Cơ quan nào có trách nhiệm tiếp nhận thông báo về việc cho thuê nhà ở của chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài từ 01 7 2025?
Nội dung chính
Cơ quan nào có trách nhiệm tiếp nhận thông báo về việc cho thuê nhà ở của chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài từ 01 7 2025?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 140/2025/NĐ-CP quy định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông báo về việc cho thuê nhà ở của chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài như sau:
Điều 9. Nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến phát triển, quản lý nhà ở
1. Trách nhiệm quy hoạch, bố trí diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Nhà ở năm 2023 do Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện.
2. Trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Nhà ở năm 2023 do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nếu được ủy quyền.
3. Trách nhiệm tiếp nhận thông báo về việc cho thuê nhà ở của chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Luật Nhà ở năm 2023 do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
4. Trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên địa bàn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 120 Luật Nhà ở năm 2023 do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
5. Trách nhiệm quản lý kiến trúc mặt ngoài của nhà ở quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Nhà ở năm 2023 do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trong trường hợp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
6. Trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phá dỡ nhà ở để thu hồi đất quy định tại điểm a khoản 2 Điều 139 Luật Nhà ở năm 2023 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
7. Trách nhiệm tổ chức cưỡng chế phá dỡ nhà ở quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Nhà ở năm 2023 do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
8. Trách nhiệm chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quản lý nhà nước về nhà ở tại địa phương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 5 Điều 93 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, khoản 3 Điều 46 Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Như vậy UBND cấp xã là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông báo về việc cho thuê nhà ở của chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài từ ngày 01/7/2025.
Lưu ý: Nghị định 140/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025
Cơ quan nào có trách nhiệm tiếp nhận thông báo về việc cho thuê nhà ở của chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài từ 01 7 2025? (Hình từ Internet)
Điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là gì?
Căn cứ theo Điều 18 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
- Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật Nhà ở 2023 phải là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật Nhà ở 2023 thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật.
- Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật Nhà ở 2023 phải không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài nào được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?
Căn cứ theo Điều 17 Luật Nhà ở 2023 quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
Điều 17. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thông qua các hình thức sau đây:
a) Tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam;
b) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 của Luật này;
c) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở theo quy định tại điểm b khoản này.
Như vậy các tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm:
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.