gì? Có thể dùng quyền sử dụng đất của mình để nhận bảo lãnh cho khoản vay của cháu trai không?

Nội dung chính

    Bảo lãnh là gì? Nhận bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất là gì?

    Tại Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 có giải thích về bảo lãnh. Theo đó, bảo lãnh được hiểu là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

    Hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về nhận bảo lãnh bằng quyền sử đất là gì. Nhưng có thể hiểu đây là việc người bảo lãnh dùng quyền sử dụng đất của mình làm tài sản đảm bảo để cam kết với bên nhận bảo lãnh rằng họ sẽ thay thế bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nếu bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
    Trong trường hợp này, quyền sử dụng đất đóng vai trò như một tài sản đảm bảo, và có thể bị xử lý để thanh toán nghĩa vụ nếu bên được bảo lãnh không tuân thủ cam kết.

    Có thể nhận bảo lãnh cho người khác bằng quyền sử dụng đất của mình không? (Hình từ Internet)

    Có thể nhận bảo lãnh cho người khác bằng quyền sử dụng đất của mình không?

    Trước đây theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai 2003 quy định về quyền của người sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật khi có các điều kiện sau đây:

    - Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

    - Đất không có tranh chấp;

    - Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

    - Trong thời hạn sử dụng đất.

    Theo đó, Luật Đất đai 2003 cho phép người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất để bảo lãnh.

    Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 cũng như Luật Đất đai hiện hành 2024 đã không còn ghi nhận quyền này nữa. Theo khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất chỉ có các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Quyền bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất không còn được quy định.

    Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành đã bỏ quyền bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất đối với người sử dụng đất. Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất có thể được hiểu như đã phân tích ở trên tuy nhiên thực tế việc này không được phép thực hiện. Cá nhân không được phép bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ cho người khác bằng quyền sử dụng đất. 

    Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất vô hiệu

    Như đã phân tích phía trên, căn cứ theo quy định khoản Điều 27 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân không được phép bảo lãnh cho người khác bằng quyền sử dụng đất. Cá nhân ký kết hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất là không hợp pháp. Hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất là vô hiệu.

    Theo đó hậu quả pháp lý khi hợp đồng bảo lãnh vô hiệu theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Hợp đồng dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập.

    - Khi hợp đồng dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

    Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

    Như vậy, khi hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất vô hiệu, các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu và hoàn trả những gì đã nhận theo đúng quy định pháp luật.


    7